Logo Bệnh viện Nhân dân 115
19/04/2021 13:26

Vì sao bụi mịn PM2.5 nguy hiểm đến tim mạch?

PM2.5 là các hạt bụi có kích thước 2.5 micrometer hoặc nhỏ hơn. Tiếp xúc lâu dài với PM2.5 có liên quan trực tiếp đến việc tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch như: suy tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ, tăng huyết áp, huyết khối tĩnh mạch,...

Đặc biệt, làm tăng tỷ lệ xuất hiện các biến cố cấp tính cũng như tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân ở những bệnh nhân cao tuổi có suy tim mạn tính.



Ảnh minh họa. Nguồn: Internet



Nguy cơ trên hệ tim mạch

Năm 2018, các chuyên gia đã cảnh báo: “Ô nhiễm không khí dạng bụi mịn <2,5 μm (PM 2.5) là yếu tố nguy cơ từ môi trường quan trọng nhất, trực tiếp làm tăng tỷ lệ tử vong cũng như khiếm khuyết của hệ tim mạch trên phạm vi toàn cầu. Tăng mật độ PM2.5 trong khoảng thời gian ngắn làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến cố tim mạch cấp tính (như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, ...) từ 1-3% trong vòng vài ngày. Tiếp xúc lâu dài trong vài năm làm tăng nguy cơ này ở mức độ lớn hơn (khoảng 10%), một phần là do các hậu quả được tiến triển từ tình trạng tăng chuyển hóa tại tim (ví dụ tăng huyết áp và đái tháo đường).

Hàng loạt các nghiên cứu mới về vấn đề này được tiến hành, nhất là ở Trung Quốc, nơi đang gặp phải các vấn đề về ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đi kèm với sự phát triển kinh tế. Một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ năm 2019 cũng đi tới kết luận là tiếp xúc với PM2.5 làm tăng nguy cơ nhập viện do các bệnh lý tim mạch, đặc biệt đối với suy tim xung huyết và bệnh nhân lớn tuổi. Ngoài ra, còn có rất nhiều nghiên cứu khác mà điểm chung của chúng là đều nhấn mạnh đến các hậu quả khôn lường của PM2.5.

Bụi mịn có ảnh hưởng đến tim mạch thế nào?

Sự mất cân bằng oxy hóa và phản ứng viêm: PM2.5 có thể xâm nhập qua đường thở sau đó vào biểu mô phế nang, gây viêm cục bộ và mất cân bằng oxy hóa (được hiểu là kết quả của việc mất cân bằng giữa sự hình thành các gốc tự do có oxy và cơ chế chống lại các gốc tự do của cơ thể). Từ đó làm tăng giải phóng từ các tế bào phổi vào máu của một số chất trung gian hóa học gây viêm, chẳng hạn như IL-6, IL-8, TNF-α và interferon -γ. Những chất này theo máu đến hệ tuần hoàn chung, có thể dẫn đến tình trạng viêm toàn thân, hậu quả cuối cùng là tăng áp lực lên hệ thống tim mạch.

PM2.5 làm tăng fibrinogen và Tissue factor (các yếu tố chi phối quá trình đông máu của cơ thể): Bụi mịn lưu hành trong các mạch máu cũng có thể trực tiếp kích hoạt tiểu cầu, giải thích cho việc phơi nhiễm lâu dài với PM2.5 có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các biến cố cấp tính do huyết khối như nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

PM2.5 còn gây tổn thương tế bào nội mô của các mạch máu: PM2.5 phá hủy và đẩy nhanh quá trình Apoptosis (sự chết theo chương trình) của các tế bào tại đây. Đây cũng là một trong những cơ sở sinh bệnh học quan trọng nhất của bệnh tim mạch.



Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080