Logo Bệnh viện Nhân dân 115
23/08/2019 13:49

Lọc máu hấp phụ kịp thời cứu sống bệnh nhân ngộ độc Phenobarbital

Vừa qua khoa Hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện Nhân dân 115 đã lọc máu hấp phụ kịp thời cứu sống một bệnh nhân bị hôn mê sau ngộ độc Phenobarbital.

Đó là trường hợp của ông T.T.H 60 tuổi ở Quận 4, Tp. Hồ Chí Minh nhập viện vì hôn mê sau ngộ độc Phenobarbital. Qua khai thác bệnh sử từ người nhà của ông H, chúng tôi ghi nhận bệnh nhân đang điều trị rối loạn tâm thần sau di chứng chấn thương sọ não năm 3 tuổi, với nhiều loại thuốc trong đó có Phenobarbital. Bệnh nhân được người nhà cho uống thuốc theo toa bảo hiểm y tế, mỗi ngày 1 viên.

Đợt này người nhà lãnh 45 viên Phenobarbital 0,1g và đã uống được 5 viên trước ngày nhập viện. Khoảng 15 giờ ngày nhập viện, người nhà phát hiện bệnh nhân lơ mơ nằm trên giường, kế bên là lọ thuốc Phenobarbital đã hết, không có thuốc rơi vãi xung quanh. Nghi ngờ bệnh nhân đã uống khoảng 40 viên Phenobarbital nên người nhà lập tức đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Nhân dân 115. Bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy, chuyển vào khoa Hồi sức tích cực – chống độc tiếp tục điều trị.


Hình 1: Lọ thuốc Phenobarbital 0,1g nghi ngờ bệnh nhân đã uống

Qua thăm khám bệnh nhân, chúng tôi ghi nhận:

-         Bệnh nhân mê sâu, GCS 6 – 7 điểm, không rối loạn huyết động.

-         Đồng tử 2 bên 3 mm, PXAS (+).

-         Không ghi nhận dấu thần kinh khu trú.

-         Cổ mềm, dấu Kernig (-), dấu Brudzinski (-).

-         Cánh tay phải bị teo, biến dạng nghĩ do di chứng chấn thương sọ não.

Các cận lâm sàng nổi bật của bệnh nhân:

-         CT sọ não không cản quang: tổn thương não cũ rải rác bán cầu trái, thoái hóa Wallerian vùng cầu – cuống đại não trái.

-         Tầm soát độc chất: có sự hiện diện của Phenobarbital trong máu và nước tiểu.

Bệnh nhân được chẩn đoán: Ngộ độc Phenobarbital do tự ý trên bệnh nhân rối loạn tâm thần sau di chứng chấn thương sọ não.

Chúng tôi tiến hành hồi sức tích cực cho bệnh nhân, điều trị theo phác đồ điều trị ngộ độc Phenobarbital, nhanh chóng tư vấn đối với người nhà và tiến hành lọc máu hấp phụ cho bệnh nhân. Điều trị cụ thể như sau:

-         Cho bệnh nhân thở máy qua nội khí quản.

-         Uống than hoạt, rửa dạ dày.

-         Bài niệu cưỡng bức với Sodium Chloride 0,9%, Glucose 5% và Furosemide.

-         Kiềm hóa nước tiểu với Sodium Bicarbonate 4,2% nhằm duy trì pH nước tiểu 7,5 – 8,0 và pH máu không vượt quá 7,55 – 7,6.

-         Lọc máu hấp phụ.

Tình trạng bệnh nhân cải thiện đáng kể trong quá trình lọc máu hấp phụ: Khi bắt đầu lọc máu hấp phụ bệnh nhân vẫn còn mê sâu. Máy chạy được khoảng 2 giờ thì bệnh nhân bắt đầu tỉnh lại dần và có thể nhận biết xung quanh. Sau đó tri giác bệnh nhân cải thiện rõ rệt, GCS từ khoảng 6 – 7 đ tăng dần đến 14 – 15 đ.



Hình 2: BS. Trần Huy Nhật (bác sĩ điều trị) đang tiến hành lọc máu hấp phụ cho bệnh nhân

Quá trình lọc máu hấp phụ kết thúc sau hơn 8 giờ. Bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo và được tập cai máy thở và rút ống nội khí quản. Bệnh nhân được chuyển đến khoa Nội Tiêu hóa theo dõi tiếp, tình trạng bệnh nhân ổn định và được xuất viện.

Đối với trường hợp trên, chính nhờ người nhà khai bệnh rõ ràng và kíp trực đã quyết định xử trí nhanh chóng nên tình trạng hôn mê của bệnh nhân do Phenobarbital đã được đảo ngược hoàn toàn chỉ trong vòng 12 giờ nhập viện.

Kết quả tầm soát độc chất dương tính với Phenobarbital được trả về sau khi bệnh nhân đã rút ống nội khí quản thành công, nên kết quả trên chỉ giúp xác định rõ lại chẩn đoán. Nếu đợi có kết quả rồi mới xử trí thì việc điều trị bệnh nhân sẽ bị trì hoãn thêm ít nhất 12 giờ nữa.

 Qua trường hợp trên, chúng tôi có một số khuyến cáo như sau:

Đối với người dân:

- Phenobarbital nói riêng và nhóm thuốc hướng thần nói chung được sử dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh về rối loạn tâm thần và nhận thức. Tuy nhiên chính nhóm bệnh nhân sử dụng thuốc này lại có nguy cơ cao nhất bị ngộ độc/quá liều thuốc dù vô tình hay tự ý do họ không tự kiểm soát được hành vi bản thân. Vì thế ai có người thân đang sử dụng những loại thuốc trên thì cần bảo quản thuốc kỹ lưỡng, cho bệnh nhân uống thuốc theo toa của bác sĩ và đưa bệnh nhân đi khám ngay nếu có dấu hiệu bất thường.

- Trong trường hợp ngộ độc/quá liều, người thân cần phải xác định rõ bệnh nhân đã uống thuốc gì, số lượng, hàm lượng bao nhiêu, có uống thêm thuốc nào khác hay không. Các manh mối giúp gợi ý bao gồm, nhưng không giới hạn ở, số vỉ thuốc lọ thuốc xung quanh khu vực bệnh nhân ngộ độc, hỏi những nhà thuốc tây lân cận có bán thuốc cho bệnh nhân không, hình chụp thuốc bệnh nhân chia sẻ trên mạng xã hội, v.v… Có đủ những thông tin trên sẽ giúp cho nhân viên y tế có hướng xử trí và điều trị nhanh chóng, kịp thời.

- Biện pháp sơ cứu ban đầu là uống than hoạt chỉ được áp dụng trong trường hợp bệnh nhân còn tỉnh táo.Vì thế khuyến cáo trong tủ thuốc của mọi gia đình nên có thêm than hoạt. Trong mọi trường hợp phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất càng sớm càng tốt. Càng để lâu cơ thể sẽ hấp thu thuốc càng nhiều và tình trạng ngộ độc sẽ nặng nề hơn.

 

Đối với nhân viên y tế:

- Ngộ độc thuốc có thể được chẩn đoán gần như chắc chắn nhờ hỏi kỹ bệnh sử và thăm khám lâm sàng, không cần đợi kết quả tầm soát độc chất.

- Nhanh chóng áp dụng các biện pháp chống độc theo phác đồ khi đã xác định rõ nhóm thuốc thủ phạm để nhanh chóng đảo ngược tác dụng gây độc của thuốc.

- Phân biệt với các nguyên nhân gây hôn mê thường gặp khác (ngộ độc nhóm thuốc á phiện, thuốc hướng thần nhóm benzodiazepin, đột quỵ, hạ đường huyết, nhiễm trùng, …) vì sẽ có phương pháp điều trị khác nhau.

- Khi kê toa các nhóm thuốc hướng thần, bác sĩ nên ghi rõ cách uống thuốc đồng thời tư vấn về nguy cơ, dấu hiện nhận diện và cách xử trí ban đầu khi ngộ độc thuốc.

- Nhà thuốc khi bán những thuốc này phải có toa của bác sĩ rõ ràng. Từ chối bán thuốc cho bệnh nhân khi nghi ngờ có dấu hiệu muốn tự tử.

 

Bác sĩ điều trị và tác giả bài viết: BS. Trần Huy Nhật

Khoa Hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện Nhân dân 115

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080