Logo Bệnh viện Nhân dân 115
25/10/2018 16:38

ThS.BS Võ Tuấn Khoa: Bị bướu cổ có dùng được thuốc tăng cân từ thảo dược không?

Chiều 25/10, trong buổi tư vấn trực tuyến với bạn đọc AloBacsi, ThS.BS Võ Tuấn Khoa đã giải đáp nhiều vấn đề: bướu cổ có nên dùng thuốc tăng cân từ thảo dược, nước tiểu bị kiến bu, người bệnh đái tháo đường bị nhồi máu cơ tim, viêm giáp mạn tính, xạ hình tuyến giáp...



ThS.BS Võ Tuấn Khoa hiện nay là bác sĩ điều trị, công tác tại khoa Nội tiết, bệnh viện Nhân Dân 115, TP Hồ Chí Minh.

BS Khoa đã tốt nghiệp y khoa năm 1999 và nhận bằng thạc sĩ y học chuyên ngành Nội tổng quát năm 2008 tại đại học Y Dược, TP Hồ Chí Minh.

Ngoài nhiệm vụ chính tại Bệnh viện Nhân Dân 115, BS Khoa còn là giảng viên về Sinh thống kê – Nghiên cứu khoa học của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đồng thời cũng tham gia giảng dạy các chương trình Đào tạo quốc gia về đái tháo đường cho nhân viên y tế.

Lãnh vực nghiên cứu của BS Khoa bao gồm dịch tễ học lâm sàng, sinh thống kê. Gần đây, BS Khoa là tác giả và đồng tác giả của các công trình nghiên cứu về đái tháo đường và tình trạng thiếu kẽm ở thai phụ đã công bố trên các tập san y khoa quốc tế.

Năm 2017, BS Khoa vinh dự là báo cáo viên trong hội nghị của Liên đoàn Đái tháo đường các nước Đông Nam Á (AFES) và hội Dịch tễ học Nhật Bản với đề tài “Tỷ lệ đái tháo đường chưa chẩn đoán và tiền đái tháo đường ở quần thể nguy cơ: Kết quả từ chương trình sàng lọc tại bệnh viện Nhân Dân 115”.

Hiện tại, BS Khoa là Tổng thư ký Liên chi Hội điều trị vết thương TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015-2020 và là thành viên chính thức của Hội Đái tháo đường và Nội tiết Việt Nam.

Mời quý bạn đọc tham khảo những câu trả lời rất cụ thể và dễ hiểu của BS Tuấn Khoa trong buổi tư vấn kỳ trước:


Chương trình được phối hợp thực hiện bởi Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn và Bệnh viện Nhân dân 115.

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

Đào Thị Mến - menda...@gmail.com

Xin chào bác sĩ,

Cho tôi hỏi, tôi đang nuôi con nhỏ thì dùng thuốc tiêm, thuốc uống tiểu đường thì có cho con bú được không ạ?

ThS.BS Võ Tuấn Khoa

Chào bạn Mến,

Việc sử dụng các thuốc điều trị đái tháo đường trong thời gian mang thai và cho con bú ở phụ nữ mắc đái tháo đường cần cân nhắc lợi ích và rủi ro.

Hiện tại, theo khuyến cáo của Bộ Y tế Việt Nam, chỉ có thuốc insulin (chủ yếu là tiêm dưới da) mới được phép dùng cho phụ nữ mắc đái tháo đường đang mang thai hay cho con bú, cụ thể gồm:

- Tất cả insulin người (ghi chữ “human insulin” trên nhãn hiệu thuốc). Đây là loại insulin có cấu trúc giống hệt insulin người, được tạo ra bằng công nghệ tái tổ hợp gen

- Hai loại insulin analog như: Aspart, Detemir. Insulin analog thực chất là insulin người nhưng được thay đổi vài vị trí acid amin trong cấu trúc để tạo nên tác dụng theo mong muốn.

Thân ái.

 
Tran Van Duc, 38 tuổi - Quảng Trị

Chào bác sĩ,

Em xét nghiệm xạ hình tuyến giáp 1 lần để kiểm tra, BS cho uống iot 131 số lượng là 0,8 viên. Vậy bao nhiêu lâu em mới cho em bé bú lại được? Cảm ơn BS!

ThS.BS Võ Tuấn Khoa

Chào bạn,

Đồng vị phóng xạ ngày nay được sử dụng trong y học để góp phần chẩn đoán và điều trị một số bệnh. Đối với bệnh lý tuyến giáp, iod đồng vị phóng xạ (I131 và I123) được dùng để xác định vị trí, kích thước, hình thể, chức năng của tuyến giáp và điều trị trong bệnh lý cường giáp và ung thư tuyến giáp.

Do nguy cơ tiếp xúc với phóng xạ của thai nhi, nên đồng vị phóng xạ được chống chỉ định tuyệt đối cho phụ nữ mang thai hoặc nghi ngờ có thai.

Trường hợp đang cho con bú của bạn, nên ngưng 4 tuần trước khi xạ hình tuyến giáp với I131 và có thể cho con bú trở lại sau ít nhất 6 tháng để tránh chất phóng xạ bài tiết ra sữa.

Thân ái.



Thu Cúc - jdyh...@gmail.com

Thưa bác sĩ,

Hôm trước em có đi khám ở khoa Nội tổng quát của bệnh viện thì phát hiện bị viêm giáp mạn (cường giáp) và men gan cao.

Lúc đó, em bối rối nên chưa thể hỏi cụ thể BS về cách ăn uống, sinh hoạt như thế nào. BS có thể tư vấn cho em biết nên kiêng gì và nên ăn gì ạ?

Mong sớm nhận được thư phản hồi của BS. Em cảm ơn ạ!

ThS.BS Võ Tuấn Khoa

Chào em,

Viêm giáp mạn tính hay viêm giáp tự miễn (tên khác là viêm giáp Hashimoto) là bệnh lý có thể xảy ra chủ yếu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Bệnh thường không có triệu chứng gì lúc ban đầu, diễn tiến kéo dài trong vài năm để đi đến giai đoạn cuối là suy giáp. Trong một số trường hợp, bệnh có thể biểu hiện bằng vài đợt cường giáp nhưng triệu chứng thường nhẹ và thoáng qua. Tuy nhiên, cường giáp do nguyên nhân Basedow có thể nặng và gây viêm gan biểu hiện là tăng men gan.

Trường hợp của bạn, nếu cường giáp này nằm trong bệnh viêm tuyến giáp tự miễn thì ít khả năng làm tăng men gan nên bạn có thể gặp bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa-gan mật để xác định nguyên nhân và điều trị.


Trần Thị Thanh - Thái Bình

Chào bác sĩ Khoa,

Cho em hỏi, em bị bướu cổ có dùng được thuốc tăng cân từ thảo dược không ạ? Và dùng như thế nào ạ? Em cảm ơn BS ạ!

ThS.BS Võ Tuấn Khoa

Chào em,

Về căn bản, chúng ta tăng cân hay giảm cân là do mất cân bằng về năng lượng. Cân bằng năng lượng được quyết định bởi lượng calories được đưa vào máu (cái chúng ta ăn) trừ đi lượng calories được đốt cháy (chuyển hóa toàn bộ). Vì thế, một người muốn giảm cân thì nên gia tăng lượng calories được đốt cháy thông qua các hoạt động thể lực và/hoặc kết hợp với tiết chế trong ăn uống.

Hormon tuyến giáp có vai trò quan trọng trong chuyển hóa toàn bộ nên một số bệnh lý tuyến giáp làm tăng giảm lượng hormon tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến cân nặng, ví dụ cường giáp có thể làm giảm cân, còn suy giáp làm tăng cân. Lưu ý, tăng hay giảm cân trong bệnh lý tuyến giáp này là triệu chứng của bệnh nên sẽ mất đi (tức là cân nặng hồi phục) sau khi bệnh đã ổn định.

Trở lại trường hợp của em, nếu bệnh bướu cổ mà có kèm thay đổi chức năng tuyến giáp (VD là cường giáp) thì cân nặng sẽ có thể phục hồi như ban đầu khi bệnh được điều trị ổn. Còn nếu là bướu cổ đơn thuần, thì em nên đến chuyên khoa dinh dưỡng để các chuyên gia đưa các lời khuyên.

Việc tự ý dùng các thuốc dược thảo để làm tăng cân cần cân nhắc kỹ vì một số dược thảo không rõ nguồn gốc có thể trộn tân dược (chủ yếu là corticoid) có thể làm tăng cân thông qua cơ chế kích thích cảm giác thèm ăn dữ dội, giữ muối-nước, phân bố lượng mỡ bất thường…về lâu dài có thể gây loãng xương, tăng huyết áp, đường máu.

Hy vọng đã giải đáp đầy đủ thắc mắc của em. Thân ái.

 
Bạn đọc Khánh - khanh...@gmail.com

Xin chào chương trình,

Vừa rồi công ty tôi có tổ chức khám sức khỏe tổng quát tại Trung tâm Hòa Hảo (Medic). BS chẩn đoán tôi bị cường giáp, cần khám và điều trị chuyên khoa tuyến giáp.

Kết quả xét nghiệm máu theo yêu cầu của BS như sau: TSH u.sensitive (3rd G): 0.002 L; Free T4: 2.09 H.

Kính nhờ Bệnh viện 115 tư vấn giúp tôi hướng điều trị cường giáp, cần kiêng cữ thế nào? Trân trọng cám ơn!

ThS.BS Võ Tuấn Khoa

Chào bạn Khánh,

Cám ơn công ty của bạn đã góp phần bảo vệ và tăng cường sức khỏe nhân viên thông qua việc khám sức khỏe định kỳ. Khuyến cáo của trung tâm Hòa Hảo đối với bạn là xác đáng. Căn cứ xét nghiệm của bạn, nhiều khả năng bạn bị hội chứng cường giáp. Tuy nhiên, hội chứng cường giáp phần lớn do 3 nguyên nhân sau:

- Basedow (95%)

- Viêm giáp bán cấp: lúc đầu có thể cường giáp kèm đau vùng cổ, có thể có sốt, sau đó suy giáp và về bình thường. Bệnh thường tự hết trong vòng 18 tháng, không cần điều trị đặc hiệu.

- Viêm giáp tự miễn (còn gọi viêm giáp Hashimoto); thường bệnh không có triệu chứng gì đặc hiệu, diễn tiến vài năm đưa đến suy giáp.

Ngoài ra có vài trường hợp, trong diễn tiến bệnh có thể có những đợt cường giáp tự phát nhưng tự hết và dần dần cũng đưa đến suy giáp.

Do vậy, bạn có thể đến khoa Nội tiết, bệnh viện Nhân Dân 115 để các bác sĩ làm một số xét nghiệm để xác định nguyên nhân cường giáp của bạn, từ đó có thể đưa ra hướng điều trị và cách tiết chế ăn uống cụ thể.

Trân trọng.


Hoàng Thanh - hoangthanh...@gmail.com

Kính chào BS Khoa,

Ông nội em 82 tuổi, BS chẩn đoán bệnh nhồi máu cơ tim và đái tháo đường. Cho em hỏi phương pháp điều trị như thế nào? Người bệnh cần nên ăn những gì và không nên ăn những gì?

Hiện tại nội em ăn kém, chỉ uống nước yến và nước ngọt Coca Cola. Huyết áp 110/90, 100/60, 90/60, 100/60, 90/60 qua các ngày, nhịp tim 20l/phút. BS chích thuốc ngay bụng và rất đau.

Mong nhận được sự tư vấn của BS. Xin cám ơn BS Khoa rất nhiều!

ThS.BS Võ Tuấn Khoa

Chào em Hoàng Thanh,

Nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng đe dọa tính mạng khi dòng máu nuôi cơ tim (gọi là động mạch vành) bị tắt nghẽn đột ngột gây ra tổn thương cơ tim. Sự tắc nghẽn này thường xảy ra trên nền động mạch bị đóng những mảng xơ vữa (cấu tạo chủ yếu từ cholesterol). Ở người mắc đái tháo đường, nhồi máu cơ tim là một trong biến chứng nặng và rất hay xảy ra.

Trường hợp bệnh của ông nội em là người lớn tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp, đái tháo đường nên theo tôi là tình trạng nặng cần theo dõi cẩn trọng.

Trong nhồi máu cơ tim cấp, tùy thời điểm bệnh nhân đến và thể bệnh, các bác sĩ có thể dùng một loại thuốc góp phần làm tan cục máu đông trong lòng động mạch vành. Thuốc này thường tiêm dưới da vùng bụng và có thể gây đau khi tiêm, tuy nhiên thường chỉ dùng trong 1 tuần.

Về việc ăn uống ở người đái tháo đường bị nhồi máu cơ tim cấp, cần lưu ý những điểm quan trọng sau:

- Giữ ổn định đường huyết, tránh đường huyết tăng quá cao hay giảm quá thấp

- Ăn thức ăn dễ tiêu hóa, tránh táo bón vì khi bị táo bón làm người bệnh phải gắng sức trong lúc đại tiện có thể làm nặng lên tình trạng nhồi máu cơ tim.

Trân trọng.

 
Phạm Thị Thu Hà - ha_k...@yahoo.com.vn

Chào BS,

Em đi khám BS bảo em bị cường giáp, ăn kém nhưng BS không dặn là kiêng cữ ăn gì. Vậy nên cho em hỏi là em bị cường giáp vậy thì có cữ ăn gì không ạ?

ThS.BS Võ Tuấn Khoa

Chào em Hà,

Cường giáp là một hội chứng mà nguyên nhân chủ yếu là bệnh Basedow. Đây là bệnh lý tự miễn của tuyến giáp kích thích tế bào tuyến giáp tổng hợp một lượng lớn hormon tuyến giáp không kiểm soát. Iod là thành phần quan trọng trong cấu trúc của hormon tuyến giáp.

Trường hợp của em, nếu cường giáp do bệnh Basedow thì trong ăn uống nên hạn chế các thức ăn chứa nhiều iod như muối iod, rau câu (rong biển) và cá biển. Thân ái.

 
Thien Loc - phun...@hotmail.com

Kính chào BS,

Tôi là bệnh nhân nam 70 tuổi, mắc bệnh tiểu đường type 2 và cholesterol cao, hiện đang uống thuốc điều trị. Xin hỏi BS:

1/ Làm xét nghiệm nào để biết bị tiểu đường vì thiếu insulin hay đủ insulin nhưng bị đề kháng?

2/ Theo tài liệu y khoa thì gan sản xuất từ 70% đến 80% lượng cholesterol cho cơ thể, vậy lượng cholesterol này bao gồm cholesterol tốt (HDL) và xấu (LDL) hay chỉ có một loại?

Cảm ơn BS!

ThS.BS Võ Tuấn Khoa

Chào Bác,

BS xin giải đáp các câu hỏi của bác như sau:

Câu thứ 1:

Ở người khỏe mạnh, chất glucose có trong thức ăn sẽ được hấp thu từ ruột vào máu, từ đó nồng độ glucose máu tăng lên. Khi đó, tụy tạng (còn gọi là lá mía) tiết ra một chất - gọi là insulin.

Insulin theo máu đến mô ngoại vi như gan, cơ bắp và mô mỡ giúp glucose được vận chuyển từ máu vào các tế bào của các cơ quan này sử dụng hoặc dự trữ. Kết quả là nồng độ glucose máu giảm và trở về bình thường.

Như vậy, đái tháo đường (còn gọi là tình trạng tăng glucose máu mạn tính) xuất hiện khi tụy tạng cơ thể không tiết ra insulin (cơ chế đái tháo đường type 1) hoặc tụy chỉ tiết một phần insulin kèm theo giảm tác dụng insulin tại mô ngoại vi còn gọi là đề kháng tác dụng insulin (cơ chế đái tháo đường type 2).

Người mắc đái tháo đường típ 1 thường có biểu hiện rầm rộ, có thể chẩn đoán được. Trong thực tế, việc xác định người bệnh đái tháo đường (chủ yếu đái tháo đường típ 2) có thiếu hụt insulin hay đề kháng tác dụng của insulin là ưu thế cần dựa vào khám bệnh và một số xét nghiệm thông thường bởi vì các xét nghiệm đặc hiệu để phân biệt thường rất tốn kém và thực hiện phức tạp, đôi khi không thực sự cần thiết.

Câu 2:

Cholesterol là một chất tồn tại tự nhiên trong máu, chủ yếu do gan tổng hợp nhưng cholesterol cũng hiện diện nhiều trong một số loại thức ăn như thịt đỏ, trứng, bơ…

Cholesterol có vai trò quan trọng để duy trì tình trạng sức khỏe tốt và chỉ trở thành vấn đề khi mức cholesterol trong máu quá ngưỡng cho phép (còn gọi là tình trạng tăng mỡ máu). Tăng cholesterol là yếu tố nguy cơ của các bệnh tim mạch - chuyển hóa.

Tuy nhiên cholesterol di chuyển trong máu bằng cách gắn vào chất gọi là lipoprotein. Có hai loại lipoprotein:

- LDL (lipoprotein trọng lượng thấp): còn gọi là mỡ xấu. Khi nồng độ LDL tăng cao trong máu, chúng sẽ lắng đọng tại thành mạch máu, làm hẹp lòng mạch và từ đó làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành…

- HDL (lipoprotein trọng lượng cao): còn gọi là mỡ tốt. HDL có tác dụng lấy đi lượng cholesterol dư thừa trong máu để đưa về gan để gan ly giải và thải trừ khỏi cơ thể. Trái với LDL, nồng độ HDL thấp thì cơ thể dễ có nguy cơ bệnh tim mạch.

Cám ơn bác đã gửi câu hỏi về chương trình!


Bạn đọc Thảo - An Giang

Chào bác sĩ,

Trường hợp người 75 tuổi, bệnh tiểu đường, cao huyết áp và những bệnh khác, có lắp máy tạo nhịp tim 2009. Nếu cần phải thay máy do hết pin thì có rủi ro không? Bệnh viện nào tốt nhất để lắp máy tạo nhịp tim? Xin BS tư vấn. Cảm ơn BS!

ThS.BS Võ Tuấn Khoa

Chào bạn Thảo,

Máy tạo nhịp tim là một thiết bị y khoa điện tử dùng pin. Cấu tạo máy tạo nhịp gồm hai phần: phần phát nhịp (có dùng pin) thường được cấy dưới da qua đường rạch nhỏ ở ngực và phần dây dẫn gồm một hoặc nhiều dây dẫn truyền tín hiệu của bộ phận phát nhịp đến tim.

Máy phát nhịp thường được chỉ định sử dụng trong hai trường hợp rối loạn nhịp tim: nhịp tim quá nhanh hoặc nhịp tim quá chậm. Việc đặt máy tạo nhịp này thường là vĩnh viễn (người bệnh phải mang thường xuyên) hoặc đôi khi tạm thời trong một số ít trường hợp.

Khi đặt máy tạo nhịp, người bệnh cần lưu ý một số điểm quan trọng để không bị hư máy:

- Tránh để điện thoại di động hay máy nghe nhạc MP3 ở túi áo gần chỗ máy phát nhịp

- Không đứng lâu và quá gần các thiết bị điện từ như lò vi sóng

- Không tiếp xúc lâu dài máy dò tìm kim loại (như tại sân bay mà nên chuyển qua việc kiểm tra thủ công bằng tay)

- Cân nhắc dùng các xét nghiệm y khoa như chụp cộng hưởng từ, các điều trị như xạ trị trong ung thư, máy tán sỏi dùng sóng cao tần…

- Thay pin theo định kỳ

Trường hợp của người nhà bạn cần phải thay pin của máy tạo nhịp. Bạn có thể đến khoa Nhịp tim học, Bệnh viện Nhân Dân 115 để được các bác sĩ tư vấn cách thức chi tiết.

Thân mến,

 

Nguyễn Gia nghĩa - Khánh Hòa

Chào BS ạ,

Em đi siêu âm đàn hồi tuyến giáp, có kết quả dưới thùy phải có 1 nang giáp keo 9mm. BS bảo là theo kinh nghiệm 1 năm thì đây là lành tính, không cần xét nghiệm. Mỗi năm khám lại 1 lần.

Mấy hôm nay dưới cổ họng em có cảm giác nghẹn khi nuốt nước bọt nhưng ăn uống lại bình thường, không nghẹn.

BS cho em hỏi như vậy thì em có bị gì nguy hiểm không? Em cảm ơn BS!

ThS.BS Võ Tuấn Khoa

Chào em Nghĩa,

Nang giáp thường là tổn thương tuyến giáp thường được phát hiện tình cờ bằng siêu âm. Tùy tính chất, nang giáp chia thành các loại như nang giáp dạng lỏng, dạng keo hay hỗn hợp.

Đa số các nang giáp là lành tính. Một số rất ít có dấu hiệu gợi ý ác tính như có chồi sùi trong nang thì mới làm tiếp một xét nghiệm là chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (gọi là FNA). Người bệnh có nang giáp nhỏ sẽ được hẹn tái khám 1 năm, nhưng sẽ tái khám sớm khi có dấu hiệu sau: cổ to nhanh, khó nuốt, khó thở.

Trường hợp của em, cổ họng có cảm giác nghẹn thì nên khám chuyên khoa tai mũi họng và nếu cần có thể siêu âm tuyến giáp để so sánh kích thước nang giáp có tăng lên không.

Thân ái,

 
Trần Thị Hồng Phương - tham...@gmail.com

BS ơi,

Em xin hỏi về bệnh bướu cổ, triệu chứng lâm sàng: phình giáp đa hạt - cường giáp. Chẩn đoán: nhiễm độc giáp (cường giáp). BS chỉ định là mổ.

Vậy cho em hỏi liệu mổ có khỏi hẳn bệnh không và có nên mổ không ạ? Mổ nội soi thì tốn bao nhiêu tiền ạ?

ThS.BS Võ Tuấn Khoa

Chào em Phương,

Phình giáp đa hạt (hay bướu cổ đa nhân) là một thể bệnh tuyến giáp cũng thường gặp. Việc điều trị dựa vào sự thay đổi hình thái hoặc chức năng tuyến giáp:

- Bướu lớn ra có thể gây chèn ép vùng cổ

- Bướu có một nhân bất thường nghi ngờ ung thư hoặc có bằng chứng ung thư (thường qua xét nghiệm FNA tuyến giáp)

- Bướu hoạt động gọi là bướu giáp đa nhân cường giáp hóa. Việc chỉ định mổ cần cân nhắc tình trạng bướu, bạn có thể đến các bệnh viện có khoa Ngoại lồng ngực để các bác sĩ khám và xem xét.

Thân ái,


FB P. Phuoc

Chào BS,

Tôi 52 tuổi, bị nang thận hai bên 2 năm nay khoảng 20mm, bị tiểu đường HBA1C 7. Mọi sinh hoạt gia đình bình thường. Vậy tôi có thể uống viên dầu cá - omega 3 mỗi ngày được không? Nên uống với liều lượng thế nào, trước hay sau ăn ạ?

ThS.BS Võ Tuấn Khoa

Kính chào cô,

Axit béo omega-3 là một chất có nhiều trong thức ăn, chủ yếu là cá, hải sản và một số loại hạt như hạt chia và dầu thực vật và trong viên uống bổ sung gọi là dầu cá.

Axit béo omega-3 là thành phần quan trọng các màng bao quanh mỗi tế bào trong cơ thể, ngoài ra còn có vai trò tốt trong hệ tim mạch, miễn dịch và nội tiết. Tuy nhiên, cũng cần bằng chứng rõ ràng cho thấy lợi ích của axit béo omega-3.

Trường hợp cô có thể dùng viên dầu cá mỗi ngày sau ăn với liều lượng không quá 2 gam trong ngày.

 
FB Ngô Sỹ S.

Thưa BS,

Tôi bị huyết áp và tiểu đường đã lâu. Hiện nay đang uống thuốc Amlodipine nhóm chẹn calci rất hiệu quả. Sức khỏe tốt, không xuất hiện phản ứng phụ như các loại thuốc HA khác.

Xin hỏi BS: dùng thuốc này lâu dài mà không đổi thuốc khác có được không? Xin cám ơn BS!

ThS.BS Võ Tuấn Khoa

Thưa bác,

Tăng huyết áp là một bệnh đi kèm ở người đái tháo đường, chiếm khoảng 70%. Nếu không kiểm soát huyết áp tốt, người bệnh đái tháo đường dễ mắc các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quị não, bệnh thận mạn…

Kiểm soát huyết áp bao gồm dùng thuốc, ăn uống giảm muối và vận động hợp lý. Có nhiều nhóm thuốc hạ áp dùng ở người bệnh đái tháo đường, tuy nhiên nhóm thuốc ức chế men chuyển (tên hóa học có gốc là -pril như captoril, enalapril…) hoặc nhóm ức chế thụ thể angiotensin II (tên hóa học có gốc là - sartan như losartan, telmisartan…) thường ưu tiên sử dụng vì ngoài tác dụng hạ áp tốt thuốc còn góp phần bảo vệ thận (ngay khi có đạm lượng ít trong nước tiểu) và bảo vệ tim mạch nhưng tác dụng phụ gây ho khan có thể khiến phải ngưng thuốc trong một số trường hợp.

Trường hợp của bác, BS có thể xem xét dùng lại một trong hai nhóm thuốc trên đã phân tích, trong trường hợp chống chỉ định hoặc có tác dụng phụ khó chịu thì mới xem xét dùng nhóm thuốc hạ áp khác, ví dụ Amlodipin.

Bác nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn kỹ hơn. Trân trọng.

 
FB P. Thi

Xin chào BS,

Tôi phát hiện bệnh bướu giáp nhân thùy phải cách đây khoảng 4 tháng, BS Bệnh viện Quận 7 có cho làm xét nghiệm máu và siêu âm và kết quả lành tính. Chưa sinh thiết tế bào. Như vậy kết quả chính xác không?

Kích thước bướu 10x15mm. Tôi muốn điều trị sóng cao tần thì giá tiền điều trị là bao nhiêu? Cám ơn BS.

ThS.BS Võ Tuấn Khoa

Xin chào P. Thi,

Bướu giáp nhân là tổn thương hình thành trong tuyến giáp thường dạng đặc, nếu có nhiều nhân thì gọi là bướu giáp đa nhân. Phần lớn bướu giáp nhân là không triệu chứng và vì thế được phát hiện tình cờ qua khám sức khỏe tổng quát, ngoài ra thường lành tính. Do đó, người bệnh có thể được hẹn tái khám 6-12 tháng. Tuy nhiên, người bệnh cần đến khám sớm khi có một trong các dấu hiệu nghi ngờ ác tính bao gồm:

- Kích thước bướu phát triển nhanh

- Có kèm theo triệu chứng chèn ép vùng cổ, gây khó nuốt, khó thở

- Hình ảnh siêu âm gợi ý ác tính như bờ không đều, Halo sign (+), vi vôi hóa… Để xác định bướu ác tính, bác sĩ sẽ cho làm xét nghiệm chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA)

Trường hợp của Bạn nhiều khả năng không dùng thuốc, chỉ khám định kỳ và khi có bất thường.

Như trên phân tích, phần lớn bướu giáp nhân là lành tính, điều trị chủ yếu là theo dõi. Tuy nhiên, một số ít trường hợp có thể tăng kích thước gây chèn ép hoặc gây mất thẩm mỹ. Những trường hợp này, phẫu thuật tuyến giáp thường cân nhắc chỉ định, nhưng nguy cơ phẫu thuật cũng nên xem xét.

Gần đây, một kỹ thuật dùng sóng cao tần đốt khối u lành tính bằng nguyên lý đốt nhiệt với ưu điểm không để sẹo, ít gây đau. Chỉ định cho các bướu giáp nhân lành tính, kích thước dưới 3 cm thường chỉ làm 1 lần, còn từ 3 cm trở lên có thể làm 2-3 lần thực hiện sóng cao tần.

Hiện tại bệnh viện Nhân Dân 115 chưa áp dụng kỹ thuật này, nên bạn có thể đến khám tại bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Trân trọng.


- FB Thoa N.

Chào BS Khoa,

Cho tôi hỏi bút chích tiểu đường Mixtard tôi đi mua không có, tôi thay thế bút chích Humalog mix 75/30 được không ạ?

ThS.BS Võ Tuấn Khoa

Kính chào bác Thoa,

Mixtard 70/30 là loại thuốc insulin người tổng hợp từ công nghệ tái tạo gen, dùng để điều trị bệnh đái tháo đường. Thuốc gồm hai thành phần insulin: insulin tác dụng nhanh chiếm 30% (để giảm đường huyết sau ăn) và insulin tác dụng trung bình chiếm 70% (để kiểm soát đường huyết giữa bữa ăn).

Mixtard 70/30 có hai dạng sử dụng là dạng bút tiêm (Flexpen) và dạng lọ; thuốc chỉ được tiêm dưới da trước ăn 30 phút. Trên nguyên tắc, bác nên dùng Mixtard 30 Flexpen tiếp tục.

Humalog mix 75/25 tương tự Mixtard 70/30 nhưng chỉ khác chút ít về tỷ lệ thành phần nên cũng có thể cân nhắc dùng thay thế. Bên cạnh đó, bác cũng nên theo dõi đường huyết thường xuyên để xem đáp ứng của thuốc thay thế này.

Trân trọng.

 

- FB L. Huệ

Em chào BS ạ,

Mong bác sĩ giúp em giải đáp thắc mắc một chút ạ.

Bà em năm nay 71 tuổi, cách đây 2 năm bà em đi khám và biết mắc bệnh tiểu đường, do kiêng khem không tốt để đường huyết tăng cao, và 2 mắt mờ đi.

Bà có đi khám thì được chẩn đoán: ĐTĐ type 2, đục thể thuỷ tinh vùng nhân 2M, MP tăng nhãn áp. BS có nói cần phải mổ đục thuỷ tinh thể nhưng yêu cầu chữa trị tiểu đường trước.

Hiện nay bà em đang điều trị tiểu đường bằng cách tiêm insulin 2 lần sáng tối. Có một mũi tiêm vào buổi sáng sau ăn, em cũng không rõ là thuốc gì và truyền thêm nước biển. Hiện nay khi dùng máy đo đường huyết thì đo được khi đói dao động ở khoảng 5,8-8 mmol/l.

Em muốn hỏi là: bà em cần duy trì đường huyết bao nhiêu để có thể thực hiện phẫu thuật mổ đục thuỷ tinh thể? Cảm ơn BS!

ThS.BS Võ Tuấn Khoa

Chào em Huệ,

Đục thủy tinh thể (còn gọi là cườm khô) là một bệnh lý mắt trong đó thủy tinh thể (có vai trò như một thấu kính) của mắt bị mờ đi hoặc vẩn đục. Khi đó ánh sáng không thể xuyên qua thủy tinh thể và không thể phản chiếu trên võng mạc - nơi nhạy cảm với ánh sáng nằm ở mặt sau nhãn cầu. Kết quả là thị lực bị giảm đi.

Thường thì đục thủy tinh thể có liên quan đến tuổi tác, tiếp xúc ánh nắng mặt trời…Tuy nhiên ở người đái tháo đường, đục thủy tinh thể có thể xuất hiện sớm hơn và ở người trẻ tuổi hơn.

Điều trị đục thủy tinh thể hiện nay là phương pháp mổ phaco. Đây là một phẫu thuật có thể thực hiện ở người bệnh ngoại trú (mổ xong có thể về trong ngày). Mục tiêu kiểm soát đường huyết trước mổ là 6-10 mmol/L.

Trường hợp bà của bạn có thể được phẫu thuật mổ đục thủy tinh thể.

 

- Truong Van Anh, 28 tuổi, cao 1m65, nặng 47kg - Bình Dương 

Chào bác sĩ ạ,

Cho em hỏi em đi xét nghiệm đường huyết 5.8 mà hay đi tiểu nhiều, nhưng bị kiến bu, vậy em bị sao ạ?

ThS.BS Võ Tuấn Khoa

Chào em Truong Van Anh,

Thông thường, trong nước tiểu không có chất đường, đa số các trường hợp do đường trong máu cao thì đường mới xuất hiện trong nước tiểu. Kiến là côn trùng rất thích chất ngọt. Do vậy khi hiện diện đường trong nước tiểu có thể làm thu hút kiến đến.

Việc kiến bu là một hiện tượng phải chú ý. Tuy nhiên bạn có thể lấy một ít nước tiểu để bên ngoài một lát xem kiến có bu lần nữa không.

Ngoài ra, việc xét nghiệm lượng đường trong máu và trong nước tiểu để xác định trong trường hợp này. Kết quả của bạn là bình thường. Muốn chắc thì có thể lặp lại lần hai.

Thân ái.

 

- FB Bé Bự

Xin chào BS,

Em muốn nhờ bs tư vấn giúp. Em bị tiểu đường týp 2 đã 3 năm. Bình thường em uống Janumet nhưng do men gan cao nên BS chuyển sang tiêm insulin 30 ui/ ngày. Hiện tại đường máu: 6,5 và hba1c: 5,9

Nhưng từ ngày em chuyển sang tiêm thì lại xuất hiện đường trong nước tiểu mà điều này trước kia không có. Em lo quá vì em có 1 thận bẩm sinh.

BS có thể giải thích và tư vấn giúp em được không ạ?

ThS.BS Võ Tuấn Khoa

Chào em,

Gan là một cơ quan nằm ở phần trên bên phải của ổ bụng và có vai trò rất quan trọng trong cơ thể như tạo ra mật để tiêu hóa thức ăn, điều hòa tình trạng đông máu và đường huyết, tổng hợp các chất protein, cholesterol. Ngoài ra, tất cả thuốc và hóa chất khi đi vào cơ thể sẽ được gan giải độc bằng cách biến thành các chất không độc và thải trừ qua thận.

Ở người khỏe mạnh, gan là nơi điều hòa mức đường huyết một cách tối ưu. Khi đường máu tăng ngay sau khi ăn, tuyến tụy tiết ra một chất gọi là insulin, insulin theo máu đến gan có vai trò đưa glucose trong máu vào trong tế bào gan để sử dụng/dự trữ dưới dạng glycogen và đường máu sẽ giảm.

Ngược lại, khi đường máu giảm xuống, tụy tạng chỉ tiết ra một chất gọi là glucagon, glucagon theo máu đến gan kích thích tế bào gan phân giải glycogen thành glucose đưa vào máu và khi đó đường máu tăng lên mức bình thường.

Tế bào gan chứa nhiều men (enzyme) cho quá trình chuyển hóa tại đây. Do vậy, khi xét nghiệm máu có tăng men gan (chủ yếu là ALT, AST trên 3 lần giới hạn trên bình thường), điều này cho thấy có tổn thương tế bào gan. Tổn thương này có thể cấp tính hoặc mạn tính. Điều quan trọng là cần tìm nguyên nhân để điều trị thích hợp.

Tại Việt Nam, ở người mắc đái tháo đường hay không đái tháo đường, nguyên nhân tăng men gan thường gặp có thể gồm nhiễm virus viêm gan (A, B, C, D…); lạm dụng bia rượu, xơ gan, uống các thuốc độc cho gan không rõ nguồn gốc, đường huyết chưa kiểm soát tốt, thoái hóa mỡ gan…

Trường hợp của bạn, trong khi chưa tìm ra nguyên nhân tăng men gan, để an toàn thì các bác sĩ sẽ tạm ngưng các thuốc uống hạ đường huyết mà chuyển qua dùng insulin. Kết quả đường huyết của bạn khi dùng insulin nói chung rất tốt. Việc xuất hiện đường trong nước tiểu trong tình huống này có thể do hai nguyên nhân sau:

- Đường huyết thực sự cao vào ban đêm (ngày hôm trước) nên có thể xuất hiện đường niệu vào sáng hôm sau.

- Đường huyết của bạn bị hạ thấp trong lúc đi ngủ ban đêm (thường hay gặp ở người dung insulin) và cơ thể đáp ứng lại bằng cách tăng đường huyết phản ứng, đôi khi mức tăng đường huyết này quá cao làm xuất hiện đường niệu.

Để phân biệt hai trường hợp này, em có thể thử đường huyết lúc 22 giờ hôm trước; 2 giờ và 7 giờ sáng hôm sau. Sau đó, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa Nội tiết để tư vấn thêm.


Trong Trung - dtrong...@gmail.com

Kính gửi bác sĩ,

Ba em năm nay 68 tuổi và đang bị tiểu đường 17 năm. Ba em bị đau bụng, sau khi chụp CT thì phát hiện có khối u trong ruột non, sau khi mổ xong và gửi mẫu đi sinh thiết tại BV ĐH Y Dược TPHCM kết quả như file đính kèm.

Với kết luận như trong bảng báo cáo phân tích, mong BS tư vấn dùm:

1/ Tình trạng ung thư của ba em là đang ở giai đoạn nào (đầu hay cuối)?

2/ Có di căn gì chưa?

3/ Có thể điều trị không? Nên điều trị ở đâu và gia đình nên làm những gì?

Cám ơn BS!

Ảnh do bạn đọc cung cấp
Ảnh do bạn đọc cung cấp

ThS.BS Võ Tuấn Khoa

Chào bạn Trong Trung,

Tôi rất chia sẻ những lo âu của bạn về tình trạng bệnh tật ba của bạn. Căn cứ trên thông tin của bạn cung cấp, đây là ung thư ruột (còn gọi là carcinom hay carcinoma tuyến) mà độ ác tính cao. Nhiều khả năng, tế bào ung thư xâm lấn ra khỏi niêm mạc ruột đến lớp cơ trơn của thành ruột và di căn đến các cơ quan trong ổ bụng như mạc treo. Việc điều trị bao gồm phẫu thuật kết hợp với xạ trị hoặc hóa trị.

Hiện tại, bệnh nhân đã được phẫu thuật tại bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thì nên tiếp tục trị liệu tại đây để việc theo dõi điều trị được liên tục và toàn diện hơn.

Trân trọng.


FB Tr. Quang

BS cho tôi hỏi: Uống thuốc lợi tiểu Tamsolusin có ảnh hưởng gì đến chuyện dễ bị bịnh tiểu đường không ạ?

ThS.BS Võ Tuấn Khoa

Chào bạn Quang,

Thuốc bạn hỏi có liên quan đến tuyến tiền liệt. Đây là một cơ quan nằm bao quanh đoạn niệu đạo (còn gọi là đường tiểu) từ bàng quang đến cơ quan sinh dục ngoài ở phái nam. Ngoài ra, tuyến tiền liệt còn tiết ra một chất lỏng để nuôi dưỡng và bảo vệ tinh trùng.

Phì đại tuyến tiền liệt (còn gọi là tăng sản lành tính tuyến tiền liệt) là tình trạng to ra của tuyến tiền liệt hay gặp ở nam giờ tuổi trung niên trở lên. Chính sự to ra này làm cản trở dòng nước tiểu ở niệu đạo làm cho người bệnh có các triệu chứng bất thường khi đi tiểu như tiểu gấp, tiểu són, tiểu không hết. Từ đó, có thể dẫn đến các vấn đề liên quan bàng quang, đường tiểu và chức năng thận.

Có nhiều cách điều trị phì đại tuyến tiền liệt hiện nay như dùng thuốc, phẫu thuật xâm lấn tối thiểu và phẫu thuật lớn.

Tamsulosin là một trong các nhóm thuốc dùng để điều trị phì đại tuyến tiền liệt, không thuộc nhóm thuốc lợi tiểu. Thuốc có tác dụng thông qua cơ chế làm giãn cơ trơn ở bàng quang và tuyến tiền liệt, từ đó làm giảm các triệu chứng liên quan đường tiểu như tiểu khó, tiểu són, dòng nước tiểu yếu.

Tác dụng phụ cần quan tâm của Tamsulosin là gây hạ huyết áp tư thế (vì cũng làm giãn cơ trơn của mạch máu), chưa có bằng chứng nghiên cứu cho thấy Tamsulosin gây tác dụng xấu trên đường huyết ở người có hoặc không có đái tháo đường.

Khi dùng Tamsulosin, người bệnh cần lưu ý một số điểm sau:

- Nên uống thuốc trước khi đi ngủ

- Trong ngày nên uống đủ nước

- Không thay đổi tư thế nhanh và đột ngột. Do vậy, nếu thức giấc đi tiểu nhất là ban đêm cần thay đổi tư thế từ từ (từ nằm sang ngồi)

- Báo cho bác sĩ biết nếu có bệnh tăng huyết áp hiện dùng các thuốc hạ áp để có thể điều chỉnh liều các thuốc hạ áp cho phù hợp.

Trân trọng.

Theo Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080