Logo Bệnh viện Nhân dân 115
13/12/2017 01:57

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng: Nguồn năng lượng lâm sàng của khoa Nội tiêu hóa

Các thành viên khoa Nội tiêu hóa, BV Nhân dân 115 gọi TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng là nguồn năng lượng, bởi khi làm việc cùng chị, mọi người cảm nhận từ nữ trưởng khoa một sức lực trẻ trung, tươi mới.
Những khán giả thường xuyên theo dõi chuyên mục tư vấn sức khỏe trên đài truyền hình TPHCM, đài truyền hình Vĩnh Long, Đài truyền hình Bình Dương, Đài phát thanh TPHCM, báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Sức khỏe và Đời sống… hẳn đều quen mặt biết tên TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng, nữ bác sĩ chuyên tư vấn về bệnh tiêu hóa - gan mật với giọng nói ấm áp và mái tóc suôn mượt.

Còn tại khoa Nội tiêu hóa - BV Nhân dân 115, nơi BS Phượng công tác, chị được mệnh danh là “bóng hồng năng động”, “nguồn năng lượng lâm sàng”. Quả thật, TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng là người phụ nữ khó đoán tuổi bởi kiểu tóc trẻ trung và trang phục năng động. Và thẳm sâu trong vẻ ngoài tươi tắn ấy là một trái tim rộng mở với cuộc sống, với con người.


TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng - gương mặt thân quen của các chương trình tư vấn về bệnh tiêu hóa - gan mật - Ảnh: Viết Hưởng

Đặc trưng công việc tiếp xúc với nhiều người bệnh gan, BS Phượng thương lắm vợ con của họ, bởi đa số người bị xơ gan đều là đệ tử Lưu Linh. Chị ái ngại: “Có một ông chồng rượu chè như vậy, người vợ cực trăm bề!”.

Những ca bệnh mà BS Phượng nhớ, thương, tiếc nuối là các trường hợp tuổi trẻ bệnh nặng, phát hiện trễ, sự can thiệp của y tế gần như không giúp gì được nữa. Chị mãi không quên một nam thanh niên đến khoa Nội tiêu hóa để thăm bệnh, nhân tiện khám thử vì thấy hơi tức bụng bên phải. Nào ngờ, chàng trai cao to, khỏe mạnh như vậy lại mang trong mình một khối u gan quá lớn, đến nỗi có thể nói là gan trong u chứ không phải là u trong gan nữa, diễn tiến trên nền bệnh viêm gan B mà bệnh nhân không hề hay biết.

Ung thư đã di căn nhiều nơi nên chỉ có thể điều trị nâng đỡ. 2 tháng sau, bệnh nhân qua đời. Người vợ trẻ ngậm ngùi, nếu anh không tình cờ khám bệnh, có lẽ chị mãi mãi không biết nguyên nhân cái chết của chồng.

Bệnh nhân trẻ tuổi đó khiến BS Phượng trăn trở khôn nguôi. Chị ước ao có mạng lưới tầm soát bệnh tiêu hóa - gan mật trong cộng đồng thật hiệu quả, vừa giảm thiểu việc lây lan bệnh viêm gan, vừa kịp thời phát hiện sớm ung thư thì sẽ không xảy ra những câu chuyện đáng tiếc.

Rồi chị lao vào xây dựng và kết nối đội ngũ bác sĩ thật vững mạnh, có thể điều trị bệnh gan từ a-z. Giờ đây, TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng vui mừng vì giúp được một bệnh nhân ung thư gan sống thêm 10 năm, mà thông thường khoảng thời gian đó chỉ là vài tháng. BS Phượng còn ấp ủ dự định phát triển phẫu thuật ghép gan tại BV Nhân dân 115. Hiện tại, mới có vài bệnh viện lớn tại Việt Nam làm phẫu thuật này, số ca ghép gan cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.


TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng tư vấn cặn kẽ cho bệnh nhân để họ hiểu rõ tình trạng của mình và yên tâm điều trị

Không chỉ tận tâm tận lực trong việc nghiên cứu, tìm tòi các kỹ thuật điều trị tân tiến, hiệu quả hơn, nữ trưởng khoa Nội tiêu hóa còn kiêm nhiệm phụ trách phòng Công tác xã hội, chuyên hỗ trợ, đón tiếp, chỉ dẫn, cung cấp thông tin cho người bệnh và người nhà, kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ những trường hợp gặp khó khăn về kinh phí điều trị.

Tự nhận mình có chút… bao đồng, BS Phượng tiết lộ chị cũng từng lấy bằng luật, để khi hữu sự, có thể đứng ra bênh vực người làm công tác y tế. “Mình là người trong nghề, vừa có kiến thức y khoa, vừa biết luật, đây là lợi thế để bảo vệ đồng nghiệp một cách tốt nhất”, nghĩ vậy, chị cùng ông xã và bạn bè quyết tâm học luật.

Ông xã chị là bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Lúc mới quen nhau, anh từng góp ý với BS Phượng về giọng ca mà chị xem là gót chân asin của mình: “Thôi em đừng hát nữa, để anh giúp em luyện một bài tủ, rồi sau này em hát một bài đó thôi nghe”. Nhưng rồi công việc cứ cuốn đi, đến giờ, đứa con lớn đã vào đại học y mà bài hát tủ đó anh vẫn chưa luyện cho chị. Còn chị thì kịp thời học thêm chuyên khoa tai mũi họng để sau này trở thành trợ thủ đắc lực của chồng.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng đồng hành cùng phòng Công tác xã hội, BV Nhân dân 115

Đứng đầu 2 khoa - phòng với biết bao công việc chuyên môn, hành chính, lại thường xuyên tham gia các hội thảo chuyên ngành, tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân, học thêm chuyên ngành… không biết sức lực nào giúp chị đảm đương nhiều việc như vậy. Chẳng những thế, chính TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng lại là nguồn năng lượng lan tỏa đến các thành viên của khoa Nội tiêu hóa và phòng Công tác xã hội, BV Nhân dân 115.

Một thành viên cảm nhận: “Với nhân viên, sếp là người dễ gần, luôn sẵn sàng tư vấn về chuyên môn, đưa ra cách điều trị những ca bệnh khó một cách thấu đáo. Làm việc với BS Phượng, tôi luôn thoải mái vì không bị áp lực”. “Khi được giao ban mỗi buổi sáng với chị, chúng tôi cảm nhận nguồn năng lượng lâm sàng dày dặn hiếm có” - một thành viên khác chia sẻ. Một ngày mới tại khoa Nội tiêu hóa đầy hứng khởi, có một phần động lực mang tên: nữ trưởng khoa.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng

Tốt nghiệp trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh năm 1993

Bằng cấp chuyên môn:

- Bằng Thạc sĩ năm 2002

- Bằng Tiến sĩ năm 2016

Khen thưởng:

- Chiến sĩ thi đua cấp Thành phố năm 2012

- Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” năm 2012

- Huy hiệu Thành phố Hồ Chí Minh năm 2015

Và các danh hiệu, thành tích khác.

Công trình khoa học:

- Tương quan giữa BMI & chỉ số Cholesterol toàn phần

- Tình hình nhiễm giun lươn tại khoa Nội tiêu hóa BVND 115

- Bước đầu đánh giá hiệu quả TOCE trong điều trị ung thư gan nguyên phát

- Tình hình nhiễm virus viêm gan C mạn tại BVND 115 trong hai năm 2007-2008

- Khảo sát tương quan giữa chỉ số xét nghiệm với mô bệnh học ở bệnh nhân nhiễm virus viêm gan C mạn

- Khảo sát nguyên nhân suy gan cấp điều trị tại bệnh viện nhân dân 115

- Một số đặc điểm dịch tễ học & cận lâm sàng ở bệnh nhân viêm gan virus C mạn tính điều trị tại khoa Nội tiêu hóa BVND 115

- Hiệu quả phác đồ Peg-INF alpha 2a kết hợp Ribavirin trong điều trị bệnh nhân VGVR C mạn

- Đánh giá hiệu quả của phương pháp tiêm Histoacryl qua nội soi trong điều trị Xuất huyết tiêu hóa do vỡ dãn tĩnh mạch tâm-phình vị.

- Nghiên cứu Ngẫu nhiên, Nhãn mở, Đa trung tâm, Giai đoạn 3b nhằm Nghiên cứu tính hiệu lực và an toàn của Sofosbuvir cộng với Ribavirin ở đối tượng chưa từng được điều trị nhiễm vi-rút viêm gan C mãn tính kiểu gen 1, 2, 3 và 6 và đối tượng đã từng được điều trị nhiễm vi-rút viêm gan C mãn tính kiểu gien 2

- Đánh giá xơ hóa gan trên bệnh nhân viêm gan nhiễm mỡ không do rượu bằng kỹ thuật ghi hình xung lực xạ âm phối hợp với chỉ số xơ hóa NAFLD

- Khảo sát tương quan giữa mức độ xơ hóa gan và một số yếu tố ở bệnh nhân viêm gan vi rút C mạn tính

- Nghiên cứu nhãn mở, đa trung tâm, giai đoạn 3 nhằm nghiên cứu tính hiệu lực và an toàn của kết hợp liều cố định Sofosbuvir/GS-5816 trong 12 tuần ở đối tượng nhiễm vi rút viêm gan C mạn tính

- Nghiên cứu giai đoạn III, ngẫu nhiên, mù đôi, mô phỏng kép, đối chứng với giả dược của ThermoDox® (Lyso-Thermosensitive Liposomal Doxorubicin-LTLD) trên bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) sử dụng phương pháp đốt sóng cao tần (RFA) chuẩn hóa với thời gian điều trị ≥ 45 phút đối với các tổn thương đơn độc kích thước ≥ 3 cm tới ≤ 7 cm

- Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và hình ảnh mô bệnh học của bệnh nhân viêm gan nhiễm mỡ không do rượu.

Theo Hồng Nhung
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.com

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080