Lễ vinh danh tổ chức tại Khách sạn Shereton (TPHCM) sáng 21/4/2019 có sự
tham dự của chuyên gia đầu ngành về đột quỵ châu Âu là GS.TS Carlos
Molina cùng hơn 200 bác sĩ đến từ TPHCM, miền Trung và Tây Nam Bộ.
Để
trở thành nước đầu tiên tại châu Á được trao chứng nhận này, Bệnh viện
Nhân dân 115 phải đạt 7 tiêu chí vô cùng khắt khe. Đó là: Tỷ lệ bệnh
nhân đột quỵ nhồi máu não cấp được điều trị tái thông trong vòng 60 phút
từ khi nhập viện; Tỷ lệ bệnh nhân được điều trị tái thông; Tỷ lệ bệnh
nhân nghi ngờ đột quỵ được chụp CT hoặc MRI; Tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ
nhồi máu não được sử dụng kháng kết tập tiểu cầu khi xuất viện; Tỷ lệ
bệnh nhân rung nhĩ được điều trị kháng đông khi xuất viện; Tỷ lệ bệnh
nhân được tầm soát rối loạn mốt tại đơn vị đột quỵ và Tỷ lệ bệnh nhân
đột quỵ được điều trị tại đơn vị đột quỵ hoặc phòng ICU.
GS.TS
Carlos Molina - chuyên gia đầu ngành về đột quỵ châu Âu (ngoài cùng bên
trái) trao chứng nhận đạt chuẩn chất lượng điều trị vàng của Hội Đột
quỵ châu Âu cho TS.BS Phan Văn Báu - Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115
(ngoài cùng bên phải) và TS.BS Nguyễn Huy Thắng (giữa) - Trưởng khoa
Bệnh lý Mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115.
Nhân
dịp này TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não Bệnh
viện Nhân dân 115 gửi lời tri ân đến ban giám đốc bệnh viện cùng toàn bộ
nhân viên khoa đã tạo điều kiện, nỗ lực để đạt được thành quả trong
công tác điều trị. Quan trọng hơn là nâng cao chất lượng điều trị cho
người bệnh.
Khoa Bệnh lý Mạch máu não là 1 trong 5 chuyên khoa mũi nhọn của
Bệnh viện Nhân dân 115. Chỉ riêng năm 2018, tổng số bệnh nhân đến khám
và điều trị đột quỵ tại đây là 11.787 người, cao gấp 3 lần Bệnh viện Chợ
Rẫy và gấp 10 lần Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Đáng
chú ý là, nếu như năm 2016, bệnh viện có 250 bệnh nhân được điều trị
bằng kỹ thuật tiêu sợi huyết tĩnh mạch, vượt qua cửa tử đột quỵ thì đến
năm 2018, con số này đã là 1.026 bệnh nhân. Như vậy trung bình ở Bệnh
viện Nhân dân 115 thường có 2-3 ca/ngày được điều trị bằng thuốc tiêu
sợi huyết, đây là con số cực kỳ lớn không chỉ riêng ở Việt Nam mà ngay
cả ở các trung tâm đột quỵ lớn ở thế giới.
Không
dừng lại ở đó, việc điều trị đột quỵ đã được lật sang trang mới, khi có
thêm phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học, làm tăng cơ hội
thành công trong điều trị đột quỵ. Con số 2.000 bệnh nhân được lấy huyết
khối bằng các dụng cơ học (riêng năm 2018 là 490 trường hợp) đã chứng
minh được điều này.
TS.BS
Nguyễn Huy Thắng hạnh phúc bày tỏ: "Tại Bệnh viện Nhân dân 115, quy
trình cấp cứu đột quỵ được thực hiện tối ưu. Một bệnh nhân đột quỵ khi
chạm cánh cửa bệnh viện đến lúc được tiêm thuốc tiêu sợi huyết (rTPA)
chỉ còn 44 phút (nhanh hơn hướng dẫn của Tổ chức đột quỵ Thế giới 16
phút).
Với
khẩu hiệu "Não là trên hết", do đó khi có bệnh nhân đột quỵ, tất cả các
khoa khác đều "nhường chỗ" cho khoa Bệnh lý Mạch máu não. Bởi tim có thể
chờ được nhưng não thì không".
Đây
là nỗ lực của tập thể khoa Bệnh lý Mạch máu não cũng như Bệnh viện Nhân
dân 115 để mang lại nhiều lợi ích chuẩn hóa việc chăm sóc các bệnh nhân
đột quỵ bằng các quy trình săn sóc theo tiêu chuẩn châu Âu, giúp thiết
lập một quá trình chăm sóc nhất quán, giảm nguy cơ sai sót trong điều
trị.
"Để
nhận được giải thưởng này, đơn vị tham gia phải cập nhật tất cả thông
tin điều trị bệnh nhân đột quỵ mỗi ngày. Và số liệu này kéo dài trong
suốt một năm, không thể khai khống hay làm sai được. Đây là điều không
dễ để nhiều trung tâm điều trị đạt được. Một yêu cầu quan trọng để đạt
được chứng chỉ Vàng trong chuẩn chất lượng điều trị đột quỵ là tỉ lệ tái
thông phải đạt trên 5% thì Bệnh viện Nhân dân 115 đạt 11%. Chúng tôi
phấn đấu năm 2020 sẽ đạt chuẩn chất lượng Bạch Kim với tỉ lệ tái thông
đạt trên 15%" - BS Huy Thắng chia sẻ.
Ban giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 chụp hình lưu niệm đánh dấu cột mốc đáng nhớ trong những ngày cuối tháng 4/2019.
Với mong muốn
ban đầu nhằm mục đích cải thiện chất lượng và thống nhất trong chăm sóc
đột quỵ giữa các nước trong cộng đồng Châu Âu, Ủy ban chấp hành Hội Đột
Quỵ Châu Âu được thành lập năm 2007 đã sáng lập Chương trình chứng nhận
Đơn vị Đột quỵ và Trung tâm Đột quỵ.
Các bằng chứng về mặt dữ
liệu được nhanh chóng mở rộng nhằm cung cấp nền tảng cho Ủy ban về Đơn
vị Đột quỵ Hội Đột quỵ châu Âu phát triển quy trình chứng nhận cho Đơn
vị Đột quỵ và Trung tâm Đột quỵ bằng cách thiết lập tiêu chuẩn trong
điều trị đột quỵ ở châu Âu, cải thiện chất lượng và giảm thiểu sự khác
biệt giữa các nước.
Việc áp dụng quy trình chuẩn hóa và các
khuyến cáo vào các cơ quan kiểm định quốc gia và quốc tế được thực hiện
và cập nhật bởi các thành viên của Ủy ban về Đơn vị Đột quỵ Hội Đột quỵ
châu Âu.
Các tiêu chí chính bao gồm khả năng huấn luyện con
người, thiết bị chẩn đoán, điều trị đột quỵ cấp và hợp tác với các nhân
viên chăm sóc đột quỵ khác. Quy trình này được xem xét bởi một cơ quan
kiểm định quốc gia và 2 cơ quan kiểm định quốc tế. Ủy ban về Đơn vị Đột
quỵ sẽ ra quyết định cuối cùng.
Mục tiêu của Ủy ban về Đơn vị Đột
Quỵ là chuẩn hóa và cân bằng quá trình chăm sóc bệnh nhân đột quỵ không
chỉ ở Châu Âu mà trên nhiều nước khác. Hiện nay, chương trình chứng
nhận đã được phát triển trên toàn cầu.
Năm 2018, Liên đoàn Công
nghiệp và Hiệp hội Dược phẩm Châu Âu (EFPIA) đã chọn Sáng kiến Thiên
thần (Angels) là phát kiến có giá trị nhất, đã mang lại sự thay đổi thực
sự trong chăm sóc bệnh nhân đột quỵ trên nhiều quốc gia trên thế giới.
|
Theo Hoàng Thúy - Thái Dung - Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn