Logo Bệnh viện Nhân dân 115
14/10/2020 08:33

Huyết khối tĩnh mạch sâu là gì, có nguy hiểm không?

Huyết khối tĩnh mạch sâu là một tình trạng nghiêm trọng cần được điều trị ngay lập tức. Thông thường phải mất 3 đến 6 tháng để cục máu đông hoàn toàn được giải quyết, nhưng với việc điều trị đúng cách có thể ngăn cục máu đông tăng kích thước và vỡ ra gây biến chứng.

1. Đại cương

Huyết khối tĩnh mạch sâu (HKTMS) là bệnh lý có thể xảy ra ở bất kỳ người nào, bất kỳ độ tuổi nào, do có sự xuất hiện hoặc hình thành cục máu đông trong lòng tĩnh mạch sâu, và thường xuất hiện ở chi dưới hơn so với chi trên.

2. Cơ chế hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu

Sự hình thành HKTMS được kết hợp bởi nhiều yếu tố, tóm lược theo tam giác Virchow như sau:


- Sự ứ trệ máu: bất động, dãn tĩnh mạch, béo phì, thai kỳ, …

- Tổn thương nội mạc: viêm tĩnh mạch, viêm mô tế bào, catheter, …

- Tình trạng tăng đông: thuốc ngừa thai, viêm nhiễm, thiếu dịch, ung thư, thai kỳ, …

3. Các dấu hiệu nhận biết huyết khối tĩnh mạch sâu

Triệu chứng HKTMS điển hình gồm đau, thay đổi màu da và sưng chân có huyết khối, tuy nhiên trên thực tế lâm sàng chiếm phần lớn là các trường hợp không triệu chứng nên thường phát hiện muộn, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng ảnh hưởng đến người bệnh.

Biến chứng nguy hiểm nhất của HKTMS là thuyên tắc phổi gây đe dọa tính mạng người bệnh, bên cạnh đó là gây loét da vùng dưới vị trí tĩnh mạch bị huyết khối cũng như đau chân, phù chân, làm giảm chất lượng sống của người bệnh.

4. Các biện pháp dự phòng

Vì sự nguy hiểm tiềm tàng cũng như triệu chứng mơ hồ của HKTMS, việc phát hiện sớm hoặc tốt nhất là dự phòng HKTMS sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho người bệnh. Có thể chia thành 2 nhóm chính:

Nhóm nguy cơ thấp (phẫu thuật ngắn và không có yếu tố nguy cơ) chỉ cần đảm bảo vận động với tần suất nhất định (ví dụ như gập duỗi bàn chân và cẳng chân 10 lần trong mỗi giờ) là đủ, nhóm này không cần phải can thiệp gì thêm.

Nhóm nguy cơ cao (phẫu thuật ngắn nhưng có kèm yếu tố nguy cơ, đại phẫu, người bệnh nằm liệt giường do bệnh lý mạn tính nặng – bệnh hồi sức, suy tim, COPD, bệnh gan mạn, đột quị) cần phải dự phòng HKTMS. Các phương pháp dự phòng HKTMS gồm hai nhóm là biện pháp cơ học và thuốc:

- Biện pháp cơ học nhằm để giải quyết tình trạng ứ trệ máu: Giày/Vớ áp lực, lưới lọc tĩnh mạch.

- Thuốc kháng đông được dùng để đối kháng tình trạng tăng đông: Heparin không phân đoạn, Heparin trọng lượng phân tử thấp, kháng Vitamin K, Fondaparinux, DOACs.


Máy bơm hơi áp lực ngắt quãng


Chống chỉ định dùng thuốc kháng đông là khi người bệnh đang trong tình trạng rối loạn đông máu hoặc mất máu đang diễn tiến. Chống chỉ định đối với biện pháp cơ học gồm tắc/hẹp mạch máu chi, tổn thương da.

Điều quan trọng đối với những người có nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu, hoặc những người đã bị là duy trì lối sống lành mạnh. Bỏ hút thuốc, đạt được cân nặng khỏe mạnh và tuân thủ thói quen tập thể dục đều đặn là các cách phòng ngừa hữu ích.

Tránh ngồi trong thời gian dài và di chuyển liên tục. Vớ y khoa đặc biệt hữu ích trên các chuyến bay dài vì chúng hỗ trợ lưu thông và giúp các tĩnh mạch chân hồi lưu máu nghèo oxy về tim.

Nếu đang sử dụng biện pháp tránh thai hoặc liệu pháp hormone thay thế, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc thay đổi kế hoạch điều trị để ngăn ngừa huyết khối có thể xảy ra. Những người bị tăng huyết áp, bệnh tim hoặc suy tim cũng có nguy cơ mắc HKTMS cao, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc xây dựng một kế hoạch điều trị làm giảm nguy cơ của bạn và ngăn ngừa huyết khối.

Huyết khối tĩnh mạch sâu là một tình trạng nghiêm trọng cần được điều trị ngay lập tức. Thông thường phải mất ba đến sáu tháng để cục máu đông hoàn toàn được giải quyết, nhưng với việc điều trị đúng cách có thể ngăn cục máu đông tăng kích thước và vỡ ra gây biến chứng.

Nếu có các triệu chứng nghi ngờ của bệnh hãy nhập viện ngay lập tức. Việc nắm bắt các triệu chứng của bệnh có thể cứu sống chính bản thân bạn hoặc người thân của bạn.

 

Nguồn: Geerts WH, Heit JA, Clagett GP, et al: Prevention of venous thromboembolism. Chest 119:132S–175S, 2001.



BS. Nguyễn Trường Hải

 - Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhân dân 115

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080