1. Ống cổ tay có những bệnh gì?
Khi nhắc đến ống cổ tay, chúng ta thường hay nhắc đến hội chứng ống cổ tay. Ra còn có bệnh viêm bao gân gấp, nó xuất phát từ ngón tay, có thể nó viêm lan đến ống cổ tay. Tuy nhiên, viêm bao gân gấp gặp không nhiều lắm. Chúng ta thường gặp hội chứng ống cổ tay hơn.
2. Hội chứng ống cổ tay thường gặp ở những người làm công việc gì?
Trong hội chứng ống cổ tay, có hai nhóm nguyên nhân tức là nhóm nguyên nhân rõ ràng và những yếu tố thuận lợi (những người hay gặp bệnh này) chứ không phải là đó là nguyên nhân.
Những người hay bị hội chứng cổ tay là những người làm việc nhẹ nhàng hơn ta một chút chẳng hạn như phụ nữ làm nội trợ, người thường xuyên đi xe máy… những chấn thương nhẹ nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần thì nguy cơ bị sẽ cao hơn.
3. Hội chứng ống cổ tay có những dấu hiệu nào đặc trưng mà người bệnh có thể tự nhận biết?
Để nhận biết hội chứng ống cổ tay, đầu tiên các bệnh nhân sẽ kể với bác sĩ về triệu chứng họ gặp phải, đó là bị tê tay, và tùy theo từng mức độ, bệnh sẽ có các biểu hiện khác nhau.
Dấu hiệu phổ biến ở bệnh nhân tại Việt Nam là họ than từ sáng sớm đến chiều tối, hoặc họ chạy xe một đoạn thì tay tê, phải buông ra. Đó là dấu hiệu nhận biết sớm và tùy theo từng đoạn đường mình chạy lâu hay mau, xa hay mệt. Nếu khi mới bắt đầu chạy nhưng người đó bị tê tay, mức độ có thể nặng hơn. Những người có thể chạy xa hơn, mức độ sẽ nhẹ hơn.
Dấu hiệu thứ hai là bị tê tay vào ban đêm, ngủ đến 1-2 giờ sáng không có gì đè lên tay nhưng họ vẫn cảm thấy tê. Ngoài ra, khi cầm bút làm viết hoặc cầm đũa ăn, một hồi rồi ta sẽ cảm thấy tê. Thậm chí, khi một người vừa cầm phấn hay đang viết thì để rơi viên phấn. Khi tê tay, ta sẽ cầm đồ không vững.
Hoặc một số trường hợp khác, bệnh nhân nói tay họ bị mất kiểm soát, tay họ bị teo một ngón và làm bất cứ động tác gì cũng gặp khó khăn. Đó là ảnh hưởng thường gặp ở người già, trước đó họ chịu đựng và bỏ qua các triệu chứng ban đầu. Theo từng giai đoạn, họ sẽ bị liệt và teo cơ.
Khi có những dấu hiệu như thế, người bệnh cần gặp bác sĩ để được tư vấn hoặc làm những xét nghiệm cần thiết để đưa ra các chẩn đoán rồi điều trị nhằm tránh những biến chứng đáng tiếc. Đặc biệt là khi liệt cơ nhưng không phục hồi ở cơ đối chiếu ngón cái - đây là ngón rất quan trọng trong việc cầm nắm.
Cách thứ nhất, khi khám là khám cảm giác ngón tay, bệnh nhân cần mô tả bị tê cụ thể những ngón nào. Đối với hội chứng ống cổ tay, họ chỉ bị tê ba ngón rưỡi mặt lòng của bàn tay và không có dấu hiệu tê mặt lưng bàn tay.
Cách thứ hai, ta có thể thực hiện các test làm tăng áp lực ống cổ tay trong vòng một phút rưỡi. Nếu bệnh nhân bị tê tay thì ta sẽ hướng về hội chứng ống cổ tay.
Ngoài ra, biểu hiện của hội chứng ống cổ tay còn xuất hiện do sự kích thích nên khi gõ trên ống cổ tay, bệnh nhân có cảm giác tê rần rần đến các ngón theo đường dẫn truyền của dây thần kinh giữa.
Cuối cùng, ta sử dụng phương pháp đo điện cơ để biết được người đó có bị hội chứng ống cổ tay hay không. Tùy theo mức độ, ta sẽ có hướng xử trí tiếp theo.
ThS.BS
Nguyễn Văn Mỹ Anh - khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân 115
4. Làm sao để phân biệt tình trạng tê bì tay là do hội chứng ống cổ tay hay do thoái hóa cột sống cổ?
Chúng ta cần phân biệt hội chứng ống cổ tay và bệnh lý chèn ép thần kinh từ cột sống cổ (nhấn mạnh là cột sống cổ).
Triệu chứng của ống cổ tay khi tê, nó xuất phát từ mặt lòng bàn tay. Chủ yếu ở ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa, và một nửa ngón nhẫn và chỉ tê ở mặt trong thôi (mặt lòng bàn tay).
Ngoài hội chứng ống cổ tay, còn có hội chứng chèn ép dây thần kinh trụ (hội chứng kênh Guyon) cũng có biểu hiện chèn ép gần giống như hệ thần kinh trung ương giữa. Nó xảy ra ở ngón út và một phần hai ngón áp út.
Đối với bệnh lý chèn ép thần kinh ở cổ, bệnh nhân phải có dấu hiệu trên cổ. Họ cảm thấy cứng cổ hay cơn đau lan từ cổ xuống vai, hoặc từ vai xuống cánh tay, hoặc từ cánh tay xuống bàn tay. Bệnh của tủy cổ có thời gian diễn tiến dài, bệnh nhân sẽ bị lặp đi lặp lại nhiều lần và mức độ sẽ càng nặng hơn.
Để phân biệt hai triệu chứng đó, ta cần dựa vào triệu chứng lâm sàng. Thứ hai, bệnh nhân sẽ gặp bác sĩ để khám và bác sĩ sẽ kiểm tra cột sống cổ. Hoặc họ sẽ làm test áp lực ống cổ tay để xem nó bị tay chỗ hay nó xảy ra ở cổ.
Cuối cùng, ta sẽ tiến hành làm cận lâm sàng. Đầu tiên, ta sẽ làm điện cơ ở tay. Nếu nghi ngờ nguyên nhân tê tay có thể là bệnh tủy cổ hoặc rễ thần kinh, bác sĩ sẽ tiến hành chụp MRI cột sống cổ để phân biệt.
5. Điều trị hội chứng ống cổ tay gồm những phương pháp nào?
Điều trị hội chứng ống cổ tay chia ra hai nhóm phương pháp là bảo tồn và phẫu thuật.
Đối với phương pháp bảo tồn, bệnh nhân uống thuốc kháng viêm. Song song đó, bệnh nhân có thể tập vật lý trị liệu để mềm ống cổ tay, đỡ bị chèn ép. Thứ hai, bệnh nhân sẽ dùng thuốc để tăng sự dẫn truyền của thần kinh, thông thường là nhóm vitamin B12 liều cao.
Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định chích kháng viêm tại chỗ. Đặc biệt là kháng viêm chích tại chỗ ở ống cổ tay. Việc này còn tùy theo quan điểm của bác sĩ điều trị, có bác sĩ lựa chọn không chích.
Khi điều trị bảo tồn không giảm, trường hợp nặng nhất là teo cơ, đặc biệt là đối với cơ ngón cái sẽ khiến bệnh nhân làm việc gì cũng khó. Bị teo cơ hay kết quả điện cơ ở mức độ nặng thì nên tiến hành phẫu thuật.
6. Thuốc điều trị hội chứng ống cổ tay là những thuốc gì, dùng lâu dài có ảnh hưởng gì không?
Có hai nhóm thuốc chính đó là thuốc kháng viêm và thuốc hỗ trợ.
Đối với kháng viêm, thường bác sĩ sẽ sử dụng thuốc không steroid và steroid. Uống thuốc lâu ngày, họ sẽ bị những tác dụng phụ của thuốc ví dụ như họ bị loét dạ dày. Nếu dùng steroid lâu dài, họ bị hội chứng cushing, do đó thuốc này không nên sử dụng kéo dài.
Đối với thuốc hỗ trợ thì họ có thể dùng lâu hơn. Tuy nhiên, ta cần điều trị nội khoa trong vòng từ 3 đến 6 tuần. Nếu bệnh nhân không đỡ thì nên tiến hành phẫu thuật hội chứng ống cổ tay.
Phẫu thuật hội chứng ống cổ tay là giải pháp mang lại hiệu quả nhất định. Sau phẫu thuật, việc phục hồi nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào thời gian bệnh nhân bị lâu ngày hay còn sớm, tình trạng nặng hay nhẹ. Những bệnh nhân bị chèn ép nặng sau khi mổ, họ chỉ đỡ sơ sơ sau đó từ từ mới đỡ dần.
Những trường hợp bệnh nhân đến sớm hơn thì sẽ phục hồi mau hơn. Tất cả sẽ phụ thuộc vào mức độ chèn ép của cổ tay.
7. Hội chứng ống cổ tay có thể điều trị bằng vật lý trị liệu?
Vật lý trị liệu cần được áp dụng bên cạnh việc sử dụng thuốc để làm tăng hiệu quả hơn. Nếu ta chỉ dùng một phương pháp vật lý trị liệu, nó chẳng mang lại kết quả nhiều. Vì vậy, ta cần kết hợp việc uống thuốc và vật lý trị liệu xen kẽ nhau.
8. Khi nào hội chứng ống cổ tay cần phẫu thuật? Ca phẫu thuật kéo dài bao lâu?
Đánh giá hội chứng ống cổ tay sẽ dựa vào mức độ điện cơ, có 3 mức độ. Một số tác giả chia thành 4 mức độ: nhẹ, trung bình, nặng, ngoài ra có thể thêm mức độ rất nặng.
Mức độ nhẹ thì sẽ đáp ứng tốt với việc điều trị bằng thuốc và vật lý trị liệu. Mức độ trung bình bệnh nhân sẽ đáp ứng với điều trị nội khoa khoảng 50% và 50% không đáp ứng điều trị nội khoa.
Đối với những trường hợp không đáp ứng nội khoa và ảnh hưởng đến sinh hoạt, đo điện cơ ở mức độ trung bình thì bác sĩ sẽ đặt vấn đề và giải thích với bệnh nhân chuyển sang phương pháp phẫu thuật.
Đối với trường hợp nặng và rất nặng, đáp ứng với điều trị nội khoa và vật lý trị liệu rất kém thì nên phẫu thuật sớm. Đặc biệt khi có teo cơ mô cái, đặc biệt là cơ đối ngón cái, cần phẫu thuật ngay chứ không điều trị nội khoa nữa.
Điều trị phẫu thuật không phải là vấn đề khó khăn. Ta có hai cách thức phẫu thuật: phương pháp thứ nhất là mổ hở ống cổ tay từ 2-3 cm. Cách thứ hai có thể ta sẽ mổ nội soi, chi phí sẽ cao hơn. Mỗi phương pháp sẽ có ưu điểm và khuyết điểm riêng.
Thời gian mổ hội chứng ống cổ tay sẽ rất ngắn, khoảng 10 - 15 phút đã xong rồi. Việc nằm viện tùy thuộc vào cơ sở y tế. Một số cơ sở y tế buộc bệnh nhân phải ở lại. Một số nơi sẽ cho bệnh nhân về nhà ngay trong ngày hôm đó. Đối với Bệnh viện Nhân dân 115, bệnh nhân có thể về nhà ngay sau khi phẫu thuật nếu không có vấn đề nội khoa đặc biệt.
9. Sau phẫu thuật hội chứng ống cổ tay bao lâu thì bệnh nhân có thể đi xe máy hay làm việc với máy tính?
Sau phẫu thuật, ta sẽ đợi 10 ngày mới cắt chỉ. Trong 10 ngày đó, bệnh nhân sẽ không đụng nước và cần chăm sóc vết thương cho đến lúc cắt chỉ. Có một số bệnh nhân ngưỡng chịu đau rất tốt cho nên sau vài ngày mặc dù vẫn mang băng nhưng họ vẫn có thể lái xe và làm các hoạt động của mình một cách nhẹ nhàng, nhưng một số trường hợp có thể lâu hơn.
Thông thường để bệnh nhân trở lại sinh hoạt bình thường phải mất 2 tuần nhưng chưa thể nói là lành hoàn toàn vì sau mổ sẽ để lại sẹo tại ống cổ tay, họ sẽ cảm thấy đau khi chạm vào. Hiện tượng này phải mất đến 6 tuần mới trở lại bình thường.
10. Sau phẫu thuật, nếu bệnh tái phát thì sẽ điều trị bằng cách nào?
Đối với mổ ống cổ tay, có nhiều bệnh nhân lo sợ mình sẽ tái phát nhưng tỷ lệ tái phát của mổ hở rất thấp. Tỷ lệ rơi vào từ 0.9 đến 1.2%, tức là cứ 100 người có một người bị lại. Nếu ta mổ nội soi, tỷ lệ tái phát sẽ cao hơn mốt chút.
Tuy nhiên, khi bệnh nhân tái phát sau khi mổ hở ống cổ tay thì vấn đề sẽ khó hơn cho việc phẫu thuật. Lúc đó, nó không những chèn ép mà nó còn tái phát là do nó dính dây thần kinh vừa được mổ. Cho nên việc phẫu thuật gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng không có nghĩa là mình sẽ không mổ được.
Mổ lần thứ hai nên được tiến hành theo kỹ thuật vi phẫu, ta sẽ bốc tách những phần dính với dây thần kinh. Từng bước sẽ khác với mổ lần đầu, trong quá trình phẫu thuật này ta cần thực hiện từ 45 đến 60 phút để tiến hành mổ.
11. Hội chứng ống cổ tay có cách nào phòng tránh?
Để tránh hội chứng ống cổ tay hoàn toàn sẽ rất khó khăn, đặc biệt ở Việt Namviệc đi lại bằng xe máy là yếu tố thuận lợi làm tăng áp lực cổ tay mỗi ngày. Có người chạy xe máy một ngày rất nhiều, khiến cho gây áp lực cổ tay cứ diễn biến nhiều. Ngoài ra, cũng có một số nguyên nhân là do thói quen, một số người có thói quen nằm kê tay nhiều kiểu khác nhau, đó cũng là nguyên nhân gây áp lực cổ tay. Ta có thể tránh trường hợp này.
Ngoài ra, chúng ta có thể tập các động tác cho cổ tay để tăng sự dẻo dai cho khớp và giảm sự chèn ép ở ống cổ tay.
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.com