Logo Bệnh viện Nhân dân 115
25/09/2019 14:38

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân: Người béo phì có nguy cơ mắc những ung thư nào?

Hiện trạng béo phì đang ngày càng gia tăng ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Béo phì không chỉ gây các bệnh lý về huyết áp, tim mạch... mà còn là yếu tố nguy cơ của một số loại ung thư.
BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân - khoa Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ giải đáp những thắc mắc xung quanh vấn đề này.

1. Để xem một người có thừa cân, béo phì hay không, mọi người thường dựa vào chỉ số BMI. Theo BS chỉ số này áp dụng với tất cả mọi độ tuổi, mọi ngành nghề không ạ?

Để hiểu rõ hơn về béo phì cũng như chỉ số BMI, chúng ta phải hiểu như thế nào được gọi là béo phì, dựa trên tiêu chuẩn nào. Nếu như dịch từ một định nghĩa từ nước ngoài, họ định nghĩa đây là một tình trạng tích trữ mỡ ở một trạng thái không lành mạnh. Đồng thời, khoa dinh dưỡng cũng phân chia béo phì thành 6 loại, tùy theo tình trạng và vị trí mỡ,...

Chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) được áp dụng cho 2 nhóm đối tượng, bao gồm nhóm 20 tuổi trở xuống và nhóm 20 tuổi trở lên. Sau khi tính số đo, sẽ có một bảng để chúng ta so sánh. Trong trường hợp này, về chỉ số BMI cho những người 20 tuổi trở lên. Chỉ số BMI sẽ được tính bằng cách lấy cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m); nếu trên 25 là thừa cân, từ 30 trở lên thì béo phì, trên 40 là béo phì trầm trọng.

2. Xin BS cho biết theo những nghiên cứu trước nay thì béo phì có liên quan như thế nào đến ung thư ạ?

Khi đề cập đến vấn đề béo phì, hầu hết chúng ta đều liên tưởng đến các bệnh lý như tim mạch, tiểu đường... Nhưng ít người nghĩ đến mối quan hệ của béo phì và bệnh lý ung thư. Tuy nhiên, gần đây theo các số liệu của các tổ chức nghiên cứu về ung thư trên thế giới uy tín như Mỹ, Anh,... tổng kết lại từ những nghiên cứu đoàn hệ - là nghiên cứu sử dụng tìm nguyên nhân hoặc yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến một loại bệnh lý nào đó.

Chẳng hạn thuốc lá có phải nguyên nhân gây nên bệnh ung thư phổi, sẽ có 2 nhóm bao gồm nhóm tiếp xúc với yếu tố phơi nhiễm, những người hút thuốc lá và nhóm tiếp xúc với những người không hút thuốc lá. Sau đó, quan sát kết quả từ 2 nhóm và đánh giá nhóm xuất hiện tỉ lệ bệnh lý ung thư cao, có liên quan đến thuốc lá hay không.

Trong mối quan hệ giữa béo phì và ung thư cũng tương tự, ta sử dụng nghiên cứu đoàn hệ, bao gồm 2 nhóm là nhóm có tình trạng béo phì và nhóm ở trạng thái cân nặng bình thường. Sau đó quan sát 2 nhóm đối tượng này trong một khoảng thời gian dài, đồng thời sử dụng toán thống kê để kết luận rằng có mối tương quan giữa béo phì và ung thư, như lượng mỡ cơ thể cao hơn có liên quan đến nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.

Chẳng hạn: Kết quả từ Khảo sát kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia (NHANES) tại Hoa Kỳ cho thấy, năm 2011-2014, gần 70% người Mỹ từ 20 tuổi trở lên bị thừa cân hoặc béo phì và hơn một phần ba (36,5%) bị béo phì, nhưng vào năm 1988-1994, chỉ có 56% người trưởng thành từ 20 tuổi trở lên bị thừa cân hoặc béo phì.


3. Béo phì có thể làm tăng nguy cơ bệnh xương khớp, tim mạch, huyết áp… hoặc làm các bệnh này trầm trọng hơn thì khá dễ hiểu. Nhưng béo phì có thể làm tăng nguy cơ ung thư như thế nào thì nhiều người chưa hình dung được. Nhờ BS giải thích điều này?

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra rất nhiều cơ chế, trong đó có 4 cơ chế chính được các hiệp hội công nhận, bao gồm:

Cơ chế 1: Ung thư do có tình trạng viêm mạn tính, chúng làm thay đổi về gene và dẫn đến ung thư. Người ta thấy rằng ở những người béo phì có tỉ lệ dẫn đến tình trạng viêm hoặc liên quan đến viêm sẽ cao hơn những người có cân nặng bình thường.

Một số bằng chứng người ta thấy rằng tình trạng viêm có liên quan đến bệnh lý ung thư. Chẳng hạn bệnh lý ung thư đường mật là tình trạng có những nguyên nhân dẫn tới viêm như thói quen ăn cá sống khiến bệnh nhân bị nhiễm sán, sán lá gan. Khi sán lá gan đẻ trứng trên đường mật gây ra cơ chế viêm và dẫn đến ung thư đường mật. Hoặc ung thư bàng quang/ bọng đái cũng liên quan đến một loại sán và chúng đẻ trứng ở vùng bàng quang. Chính tình trạng đẻ trứng cũng gây ra tình trạng viêm nhiễm và dẫn đến ung thư.

Cơ chế 2: Đối với bệnh nhân có tình trạng dư mỡ làm sản xuất ra 1 lượng hóc môn estrogen dư thừa - liên quan đến các bệnh lý ung thư  ở phụ nữ như ung thư vú, nội mạc tử cung, buồng trứng và một số bệnh ung thư khác.

Cơ chế 3:  Người béo phì thường có tình trạng tăng nồng độ insulin trong máu và yếu tố tăng trưởng-1 giống như insulin (IGF-1). (Tình trạng này, được biết như là tăng insulin máu hoặc kháng insulin, xảy ra trước xuất hiện bệnh tiểu đường loại 2.)

Nồng độ insulin và IGF-1 cao có thể thúc đẩy sự phát triển của ung thư ruột kết, thận, tuyến tiền liệt và nội mạc tử cung .

Cơ chế 4: Các tế bào mỡ sản xuất ra adipokine, là một loại hóc môn có thể kích thích hoặc ức chế sự phát triển của tế bào. Ví dụ, mức độ của một adipokine được gọi là Leptin, dường như thúc đẩy sự tăng sinh tế bào, loại này trong máu sẽ tăng lên khi có tình trạng tăng mỡ cơ thể. Và một adipokine khác, có tên là adiponectin, vốn ít có ở những người béo phì hơn so với những người có cân nặng bình thường, loại này có tác dụng chống tăng sinh tế bào.

Qua 4 cơ chế trên, chúng ta thấy rằng chính tình trạng béo phì sẽ làm cho tình bào tăng sinh và dẫn đến ung thư.

4. Đã có nghiên cứu, thống kê bao nhiêu trường hợp ung thư có thể là do béo phì chưa ạ?

Hiện nay, theo số liệu mới nhất đăng trên các website, các nhà tổ chức lớn như nghiên cứu ung thư của Anh, hiệp hội Ung thư Mỹ,... người ta thống kê rằng có 13 loại ung thư liên quan đến tình trạng béo phì. Chính vì vậy, có thể nói béo phì là một yếu tố nguy cơ dẫn đến 13 loại ung thư này.

Thống kê cho thấy người béo phì có nguy cơ dẫn đến ung thư tăng từ 1,5 - 2 lần với các ung thư nội mạc tử cung, ung thư biểu mô thực quản, ung thư các vùng tâm vị ở dạ dày, ung thư gan,... Đặc biệt, ở nam giới, những biểu hiện của ung thư gan sẽ rõ ràng hơn nữ giới.

Đối với những bệnh lý lành tính như u màng não, người ta thấy rằng ở những bệnh nhân béo phì , tỉ lệ nguy cơ bị bướu này tăng lên 50% hơn so với những người có cân nặng bình thường.


5. Bệnh nhân ung thư bị béo phì sẽ gặp khó khăn gì trong quá trình điều trị, thưa BS?

Điều này là có. Chẳng hạn ở bệnh nhân bị ung thư vú, nếu có tình trạng béo phì thì sẽ tăng nguy cơ bị phù do chèn ép mạch máu.

Những bệnh nhân béo phì sau khi phẫu thuật ung thư tiền liệt tuyến dễ có nguy cơ đi vệ sinh không kiểm soát được so với những người có cân nặng bình thường.

Hay đối với những bệnh nhân ung thư trực tràng ở giai đoạn 2, 3 nếu như có tình trạng béo phì thì khả năng tái phát ở những người này cao hơn so với những bệnh nhân cũng bị ung thư trực tràng ở giai đoạn 2, 3 mà có cân nặng bình thường.

Đây là một số khó khăn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống ở người bệnh nhân ung thư có kèm theo bệnh lý béo phì.


6. Một người đã bị béo phì rồi, nếu giảm cân có giúp giảm nguy cơ ung thư không ạ?

Dựa trên những tổng kết nghiên cứu đoàn hệ ghi nhận những trường hợp khi bệnh nhân bị béo phì, những người bệnh nhân này sau đó giảm cân thì người ta thấy rằng nguy cơ xảy ra ung thư ở nhóm đối tượng này có giảm.

Một trong những bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy việc này là những bệnh nhân béo phì sau khi được can thiệp bằng phẫu thuật Bariatric nhằm hạn chế lượng thức ăn cho người béo phì hấp thu, bao gồm 3 kỹ thuật sử dụng cho phẫu thuật này. Người ta thấy khi có sự can thiệp nhằm giảm lượng hấp thu thức ăn thì nguy cơ bị ung thư giảm rõ rệt so với những bệnh nhân béo phì nhưng không can thiệp giảm cân cho họ.

7. BS có thông điệp gửi đến bạn đọc/bệnh nhân về việc béo phì có thể dẫn đến ung thư?

Hiện nay khoa học đã chứng minh được rằng béo phì có một yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh lý ung thư. Đối với bệnh lý ung thư, có rất nhiều cách.

- Phòng ngừa cấp 1: hạn chế tiếp xúc với nguyên nhân, tác nhân, các yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư.

- Phòng ngừa cấp 2: phải tầm soát sớm bệnh lý ung thư.

Ung thư là bệnh lý ác tính nhưng có thể phòng ngừa được. Ngoài những yếu tố như tiếp xúc với những chất độc hại, thuốc lá,... thì trong đó, yếu tố béo phì góp phần dẫn đến bệnh lý ung thư. Như vậy, chúng ta ngoài phòng ngừa những yếu tố độc hại thì béo phì cũng là một cách để chúng ta phòng ngừa. Từ đó, bản thân mỗi người sẽ tự kiểm soát cân nặng.

Nếu bản thân được xếp vào tình trạng béo phì, mọi người nên giảm cân hoặc tìm những biện pháp thích hợp để đưa cân nặng trở về trạng thái ổn định, góp phần giảm nguy cơ ung thư, mà còn có được một vóc dáng thon gọn, cảm thấy cuộc sống vui tươi và hạnh phúc hơn.

AloBacsi chân thành cảm ơn BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân đã chia sẻ những thông tin hữu ích về những bệnh ung thư mà người béo phì có thể mắc phải. Xin hẹn gặp lại bác sĩ vào chương trình tiếp theo!

Chương trình được phối hợp thực hiện bởi 
Bệnh viện Nhân dân 115 và Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.com.


TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080