Chế độ dinh dưỡng góp phần quan trọng trong điều trị người bệnh suy tim, giúp cải thiện triệu chứng, giảm số lần nhập viện, từ đó cải thiện tiên lượng bệnh cũng như giảm gánh nặng về kinh tế, xã hội cho gia đình người bệnh.
Chế độ dinh dưỡng dành riêng cho người bệnh suy tim cần được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa Tim mạch và được điều chỉnh riêng cho từng cá thể người bệnh.
A. Một số lưu ý chung:
1. Hạn chế muối:
Trong dịp Tết chúng ta thường có thói quen sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn, bảo quản lâu, các thực phẩm đóng hộp, nước chấm các loại…nhưng với người bệnh suy tim thì cần hạn chế dùng các thực phẩm này vì chúng có chứa nhiều muối.
Người bệnh suy tim nên:
- Một ngày chỉ ăn 2g muối (chưa tới 1 muỗng cà phê muối), trong tổng số muối trong ngày bao gồm cả muối nêm thức ăn.
- Cách giảm muối trong khẩu phần ăn: nêm nếm giảm mặn, hạn chế các thức ăn mặn như khô, mắm, đồ kho, cũng như các thức ăn đóng hộp, tránh các thức ăn vặt có muối như bánh snack mặn, khoai tây chiên.
Thực phẩm chế biến sẵn, bảo quản lâu, thực phẩm đóng hộp có chứa nhiều muối và chất béo bão hòa
2. Ăn ít chất béo bão hòa:
Dịp Tết là dịp họp mặt, liên hoan, các món ăn thường béo và được chế biến nhanh bằng cách chiên, xào, nên người bệnh suy tim cần lưu ý hạn chế dùng các thực phẩm chứa nhiều chất béo.
- Chất béo là thủ phạm chính gây tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và tăng các biến cố tim mạch. Vì vậy, cần giảm thiểu chất béo trong thực đơn hàng ngày, cụ thể là các loại thịt đỏ, lòng đỏ trứng, sữa…, ưu tiên chọn thịt nạc, cá và cách chế biến chủ yếu nên chọn luộc, hấp thay vì chiên, xào.
- Nên dùng dầu thực vật thay vì dùng mỡ động vật.
3. Uống lượng nước vừa đủ mỗi ngày:
- Nếu người bệnh đang có triệu chứng phù chân, khó thở về đêm, khi nằm đầu thấp, nên hạn chế lượng nước uống mỗi ngày để giảm gánh nặng cho tim. Khi đó, lượng nước mỗi ngày phải dưới 1.5 lit/ngày bao gồm cả nước hoa quả và nước lọc.
4. Tăng cường chất xơ trong khẩu phần ăn:
- Thực phẩm nhiều chất xơ có chứa chất chống oxy hóa, sẽ có lợi cho tim mạch.
- Chất xơ có nhiều trong các loại ngũ cốc, rau củ, trái cây.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
5. Điều chỉnh lượng Kali: người bệnh suy tim thường phải sử dụng lợi tiểu, do đó sẽ mất kali trong cơ thể, cần cung cấp cho cơ thể thêm kali qua các thực phẩm như chuối, nho, bông cải xanh, trái bơ.
6. Không dùng rượu bia: Trong những bữa tiệc ngày Tết bên cạnh nhiều thực phẩm hấp dẫn thì thường có sự xuất hiện của rượu bia và người bệnh suy tim cần lưu ý là không được dùng rượu bia. Rượu, bia hay các loại đồ uống có cồn, có chứa các chất ức chế thần kinh sẽ gây tác hại trực tiếp lên cơ tim, khiến tình trạng suy tim diễn tiến xấu hơn.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
7. Hạn chế cà phê và các loại nước tăng lực: các loại thức uống này có chứa cafein, sẽ tăng nhịp tim và huyết áp, gây tăng tình trạng suy tim vốn có của người bệnh.
B. Điều chỉnh cụ thể chế độ dinh dưỡng theo mức độ suy tim của người bệnh:
Suy tim có 4 mức độ, với độ nặng tăng dần từ 1 đến 4.
Chế độ dinh dưỡng cụ thể sẽ thay đổi tùy thuộc từng mức độ suy tim:
Kết luận: Người bệnh suy tim ngoài việc tuân thủ chế độ điều trị bằng thuốc thì còn cần lưu ý chế độ dinh dưỡng. Kết hợp điều chỉnh tốt chế độ dinh dưỡng sẽ góp phần giúp người bệnh có tình trạng suy tim ổn định hơn, tiên lượng sống lâu dài hơn và chất lượng cuộc sống tốt hơn.
BS CK1 Trần Thúy Anh Trang
Khoa Tim mạch tổng quát Bệnh viện Nhân dân 115