Logo Bệnh viện Nhân dân 115
06/11/2017 16:41

Những chia sẻ đầy tâm huyết của người mặc áo blouse về ngành y học

Có những bác sĩ nguyện dành cả đời cống hiến với nghề và xem hạnh phúc của bệnh nhân là nguồn động lực để không ngừng phấn đấu. Một trong số đó là TS.BS Nguyễn Huy Thắng, hiện là trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não - Bệnh viện nhân dân 115.
Công việc vất vả, phương tiện thiếu thốn nhưng trách nhiệm đầy mình. Đôi khi còn gặp nhiều điều tai tiếng liên quan tới nghề khiến các thầy thuốc nản lòng.

Thế nhưng, đâu đó có những bác sĩ nguyện dành cả đời cống hiến với nghề và xem hạnh phúc của bệnh nhân là nguồn động lực để không ngừng phấn đấu. Trong số đó, người được chúng tôi nhắc đến chính là TS.BS Nguyễn Huy Thắng, hiện là trưởng khoa Đột quỵ, Bệnh lý mạch máu não - Bệnh viện nhân dân 115 (TP.HCM).


TS.BS Nguyễn Huy Thắng
Tài năng trẻ không ngừng hoàn thiện mình

Gặp TS.BS Nguyễn Huy Thắng, tôi bất ngờ trước vẻ trẻ trung và năng động của ông. Nếu chưa được giới thiệu trước, không ai nghĩ ông là một trong số những bác sĩ đầu ngành về bệnh lý mạch máu não. Vào năm 1993, ông tốt nghiệp trường ĐHYD TP.HCM, sau đó nhận bằng chuyên khoa Thần Kinh vào năm 1995.

Không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn, bác sĩ Thắng tiếp tục học và nhận bằng thạc sĩ rồi tiến sĩ chuyên khoa Thần Kinh. Ông cũng có thời gian tu nghiệp chuyên ngành đột quỵ tại trường ĐHQG Singapore và trường ĐH Alabama (Mỹ).

Sau khi hội đủ kiến thức chuyên môn, ông trở về Việt Nam công tác. Ông bắt đầu công tác tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) từ năm 1998. Hiện tại, bác sĩ Thắng đang giữ chức trưởng khoa Đột quỵ, Bệnh lý Mạch máu não, nơi được cho là khoa áp lực nhất tại bệnh viện.

“Khoa Bệnh lý mạch máu não đầy những áp lực về tinh thần và công việc. Các bác sĩ ở đó mang trọng trách cứu sống mạng người nên tâm lý họ bị đè nặng. Chỉ có những bác sĩ tâm huyết với nghề mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ tại khoa đặc biệt quan trọng này.

Không những vậy, bác sĩ công tác tại khoa Bệnh lý mạch máu não phải luôn nhận thức tầm quan trọng của mình để tự bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn nhằm giúp người bệnh một cách tốt nhất”, TS.BS Nguyễn Đình Phú – Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 nói về những bác sĩ công tác tại khoa Bệnh lý mạch máu não.

Trong khi đó, chia sẻ về chuyên môn, bác sĩ Thắng cho biết thêm: “Việc tách riệng và thành lập mới chuyên khoa Đột quỵ tại Bệnh viện Nhân dân 115 vào năm 2006, được cho là một bước đột phá và đặc biệt. Thay vì trước đây, các bệnh viện có một khoa chung là khoa Thần kinh bao gồm nhiều chuyên môn và bệnh lý khác nhau thì nay khoa Đột quỵ hình thành riêng biệt.

Qua đó, không chỉ nâng cao trình độ chuyên môn sâu hơn cho bác sĩ mà còn xử lý nhanh, kịp thời và cứu sống được nhiều ca Đột quỵ. Khi đã ra đời một khoa chuyên Đột quỵ, bác sĩ tại khoa theo đó cũng được đạo tạo chuyên sâu, chuyên nghiệp hơn. Từ đó, khả năng cứu sống người bệnh Đột quỵ đạt tỷ lệ cao hơn”, TS.BS Nguyễn Huy Thắng nói.

Bác sĩ Thắng cho biết thêm, tính riêng năm 2016, tại Bệnh viện Nhân dân 115 đã tiếp nhận gần 11.000 ca bệnh tai biến, đột quỵ. Trong đó, có khoảng 300 bệnh nhân đặc biệt nguy hiểm được sử dụng kỹ thuật mới trong điều trị căn bệnh chiếm tỷ lệ tử vong cao nhất này.

Việc áp dụng kỹ thuật lấy huyết khối bằng công cụ cơ học không chỉ cứu sống người bệnh mà còn giúp bệnh nhân có nhiều cơ hội trở về cuộc sống bình thường trước đó. Bác sĩ Thắng nói: “Mang trong mình sứ mệnh cứu người nên tôi luôn hoàn thiện bản thân và nâng cao năng lực chuyên môn để làm sao cứu được nhiều bệnh nhân càng tốt”.

Là thầy thuốc phải có y đức

Bác sĩ Thắng khẳng định như thế khi nói đến những người hoạt động trong ngành y, nhất là những người thầy thuốc đúng nghĩa. “Nghề thầy thuốc vinh quang lắm nhưng vất vả và đôi lúc cũng dễ bị hiểu nhầm. Bản thân tôi biết rằng, mỗi bệnh nhân là một con số nhỏ nhoi trong xã hội, nhưng họ lại là tất cả trong một gia đình. Thế nên, tôi phải xác định rằng trách nhiệm của mình là rất lớn để dùng cả trí lẫn tâm trong công tác cứu người.

Để cứu được một người đột quỵ với tôi chỉ được đánh giá thành công khi người bệnh đó trở lại trạng thái bình thường như trước hoặc tương đương. Là một người thầy thuốc trước hết phải có tâm, khi đó mới dành trọn trí lực cho công việc", TS.BS Nguyễn Huy Thắng nói.

Tuy nhiên, đối với một bệnh nhân bị đột quỵ muốn được chữa khỏi ngoài chuyên môn của bác sĩ cũng rất cần sự phối hợp của người nhà bệnh nhân. Theo đó, mọi người cần tìm hiểu về bệnh lý này để khi gặp một người đột quỵ sẽ biết bản thân phải làm gì.

Theo bác sĩ Thắng, việc bệnh nhân đột quỵ được cứu sống và trở lại bình thường hay không, ngoài việc được sử dụng kỹ thuật mới, điều quan trọng nhất là bệnh nhân phải được đưa đến bệnh viện trong khung “giờ vàng”. Đối với bệnh đột quỵ khung giờ vàng từ 3 - 5 giờ đồng hồ, tức trong khoảng thời gian này nếu người bệnh được chuyển đến thì cơ hội cứu sống, khỏe mạnh bình thường là rất cao.

“Bệnh đột quỵ không chỉ lấy đi tính mạng và sức khỏe người bệnh mà còn để lại những nỗi đau, gắng nặng cho người thân của bệnh nhân. Đã có nhiều bệnh nhân bị người thân bỏ mặc vì họ không chịu nỗi gánh nặng chăm nuôi suốt thời gian dài. Chúng tôi đã đích thân đi xin từng bữa ăn và cử người chăm sóc dùm các bệnh nhân di chứng sau đột quỵ bị người nhà bỏ mặc.

Trong quá trình công tác tại khoa Đột quỵ, chúng tôi đã phải trải qua rất nhiều áp lực nhưng vì yêu nghề nên ai cũng làm hết khả năng của mình. Chúng tôi ý thức rằng, nghề chúng tôi là phải cứu người và xem đó như một trọng trách phải thực hiện tốt nhất có thể”, bác sĩ Thắng tâm sự.

Được biết, TS.BS Nguyễn Huy Thắng là một trong những bác sĩ đầu tiên tại Việt Nam có trình độ chuyên môn sâu về Bệnh lý mạch máu não. Ông đã trực tiếp tham gia huấn luyện trình độ chuyên môn cho các bác sĩ ở các bệnh viện trên toàn quốc.

Ngoài ra, bác sĩ Thắng còn dành thời gian làm công tác giảng dạy chuyên môn cho sinh viên, học viên tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) và là báo cáo viên thường xuyên tại các hội nghị quốc tế trên thế giới. “Không riêng gì tôi, những người chọn nghề thầy thuốc đều phải đặt y đức lên hàng đầu. Từ đó, không ngừng phát triển năng lực bản thân để cống hiến cho y học”, bác sĩ Thắng bày tỏ.

Nhờ sự nỗ lực bản thân, bác sĩ Thắng luôn được tính nhiệm. Ông hiện giữ vai trò là Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM và là Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam. Không chỉ có vậy, ông còn là thành viên Ban chuyên gia đột quỵ của Châu Á, là chủ nhiệm nhiều đề tài các nghiên cứu quốc tế tại Việt Nam gồm: DIAS3, DIAS4, ENCHATER, SOCRATES … và có nhiều công bố quốc tế trên các tạp chí chuyên ngành uy tín trên thế giới như: “New England Journal of Medicine”, “Stroke”, “European journal of Neurology”…

Người thầy thuốc mẫu mực và giỏi chuyên môn

Tiếp xúc với PV, TS.BS Nguyễn Đình Phú - Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 đánh giá TS.BS Nguyễn Huy Thắng là người thầy thuốc mẫu mực và giỏi chuyên môn.

“Bác sĩ Thắng công tác tại khoa Đột quỵ, nơi chịu áp lực rất lớn. Cũng có thể nói bác sĩ Thắng là người quyết định sự sống còn của bệnh nhân bị đột quỵ. Thế nên, nếu bác sĩ Thắng không chịu được áp lực công việc thì không thể làm tốt vai trò. Tuy nhiên, dù khó khăn đến mấy bác sĩ Thắng vẫn không nản chí. Không chỉ giỏi chuyên môn và chịu khó trong công việc, bác sĩ Thắng còn là một người hòa đồng, sống tình cảm xứng đáng với lời dạy của bác Hồ “lương y như từ mẫu”.

Theo Võ Đoàn (CL&XH)
Đăng ngày 20/7/2017

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080