1. Thế nào là đi ngoài phân sống? Nguyên nhân vì sao?
Đi ngoài phân sống là đi cầu ra những thức ăn ta ăn không thể tiêu hóa. Cụ thể là phân sẽ nát, không thành khuôn. Trong phân có thể nhìn thấy những sợi rau ta ăn vào hoặc những mẩu vụn của các loại thực phẩm ta ăn vào.
Đi ngoài phân sống có rất nhiều nguyên nhân, từ nguyên nhân đơn thuần như rối loạn tiêu hóa cho đến những nguyên nhân là những bệnh lý thực thể, đôi khi đó là những bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng. Khi đi cầu phân sống, ta sẽ chia làm 3 nguyên nhân.
- Nguyên nhân thứ nhất là tình trạng rối loạn tiêu hóa, nhiễm khuẩn, nhiễm virus đường ruột, ngộ độc thức ăn, gây ra tình trạng phân sống.
- Nguyên nhân thứ hai là loạn khuẩn đường ruột. Trong cơ thể chúng ta có hai nhóm vi khuẩn tức có hại và có lợi. Khi mất cân bằng giữa hai nhóm vi khuẩn này thì dẫn đến tình trạng mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
Một nguyên nhân khác gây rối loạn về tiêu hóa là rối loạn về hấp thu. Khi bệnh nhân ăn vào, họ sẽ không hấp thu được những thức ăn mình ăn vào và họ sẽ thải ra ngoài những cái chất họ ăn vào. Rối loạn này có liên quan đến phía trước đường ruột, cụ thể là liên quan đến men tiêu hóa. Khi chúng ta ăn thức ăn vào, cơ thể chúng ta sẽ tiết ra những chất enzyme phân giải thức ăn để cơ thể hấp thu được và nuôi dưỡng cơ thể.
Trong những trường hợp thiếu những men tiêu hóa đó, cơ thể sẽ không phân giải được thức ăn hoặc chỉ phân giải được một phần. Điều này dẫn đến tình trạng thức ăn không hấp thu được rồi bị thải ra ngoài. Những bệnh nhân bị viêm tụy, suy tuyến tụy, thậm chí ung thư đường tụy cũng có thể gây ra tình trạng đi ngoài phân sống .
Nguyên nhân thứ hai vừa được trình bày trên là khuẩn đường ruột, thức ăn đã được phân giải rồi nhưng không hấp thu được vì niêm mạc ở đường ruột hoặc do rối loạn hoạt động ruột gây ra tình trạng đi tiêu phân sống.
Khi chúng ta ăn, thức ăn sẽ được phân giải và hấp thu, sau đó sẽ được vận chuyển. Nếu như rối loạn này có liên quan đến hệ thống bạch mạch, hoạt động của ruột và dẫn đến tình trạng tình trạng đi cầu phân sống.
Ngoài
nguyên nhân ở đường tiêu hóa, chúng ta còn có những nguyên nhân khác nữa. Những
bệnh lý không liên quan đến đường tiêu hóa như nội tiết, bệnh lý về tuyến giáp,
bệnh lý về đái tháo đường cũng gây ra tình trạng đi ngoài phân sống.
Như vậy, đi ngoài phân sống có rất nhiều nguyên nhân. Có những nguyên nhân
chúng ta chỉ cần theo dõi và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho hợp lý. Tuy nhiên
có những nguyên nhân ta cần phải chẩn đoán để có phương pháp điều trị tránh ảnh
hưởng nguy hiểm đến sức khỏe.
2. Đi ngoài phân sống do thay đổi thức ăn có thể theo dõi tại nhà trong bao lâu?
Như vậy với tình trạng đi ngoài phân sống do thay đổi thức ăn, chúng ta có thể theo dõi trong bao lâu, đợi cho cơ thể tự điều chỉnh? Trường hợp nào thì phải thăm khám?
Đi ngoài phân sống chính là ăn những loại thức ăn không phù hợp và dẫn đến rối loạn hấp thu. Có thể lỗi này là từ thức ăn không phù hợp, thức ăn bị nhiễm khuẩn hoặc bị loạn khuẩn ruột. Như vậy, bệnh nhân sẽ bị rối loạn đi cầu, đặc biệt những triệu chứng này thường gặp ở trẻ em và những người lớn tuổi vì miễn dịch cơ thể không tốt hoặc do hệ tiêu hóa chưa được hoàn chỉnh.
Trường hợp do rối loạn thức ăn hoặc thức ăn bị nhiễm khuẩn, bệnh nhân bị rối loạn về tiêu hóa như tiêu chảy, hoặc đi phân sống mà không có những dấu hiệu báo động như đau bụng, sốt và không có những triệu chứng ảnh hưởng đến toàn thân. Trẻ dù bị đi tiêu như vậy nhưng vẫn tăng ký đều và vẫn phát triển bình thường, ta có thể theo dõi.
Thời gian theo dõi: một vài ngày đến một vài tuần tùy thuộc vào diễn tiến của bệnh. Sau đó, bệnh nhân ổn định bình thường thì ta chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống cho họ. Tuy nhiên, nếu bệnh diễn tiến ngày càng nặng hơn và đi kèm với một số triệu chứng nguy hiểm thì cần đi khám bác sĩ chuyên khoa.
3. Đi ngoài phân sống là biểu hiện của bệnh lý thì khám và điều trị thế nào?
Trường hợp đi ngoài phân sống do bệnh lý, đó có thể là những bệnh gì và điều trị như thế nào, thưa BS?
Nguyên nhân thứ nhất là do rối loạn hấp thu, đặc biệt là thiếu những men tiêu hóa chẳng hạn như bệnh lý của tụy, đường mật, ta phải kết hợp giữa khám và các phương pháp cận lâm sàng như là siêu âm, thử các chức năng tiêu hóa… để có được chẩn đoán cụ thể.
Nguyên nhân thứ hai là do tại ống tiêu hóa, cụ thể là ở ruột non và đại tràng như tình trạng viêm ruột hay rối loạn những chuyển hóa ở đại tràng. Như vậy ta cần xem lại chế độ ăn, nguyên là do thực phẩm hay đó là nguyên nhân khác.
Nếu thực phẩm đó không phù hợp với cơ thể trong bữa ăn, ta cần thay đổi chế độ ăn thì có thể tự điều chỉnh được.
Điều mà bác sĩ khuyến cáo quí vị chính là khi đi phân sống hay đi tiêu chảy thì ta cần sẽ có hai sai lầm thường gặp. Ở trẻ em, các bà mẹ rất lo ngại, họ cho con dùng thuốc cầm tiêu chảy là không nên. Khi gặp phải những chất độc như thế, chúng ta cầm lại là vô tình giữ chất độc trong cơ thể.
Sai lầm thứ hai, thấy tình trạng con như thế không dám cho ăn. Tuy nhiên, nếu không cho ăn sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn về dinh dưỡng, ảnh hưởng đến cơ thể.
4. Khi đi ngoài phân sống, có cần kiêng ăn món gì không?
Khi thấy mình đi ngoài phân sống, nhiều người sẽ ăn uống rất kiêng khem, không dám ăn rau xanh, trái cây vì sợ những món này có chất xơ càng làm cho khó tiêu. Theo BS quan niệm này có đúng không? Và bệnh nhân nên ăn uống như thế nào trong giai đoạn này?
Khi đi phân sống, nó sẽ có hai dạng: thứ nhất đi cầu với những chất đa lượng chẳng hạn như đạm, đường, mỡ không hấp thụ được sẽ thải ra ngoài. Thứ hai là đi ra những chất vi lượng như rau xanh, trái cây, và những vụn thức ăn không tiêu hóa được bị thải ra ngoài.
Trước hết, chúng ta cần theo dõi bệnh nhân đi ngoài phân sống là những chất nào, không hấp thu được chất nào. Trong trường hợp không hấp thu được chất đạm, mỡ, thì vô tình mình không hạn chế đạm mỡ nhưng lại hạn chế rau xanh thì không có ý nghĩa trong việc điều trị. Hơn nữa, làm như vậy cơ thể sẽ thiếu chất dinh dưỡng.
Như vậy, ta sẽ điều chỉnh chế độ ăn uống. Khi bệnh nhân bị rối loạn về hấp thu những chất đa lượng như đạm, đường, mỡ thì ta cần lựa chọn những đạm, đường, mỡ phù hợp với cơ thể. Ta cũng có thể bổ sung thêm những loại men tiêu hóa. Nếu bệnh nhân gặp rối loạn về hấp thu những chất vi lượng như rau, trái cây… ta có thể chia nhiều bữa ăn. Có thể nghiền nát thức ăn chứ không để nguyên sợi để bệnh nhân dễ hấp thu hơn.
5. Cách xử trí tình trạng đi cầu phân sống cho các mẹ bầu?
Đối tượng phụ nữ mang thai cũng là đối tượng đặc biệt. Khi mang thai có 2 thay đổi lớn có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Thứ nhất, bào thai lớn dần gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Thứ hai, nội tiết tố trong quá trình mang thai cũng ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa. Trong quá trình mang thai, cũng có thể xảy ra chuyện này chuyện kia. Những hiện tượng này có thể điều chỉnh được, sau khi phụ nữ sinh xong thì những hoạt động đó có thể trở về bình thường.
Trong quá trình mang thai, những rối loạn về đi tiêu hoặc đi tiêu phân sống ảnh hưởng đến sức khỏe thì chúng ta có thể áp dụng cách xử trí khi đi tiêu phân sống như ở trẻ em hay những người lớn khác.
Nếu đi tiêu mà thấy phân váng mỡ, ta hạn chế bớt thực phẩm béo. Đối với rau xanh và trái cây, ta có thể chia thành nhiều bữa nhỏ, thậm chí nghiền nát chúng như chúng ta cho trẻ em ăn. Nếu thấy nguyên nhân là sự thiếu hụt về men vi sinh, men tiêu hóa thì chúng ta có thể bổ sung hai loại men đó.
6. BS có lời khuyên dành cho bệnh nhân bị đi ngoài phân sống?
Thực ra, rối loạn tiêu hóa là một tình trạng không của riêng ai, mỗi người trong đời cũng bị ít nhất một lần rối loạn tiêu hóa. Do đó khi xảy ra tình trạng đi tiêu phân sống, tiêu chảy hoặc đau bụng… mọi người đừng quá hoảng hốt để tìm cách xử lý, tìm cách ngăn chặn, hoặc làm những điều tiêu cực như là cầm ói, cầm tiêu chảy hoặc sử dụng những loại thuốc không rõ nguồn gốc mà phải bình tĩnh xử lý nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Động thái thứ hai chính là để tình trạng này kéo dài từ ngày này sang ngày khác. Đôi khi đi ngoài phân sống là dấu hiệu báo động của một nguyên nhân nguy hiểm. Do đó, chúng ta cần có ý thức bảo vệ sức khỏe mình, nhưng cũng đừng quá chủ quan hay bi quan trước một triệu chứng nào đó. Nếu có gì bất thường, chúng ta cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để có lời khuyên thích hợp nhất.
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.com