Logo Bệnh viện Nhân dân 115
04/03/2020 10:26

ThS.BS Trần Thanh Phong: Phẫu thuật thoát vị bẹn như thế nào?

ThS.BS Trần Thanh Phong - phó trưởng khoa Ngoại niệu - Ghép thận, Bệnh viện Nhân dân 115 giải đáp thắc mắc xung quanh thoát vị bẹn: phẫu thuật như thế nào, có dễ tái phát không? Nếu không phẫu thuật thì chung sống hòa bình với thoát vị bẹn được không?...

ThS.BS Trần Thanh Phong - phó trưởng khoa Ngoại niệu - Ghép thận, Bệnh viện Nhân dân 115


NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

1. Xin hỏi BS, tại sao lại có tình trạng thoát vị bẹn ạ? Có phải nam giới bị bị thoát vị bẹn nhiều hơn nữ giới?

Tất cả cơ quan trong ổ bụng được thành bụng bao bọc, không thoát ra khỏi thành bụng. Khi thành bụng có vị trí nào bị suy yếu hoặc có những khe/lỗ tự nhiên, các cơ quan trong ổ bụng chui qua chỗ suy yếu này, gọi là “thoát vị”.

Thoát vị bẹn là trường hợp vị trí thành bụng bị yếu ở ngay vùng bẹn, các tạng chui qua đây, xuống phía dưới, gây nên thoát vị bẹn.

- Thoát vị bẹn bẩm sinh (thoát vị bẹn gián tiếp): thường khi sinh ra, những di tích của phôi thai phải đóng lại, nhưng trong trường hợp do dị tật bẩm sinh, những ống này chưa đóng, để lại những khe/lỗ, sau đó các tạng (cơ quan) trong ổ bụng theo khe này đi xuống dưới.

- Thoát vị bẹn ở người lớn tuổi (thoát vị bẹn trực tiếp): do lớn tuổi, mắc bệnh mạn tính, thành bụng yếu, dẫn đến các tạng chui qua vị trí bị yếu của thành bụng.

Cả thoát vị bẹn trực tiếp và gián tiếp đều cần phẫu thuật mới điều trị hết được.

Thoát vị bẹn có thể gặp ở nam và nữ trong mọi độ tuổi, ở nam nhiều hơn nữ gấp 10 lần.

Mô tả đường đi của khối thoát vị bẹn ở nam và nữ - Ảnh: AloBacsi tổng hợp

2. Các dấu hiệu điển hình của thoát vị bẹn là gì, thưa BS?

Khi áp lực ổ bụng tăng lên (ho, rặn, làm việc nặng…) thì tạng trong ổ bụng sẽ chui ra vị trí thành bụng yếu tại bẹn, đi xuống vùng bìu ở nam hoặc vùng mu ở nữ, bệnh nhân sẽ nhận thấy có một khối phồng lên, dùng tay sờ được. Tuy nhiên khi nằm ngủ, nghỉ ngơi, khối thoát vị sẽ thụt vào trở lại. Khác với khối u lúc nào cũng sờ thấy, khối thoát vị “lúc ẩn lúc hiện”, và chỉ lộ ra khi áp lực ổ bụng tăng.

Về cảm nhận thì bệnh nhân có thể cảm thấy hơi căng tức ở vùng thoát vị. Có trường hợp khối thoát vị bị nghẹt, tức là đi xuống được nhưng không đi lên được thì triệu chứng sẽ rầm rộ hơn, bệnh nhân thấy đau. Nếu nghiêm trọng hơn, không được điều trị thì kèm theo dấu hiệu hoại tử cơ quan bị thoát vị.

3. Nếu em bé được phát hiện thoát vị bẹn từ khi mới sinh thì dựa vào những yếu tố nào để quyết định thời điểm phẫu thuật ạ?

Thoát vị bẹn bẩm sinh ở em bé là do những di tích của phôi thai, có những đường hầm, đường ống, những cái khe khi sinh ra đúng ra phải xơ, tắc lại, đóng lại nhưng trường hợp của bé, các ống này chưa đóng lại, ở nam là ống phúc tinh mạc, ở nữ là ống nuck, dẫn đến các tạng chui ra qua vị trí này.

Vấn đề có cam thiệp liền hay không, nếu không can thiệp thì như thế nào?

Có một số trẻ bị thoát vị bẹn bẩm sinh, trong 3 tháng đầu đường hầm này sẽ đóng lại, khối thoát vị sẽ không đi xuống được nữa thì không cần phải mổ. Tuy nhiên tỷ lệ này cũng thấp, đa phần là phải mổ.

Nếu không mổ, khi các tạng đi xuống dưới và bị nghẹt, chẳng hạn như ruột non thì đoạn ruột này sẽ bị hoại tử, phải cắt bỏ. Nếu là buồng trứng đi xuống dưới và bị nghẹt, hoại tử thì phải cắt bỏ buồng trứng đó.

4. Theo BS, có thể chung sống với tình trạng thoát vị bẹn suốt đời mà không cần can thiệp hay phẫu thuật? Việc này có tiềm ẩn nguy cơ gì không?

Thoát vị là tình trạng các tạng trong bụng chui qua một cái khe và chúng chui xuống rồi đi ngoài. Như vậy tất cả những gì đi qua cái khe đó, chúng có xu hướng làm cho cái khe ngày càng lớn ra, túi thoát vị cũng ngày càng lớn ra. Các tạng đi xuống thì rất dễ, nhưng đi lên thì khó. Nguy cơ thoát vị bẹn bị nghẹt cao, thành ra biến chứng đáng sợ nhất của thoát vị đó là bị nghẹt, một khi đã đi xuống thì chúng ta không đẩy nó lên được.

Có những trường hợp thoát vị bẹn không được cấp cứu kịp thời, nó sẽ dẫn đến hoại tử, bị nhiễm trùng, nhiễm độc, sốc. Cơ quan đi xuống dưới bị nghẹt thì phải cắt bỏ.

Vẫn có một tỷ lệ nhỏ thoát vị bẹn trực tiếp ở người lớn tuổi, nguyên nhân do thành bụng yếu. Đối với những trường hợp này không phải vì túi thoát vị sâu không có cổ siết lại, mà túi thoát vị bị nghẹt rất thấp. Nếu túi thoát vị nhỏ, không bị thắt nghẹt, thì ta có thể theo dõi tích cực và không cần phải mổ. Nhưng nói chung để điều trị hết thoát vị hoàn toàn thì ta phải mổ.

5. Trước một ca phẫu thuật thoát vị bẹn, bệnh nhân được chuẩn bị như thế nào ạ?

Thoát vị bẹn là do thành bụng yếu và có khiếm khuyết. Vì vậy, việc phẫu thuật phục hồi lại thành bụng giúp cho nó vững chắc. Việc phẫu thuật này sẽ được tiến hành bằng việc gây mê toàn thân hoặc tủy sống (gây tê vùng).

Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được nhập viện để làm xét nghiệm cơ bản chẳng hạn như xác định khả năng đông máu, cầm máu, chức năng tim mạch, hô hấp... Đó là những xét nghiệm cần thiết. Bệnh nhân sẽ được nhịn ăn 4 giờ trước khi lên phòng mổ.

6. Hiện nay phẫu thuật thoát vị bẹn được tiến hành như thế nào? Phải nằm viện bao lâu ạ?

Bệnh nhân có thể được mổ mở hay nội soi. Mổ mở thì có đường rạch 3 cm ở vùng bẹn. Bác sĩ sẽ mổ ra và bộc lộ túi thoát vị, rồi bít lại cái ống thoát vị, sau đó phục hồi lại thành bẹn. Đối với người lớn tuổi thì ta sẽ đặt thêm lưới cố định thành bụng để tránh tái phát.

Quy tắc phẫu thuật nội soi cũng sẽ giống như mỗ mở. Tuy nhiên, nó có một điểm lợi là sẽ có tính thẩm mỹ cao hơn. Chúng ta có thể vừa làm bên trái và phải, ta sẽ quan sát được hai bên khi làm nội soi.

Thông thường sau 1-2 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể về nhà. Vài ngày sau, họ có thể sinh hoạt lại bình thường. Còn làm việc nặng thì cần phải mất ít nhất 4 tuần.

7. Sau phẫu thuật, thoát vị bẹn có thể tái phát không, thưa BS? Nếu tái phát là do nguyên nhân gì?

Trong điều trị thoát vị bẹn là chúng ta cần tái tạo lại thành bụng, làm cho những chỗ yếu được vững chắc bằng cách bít lại những chỗ yếu. Và có rất nhiều phương pháp để mổ thoát vị bẹn. Tùy theo kinh nghiệm của phẫu thuật viên, thể trạng hay cơ địa của bệnh nhân, thoát vị bẹn có thể tái phát và sẽ có một chút chênh lệch.

Nói chung sẽ có tỷ lệ tái phát dù có phẫu thuật bằng cách nào đi nữa. Tuy chúng ta đã mổ nhưng những yếu tố góp phần gây thoát vị bẹn vẫn còn. Các triệu chứng xảy ra như ho rặn nhiều, táo bón, bệnh nhân gắng sức làm việc nặng nhiều thì sẽ tăng áp lực ở bụng, nó có xu hướng đẩy những cơ quan trong ổ bụng ra… đó là nguyên nhân gây tái phát thoát vị bẹn sau khi mổ.

8. Sau khi phẫu thuật thoát vị bẹn bao lâu thì bệnh nhân có thể sinh hoạt bình thường? Bao lâu được chơi thể thao? Việc chạy nhảy hay tập thể hình có nguy cơ gây tái phát thoát vị bẹn hay không ạ?

Phẫu thuật thoát vị bẹn không phải là phẫu thuật lớn, đường mổ rất nhỏ (3cm). Bệnh nhân có thể xuất viện sau 1-2 ngày. Sau 1 tuần, bệnh nhân có thể sinh hoạt lại bình thường. Còn làm việc gắng sức thì phải mất 1 tháng.

Những công việc hay động tác thể thao gắng sức yêu cầu chúng ta sử dụng một lực mạnh, tạo áp lực lớn lên thành bụng. Nếu thành bụng yếu thì thoát vị bẹn sẽ tái phát.


Chương trình được phối hợp thực hiện bởi 
Bệnh viện Nhân dân 115 và Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.com


TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080