Theo khuyến cáo quốc tế, điều trị đái tháo đường bằng thuốc viên tân dược (dân gian hay gọi là “thuốc Tây”) và tiêm insulin (hóc-môn hạ đường huyết), kết hợp với chế độ ăn tiết chế và tập luyện thể dục hợp lý được chứng minh giảm thiểu biến chứng và tăng chất lượng cuộc sống.
Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan mà người bệnh không thể tuân thủ điều trị, không thể ăn uống tiết chế, dẫn đến mức đường huyết không được kiểm soát tốt. Họ tìm đến những phương thuốc được quảng cáo là “hữu hiệu”, “gia truyền”, “chữa dứt điểm”, “không cần ăn kiêng”, … Nhưng thực hư của những bài thuốc này ra sao?
Vào những ngày cận kề Tết Ất Tỵ, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Nhân dân 115 vừa tiếp nhận một ca người bệnh trung niên có sử dụng thuốc tể điều trị đái tháo đường. Đây không phải là trường hợp hiếm hoi ngộ độc sau khi dùng thuốc tể điều trị đái tháo đường mà Khoa từng tiếp nhận. Thời điểm đỉnh điểm có thể lên đến 3 – 4 ca trong 1 tháng.
Người bệnh là ông N.V.Q, 59 tuổi, ngụ ở Quận 11 TP.HCM, có tiền căn đái tháo đường và tăng huyết áp khoảng 10 năm, tự mua thuốc tân dược và thuốc tể không rõ nhãn mác, thành phần, hàm lượng để điều trị nhưng tuân thủ không tốt, không uống thuốc đều đặn. Trước nhập viện vài ngày, người nhà thấy ông Q. nôn ói nhiều, tiêu lỏng 2 ngày, sau đó diễn tiến lơ mơ nên người nhà đưa vào Bệnh viện Nhân dân 115. Khoa Cấp cứu tiếp nhận ông Q. trong tình trạng lơ mơ, lay gọi không tỉnh, vật vã, suy hô hấp, tụt huyết áp. Các xét nghiệm khẩn cấp phát hiện ông tình trạng nhiễm acid máu rất nặng (pH máu 6,6 - đây là mức pH cực kỳ nguy kịch), tổn thương thận nặng (độ lọc cầu thận 29,1 ml/phút/1,73m2, mức bình thường trên 90 ml/phút/1,73m2). Khi được báo hội chẩn, trong vòng chưa đầy 30 phút, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc nhanh chóng đưa người bệnh vào buồng chăm sóc đặc biệt, đặt ống nội khí quản thở máy và lọc máu liên tục, cố gắng đảo ngược tình trạng nguy kịch càng sớm càng tốt (hình 1).
Hình 1. Ông Q. trong tình trạng
nguy kịch, đang thở máy và lọc máu liên tục
Khai thác kỹ thông tin từ người nhà thì ông Q. tự ý mua và dùng thuốc, không có toa bác sĩ, nên người nhà không rõ tên, nguồn gốc của các loại thuốc đó. Bác sĩ yêu cầu người nhà mang hết những thuốc ông Q. cất ở nhà lên, thì phát hiện có 1 túi thuốc tể không nhãn mác (hình 2) bên cạnh những thuốc tân dược (ít gây toan máu và tổn thương thận). Thủ phạm đáng nghi nhất cho tình trạng nguy kịch cấp tính của ông chính là túi thuốc tể, được gửi đến Trung tâm Pháp y kiểm định. Sau 24 tiếng gửi mẫu, Trung tâm Pháp y gửi kết quả hoạt chất những viên thuốc tể đó chính là phenformin - hoạt chất điều trị đái tháo đường đã bị cấm ở Việt Nam và toàn Thế giới từ những năm 1970.
Hình 2. Túi thuốc tể điều trị đái tháo đường của ông Q hoàn toàn không có nhãn mác, thành phần và hàm lượng, nơi sản xuất và hạn sử dụng.
Theo các chuyên gia khoa Nội tiết của Bệnh viện, đái tháo đường là bệnh chỉ có thể điều trị bằng thuốc tân dược và/hoặc tiêm insulin theo chỉ định chặt chẽ của bác sĩ, và cần được tái khám định kì để điều chỉnh thuốc phù hợp với mỗi người bệnh khác nhau. Hoàn toàn không thể dùng 1 toa thuốc áp dụng cho tất cả các trường hợp bệnh. Kể cả Y học cổ truyền chân chính cũng sử dụng thuốc tân dược và/hoặc tiêm insulin để điều trị đái tháo đường. Nhiều đối tượng tự xưng là danh y, bác sĩ, … trộn thuốc điều trị đái tháo đường vào thuốc tể bán cho người dùng với những lời quảng cáo hấp dẫn, nhưng nguy hiểm hơn là họ lại trộn cả chất cấm là phenformin vào thuốc tể. Ngộ độc phenformin gây nhiễm acid máu nặng, suy thận nặng, và tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện kịp thời.
Quay lại với trường hợp ông Q., sau khi được lọc máu tích cực, ông Q. tỉnh táo, tình trạng nhiễm acid máu về mức bình thường, chức năng thận cải thiện. Chính nhờ vào sự tích cực và định hướng chính xác trong điều trị mà chỉ trong vòng 48 giờ sau nhập viện, ông Q. đã được rút ống nội khí quản và chuyển khoa Nội tiết để tối ưu hoá điều trị đái tháo đường (hình 3). Ông Q. khai được một người quen mua giùm thuốc gia truyền chữa đái tháo đường “dứt điểm”, đem lên từ Bến Tre. Bệnh viện Nhân dân 115 cũng nhanh chóng báo cáo tình trạng trên với Sở Y tế TP.HCM để các cơ quan điều tra vào cuộc, truy nguồn và triệt phá những đường dây thuốc tể trộn chất cấm, tránh để lưu hành trong cộng đồng và những tình huống tử vong đáng tiếc.
Hình 3: Ông Q. tỉnh táo và đã rút ống thở, chuẩn bị chuyển khoa.
Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc của Bệnh viện Nhân dân 115 đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo và thực hành về hồi sức cấp cứu cho sinh viên, bác sĩ đa khoa và sau đại học. Khoa đã tổ chức nhiều khoá đào tạo uy tín và chất lượng về lọc máu ngoài cơ thể, thông khí cơ học và hồi sức cấp cứu cơ bản, chuyển giao kỹ thuật cao cho các cơ sở y tế khác. Với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại, khoa đảm nhận nhiệm vụ điều trị và chăm sóc tích cực cho những người bệnh nặng nguy kịch, trong đó có những trường hợp ngộ độc thuốc tễ chứa phenformin, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và sức khoẻ cộng đồng.
Khoa Nội tiết của Bệnh viện là trung tâm chuyên sâu về chẩn đoán và điều trị các bệnh lý như đái tháo đường và rối loạn nội tiết. Đội ngũ y bác sĩ tại đây có trình độ chuyên môn cao, đảm bảo chất lượng chăm sóc tốt nhất cho người bệnh. Các chuyên gia tại khoa khuyến cáo để đảm bảo sức khỏe cá nhân và cộng đồng, người bệnh đái tháo đường nên dùng thuốc và ăn uống theo hướng dẫn chặt chẽ của bác sĩ, và tuân thủ tái khám định kỳ để điều chỉnh thuốc phù hợp. Khoa Nội tiết Bệnh viện Nhân dân 115 luôn sẵn sàng tiếp nhận người bệnh đái tháo đường và thiết kế đơn thuốc cũng như chế độ ăn uống và tập luyện thể dục phù hợp với tình trạng sức khỏe, kinh tế, xã hội của người bệnh.
BS. Trần Huy Nhật – Khoa Hồi sức tích cực và chống độc – Bệnh viện Nhân dân 115