Logo Bệnh viện Nhân dân 115
13/01/2018 17:20

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân tư vấn về bệnh cơ xương khớp

Sáng 12/1, BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân - BV Nhân dân 115 tư vấn về bệnh cơ xương khớp với bạn đọc Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.
BS Đoàn Thị Huyền Trân - Trưởng khoa Cơ xương khớp, BV Nhân dân 115

Đau khớp trong mùa lạnh phải làm sao, viêm khớp, thoái hóa khớp, đau cơ sau khi chơi thể thao, xét nghiệm lao xương ở đâu… là những băn khoăn bạn đọc hỏi AloBacsi. Sáng thứ 6, BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân - Trưởng khoa Cơ xương khớp, BV Nhân dân 115 sẽ tư vấn với quý bạn đọc để giải đáp những thắc mắc này.

Nội dung buổi tư vấn trực tiếp:

- Nguyễn Văn Phúc - anhvo…@gmail.com

Thưa BS,

Cháu năm nay 19 tuổi cháu bị xẹp đốt sống L1, được BS cho thuốc về uống và bảo nghỉ ngơi nay đã được 4 tháng. Giờ cháu đi lại bình thường nhưng ngồi lâu và nằm thì cảm thấy mỏi.

Xin hỏi BS, bệnh cháu như thế có tiến triển tốt không ạ? Sau này cháu có làm việc nặng được không?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân

Chào em,

Ở lứa tuổi của em còn trẻ mà bị xẹp đốt sống L1 không rõ xảy ra sau chấn thương hay như thế nào và sau khi được BS khám lần đầu em có tái khám sau hẹn hay không?

Nếu tự nhiên mà bị thì em nên đi khám lại các chuyên khoa Nội khớp để chẩn đoán nguyên nhân.

Nếu chấn thương sau 4 tháng mà em vận động bình thường thì có thể xem là đã ổn. Em nên tập thêm các bài tập để làm mạnh cơ vùng bụng và vùng thắt lưng để hỗ trợ thêm cho cột sống thắt lưng. Các bài tập này em nên tư vấn BS phục hồi chức năng hoặc BS chuyên khoa Nội khớp để tránh tập sai hoặc tập quá mức.

Người bình thường cũng không nên làm việc nặng thường xuyên. Trong công việc cần dung sức nhiều, nên có những tư thế phù hợp để tránh những chấn thương không đáng có hoặc gây quá tải vùng cột sống thắt lưng. Đây sẽ là một trong số các nguyên nhân gây đau lưng mãn tính, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống

Hy vọng tôi đã trả lời được những gì em mong đợi.

- Nguyen Vo - vonguyen…@gmail.com

Em chào BS Trân,

BS cho em hỏi là em bị đau cổ tay hơn 1 tháng uống thuốc nhưng không hết, em mới đi khám lại ở BV khác thì được chẩn đoán là bị chứng De quervain.

BS cho em hỏi bệnh này có cần phải phẫu thuật không ạ? Và chi phí tầm bao nhiêu ạ? Em cảm ơn BS ạ!

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân

Chào em,

Hội chứng De Quervain nguyên nhân là do viêm bao gân cơ dạng dài và duỗi ngắn ngón cái. Thông thường, không có chỉ định phẫu thuật. Em cần cố định cổ tay với băng mềm khi vận động. Hạn chế cầm, nắm, bưng bê các vật nặng thường xuyên nhất là tư thế gập ngón cái.

Thời gian lành bệnh tuỳ theo mỗi người và tính chất công việc hằng ngày. Điều trị nội khoa luôn được khuyến khích trước khi có chỉ định phẫu thuật.

Do tính chất hay tái phát của bệnh này, nên dù có hết đau, việc bảo vệ cổ tay khi làm việc vẫn hết sức cần thiết. Em nên tái khám ở chuyên khoa Nội khớp để được tư vấn kỹ hơn.


- Minh Nguyet - minhnguyet…@gmail.com

Chào BS,

Bác cho em hỏi về trường hợp của mẹ em năm nay 64 tuổi, chân mẹ em bị tập tễnh là do khi còn nhỏ mẹ em bị sốt cao co giật. Khi lớn lên cũng đã có thời gian đi điều trị ở BV Việt Tiệp Hải Phòng cách đây vài chục năm.

Hiện nay càng ngày chân mẹ em khi đi cảm thấy bên chân bị co rút nó vẩy nhiều hơn. Đi lại cảm thấy dễ bị ngã do mất cân bằng hơn lúc còn trẻ.

Với trường hợp của mẹ em, rất mong BS tư vấn giúp cho mẹ em có phương pháp gì điều trị để cải thiện tình trạng trên? Em xin cảm ơn.

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân

Chào Minh Nguyệt,

Tình trạng chân của mẹ em, tôi không rõ bác đi tập tễnh do teo cơ hay lệch chi và hiện nay tình trạng teo cơ hay lệch chi ở mức độ nào. Tuy nhiên, khi tuổi càng lớn, sức cơ sẽ giảm dần gây ra tình trạng dễ bị té ngã do mất cân bằng.

Ở thời điểm này, rất tiếc là không có biện pháp điều trị ngoài việc tập tăng cường sức cơ cho chân lành, giúp bác giữ thăng bằng tốt hơn hoặc thậm chí, nên có dụng cụ hỗ trợ như gậy chống để hạn chế té ngã.

Các bài tập tăng cường sức cơ, thời gian đầu nên có sự hướng dẫn của BS, kỹ thuật viên Phục hồi chức năng để tránh tập sai, không hiệu quả. Sau đó, bác có thể tự tập tại nhà để tránh mất thời gian. Thân mến.


- Lý Thu Ngân - lythung…@gmail.com

Chào BS,

Em tên Ngân, năm nay em 20 tuổi. Vài ngày trước khi ngồi xuống thì em có cảm giác như bị chuột rút ở vùng mông đùi nhưng nó đau ít hơn so với chuột rút bình thường, sau đó thì mỗi lần ngồi xổm hay có động tác co chân thì luôn có cảm giác đau cả toàn cái chân, không phải kiểu đau trong xương khớp.

Lúc đó em nghĩ do bị căng cơ hay liên quan đến dây chằng các thứ và em thử xoa bóp, co duỗi nhưng vẫn đau và tới bây giờ vẫn chưa khỏi.

Thưa BS, như vậy em có thể bị bệnh gì và em có nên đến BV hay thực hiện biện pháp nào để trị khỏi không? Cảm ơn BS ạ!

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân

Thu Ngân thân mến,

Đúng như bạn nghĩ, kiểu đau vào thời điểm xuất hiện cơn đau không liên quan đến tổn thương xương, khớp. Tuy nhiên, theo mô tả của bạn là một cơn đau “toàn cái chân” thì không rõ ràng và chưa rõ các hoạt động, vận động trước đó của bạn như thế nào để có thể là nguyên nhân gây khởi phát cơ đau này.

Nếu được, mời bạn đến khám để xác định nguyên nhân gây đau, chẳng hạn do cơ hay do thần kinh tọa.


- Nguyễn Quang Huy - huyva…@gmail.com

Chào BS,

Cách đây 1 tháng trong lúc đá bóng, em bị ngáng chân và té đập gối chân phải. Lúc đó gối có đau nhưng tầm ít phút thì hết. Em co chân lại nhưng co lại sát mông thì có cảm giác cứng cơ nhưng không đau.

Sau đó em có vào sân đá lại nhưng không chạy được bình thường. Lúc xoay người hay chuyên chân trụ thì chân phải em rút cơ lại phía dưới gối.

Em về nhà và đến sáng hôm sau thì chân em không co lại được. Em không thể bước chân xuống giường, chỉ có thể duỗi thẳng chân.

Sau 2 tuần thì em đi lại bình thường nhưng vẫn không thể có chân sát mông. Và em có cảm giác chân phải trở nên lỏng lẻo. Không còn thấy cơ đùi nổi lên như trước nữa.

Em có ra sân lại một lần nhưng cũng không thể chuyền được bóng ạ. Chuyền mạnh hay chuyền bằng lòng bàn chân thì cơ sau đùi có thắt lại rất buốt ạ.

Đến nay em vẫn chưa thăm khám ạ. BS tư vấn giúp em ạ. Em hơi hoang mang vì em rất thích đá bóng ạ. Em cảm ơn BS!

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân

Chào Quang Huy,

Đau gối phải sau một chấn thương tại chỗ vẫn đi lại được nhưng không gập gối được tối đa thì gợi ý nguyên nhân có thể là tràn dịch trong khớp gối. Tuy nhiên, sau 2 tuần thì thời gian chưa đủ để gây teo cơ đùi như em ghi nhận.

Nếu có cảm giác khớp gối lỏng lẻo, em nên khám chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình để đánh giá tình trạng các dây chằng của khớp gối. Em nên khám sớm, vì nếu có đứt, rách dây chằng, nếu để lâu tình trạng xơ chai sẽ gây hạn chế cho việc tái tạo lại các dây chằng.

Như vậy, dù có thể là nguyên nhân nào em cũng nên đi khám BS chuyên khoa Nội khớp hoặc Chấn thương chỉnh hình sớm nhất có thể được.

- Hoàng Khang - 090886… - TPHCM

Chào BS,

Cho em xin hỏi. Cách đây 1 tháng khi chơi thể thao em có bị lật bàn chân (bong gân) cảm giác rất đau. Lúc đó em có dùng nước đá chườm cho bớt đau, sau khoảng vài ngày em có thể đi lại bình thường!

1 tuần sau cảm giác đau gần như là không còn chỉ âm ỉ 1 chút, em có chơi lại thể thao và cảm giác đau nó quay lại, đến khoảng vài ngày thì lại hết nhưng mỗi khi em chơi thể thao thì cái cảm giác đau ấy lại trở lại.

Sáng ngủ dậy thường cảm nhận rõ đau ở trong bàn chân hơn.

Trường hợp như em có nên đi khám tại BV không ạ? Và xin hỏi BS khám khoa nào ạ? Em cảm ơn BS!

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân

Hoàng Khang thân mến,

Tôi không rõ em bị lật bàn chân ở vùng các ngón chân hay ở cổ chân và ngay sau đó, vùng bàn chân - cổ chân có tình trạng sưng, tụ máu tại chỗ hay không.

Em nên đi khám chuyên khoa Nội khớp hoặc Chấn thương chỉnh hình đều được. Em sẽ được tư vấn rõ hơn sau khi có kết quả khám, cũng như sẽ được tư vấn thời gian vận động, các biện pháp hỗ trợ cần thiết. Điều này sẽ giúp em sớm chơi lại được môn thể thao yêu thích của mình.

Chào em nhé!


- Nguyễn Đức Nam - Thanh Hóa

Kính thưa BS,

Ngày trước do 1 lần tai nạn xe em có bị rách sâu ở tay. Do lần đó em chủ quan nên chỉ khâu mấy mũi.

Nhưng khi lành vết thương thì em thấy dần dần tay em nhỏ lại và ngón 4+5 của em không còn cảm giác và cơ tay cũng bị teo lại. Vùng bàn tay thì teo hoàn toàn.

Em bị cách đây 1 năm rồi và giờ liệu em còn có thể chữa trị được không ạ? Em xin cảm ơn!

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân

Chào em,

Thật tiếc là em đã chủ quan khi không đi khám ngay sau khi bị tai nạn. Không rõ vị trí ở tay là ở vùng cẳng tay, cánh tay hay khớp vai, vì tổn thương gây teo thường ở vị trí phía dưới vết thương.

Theo mô tả, tay bị teo (vị trí nào?), bàn tay teo hoàn toàn, ngón 4-5 mất cảm giác, khả năng cao là đã có tổn thương vĩnh viễn về thần kinh và cơ. Sau 1 năm, khả năng hồi phục là không có, việc tập phục hồi chức năng cũng khó có hiệu quả.

Tôi rất tiếc là đã không đem lại cho em câu trả lời như mong muốn.


- Phạm Anh Tuấn - phamanhtuan…@gmail.com

Chào AloBacsi,

Em bị chấn thương cổ tay do tập thể hình 10 tháng nay. Mới đây em cũng đi khám ở TPHCM. Chụp Xquang thì xương không bị vấn đề gì. BS kêu là bị chấn thương dây chằng. Đây là toa thuốc ạ. Em uống thuốc 2 tuần nhưng vẫn không thuyên giảm.

BS cho em hỏi có cách nào để chữa không chứ em khổ quá ạ. Cảm ơn BS.

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân

Chào em,

Tình trạng chấn thương cổ tay do tập thể hình từ 10 tháng nay sẽ khó hồi phục khi chỉ điều trị 2 tuần. Em cần được tư vấn rõ hơn để em bớt “khổ” vì việc tập luyện không đúng cách, nhất là sau khi đã có chấn thương sẽ tiếp tục gây tổn thương các dây chằng.

Đến 1 thời điểm nào đó, em sẽ khó tập luyện với 1 cường độ theo ý mình. Như vậy, em nên đi tái khám lại BS chuyên khoa Nội khớp và cần sự hướng dẫn của 1 chuyên gia thể hình. Mong em sớm được tập lại môn thể hình yêu thích của mình.

- Nguyễn Thanh Tuấn - TPHCM

Xin chào BS,

Cách đây 1 tuần con có bị một khối gỗ đè lên. Đi khám và chụp Xquang thì chỉ có sưng nặng và vết thương ngoài da + 1 vết thương sâu nhưng không nghiêm trọng. Con có uống kháng sinh liều cao và băng vết thương, mặc dù sưng đã giảm nhưng vết thương đến da vẫn chưa liền, vết trầy vẫn chưa thấy đóng mài. Có phải do con thay băng thường xuyên không ạ? (1 ngày / lần).

Trong lúc thay băng thì ngày đầu có dùng oxy già cùng nước muối và thuốc đỏ, lần tiếp theo thì chỉ dùng nước muối rửa sạch rồi tiếp đến là pha nước muối với thuốc đỏ để sát trùng và rửa vết thương, lau khô và băng lại.

Mấy ngày thì nên thay băng 1 lần ạ? Con sát trùng có đúng không ạ?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân

Chào Thanh Tuấn,

Không biết em có đi khám BS để đánh giá đúng về tình trạng vết thương của mình chưa. Vì tôi không hiểu thế nào là "một vết thương sâu nhưng không nghiêm trọng" lại kèm tình trạng sưng to (không rõ ở vị trí nào của cơ thể).

Chưa kể việc tự uống kháng sinh liều cao là một việc hoàn toàn không được khuyến khích. Vết thương chưa liền có thể là một dấu hiệu cho thấy tổn thương vùng bên dưới vẫn còn và chưa được giải quyết đúng mức.

Việc thay băng bằng oxy già và thuốc đỏ cũng không đúng, thường chỉ dùng nước muối sinh lý hoặc Betadin pha loãng. Mong em đi khám ngay ở cơ sở y tế.


- FB Thanh…

Thưa BS,

Tôi 67 tuổi, thỉnh thoảng tôi bị đau đầu gối lúc thì ở bên trái, lúc đau bên phải nhưng bên trái đau nhiều hơn, sau đó, lại tự nhiên khỏi. Đi tập thể dục, mấy bà bạn bảo coi chừng bị thoái hóa khớp gối.

Xin hỏi BS những triệu chứng trên có phải thoái hoá khớp không? Làm sao phân biệt thoái hoá khớp với những căn bệnh khác có cùng triệu chứng? Bệnh này có chữa khỏi không?

Cảm ơn AloBacsi nhiều lắm!

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân

Chào bác,

Mấy bà bạn của bác đã tư vấn có lẽ đúng. Thông thường, thoái hoá khớp gối xảy ra ở những người trên 40 tuổi do liên quan đến tình trạng thoái hoá sụn khớp.

Triệu chứng thường gặp là đau khi đi bộ nhiều, lên xuống cầu thang thường xuyên, xách nặng và các tư thế gập gối chịu lực kéo dài như: ngồi xổm, xếp bằng và sẽ giảm khi nghỉ ngơi.

Khi đặt tay lên gối, có thể cảm nhận được tiếng lạo xạo khi cử động. Mức độ thoái hoá cũng như triệu chứng đau không giống nhau ở tất cả mọi người, tuỳ theo cấu trúc giải phẫu của khớp gối và tính chất công việc.

Vì đây là bệnh liên quan đến tuổi tác nên việc điều trị hết bệnh “thoái hoá” là không thể.

Không phải cứ thoái hoá là sẽ đau. Ở tuổi 67, thỉnh thoảng bác mới bị đau và tự khỏi thì bác không cần phải lo lắng quá nhiều.

Bác nên hạn chế các vận động gây tổn thương thêm cho sụn khớp như đã nói trên, nên giữ cân nặng hợp lý và tránh các môn thể thao không có lợi cho khớp gối.

Nếu thích đi bộ, bác nên đi nhẹ nhàng, mang băng thun gối để hỗ trợ thêm cho khớp.Thời gian đi, mức độ đi nhanh hay chậm là tuỳ ở bác, miễn sao, khi tập thể dục về bác không bị đau khớp gối nhiều hơn. Hy vọng đã giải đáp được những điều bác cần biết.

Xin chào bác!

Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080