Những phương pháp điều trị thoái hoá khớp nói chung, thoái hoá khớp gối nói riêng hiện nay căn bản chỉ giải quyết tạm thời. Nhưng với phương pháp cấy ghép tế bào gốc từ mô mỡ và huyết tương giàu tiểu cầu sẽ giải quyết bệnh đau khớp triệt để: Mô sụn mới được tái tạo ngay vị trí tổn thương, giúp người bệnh phục hồi chức năng tối ưu chỉ sau khoảng 2 ngày nằm viện.
Dự kiến đề tài nghiên cứu phương pháp mới này sẽ được Bộ Y tế thẩm định vào giữa năm 2015. TS.BS Nguyễn Đình Phú, PGĐ BV Nhân dân 115 TPHCM, chuyên gia đầu ngành về xương khớp kiêm chủ nhiệm đề tài nhận định, nếu phương pháp mới được ứng dụng sẽ tạo bước ngoặt lớn trong điều trị bệnh xương khớp ở Việt Nam.
Hút mỡ bụng lấy tế bào gốc chữa bệnh
BS Phú cho biết toàn bộ thành viên thực hiện đề tài gồm các bác sĩ BV Nhân dân 115 và BVĐK Vạn Hạnh TPHCM đã tích cực tiến hành từ năm 2013. Đây là đề tài nghiên cứu ứng dụng cấy ghép tế bào gốc (TBG) điều trị thoái hoá khớp cấp Bộ đầu tiên được thực hiện ở phía Nam.
BS Phú tóm tắt, tỉ lệ bệnh nhân mắc các bệnh về xương khớp ngày càng gia tăng. Trong đó nhiều nhất là chứng thoái hoá khớp gối (THKG). THKG chia thành 4 cấp độ theo thứ tự từ 1 đến 4. Khi bị THKG, mô sụn ở gối người bệnh tổn thương, về lâu dẫn đến gai xương. Nặng hơn nữa gây hẹp khớp, biến dạng trục chi phải phẫu thuật thay khớp nhân tạo.
Có nhiều nguyên nhân gây nên THKG, chẳng hạn như chấn thương, bệnh lý hoặc chế độ sinh hoạt không đúng. Theo thống kê, người mập và sử dụng nhiều chất kích thích có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường.
Về hướng điều trị, hiện có nhiều phương pháp chữa trị THKG tương ứng với các cấp độ bệnh. Ở độ nhẹ thường áp dụng điều trị nội khoa, sử dụng thuốc chống viêm, tiêm chất bôi trơn. Nặng hơn thì phẫu thuật can thiệp. Nếu sụn khớp đã thoái hoá nặng cần phẫu thuật ghép sụn, tức lấy sụn từ vị trí ít vận động ghép vào khớp gối.
Tuy nhiên tất cả những phương pháp trên theo BS Phú chủ yếu giải quyết hậu quả, giúp bệnh nhân giảm đau và không thể phục hồi chức năng cao nhất. Một trong những phương pháp phổ biến là bơm chất nhờn vào khớp cũng chưa có y văn nào chứng minh hiệu quả rõ rệt.
Tất cả những hạn chế trên sẽ được giải quyết trọn vẹn với phương pháp cấy ghép TBG tạo sụn ngay tại ví trí khớp tổn thương. BS Phú cho biết, có thể chiết xuất TBG (hay tế bào mầm) từ nhiều bộ phận như tuỷ xương, máu, da và cơ vân, mô mỡ. Nhóm nghiên cứu quyết chọn mô mỡ và huyết tương chiết lọc TBG bởi dễ tiến hành, ít gây tổn thương cho bệnh nhân.
Liệu trình điều trị tiến hành như sau: Trước tiên các bác sĩ tiến hành hút khoảng 100cc mỡ bụng của người bệnh đem chiết xuất thu được chừng 3cc tế bào gốc. Tương tự, tiến hành rút khoảng 25cc máu bệnh nhân, thông qua máy chiết xuất thu được lượng huyết tương giàu tiểu cầu khoảng 3cc. Sau đó trộn đều 3cc TBG với 3cc huyết tương giàu tiểu cầu, dùng tiêm vào khớp gối thoái hoá.
Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Đình Phú chia sẻ về phương pháp mới chữa thoái hóa khớp
Bệnh nhân chỉ nằm viện hai ngày
Trước khi tiêm hỗn hợp dung dịch, cần phẫu thuật nội soi rửa sạch khớp, lấy sạch phần sụn vôi hoá. Quá trình phẫu thuật làm sạch khớp gối hoàn toàn đơn giản, ít gây đau. Việc đưa TBG và huyết tương giàu tiểu cầu vào khớp gối nhằm mục đích tạo sụn mới ngay tại chỗ. Cơ chế tạo sụn như sau:
TBG sẽ biệt hoá thành tế bào sụn, phát triển mô sụn mới. Còn huyết tương giàu tiểu cầu có tác dụng kích thích quá trình tạo sụn mới đồng thời chống viêm: “Phương pháp mới cho thấy rõ quá trình tái tạo sụn mới, điều mà các phương pháp trước đây chưa làm được. Trước mắt, nhóm nghiên cứu ứng dụng thử nghiệm đối với bệnh nhân THKG ở độ 2 và độ 3”, BS Phú nói.
Ưu việt của phương pháp cấy ghép TBG như lời BS Phú trình bày, điều trị không cần can thiệp phẫu thuật phức tạp, giảm nguy cơ nhiễm trùng cũng như bệnh tăng độ. Mặt khác phương pháp này tiến hành cực kì đơn gian, chỉ cần phẫu thuật khoan hai lỗ nhỏ ở khớp gối khớp gối để tẩy rửa rồi bơm cấy TBG và huyết tương là xong.
Dù chưa khẳng định chắc chắn nhưng ông Phú ước tính phương pháp mới tốn kém chi phí không quá lo ngại. Với phương pháp trên, dự tính bệnh nhân chỉ cần nằm viện điều trị chừng 2 ngày có thể ra về. Các công trình nghiên cứu trên thế giới thì khẳng định bệnh nhân chỉ cần nhập viện buổi sáng, buổi chiều xuất viện.
Lợi thế nữa, hiện TPHCM đã có ngân hàng TBG. Nhờ đó mỗi bệnh nhân có thể gửi TBG vào đây nuôi dưỡng, khi có nhu cầu chỉ việc lấy ra tiêm, giảm thiểu đáng kể chi phí tách chiết TBG. “Đa số bệnh nhân thử nghiệm đều cho kết quả giảm đau, đi lại dễ dàng hơn”, BS Phú chia sẻ.
Xin nói thêm, trước đây từng có công trình nghiên cứu cấy ghép TBG điều trị thoái hoá khớp gối trên động vật cho kết quả khả quan nhưng ở cấp độ tự nghiên cứu, quy mô nhỏ lẻ. Và hiện nay, thế giới vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, chưa có công trình ứng dụng đại trà nào. Bởi vậy công trình của Việt Nam đang tiến hành có thể nói diễn ra song song với y học thế giới, không lo lạc hậu.
Ông Phú cho biết, dự kiến vào tháng 5/2015, Bộ Y tế sẽ đưa ra hội đồng đánh giá hiệu quả phương pháp cấy ghép TBG điều trị THKG, nếu được đưa vào ứng dụng sẽ tạo bước ngoặt lớn trong chuyên ngành điều trị bệnh xương khớp ở Việt Nam. Căn cứ vào kết quả này, cho phép ngành y khoa tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng sang điều trị những chứng thoái hoá khớp khác.
Từ năm 2004, BS Phú đã sáng chế thành công khung cố định bên ngoài cải biên ứng dụng điều trị gãy xương mâm chày phức tạp không cần phẫu thuật. Việc điều trị kết hợp xương bên trong bằng nẹp vít tuy chỉnh được trục chi về bình thường nhưng có nhiều nguy cơ biến chứng: Hoại tử da, nhiễm khuẩn. Nếu như không phải mở ổ gãy và cố định bằng khung cố định ngoài cải biên thì độ an toàn cao hơn rất nhiều. Ông tự mày mò chế tạo khung, mua xương động vật về đập vỡ tiến hành thử nghiệm. Sau 2 năm dày công nghiên cứu, chiếc khung được hoàn thiện vào năm 2006 và ứng dụng điều trị cho 49 bệnh nhân gãy mâm chày độ V và VI, đạt tỉ lệ liền xương 100%.
Cách thức ứng dụng khung cố định bên ngoài khá đơn giản: Chỉ cần nội soi rồi tiến hành nắn chỉnh kín xương (tức nắn chỉnh xương từ bên ngoài da thông qua màn hình chiếu) sau đó dùng kim cố định xương, quấn gạc vô trùng ở các chân đinh rồi lắp khung nữa vòng bên ngoài. Phương pháp mới hạn chế nhiễm trùng, giảm thiểu đáng kể chi phí điều trị.
Ứng dụng khung cố định cải biên điều trị gãy xương mâm chày cũng là công trình bảo vệ luận án tiến sĩ của BS Phú và vinh dự được trao giải thưởng Kova lần thứ 9 năm 2012. Hiện sản phẩm khung cố định đang được ứng dụng rộng rãi tại các bệnh viện với tên gọi khung NĐP, viết tắt tên tác giả Nguyễn Đình Phú.
|
Theo Thanh Long - Báo Pháp luật Việt Nam