Logo Bệnh viện Nhân dân 115
10/02/2019 06:28

Bệnh nhân gút nên ăn uống thế nào dịp Tết?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân - Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân Dân 115 chia sẻ chế độ ăn ngày Tết dành cho bệnh nhân gút.
Gút là bệnh lý viêm khớp liên quan tới sự tăng cao nồng độ axit uric trong máu dẫn tới sự lắng đọng tinh thể urate trong các khớp, gây ra triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau tại khớp. Đây là một bệnh lý về khớp liên quan đến chuyển hóa, thường gặp ở nam giới, độ tuổi từ 40 trở lên và dường như có khuynh hướng ngày càng trẻ hóa.

Axit uric một phần có nguồn gốc từ sự chuyển hóa purine trong thức ăn. Do đó, bên cạnh việc tuân thủ chế độ điều trị bằng thuốc thì việc tiết chế bằng chế độ ăn với các thực phẩm có hàm lượng purine thấp sẽ giúp giảm nguy cơ tái phát của những đợt gút cấp đồng thời làm chậm quá trình gây tổn thương khớp.

Như vậy, bệnh nhân gút nên có chế độ ăn như thế nào, đặc biệt là trong dịp Tết?

BS Đoàn Thị Huyền Trân - Trưởng khoa Cơ xương khớp, BV Nhân dân 115

1. Thức ăn nên tránh:

- Đồ uống có cồn (bia, rượu): sử dụng thức uống có cồn có thể làm tăng nguy cơ gút cấp vì khi cơ thể chuyển hóa cồn sẽ làm tăng nồng độ axit uric trong máu.Trong các loại đồ uống có cồn thì rượu vang nếu sử dụng điều độ thì ít gây cơn gút cấp hơn bia và các loại rượu khác.

- Đồ uống có ga chứa chất tạo ngọt HFCS (high fructose corn syrup- xi rô bắp hàm lượng fructose cao): HFCS ra đời từ những năm 1960 và được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp chế biến thực phẩm và pha chế. HFCS là chất tạo ngọt nhân tạo được làm từ tinh bột bắp với hàm lượng fructose chiếm 55%, glucose chiếm 45%. Khi cơ thể chuyển hóa fructose sẽ tăng tạo purine và từ đó sẽ làm tăng axit uric trong máu.

- Nội tạng (gan, thận, tim) có hàm lượng rất cao purine và nó có thể thúc đẩy một cơn gút cấp, vì vậy nên tránh hoàn toàn trên bệnh nhân gút. Thịt đỏ (thịt bò) có hàm lượng acid uric cao hơn thịt trắng (thịt gà, vịt, heo) nên cũng hạn chế không ăn thường xuyên.

- Hải sản có hàm lượng purine cao như sò, mực ống, tôm, cua, hàu không nên ăn.

2. Thức ăn nên dùng:

- Nước lọc: nghiên cứu cho thấy uống càng nhiều nước thì càng giảm số đợt gút cấp vì nước giúp tăng đào thải axit uric qua nước tiểu. Những người uống từ 5-8 cốc nước mỗi ngày sẽ giảm 40% nguy cơ bị gút cấp.
Tuy nhiên, lượng nước uống mỗi ngày thay đổi tùy thuộc vào mức độ hoạt động thể lực và bệnh lý kèm theo của từng cá thể bệnh nhân. Bệnh nhân gút nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn về lượng nước cần uống trong một ngày.

- Sữa ít béo hay yogurt: uống sữa ít béo có thể giảm nồng độ axit uric và nguy cơ gút cấp vì protein trong sữa giúp tăng đào thải axit uric qua nước tiểu.

- Cà phê: người có thói quen uống cà phê mỗi ngày có ít nguy cơ bị gút cấp hơn người không uống cà phê. Uống 4-5 tách cà phê mỗi ngày giúp giảm 40% nguy cơ bị gút cấp.

- Vitamin C (cam, bưởi, dâu tây, cà chua…): giúp giảm nồng độ axit uric và ngăn ngừa cơn gút cấp.

- Đạm thực vật (các loại đậu, tàu hủ…) không làm tăng axit uric máu, giúp bảo vệ cơ thể khỏi cơn gút cấp.

Tết đến, xuân về là dịp sum vầy bên gia đình, gặp gỡ bạn bè với những bữa tiệc thịnh soạn. Đây là dịp mà chúng ta dễ dàng rơi vào tình trạng ăn uống quá nhiều, “nạp quá mức” các loại thức ăn giàu purine, cũng như tiêu thụ một lượng đáng kể thức uống có cồn. Đây là một yếu tố thúc đẩy xuất hiện cơn gút cấp.

Ngược lại, có những bệnh nhân do nghe tư vấn từ những “bác sĩ không chuyên” như bạn bè, hàng xóm… lại tuân thủ một chế độ ăn kiêng quá mức dẫn đến tình trạng mệt mỏi, thậm chí là suy dinh dưỡng thể hiện bằng tình trạng sụt cân và giảm Albumin máu đáng kể.

Đây là một thực tế vẫn xảy ra tại phòng khám của khoa Cơ xương khớp chúng tôi. Do đó, các bệnh nhân gút nên tái khám bác sĩ chuyên khoa tại phòng khám của khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân Dân 115 để được tư vấn cụ thể về chế độ ăn và cách sử dụng thuốc trong dịp tết Nguyên đán này với hy vọng các bệnh nhân sẽ đón Tết với một niềm vui thật trọn vẹn.

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân
Trưởng khoa Cơ xương khớp - Bệnh viện Nhân Dân 115

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080