Logo Bệnh viện Nhân dân 115
13/09/2018 19:51

BS.CK2 Nguyễn Đức Khang giải đáp về các phương pháp chẩn đoán hình ảnh

BS.CK2 Nguyễn Đức Khang - trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Nhân dân 115 giải đáp thắc mắc của bạn đọc AloBacsi về các phương pháp chẩn đoán hình ảnh: Xquang, CT, MRI, PET-CT…

BS.CK2 Nguyễn Đức Khang - trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Nhân dân 115

Có nên chụp CT toàn thân để tầm soát ung thư? Vì sao sau khi chụp DSA bệnh nhân phải nằm bất động 24 giờ? Thuốc cản quang ảnh hưởng đến sức khỏe thế nào?... là những thắc mắc của bạn đọc AloBacsi được BS.CK2 Nguyễn Đức Khang - trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Nhân dân 115 giải đáp trong buổi tư vấn trực tuyến diễn ra vào 10g sáng 13/9.

Chương trình được phối hợp thực hiện bởi Kênh thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn và Bệnh viện Nhân dân 115.

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

FB Đỗ Quỳnh Như

Xin chào BS Khang,

BS cho em hỏi, “hạn sử dụng” của các phim Xquang, CT, MRI là bao lâu ạ? Nó được tính như thế nào ạ? Em cảm ơn BS!

BS.CK2 Nguyễn Đức Khang

Quỳnh Như thân mến,

Các phim Xquang, CT, MRI là tài sản cá nhân của mỗi người bệnh, nó là cơ sở để các BS tham khảo, đối chiếu với các hình mới chụp. Bạn có thể giữ lại bao lâu tùy ý.

Theo Luật hiện hành, các phim Xquang, CT, MRI được lưu cùng hồ sơ bệnh án người bệnh trong kho và thường được bảo quản trong 10 năm. Sau đó, hủy theo quy trình.

Hiện nay có công nghệ lưu trữ hình ảnh trên hệ thống PACS. Với công nghệ này thì có thể lưu vĩnh viễn trên đám mây điện tử.


FB Út Coke N.

Chào BS,

Có phải máy chụp CT càng nhiều lát cắt càng tốt không ạ? Em có chỉ định chụp CT đầu nhưng theo em tìm hiểu thì BV ở địa phương em chỉ có CT 64 lát cắt thôi, em có nên đi SG không? Cảm ơn BS!

BS.CK2 Nguyễn Đức Khang

Chào bạn,

CT càng nhiều lát cắt thì thời gian chụp càng ngắn, chất lượng hình ảnh tốt hơn, liều tia giảm đáng kể. Chính vì lý do đó, độ chính xác sẽ cao hơn và an toàn cho người bệnh hơn, nhưng chi phí khá cao.

Với trường hợp của bạn, CT 64 lát cắt đã đủ chính xác rồi. Bạn có thể chụp tại địa phương, không cần đến TPHCM chụp CT nhé.


Minh Nguyên - Quận Bình Thạnh

BS ơi,

Tôi mới chụp CT mạch vành về. Lúc tiêm thuốc cản quang, tôi thấy có 1 luồng nóng ran chạy vòng vòng trong người. BS chỉ dặn về phải uống nhiều nước.

Xin hỏi BS thuốc cản quang có hại như thế nào ạ? Ngoài việc uống nước có cách nào giúp đào thải thuốc cản quang nhanh hơn không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Đức Khang

Xin chào bạn,

Thuốc cản quang có khả năng gây ra phản ứng thuốc với 3 cấp độ: Cấp (sau khi chích thuốc), muộn (trong khoảng 1 tuần) và rất muộn (sau khoảng 1 tuần). Ngoài ra, thuốc còn gây tổn thương, suy giảm chức năng thận.

Với phản ứng thuốc (sốc thuốc) tức thì, nếu nhẹ, có thể nổi mề đay, phát ban, ngứa. Nặng hơn, bệnh nhân có thể khó thở, tụt huyết áp, ngưng hô hấp - tuần hoàn và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Suy chức năng thận diễn ra trong vòng 3 ngày sau khi chích thuốc cản quang (sau khi đã loại trừ những nguyên nhân khác).

Phương pháp truyền dịch sẽ thải thuốc cản quang nhanh hơn, nhưng nếu bạn uống nước được thì vẫn có thể uống nhiều nước như BS dặn mà không cần thiết phải truyền dịch.



FB Nhật H. Q.

Xin chào BS Khang,

Gia đình tôi có nhiều người bị ung thư (1 dì bị ung thư phổi, 1 dì bị ung thư vú, ông chú bên nội bị ung thư gan, 1 người cậu họ bị ung thư tụy…).

Tôi lo lắng lắm, tôi muốn chụp CT toàn thân để tầm soát ung thư thì có nên hay không ạ? Nếu không thì tôi phải tầm soát thế nào? Rất mong được BS hướng dẫn.

BS.CK2 Nguyễn Đức Khang

Chào em,

Tất cả những ung thư mà người thân em mắc phải không mang tính chất di truyền. Em nên khám tổng quát để phát hiện những tổn thương nếu có. Ví dụ: ung thư phổi tầm soát bằng Xquang ngực hay CT phổi liều thấp. Ung thư vú, gan, tụy thì chỉ cần làm siêu âm và các xét nghiệm về marker ung thư.

Nếu có những dấu hiệu nghi ngờ về ung thư như kể trên thì BS mới cho làm thêm những xét nghiệm cao cấp hơn như CT, MRI, PET CT để xác định thêm và chỉ làm cho một bộ phận mà nghi ngờ có dấu hiệu mắc bệnh.


FB Hoa Hong C. G. 

Chào BS,

Em năm nay 25 tuổi, đang làm phụ tá cho phòng răng. Em chụp Xquang cho phòng răng gần 1 năm rồi. Giờ em muốn có bầu thì có cần phải kiêng gì không ạ? Ví dụ như trong 3 tháng đầu em có nên xin làm việc khác không, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Đức Khang

Chào bạn,

Nếu bạn đang có ý định có bầu thì tốt nhất không làm việc trong môi trường này. Đặc biệt là trong 3 tháng đầu. Nếu bạn không thể nghỉ việc được, bắt buộc bạn phải mặc áo chì, giáp chì, mắt kính chì để bảo hộ. Bạn nhớ phải che vùng hạ vị (vùng bụng dưới) để bảo vệ thai, bạn nhé.


FB Trang L.

BS cho em hỏi,

Sau khi phẫu thuật thoát vị đĩa đệm xong, em chụp lại phim MRI liệu còn hình ảnh thoát vị nữa không ạ? Và bao lâu sau khi phẫu thuật thì em chụp MRI lại ạ?

BS.CK2 Nguyễn Đức Khang

Chào bạn,

Sau khi bạn phẫu thuật tháo vị đĩa đệm xong, chụp lại phim MRI chắc chắn không còn hình ảnh thoát vị nữa nếu bác sĩ phâu thuật giỏi.

Tốt nhất là sau 6 tháng bạn có thể chụp MRI để kiểm tra lại.


FB Nh. Quynh Luu

Dạ chào BS, nhờ BS tư vấn giúp em:

Năm ngoái mẹ em có đi khám tổng quát định kỳ thì có nhớ mang máng BS bảo là có 1 chấm đen trong đầu, nên em định dẫn mẹ em đi chụp hình phần đầu để kiểm tra có phải là triệu chứng hình thành khối u không?

Không biết là em có thể dẫn mẹ đi chụp CT hay MRI để có hiệu quả hơn ạ? Và chụp ở bệnh viện nào thì tốt ạ? Vì em có tìm hiểu qua là chụp CT 256 dãy và MRI phải chụp ở những máy có độ mạnh từ 1,5-3 tesla thì mới có kết quả chính xác ạ.

Mong BS tư vấn giúp em. Em cảm ơn BS nhiều ạ!

BS.CK2 Nguyễn Đức Khang

Quynh Luu thân mến,

Bạn nên đến các bệnh viện lớn ở TPHCM như BV Nhân Dân 115, BV Chợ Rẫy với máy MRI 1,5 tesla là đủ và phải có tiêm thuốc.



FB Tin H.

Xin chào AloBacsi,

Em tên Tín quê Quảng Ngãi. Em bị đau vùng thắt lưng lan xuống mông và đau vùng cổ. Cho em hỏi có thể chụp MRI cả vùng cổ và thắt lưng được không, và chi phí như thế nào? Em xin chân thành cám ơn.

BS.CK2 Nguyễn Đức Khang

Chào bạn,

Có thể chụp MRI cả vùng cổ và thắt lưng cùng lúc được, bạn nhé. Chi phí chụp mỗi bộ phận là khoảng 2 triệu đồng.


FB H. T. Kim Chung

Chào BS,

Cho cháu hỏi chụp MRI có ảnh hưởng gì tới sức khỏe không? Ba cháu sau khi chụp MRI ở vùng bụng (u gan), về nhà cảm thấy mệt mỏi, chân tay rã rời, như vậy có bị sao không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Đức Khang

Bạn thân mến,

Khoa học đã chứng minh, với MRI 3 tesla trở xuống không có ảnh hưởng gì đến sức khỏe.

Trường hợp ba bạn có tiêm thuốc cản từ nên có thể có tác dụng của thuốc nên mệt mỏi, ngoài ra, cũng chưa loại trừ khả năng bị u gan nên tốt nhất nên đi khám bác sĩ, bạn nhé.

Thân mến.


FB Minh Uyên

Em đau đầu kinh niên thì nên chụp CT hay DSA ạ? Nếu em đi chụp DSA có tự đăng ký chụp được không hay phải có chỉ định của BS ạ?

Các xét nghiệm trước khi chụp CT và DSA gồm những gì, thưa BS? Chụp về ngay trong ngày có được không và em cần chuẩn bị chi phí bao nhiêu? Em cảm ơn BS.

BS.CK2 Nguyễn Đức Khang

Chào bạn,

Bạn nên đi khám bác sĩ nội thần kinh. Tùy theo chỉ định của bác sĩ sẽ chụp CT, MRI hay DSA.

Các xét nghiệm trước khi chụp CT và DSA gồm: Buổi sáng nhịn ăn, xét nghiệm chức năng thận.

Với chụp CT thì có thể chụp trong ngày, chi phí khoảng 2 triệu đồng.

Với DSA bắt buộc phải nhập viện, làm hồ sơ bệnh án, bác sĩ có hội chẩn. Nếu không có gì bất thường sẽ được về vào ngày hôm sau. Nếu có bất thường cần can thiệp thì phải ở lại vài ngày, tùy vào tình trạng bệnh của bạn.


Nguyễn Thị Hương - Đăk Nông

Chào BS,

Em không biết mình có thai nên đã đi chụp CT ở phần đầu, không có thuốc cản quang, không mặc áo gì, về nhà em biết mình có thai đã được 5 tuần.

Vậy có ảnh hưởng gì tới thai nhi không ạ? Em rất hoang mang và lo lắng. Mong BS hãy cho em lời khuyên.

BS.CK2 Nguyễn Đức Khang

Chào em,

Có ảnh hưởng đến thai, em ạ. Một lần chụp CT đầu, bệnh nhân sẽ nhiễm 2mSv, theo lý thuyết có nguy cơ 1/10.000 bị ung thư nhưng thực tế chưa có minh chứng cụ thể.

Để yên tâm hơn, em nên đi khám thai định kỳ để được bác sĩ siêu âm, đánh giá và tư vấn thêm.


Nguyen Van - thaivan...@gmail.com

Chào BS Khang,

Cho em hỏi là trong 5 năm vừa qua em có đi chụp hình X-quang rất nhiều lần, cụ thể là 26 lần: 3 lần chụp sọ, 4 lần về cột sống và phổi, còn những lần còn lại em chụp viêm xoang.

Gần đây nghe nói chụp X-quang nhiều có thể bị ung thư. Vậy cho hỏi em có khả năng bị ung thư không? Chỗ em chụp tư nhân nên em cũng không biết người ta chụp vậy tốt không và mỗi lần chụp như vậy khoảng bao nhiêu Rad?

Và hôm trước em đi chụp sọ + cột sống + phổi trong 1 ngày, xin hỏi vậy có sao không BS?

BS.CK2 Nguyễn Đức Khang

Chào bạn,

Theo quy định, 1 người không được vượt quá 20 mSv mỗi năm. Bạn chụp Xquang 26 lần trong 5 năm là nhiễm 8,20 mSv nên vẫn trong giới hạn cho phép.

Theo lý thuyết, mỗi lần chụp có nguy cơ mắc ung thư là 1/10.000. Chụp nhiều bộ phận trong 1 ngày sẽ có nguy cơ mắc ung thư cao hơn.

Tuy nhiên, đây vẫn là lý thuyết, chưa có bằng chứng khoa học chứng minh, bạn nhé.


Trần Thị B. - Đà Nẵng

Xin BS cho em hỏi,

Chị em xạ trị ung thư tuyến giáp. Lúc đưa cơm em không biết, lỡ đi vào phòng xạ trị thì nó có bị ảnh hưởng gì không ạ? Trước đó chị em mới uống thuốc được 30 phút. Cảm ơn BS!

BS.CK2 Nguyễn Đức Khang

Chào bạn,

Rất là ảnh hưởng, bạn nhé! Bên ngoài các phòng xạ trị đều có dấu hiệu cảnh báo người thường không được vào, rất tiếc là bạn không để ý.

Bạn nên đi khám và kiểm tra nếu trong người có bất thường.




Nguyễn Thị Thu Thảo - emily...@gmail.com

Chào BS,

BS cho em hỏi, con em bé trai 3 tuổi bị té đập đầu nên cho chụp CT tại BV Nhi đồng 2. Bé chụp có 1 lần duy nhất, nhưng em đọc trên mạng thấy tác hại và ảnh hưởng của phóng xạ trong chụp CT đầu nên rất lo sẽ ảnh hưởng và để lại nguy cơ cho bé về sau.

Cho em hỏi nếu bé 3 tuổi chụp CT đầu 1 lần thì sẽ có có thể gặp nhưng nguy cơ gì? Và tỉ lệ là bao nhiêu %? Có cách nào để loại bỏ hết các nguy cơ và chất phóng xạ sau khi chụp rồi không ạ? Cảm ơn BS!

BS.CK2 Nguyễn Đức Khang

Chào bạn,

1 lần chụp CT sẽ bị nhiễm 2mSv, xác suất ung thư là 1/10.000

Sau chụp CT bạn nên cho bé uống sữa, có thể cho uống trà xanh (chè tươi) vì trà xanh giúp giảm tác dụng của tia xạ. 


FB Mai Nguyen

Dạ BS cho em hỏi,

Người nhà em được chỉ định chụp DSA vì có nguy cơ đột quỵ. BS có dặn sau khi chụp phải nằm yên trong 24g. Xin BS giải thích cho em rõ, vì sao phải như vậy và nếu người nhà em không chịu được mà cử động một chút thì có hại gì không? Việc ăn uống và tiêu tiểu sẽ tiến hành như thế nào ạ?

Em cảm ơn BS!

BS.CK2 Nguyễn Đức Khang

Chào bạn,

Khi chụp DSA, người ta phải luồn các dụng cụ ở bẹn. Sau khi làm xong, chỗ đó có thể bị chảy máu hoặc tụ máu nên bác sĩ sẽ băng ép ở bẹn. Chân bệnh nhân phải bất động trong 8 tiếng. Sau đó bác sĩ sẽ tháo băng ép trong vòng 24g.

Về phần chăm sóc: khi ăn thì bệnh nhân cũng phải nằm, tiểu tiện thì người nhà cần phải hỗ trợ thêm, cũng như những trường hợp sau mổ khác, bạn nhé.

 

FB Đỗ Vinh

BS cho em hỏi,

Chụp MRI toàn thân có mắc tiền không ạ? Mà chụp MRI thì bệnh gì cũng sẽ tìm ra phải không BS?

BS.CK2 Nguyễn Đức Khang

Chào bạn,

Giá chụp MRI khoảng 2.336.000 đồng, dùng để tầm soát ung thư, viêm nhiễm…

MRI chỉ phát hiện một số bệnh lý về thần kinh - cột sống, bệnh lý về ổ bụng, bệnh lý về khớp… chứ không phải tìm ra tất cả các bệnh, bạn nhé.


Nguyễn Thanh Bình - binhnguyen…@gmail.com

Em chào BS,

BS cho em hỏi, chụp PET-CT có hại không ạ? Mức độ phóng xạ bị phơi nhiễm là bao nhiêu, có ảnh lớn tới sức khỏe không ạ?

Em nghe nói phóng xạ do chụp CT có thể gây ung thư sau này, nếu chụp rồi thì làm cách nào để giảm mức độ ảnh hưởng của phóng xạ đối với cơ thể?

Sau khi bệnh nhân chụp PET-CT xong có cần cách ly không? Và người thân chăm sóc bệnh nhân chụp PET-CT có cần lưu ý điều gì để bảo đảm an toàn cho chính mình không ạ?

Rất mong được BS hướng dẫn, cảm ơn BS ạ! 

BS.CK2 Nguyễn Đức Khang

Bạn thân mến,

Chụp PET-CT sẽ xảy ra nhiễm xạ kép bao gồm chụp CT toàn thân (tia X), người bệnh sẽ nhiễm khoảng 10 mSv, và PET (tia gamma), cộng với chất phóng xạ FDG với liều lượng là 0,15 mci/kg. Tuy nhiên, với người bị ung thư, chụp PET-CT là cần thiết, giúp phát hiện bệnh kịp thời.

Mỗi lần chụp CT đều có nguy cơ bị ung thư (là 1/ 10.000) nhưng thực tế khoa học vẫn chưa chứng minh nên bạn cũng không cần lo lắng quá.

Bệnh nhân sau khi chụp PET-CT cần phải cách ly tại BV trong vòng 6 tiếng, sau đó người bệnh được về nhà nhưng phải đứng cách xa phụ nữ đang mang thai và trẻ em 1 mét trong 24 giờ.


Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Nhân dân 115 được đầu tư trang thiết bị tân tiến nhất hiện nay trên thế giới đã góp phần rất lớn cho việc chẩn đoán và điều trị của nhiều chuyên khoa như Thần kinh, Tim mạch, Tiêu hóa, Thận niệu, Ung bướu, Cấp cứu, Hồi sức,...

Công tác điều trị:

+ Chụp X quang kỹ thuật số (DR): Chụp X quang nhiều bộ phận cơ thể như đầu, ngực, bụng, cột sống , xương khớp,…

+ Siêu âm: Siêu âm bụng tổng quát, Siêu âm tuyến giáp, Siêu âm tuyến vú, Siêu âm tim qua thực quản, Siêu âm tim gắng sức, Siêu âm mạch máu, Siêu âm sản phụ khoa, Siêu âm can thiệp,…

+ Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp Cộng hưởng từ Não, Chụp Cộng hưởng từ Cột sống, Chụp Cộng hưởng từ Xương khớp, Chụp Cộng hưởng từ Bụng chậu, Chụp Cộng hưởng từ mạch máu MRA, Chụp Cộng hưởng từ Tim, Cộng hưởng từ Chức năng, Cộng hưởng từ tầm soát ung thư toàn thân, Cộng hưởng từ Vú,…

+ Chụp cắt lớp vi tính (CT scanner): Chụp cắt lớp vi tính khảo sát tim mạch, Chụp cắt lớp vi tính khảo sát mạch cảnh, Chụp cắt lớp vi tính khảo sát động mạch chủ, Chụp cắt lớp vi tính khảo sát mạch máu chi, Chụp cắt lớp vi tính khảo sát vùng Bụng - Chậu, Chụp cắt lớp vi tính khảo sát vùng Ngực, Chụp cắt lớp vi tính khảo sát sọ não, Chụp cắt lớp vi tính khảo sát cột sống, Chụp cắt lớp vi tính khảo sát xương khớp, Chụp cắt lớp vi tính nội soi ảo phế quản - đại tràng, Chụp cắt lớp vi tính khảo sát xoang...

+ Chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA): Can thiệp tim mạch, Can thiệp thần kinh, Can thiệp ngoại biên, Can thiệp cấp cứu

+ Chụp PET/CT: Mức độ chính xác trong chẩn đoán, thuận lợi trong theo dõi và tiên lượng bệnh, PET-CT tiếp tục đạt sự chấp nhận rộng rãi hơn so với các phương pháp ghi hình khác trong lĩnh vực y khoa.

Các phương pháp điều trị kỹ thuật cao:

- Can thiệp nội mạch điều trị bệnh lý dị dạng mạch máu thần kinh và cột sống

- Can thiệp nội mạch lấy huyết khối điều trị đột quỵ thiếu máu não cấp

- Can thiệp nội mạch lấy huyết khối điều trị thuyên tắc động mạch phổi và mạch máu ngoại biên

- Can thiệp nội mạch điều trị phì đại lành tính tiền liệt tuyến

- Can thiệp nội mạch thuyên tắc mạch điều trị: TOCE, u xơ tử cung, ho ra máu xét đánh, xuất huyết,…


Theo Kênh thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080