TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng
– Nguyên Trưởng khoa Nội tiêu hóa – Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, trong thời
gian qua, trên địa bàn TP.HCM và cả nước nói chung đã có nhiều vụ ngộ độc thực
phẩm xảy ra. Đặc biệt, thống kê cho thấy thời điểm đầu năm cũng là dịp Tết
Nguyên Đán hằng năm, số vụ ngộ độc thực phẩm và số người chết vì ngộ độc thực
phẩm đều gia tăng.
Người bệnh ngộ độc thực phẩm thường do uống rượu bia, ăn nhiều chất béo, ăn thịnh soạn... dẫn đến bị viêm tụy cấp và có đến 10-15% người bệnh bị diễn tiến nặng dẫn đến suy đa cơ quan và tử vong.
Vào những ngày dịp Tết, do chế độ ăn uống thất thường (nhiều chất béo, uống bia rượu…) nên nhiều người bị tăng tiết acid dịch vị và rối loạn vận động dạ dày – thực quản. Bên cạnh đó, nguyên nhân còn do áp lực thi cử, công việc… Hậu quả, người bệnh mắc các triệu chứng như: đau ngực, ợ hơi, sâu răng, chảy nước bọt quá mức, cảm giác đau rát ở cổ họng hoặc ngực, khó nuốt hoặc khó ăn uống bình thường, phát triển vị chua trong miệng, thở khò khè triệu chứng hen suyễn, ho mãn tính và khó thở…
Bệnh dạ dày gây nhiều biến chứng và gần 90% ca mắc mới ung thư dạ dày tại Việt Nam được chẩn đoán ở giai đoạn muộn nên tỉ lệ tử vong cao; tỉ lệ người bệnh nam mắc mới và tử vong cao hơn so với nữ.
Bên cạnh bệnh dạ dày, chế độ ăn uống ngày Tết với bia rượu nhiều cũng là gánh nặng cho gan. Các bệnh về gan tiến triển âm thầm không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng, người bệnh vẫn sinh hoạt bình thường.
Theo dữ liệu của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), gần một nửa (46%) dân số thế giới tiêu thụ rượu, với tỷ lệ ở nam giới (54%) cao hơn nữ giới (38%). Năm 2021 trên toàn cầu, rượu chiếm 4% tổng số ca ung thư được chẩn đoán vào năm 2020. Trường hợp ung thư do rượu, uống nhiều rượu (hơn 60 g/ngày hoặc khoảng 6 ly mỗi ngày) chiếm 47%; uống rượu có nguy cơ (20 đến 60 g/ngày) chiếm 29% và uống rượu vừa phải (dưới 20 g/ngày hoặc khoảng 2 ly mỗi ngày) chiếm khoảng 14%.
Theo thống kê ở Anh, rượu gây ra gần 17.000 trường hợp ung thư năm 2020. Các loại ung thư liên quan rượu: ung thư vú, ung thư khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan, dạ dày và tụy.
Bên cạnh rượu bia, aflatoxin là độc tố từ ngũ cốc hoặc động vật nuôi bằng ngũ cốc bị nhiễm nấm mốc (khi động vật ăn thức ăn nhiễm aflatoxin, chất độc có thể tồn tại trong gan, thận, cơ, máu, trứng và sữa của chúng) cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, ung thư...
TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng sẽ chia sẻ “Một năm bắt đầu từ mùa xuân. Một đời bắt đầu từ tuổi trẻ. Sức khỏe bắt đầu từ hệ tiêu hóa. Hãy chăm sóc hệ tiêu hóa của mình”.
Ngọc Hân tổng hợp