Logo Bệnh viện Nhân dân 115
06/11/2017 23:10

BS.CK2 Tạ Phương Dung: Yêu quý bệnh nhân như chính quả thận của mình

Bệnh nhân đến với khoa Nội thận - Miễn dịch ghép, Bệnh viện Nhân dân 115 ai cũng vui khi nghe câu “hẹn gặp lại” từ BS.CK2 Tạ Phương Dung, vị nữ trưởng khoa tài đức vẹn toàn.
Câu nói “hẹn gặp lại” như thần chú mang điềm lành

Khi tia nắng ban mai rọi qua tán lá cũng là lúc BS.CK2 Tạ Phương Dung - Trưởng khoa Nội thận - Miễn dịch ghép, Bệnh viện Nhân dân 115 bắt đầu một ngày mới bận rộn.

Ai gặp BS Dung cũng gật đầu chào hỏi, bà luôn đáp lại bằng nụ cười thân thiện. Nữ trưởng khoa được nhiều người yêu mến không chỉ vì là bậc thầy về nghề nghiệp mà với bệnh nhân, bà luôn tận tụy, bao dung. Gặp bệnh nhân, bà nắm tay hỏi han: “Ông lên được mấy ký?”, “Đêm qua bà ngủ ngon không?”…


Từng cái nắm tay, lời quan tâm hỏi han cả những điều nhỏ bé giúp phòng bệnh ấm áp tình người (Ảnh: Viết Hưởng)

Sự lạc quan, vui vẻ luôn hiện diện trên gương mặt mỗi người bệnh khi bước vào các phòng thẩm phân, chạy thận nhân tạo… Đôi lúc, tình cảm quý mến giữa bệnh nhân và người thầy thuốc không thể diễn tả thành lời thì họ sẽ gửi gắm qua nét vẽ.

Trên hành lang hay trong phòng làm việc, BS Dung dành vị trí trang trọng treo những bức tranh mà người bệnh gửi tặng. Ấn tượng nhất là bức chân dung của vị nữ trưởng khoa với đường nét thể được đôi mắt trìu mến, nhân hậu của bà.

Hay bức tranh đầy ý nghĩa của tập thể bệnh nhân lọc màng bụng trao tặng BS Dung năm 2015, thể hiện một cái cây với tán lá là dấu vân tay của người bệnh và bác sĩ, với mong muốn cây xanh sẽ không rơi rụng lá, tượng trưng cho niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống.


Tình cảm của bệnh nhân là món quà quý giá nhất đối với nữ bác sĩ (Ảnh: Viết Hưởng)
Câu slogan mang ý tưởng của BS Dung hiện diện khắp nơi trong khoa “Chúng tôi yêu quý các bạn như chính quả thận của chúng tôi” thể hiện tinh thần của người thầy thuốc chuyên ngành này.

Lẽ thường, mọi người xuất viện đều không mong ngày trở lại, nhưng ở khoa Nội thận - Miễn dịch ghép, câu nói “hẹn gặp lại” như thần chú mang điềm lành, bởi còn gặp lại là còn khỏe, còn sống.

9 năm được nghe câu “hẹn gặp lại”, ông Trần Minh, bệnh nhân chạy thận nhân tạo xem nơi đây là nhà. Với ông, BS Dung là vị trưởng khoa hội tụ đủ tài đức: “Những kiến thức mà BS Dung cung cấp tại các buổi sinh hoạt câu lạc bộ bệnh nhân rất dễ nghe, dễ hiểu, có lẽ là nhờ lối dẫn chuyện rất duyên nên thu hút mọi người từ đầu đến cuối”.

BS.CK2 Tạ Phương Dung là người dễ gần, cởi mở nhưng trong công việc, bà lại rất cầu toàn. Chẳng hạn, mỗi ngày bà đều đi kiểm tra bồn rửa tay để đảm bảo vệ sinh trước khi thăm khám, tránh nhiễm trùng cho bệnh nhân, bởi người bệnh thận sức đề kháng yếu.

Kỹ tính là thế nhưng bà không giấu niềm tự hào khi khoe về đồng nghiệp ở khoa mình, giọng bà ngân nga như hát: “Các bác sĩ, điều dưỡng ở đây đều là “cục vàng” của tôi đấy nhé!”.


Là "đầu tàu" của khoa, chịu trách nhiệm quản lý 76 cán bộ, cái khó nhất chính là dung hòa mọi người, cân bằng tất cả công việc. Vì vậy, bà luôn giữ một thái độ bình tĩnh khi xử lý mọi vấn đề. (Ảnh: Viết Hưởng)

Sợ kim tiêm nhưng quyết theo ngành y

BS Dung đến với nghiệp cứu người như duyên nợ rồi gắn bó bằng cả niềm say mê mãnh liệt.

Ngày đó, khi còn ngồi trên ghế nhà trường bà cũng nuôi dưỡng nhiều ước mơ: từ luật sư bào chữa cho người nghèo đến ngành công an vì lỡ “mê” bộ quân phục của bố. Tuyệt nhiên chưa bao giờ nghĩ đến việc làm bác sĩ.

BS Dung bồi hồi nhớ lại: “Gia đình không có truyền thống nghề y nhưng mẹ tôi rất muốn con gái theo học ngành này. Ban đầu tôi từ chối dữ lắm, vì chỉ cần nhìn thấy kim tiêm là sợ lắm rồi.

Tình cờ năm lớp 12 tôi bị sốt xuất huyết phải nhập viện. Thời đó, đèn điện chập choạng lắm. Nhìn nữ bác sĩ cầm cây đèn dầu đi kiểm tra tình trạng bệnh nhân, tự nhiên tôi thấy rất ấm áp và cảm nhận được sự cao quý của nghề y”. Và cô nữ sinh trung học thương nhớ nghề y từ thuở ấy.

Gần 27 năm gắn bó, Bệnh viện Nhân dân 115 là ngôi nhà đầu tiên và duy nhất từ khi BS Dung về công tác sau khi ra trường. Trải qua bao năm tháng, bà vẫn khắc ghi khoảng thời gian được phân công về khoa Nhi năm 1991. Chính nơi đây đã hun đúc cho bà phong thái từ tốn, bình tĩnh trước bệnh nhân.

Bấy giờ, cơ sở vật chất, phương tiện khám chữa bệnh đơn sơ, nhưng nan giải nhất là khi gặp những bệnh nhân nhí “khó tính”. Các bé còn nhỏ không nói được, lại sợ bác sĩ nên hỏi gì cũng khóc, đau cũng không nói, bác sĩ phải dựa vào phán đoán nhạy bén để tìm đúng bệnh, kê đúng thuốc.

Tích tiểu thành đại, nhờ những bài học nhỏ bên giường bệnh, nữ bác sĩ khoa Nhi tiếp tục phát huy năng khiếu, kinh nghiệm của của mình khi sang khoa khác.

Là người không ngừng học hỏi, năm 1994 BS Dung nắm bắt cơ hội học tập tại Cộng hòa Pháp để mở mang kiến thức. Đến năm 2003, nữ bác sĩ tiếp tục lên đường sang Pháp học chuyên ngành thận sau đại học, rồi tiếp tục tu nghiệp tại Vương quốc Bỉ năm 2007 về ghép tạng.

Chính tinh thần ham học, môi trường hoàn hảo và được “tầm sư học đạo” với các chuyên gia hàng đầu nước bạn đã mở ra con đường mới, giúp BS Dung ngày càng vững tay nghề hơn trong kỹ thuật ghép thận.

Thế nhưng khi mang những kiến thức tân tiến nhất về nước thì bà phải đối mặt với thực tế cơ sở vật chất đơn sơ trong những ngày đầu thành lập Khoa Thận niệu năm 1996. Gọi là có máy móc nhưng hầu như đã qua sử dụng trong chương trình viện trợ. Khó khăn chồng chất nhưng lấy bệnh nhân làm “kim chỉ nam”, y bác sĩ khoa Thận niệu tìm mọi cách phát huy khả năng còn lại của máy móc để phục vụ người bệnh.


“Tạ Phương Dung” là cái tên bảo chứng cho nhiều hội nghị bệnh Thận quy tụ được các giáo sư, bác sĩ, chuyên gia đến từ các nước Pháp, Mỹ, Hà Lan, Bỉ… Trong ảnh là GS Bruno Moulin (giữa) - Chủ tịch Hội thận học Pháp. Ảnh: NVCC

BS Dung cho rằng, việc chăm chỉ dự và tổ chức hội nghị là luôn là cơ hội vàng để học hỏi, thay vì mỗi lần chỉ cử được 2-3 bác sĩ đi học thì việc giao lưu với các chuyên gia hàng đầu trên thế giới sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách kiến thức.

Nói đi đôi với làm, “Tạ Phương Dung” là cái tên bảo chứng cho nhiều hội nghị bệnh thận quy tụ được các giáo sư, bác sĩ, chuyên gia đến từ các nước Pháp, Mỹ, Hà Lan, Bỉ… và các bác sĩ đầu ngành trên mọi miền đất nước. Điển hình như Hội nghị Pháp - Việt, Hội nghị Khối Thận niệu… Không chỉ gói gọn trong trong ngành Thận học mà còn có các chuyên khoa khác như: Ngoại khoa, Nội khoa, Tim mạch, Nhiễm, Tiêu hóa…

​​​​​​​Nữ bác sĩ đa tài, đa cảm

Con người BS Tạ Phương Dung là sự hòa quyện của hai thế giới: khoa học và nghệ thuật. Người đối diện rất dễ bị cuốn hút bởi sự uyên bác mà nhẹ nhàng, tinh tế của nữ bác sĩ tài hoa này.

Khi chưa dấn thân vào nghề y, bà từng có đam mê rất lớn với nhiếp ảnh, thích được đi đây đó ghi lại những khoảnh khắc đời thường. Bà mê nước ảnh “chất”, kiểu dáng máy hoài cổ và cảm giác háo hức đợi chờ trong phòng tối khi tự tay rửa những bức ảnh do mình chụp.

Niềm đam mê dẫn dắt bà đến với cuộc thi do Hội nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức những năm 80 rồi “rinh” giải khuyến khích. Không dừng lại ở đó, chính “máu” nghệ thuật đã thôi thúc bà làm giám khảo Liên hoan phim lần thứ 5 năm 1980.

Với BS Dung, nghệ thuật là hơi thở cuộc sống, nó tạo ra sự hưng phấn, thúc đẩy hoàn thiện công việc tốt hơn. Người đứng mũi chịu sào cần một chút nghệ thuật hài hước để giải tỏa áp lực cho tập thể, kéo mọi người xích lại gần nhau hơn. Cho nên ở cạnh vị trưởng khoa Tạ Phương Dung là được tiếp xúc với cả kho ngàn lẻ một chuyện thú vị mỗi ngày.

Ngoài công tác khám chữa bệnh, bà còn liên tục trau dồi kiến thức, kỹ năng mới để phục vụ cho người bệnh. Bà không chỉ giữ kiến thức cho riêng mình mà còn chia sẻ kinh nghiệm cho những đồng nghiệp khác. (Ảnh: Viết Hưởng)

Gần 30 năm gắn bó với công tác điều trị đã để lại trong bà nhiều kỷ niệm: niềm vui, nỗi buồn, có cả lo lắng, hồi hộp. Bà nhớ mãi một nữ bệnh nhân bị tác dụng phụ của thuốc sau ca ghép thận, khóc nức nở mong các bác sĩ cứu sống vì còn muốn được chăm sóc cho con, lo lắng cho chồng.

Hay vào ngày mùng 1 Tết, khi mọi người đều kiêng ra vào bệnh viện thì đây lại là nơi đầu tiên BS Dung đến để chúc Tết những người không được về nhà bên người thân.

Bữa cơm trưa vội của các y bác sĩ khoa Nội thận - Miễn dịch ghép. BS Dung cho hay, khoa bà phụ trách thường được mọi người gọi là "khoa hiếm muộn" bởi trong tổng số 10 bác sĩ của khoa thì chỉ có 3 bác sĩ nam, còn lại là nữ. Dù vất vả là thế nhưng mọi người luôn biết hy sinh, sẵn sàng hỗ trợ, cáng đáng công việc của nhau. (Ảnh: Viết Hưởng)

Không phải ai cũng dũng cảm theo đuổi ngành nghề mình yêu thích, được sống và được đam mê cùng nó. Đặc biệt là đối với ngành Y - ngành nặng trọng trách với sinh mệnh con người. Từ nữ sinh sợ kim tiêm đến cái tên bảo chứng cho các hội nghị chuyên ngành danh tiếng, người phụ nữ ấy vẫn giữ cho mình một thần thái an nhiên, ngời sáng.
Việc "nước" thu xếp ổn thỏa, việc nhà bà cũng chu toàn chẳng kém ai. "Thật may mắn khi ông xã là "hậu phương" vững chắc đỡ đần trong việc nhà, các con biết tự lập từ bé để tôi toàn tâm toàn ý lo cho bệnh nhân. Đó là niềm hạnh phúc rất lớn của tôi" - BS Dung chia sẻ. Ảnh: NVCC

Và câu nói “hẹn gặp lại” bằng giọng lảnh lót vang vang của nữ trưởng khoa Nội thận - Miễn dịch ghép vẫn hằng ngày tiếp thêm niềm tin và động lực cho bệnh nhân chạy thận, để đến một ngày, bệnh thận không còn là nan y. Hẹn gặp lại!

Theo Phương Nguyên
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080