1. Vì sao số lượng F0 vẫn gia tăng dù tỷ lệ chích ngừa COVID-19 cao?
Sau khi TPHCM nới lỏng giãn cách từ tháng 10, cho đến nay số lượng F0 vẫn gia tăng, mặc dù tỷ lệ chích ngừa COVID-19 ở TPHCM đứng đầu cả nước. Theo BS vì sao có tình trạng F0 gia tăng?
BS.CK1 Nguyễn Thị Thanh Bình: Trong thời gian giãn cách, số ca nhiễm vẫn còn, chưa hết hoàn toàn. Trong thời gian vừa chích vừa chống dịch, vẫn còn một số người chưa được chích ngừa. Một số bệnh nhân dù được chích 2 mũi, người đó vẫn chưa có miễn dịch hoặc miễn dịch vẫn chưa đủ để bảo vệ. Điều đó cho thấy dù đã được chích đủ hai mũi, chúng ta vẫn phải thực hiện 5K và theo dõi sức khỏe. Chúng ta vẫn phải giữ khoảng cách, rửa tay, đeo khẩu trang… những việc này có thể giúp giảm tỷ lệ nhiễm xuống theo thời gian.
2. Vì sao có người bệnh COVID-19 tử vong dù đã chích ngừa đủ 2 mũi?
Nhiều người có tâm lý chủ quan sau khi đã chích ngừa 2 mũi. Nhưng gần đây thành phố đã có người bệnh F0 tử vong dù đã chích ngừa đủ. Như vậy, việc chích ngừa 2 mũi có ý nghĩa thế nào, mức độ bảo vệ ra sao, thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn Thị Thanh Bình: Bệnh nhân tử vong không chỉ do COVID-19, mà còn nhiều nguyên nhân khác liên quan đến bệnh, ví dụ, bệnh nhân có 1 bệnh nền, 2 bệnh nền, 3 bệnh nền… Hiệu quả chích ngừa cũng tùy thuộc vào đáp ứng miễn dịch của cơ thể, và sau khi chích ngừa người đó vẫn phải giữ gìn sức khỏe, thực hiện giãn cách tốt.
Khi chúng ta chích ngừa, sau khi virus xâm nhập vào đường họng, nó vẫn nằm trong họng và kháng thể từ việc chích ngừa sẽ chiến đấu, đánh bại virus. Khi cơ thể bị suy giảm miễn dịch hay có nhiều bệnh nền, bản thân mình đã giảm khả năng phòng bệnh nên virus sẽ dễ dàng xâm nhập vào máu. Bệnh nhân tử vong do bệnh nền chứ không phải chỉ do virus SARS-CoV-2.
Lưu ý: Mặc dù vẫn có bệnh nhân tử vong sau khi chích ngừa nhưng con số này sẽ thấp hơn so với thời điểm chúng ta chưa chích ngừa. Người không chích ngừa sẽ có nguy cơ bệnh nặng nhiều và tử vong nhanh.
3. Những việc gì cần làm khi mọi người đến văn phòng, cơ quan, xí nghiệp để tránh lây bệnh?
Nhờ BS hướng dẫn những việc cần làm khi mọi người vừa mới đến văn phòng, cơ quan, xí nghiệp để tránh nguy cơ mang mầm bệnh từ ngoài vào nơi làm việc?
BS.CK1 Nguyễn Thị Thanh Bình: Đây là chuyện mọi người ai cũng hiểu, biết vì dịch COVID-19 đã qua 2 năm rồi. Tuy nhiên nhiều người chủ quan vì mình đã chích ngừa và lầm tưởng là hết giãn cách tức là hết dịch, không còn ca bệnh nào, nên người đó không còn thực hiện đúng 5K.
Khi muốn vào cơ quan, mỗi người vẫn phải thực hiện 5K. Phòng làm việc, phòng ăn uống phải được thông thoáng để có thể giảm bớt sự lây nhiễm của virus từ môi trường này sang môi trường khác. Chúng ta không thể khử khuẩn phòng định kỳ như bệnh viện, nhưng mình phải khử khuẩn 1 lần/tuần bằng thuốc khử khuẩn, hoặc sáng chiều mình có thể dùng nước lau sàn. Mình cần làm sạch bề mặt và không khí.
4. Làm sao để tránh lây virus SARS-CoV-2 trong giờ ăn?
Giờ ăn trưa, ai cũng phải tháo khẩu trang, làm sao để tránh lây bệnh ạ?
BS.CK1 Nguyễn Thị Thanh Bình: Đúng là giờ ăn trưa là thời điểm virus dễ lây lan nhất.
Ở khu cách ly của người dương tính, mọi người bảo vệ bằng cách đeo khẩu trang N95, mặc trang phục phòng hộ thậm chí rửa tay khử khuẩn. Tuy nhiên khi ra ngoài để ăn trưa, họ tháo khẩu trang và trang phục ra, nên họ không còn trang bị cho bản thân nữa. Lúc đó, mình ngồi ăn gần người khác chắc chắn sẽ bị lây nhiễm.
Nếu không muốn bị lây nhiễm ở chỗ mình ăn uống và sinh hoạt như vậy, chỉ có cách tuân thủ 5K tức là không tụ tập đông người, giữ khoảng cách 2 mét, rửa tay và đồ vật thật sạch để khử khuẩn, khoảng cách của những người ăn.
Ở trong nhà cũng vậy, mình ăn chung ở chung, nếu có một ca nhiễm là sẽ gây nhiễm cả nhà. Nếu không may một người bị nhiễm mà chưa khử khuẩn trong họng, sẽ lây nguyên cả nhà.
Hiện nay chúng ta chỉ có thể giảm được tỷ lệ lây lan chứ không thể ngăn chặn hoàn toàn. Trong cơ quan xí nghiệp, bắt buộc mọi người phải giãn cách 2 mét. Nhà hàng hay quán ăn cũng phải thực hiện như vậy, Bộ Y tế Hay sở Y tế quy định số người trong quán. Nếu bàn ăn có 2 người, cần phải sử dụng tấm chắn để giảm tỷ lệ giọt bắn từ người nay sang người khác.
5. Người vừa mới ở ngoài về nhà cần vệ sinh, khử khuẩn như thế nào?
Với những người vừa mới ở ngoài về nhà, họ cần vệ sinh, khử khuẩn như thế nào, thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn Thị Thanh Bình: Tất cả điều là 5K để tránh đường lây lan của virus. Để tránh tình trạng virus lây lan, chúng ta cần đeo khẩu trang, rửa tay và tắm rửa. Đầu tiên, khi bước vào nhà chúng ta sẽ rửa tay. Sau đó, mình bỏ giày dép mình đi thẳng vào nhà tắm và tắm trước. Sau đó, chúng ta mới tiếp xúc với người khác, chắc chắn, số lượng virus sẽ giảm. Như vậy, chúng ta mới đảm bảo an toàn.