Logo Bệnh viện Nhân dân 115
28/07/2017 17:34

Vắc xin chống tiểu đường type 1 sẽ được thử nghiệm năm 2018

Mẫu thử vắc xin ngăn ngừa bệnh tiểu đường type 1 đã sẵn sàng để bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vào năm 2018 sau một thập kỷ nghiên cứu.
Đây không phải là một phương pháp chữa trị vì nó không loại trừ hoàn toàn căn bệnh này. Nhưng vắc xin có thể cung cấp khả năng miễn dịch cho cơ thể để chống lại loại virus là tác nhân gây bệnh và được kỳ vọng sẽ giúp giảm số người mắc bệnh tiểu đường mỗi năm.

Tiểu đường type 1 (không nên nhầm với type 2) thường ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của bệnh nhân. Nó làm giảm khả năng sản xuất insulin, khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ glucose.

Sự mất mát insulin này là do mô tụy được gọi là tế bào beta bị phá hủy bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể. Các nghiên cứu gầy đây đã phát hiện ra một loại virus có tên Virus coxsackie B1 (CVB1) có thể là tác nhân gây ra bệnh tiểu đường type-1.

Virus coxsackie là một Enterovirus có khả năng sinh sôi trong đường tiêu hóa, ổn định trong môi trường acid kể cả acid dịch dạ dày. Virut gây ra một số hội chứng trên lâm sàng như: bệnh bại liệt, bệnh tay, chân, miệng, viêm màng não và viêm cơ tim.

Sau hơn 2 thập niên nghiên cứu, Trường Đại học Tampere ở Phần Lan đã có bằng chứng chắc chắn về mối liên kết giữa virus này với phản ứng tự miễn dịch của cơ thể. Mối liên quan này dẫn đến nguy cơ cơ thể tự tiêu hủy các tế bào trong tuyến tụy của mình.


Thử nghiệm vắc xin tiểu đường loại 1 (Ảnh: Shutterstock)

Vào năm 2014, Nhà virut học Heikki Hyöty và nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Tampere đã thực hiện 1 nghiên cứu về trẻ em Phần Lan bị tiểu đường type 1 để chứng minh rằng: ít nhất một trong sáu virus trong nhóm coxsackieviruses có liên quan đến tình trạng này.

Đối với một số trẻ em bị nhiễm virus CVB1, đây có thể là sự khởi đầu của một căn bệnh kinh niên và không thể chữa được. Theo nghiên cứu năm 2014 của Hyöty, 5 phần trăm trẻ em bị nhiễm CVB1 tiếp tục phát triển bệnh tiểu đường type 1.

Con số này không lớn nhưng nó cho thấy mỗi năm có hàng trăm trẻ sơ sinh trên toàn cầu có nguy cơ mắc tiểu đường type 1. Nếu những bệnh nhân khác của nhóm CVB cũng tự miễn nhiễm tế bào beta - con số này có thể cao hơn.

Từ nghiên cứu trên, một loại vắc xin phòng bệnh đã ra đời và thử nghiệm thành công trên động vật.

"Hiện tại, chúng tôi đã thử nghiệm vắc xin hiệu quả và an toàn trên chuột. Giai đoạn tiếp theo sẽ là nghiên cứu vắc xin ở người", ông Hyöty - trưởng nhóm nghiên cứu cho hay.

Ngoài ra, ông Hyöty còn cho biết, vắc xin có thể giúp giảm các bệnh nhiễm trùng khác do siêu vi khuẩn gây ra, chẳng hạn như cảm lạnh thông thường, viêm cơ tim, viêm màng não và nhiễm trùng tai.

Ba giai đoạn thử nghiệm ở người hiện đang trong giai đoạn triển khai, và có thể phải đến 08 năm để đánh giá tính hiệu quả của thuốc.

Trong khi đó, các nhóm như Quỹ Nghiên cứu Bệnh Tiểu đường Vị thành niên (JDRF) đang tiếp tục tài trợ nghiên cứu để tìm ra cách tốt nhất để phòng ngừa và điều trị bệnh tiểu đường type 1. Họ cải tiến công nghệ để bắt chước chức năng của tuyến tụy hoặc xác định cách tái tạo các tế bào sản xuất insulin.

Đầu năm nay, các nhà nghiên cứu đã xác định một tế bào chưa trưởng thành trong tụy có khả năng đảm nhiệm chức năng bị mất của các tế bào beta trưởng thành. Phát hiện này hứa hẹn sẽ mở ra nhiều phương pháp để phòng ngừa bệnh tiểu đường loại 1.

Dù bệnh tiểu đường type-1 không phổ biến như tiểu đường type-2, nhưng đây là căn bệnh ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới. Hiện có khoảng 20 đến 40 triệu người trên toàn thế giới đang chung sống với căn bệnh này và ước tính mỗi năm phát hiện thêm 80,000 ca nhiễm mới.

Theo Bích Trâm

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080