Logo Bệnh viện Nhân dân 115
08/02/2025 07:24

Bảo vệ sức khoẻ bản thân và gia đình trong mùa cúm

Với mức độ lây nhiễm cao và khả năng gây biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt ở trẻ nhỏ, người già, người có nhiều bệnh nền và những người có hệ miễn dịch suy giảm, việc phòng ngừa và giáo dục cộng đồng về cúm A là vô cùng quan trọng.

Cúm là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra, có khả năng biến đổi nhanh chóng và gây ra các đợt bùng phát theo mùa.


Ảnh: Virus cúm - Nguồn Internet

Cúm là gì?

Virus cúm có khả năng lây truyền qua đường không khí, khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Các triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm sốt cao, ho khan, đau họng, đau cơ và mệt mỏi. Một số trường hợp có thể tiến triển thành viêm phổi, đòi hỏi can thiệp y tế khẩn cấp. Do khả năng biến đổi gen, virus này có thể hình thành các chủng mới nguy hiểm hơn, lây lan nhanh hơn, khiến cộng đồng và mạng lưới y tế phải luôn cảnh giác và cập nhật thông tin để kịp thời điều chỉnh chiến lược phòng chống.

Ngày 05/02/2025, Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế đã ghi nhận những thông tin về đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản. Theo dữ liệu công bố của Viện Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản, từ 02/09/2024 đến 26/01/2025, quốc gia này ghi nhận khoảng 9,5 triệu trường hợp mắc cúm mùa. Trong đó, tuần cuối cùng của năm 2024 (từ 23 - 29/12/2024) đã ghi nhận hơn 317.000 trường hợp. Tokyo, Hokkaido, Osaka và Fukuoka là các khu vực có đông dân cư và nhiều địa điểm du lịch là các địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt bùng phát dịch cúm mùa hiện tại. Đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản hiện nay, chủ yếu do cúm A gây ra, nhưng vẫn còn nguy cơ bùng phát dịch do cúm B.

Ngày 07/02/2025, Sở Y tế TP.HCM ra văn bản khẩn về phòng chống bệnh cúm mùa. Tại Việt Nam, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 8 bệnh nhân mắc bệnh cúm mùa, một trong số đó phải đặt ECMO. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo thống kê, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) và các bệnh viện chuyên khoa nhi, nhiễm, đến thời điểm hiện tại Thành phố chưa phát hiện bất thường trong công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân cúm. Bệnh viện Nhân dân 115 vẫn giữ tinh thần cảnh giác cao độ, sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân cúm, đặc biệt nhóm đối tượng có yếu tố dịch tễ đã từng đến Nhật Bản.


Biện pháp phòng ngừa hiệu quả

Để chủ động phòng chống cúm mùa, người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh chung

- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp;

- Đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng;

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi);

- Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng;

2. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết;

3. Tiêm vaccine cúm mùa phòng bệnh;

Vaccine cúm được xem là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Theo khuyến cáo của WHO và CDC, việc tiêm vaccine hằng năm giúp kích thích hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh cũng như làm giảm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng nếu nhiễm cúm. Đặc biệt, các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người trên 65 tuổi, người mắc các bệnh tim phổi mạn tính cần ưu tiên được tiêm vaccine. Vaccine Ivacflu-S (Việt Nam) chỉ tiêm ngừa cho người từ 18 đến 60 tuổi.

4. Thực hiện lối sống lành mạnh;

- Ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước để ngăn ngừa nhiễm virus cúm;

- Tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Cục Y tế dự phòng lưu ý: Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế ngay để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

Cúm là một thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Việc tiêm vaccine, duy trì vệ sinh cá nhân và tăng cường giáo dục cộng đồng là những biện pháp thiết yếu để ngăn chặn sự lây lan của virus.

BS Trần Huy Nhật

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080