Logo Bệnh viện Nhân dân 115
15/11/2019 09:33

Tác dụng phụ và biến chứng có thể gặp sau gây mê

Có nhiều tác dụng phụ liên quan đến vô cảm khi thực hiện phẫu thuật và thủ thuật, từ những tác động nhỏ cho đến những biến chứng nguy hiểm, tùy thuộc vào phương pháp gây mê, thời gian phẫu thuật và những vấn đề nền tảng của người bệnh.

Bs. CKII Lưu Kính Khương – Trưởng khoa Gây mê hồi sức ngoại

I. Những điều cần biết về gây mê trước phẫu thuật

Có rất nhiều tác dụng phụ liên quan đến vô cảm khi thực hiện phẫu thuật và thủ thuật, từ những tác động nhỏ không đáng kể đến những vấn đề có thể nguy hiểm đến tính mạng. May mắn là những biến chứng nặng do phương pháp gây mê ít khi xảy ra. Hầu hết người bệnh không gặp phải vấn đề gì hoặc rất nhỏ trong vài giờ hoặc vài ngày sau mổ.

Những tác dụng phụ của gây mê khác nhau tùy thuộc vào phương pháp gây mê mà người bệnh được thực hiện, thời gian phẫu thuật và những vấn đề nền tảng của người bệnh. Ví dụ: một thanh niên cần thực hiện phẫu thuật cắt ruột thừa và không có vấn đề sức khỏe gì khác, phẫu thuật trong 1 giờ, sẽ có ít biến chứng hơn một cụ già trên 80 tuổi, tiểu đường, hút thuốc lá và phải thực hiện nhiều giờ phẫu thuật mổ tim mở.

II. Giải thích về gây mê toàn thân

Loại phương pháp vô cảm này được sử dụng phổ biến ở bệnh viện hoặc các trung tâm ngoại khoa. Thuốc được đưa vào cơ thể thông qua cả đường hô hấp và tĩnh mạch. Trong suốt quá trình gây mê, người bệnh hoàn toàn mất tri giác, không nhận thức được xung quanh, hoàn toàn mất cảm giác đau.

Người bệnh được gây mê toàn thân cần phải được đặt một ống thở (ống nội khí quản) và thở máy. Điều này là do các thuốc dùng gây mê không chỉ làm người bệnh mất tri giác và không cảm thấy đau, mà còn làm các cơ bị liệt kể cả các cơ hô hấp.

Các thuốc mê gây liệt cơ và bất động người bệnh – điều đặc biệt quan trọng trong phẫu thuật –  cũng dẫn đến các biến chứng từ việc bất động trong thời gian dài. Khi gây mê, cũng như phẫu thuật, cần phân tích cẩn thận lợi ích và nguy cơ. Bác sĩ thực hiện phương pháp gây mê cần phải tư vấn, giải thích rõ ràng điểm lợi và điểm hại cho người bệnh, người  nhà người bệnh. Thực hiện các biện pháp để giảm thiểu các nguy cơ, giúp cải thiện tiên lượng cho người bệnh.

Điều quan trọng cần nhớ là nguy cơ của gây mê toàn thân không phải điều duy nhất cần quan tâm, bản thân phẫu thuật cũng có những biến chứng cần xem xét. Mỗi phẫu thuật đều có những yếu tố nguy cơ riêng, không liên quan đến vô cảm. Ví dụ, phẫu thuật cắt ruột thừa có nguy cơ nhiễm trùng từ ruột thừa, lan rộng từ ruột thừa ra khắp ổ bụng, hay nhiễm trùng vết mổ, không liên quan đến gây mê.

III. Các vấn đề thường gặp sau gây mê toàn thân

- Buồn nôn/nôn: Vấn đề thường gặp nhất sau gây mê toàn thân là nôn và buồn nôn. Nôn và buồn nôn sau mổ có thể dễ dàng phòng tránh và điều trị bằng nhiều loại thuốc khác nhau. Yếu tố dự đoán tốt nhất là người bệnh từng có tiền căn nôn/buồn nôn sau mổ trước đó. Những người bệnh từng gặp vấn đề này hầu như sẽ bị lại và được dự phòng bằng thuốc chống nôn.

- Đau họng/ khàn tiếng: Sau khi đặt ống thở, khàn tiếng hay viêm họng có thể xảy ra đặc biệt đối với người bệnh phẫu thuật kéo dài. Biến chứng này về cơ bản không thể phòng tránh, các thuốc xịt họng, viên ngậm có thể giảm triệu chứng này khoảng vài ngày sau phẫu thuật.

Khàn tiếng nếu không cải thiện trong vòng 5 – 7 ngày sau phẫu thuật nên đến khám ở các cơ sở chăm sóc sức khỏe.

- Khô miệng: Việc phải mở miệng liên tục trong quá trình phẫu thuật do ống thở thường gây khô miệng khi người bệnh tỉnh. Triệu chứng này sẽ cải thiện sau khi người bệnh có thể ăn uống lại.

- Run/ớn lạnh: Đây là phản ứng tự nhiên với các thuốc được dùng trong quá trình phẫu thuật và sẽ hết khi đào thải hết thuốc. Triệu chứng này cũng có thể do thân nhiệt hơi hạ thấp trong quá trình phẫu thuật, có thể cải thiện nhanh chóng khi được ủ ấm. Nếu người bệnh bị sốt cũng có thể bị lạnh run nhưng ít gặp hơn sau phẫu thuật trừ khi người bệnh có nhiễm trùng trước đó.

- Buồn ngủ: Các thuốc dùng trong gây mê toàn thân gây buồn ngủ và nhiều người ngủ gà trong vài giờ sau mổ. Về cơ bản, sau một giấc ngủ ngon, người bệnh có thể cảm thấy thoải mái hơn.

- Đau cơ: Một trong những thuốc thường dùng trong gây mê toàn thân gây ra đau cơ. Nằm bất động hoàn toàn ở một tư thế trong suốt quá trình phẫu thuật có thể dẫn đến đau cơ hoặc một số loại thuốc giãn cơ cũng có thể gây đau cơ hay mỏi cơ sau mổ. Bệnh nhân thường xuyên than phiền về đau toàn thân sau phẫu thuật, điển hình là đau lưng, gây ra do không thể thay đổi tư thế trong phẫu thuật.

- Ngứa: Những thuốc dùng trong và sau phẫu thuật có thể gây ra ngứa. Các thuốc giảm đau, đặc biệt là các thuốc nhóm morphine gây ra ngứa nhiều hơn là các thuốc khác dùng trong gây mê.

IV. Các vấn đề nghiêm trọng hơn sau gây mê toàn thân

- Loạn thần: Thay đổi tri giác, đặc biệt trên người bệnh đã “bị lẫn” trước đó, thường có thể xuất hiện sau phẫu thuật. Tình trạng này đặc biệt hay gặp trên người bệnh lớn tuổi, có sa sút trí tuệ, Alzheimer hoặc các bệnh lý gây loạn thần khác. Sự kết hợp các thuốc và cơ địa loạn thần thường dẫn đến gia tăng các triệu chứng này cho đến khi cơ thể đào thải hoàn toàn thuốc mê.

Sự thay đổi môi trường lạ lẫm (bệnh viện, phòng mổ) có thể làm nặng thêm loạn thần. Điều trị tại ICU là yếu tố nguy cơ đã được chứng minh của cả sa sút trí tuệ và loạn thần, do các yếu tố: bị kích thích liên tục do ánh đèn cả ngày và đêm, âm thanh máy móc và báo động trên monitor theo dõi, can thiệp liên tục của nhân viên y tế.

- Bí tiểu: Gây mê toàn thân gây liệt cơ toàn cơ thể, và bàng quang cũng là một trong số đó. Bàng quang không chỉ bị ảnh hưởng bởi thuốc mê, mà còn do nhiều phẫu thuật cần đặt thông tiểu. Sau khi rút thông tiểu (gọi là catheter foley), chức năng bài tiết nước tiểu có thể bị ảnh hưởng những ngày sau đó.

Sau khi đặt thông tiểu có thể gây tiểu đau, không đồng nghĩa với có nhiễm trùng tiểu. Tuy đặt thông tiểu làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiểu song hầu hết người bệnh không gặp bất kỳ bệnh lý nào. Một số hiếm trường hợp người bệnh không tiểu được sau phẫu thuật, trường hợp này cần được can thiệp y tế ngay.

- Liệt ruột: Không chỉ bàng quang bị liệt do thuốc, ruột cũng vậy. Ruột không hoạt động lại một thời gian sau mổ gây ra liệt ruột, thường người bệnh sẽ không đánh hơi được sau mổ làm bụng chướng, thường gây khó chịu cho người bệnh. Vấn đề này thường tự khỏi một vài ngày sau mổ, nếu vẫn không hết sau vài ngày thì nên báo với bác sĩ của bạn để tìm những nguyên nhân khác hoặc dùng thuốc làm tăng nhu động ruột.

Trong ngày phẫu thuật, người bệnh thường được giữ ở phòng hồi tỉnh cho đến khi bắt đầu trung tiện được, dấu hiệu cho thấy không còn liệt ruột và có thể an toàn về nhà.

- Khó cai máy thở: Hầu hết người bệnh, ống thở được rút một thời gian ngắn sau khi kết thúc cuộc phẫu thuật và có thể tự thở trở lại sau vài phút. Một số khác, thường là người bệnh già và có bệnh lý cần nhiều thời gian hơn để cai được máy thở, đặc biệt là những người bệnh có bệnh lý hô hấp hay tim mạch. Những người bệnh không an toàn khi tháo bỏ máy thở ngay sau mổ thường được tiếp tục thở máy vài giờ cho đến khi tỉnh hẳn. Một số trường hợp hiếm gặp, người bệnh cần phải chăm sóc ở phòng chăm sóc đặc biệt, kéo dài điều trị đến khi người bệnh có thể tự thở.

- Hít sặc/viêm phổi: Đây là một biến chứng nghiêm trọng xảy ra do dịch và thức ăn hít vào phổi trước, trong hay sau phẫu thuật. Do người bệnh hôn mê và được đặt ống thở, nên dễ dàng bị hít các vật lạ vào phổi. Bình thường chúng ta có thể ho để loại bỏ các vật lạ ra khỏi đường thở, hay còn gọi là “sặc”. Trong phẫu thuật, phản xạ ho bị mất, kể cả khi vật lạ rơi vào đường thở, dẫn đến người bệnh có thể hít các chất nôn vào phổi. Tình trạng này gây viêm phổi sau mổ và là một biến chứng nặng cần điều trị kháng sinh, thậm chí cần phải nhập viện lại trong một số trường hợp. Chính vì vậy mà bác sỹ gây mê thường dặn dò người bệnh không được ăn uống một thời gian trước khi vào phòng mổ.

- Cục máu đông: Bất động ở một tư thế suốt nhiều giờ trong phẫu thuật có thể tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, còn gọi là “thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu sau mổ”. Chúng thường xuất hiện ở các chi, đặc biệt là ở cẳng chân. Từ đó cục máu đông có thể trôi về trung tâm gây thuyên tắc các mạch máu khác, đặc biệt là động mạch phổi dễ dẫn đến tử vong.

Người bệnh sau mổ thường được các nhân viên y tế yêu cầu vận động lại sớm ngay khi có thể để phòng ngừa hình thành cục máu đông và các biến chứng hô hấp khác.

- Tăng thân nhiệt ác tính: Đây là tình trạng đặc biệt nghiêm trọng do phản ứng quá mức đối với một số thuốc được dùng trong gây mê và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Tình trạng này gây ra làm thân nhiệt tăng cao và co cơ, có thể dẫn đến suy đa cơ quan nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Một người bệnh có tiền căn tăng thân nhiệt ác tính hay tiền sử gia đình có người bị tăng thân nhiệt ác tính cần phải được kiểm tra cẩn thận trước khi gây mê.

- Thức tỉnh khi gây mê: Đây là tình trạng xảy ra khi các thuốc mê không đạt được hiệu quả làm mất tri giác hoàn toàn. Điều này có thể để lại các di chứng lâu dài cho người bệnh như mất ngủ, trầm cảm, rối loạn tâm thần...Nhiều người bệnh kể lại rằng họ nhớ được một phần của những cuộc hội thoại trong phòng mổ, thậm chí có thể nhìn, nghe và cảm nhận những thứ xảy ra trong phẫu thuật. May mắn là thức tỉnh khi gây mê không thường gặp khi người bệnh đã được gây mê đủ. Ngày nay với các phương tiện theo dõi hiện đại như máy theo dõi độ sâu gây mê, máy đo độ đau…biến chứng này hiếm khi xảy ra.

V. Lời khuyên cho người bệnh

Một trong những điều quan trọng nhất mà người bệnh cần nhớ là các biến chứng nghiêm trọng sau mổ sẽ không cải thiện nếu chậm trễ. Nếu bạn nghĩ rằng bạn đang bị tác dụng phụ hay biến chứng nghiêm trọng và bạn chờ đến sáng để đến phòng cấp cứu thì sẽ không thể giúp được bạn và thậm chí có thể khiến tình trạng nặng thêm. Những vấn đề nhỏ như ngứa hay nôn không cần thiết phải đi cấp cứu trong đêm, tuy nhiên bí tiểu hay khó thở hoặc các tình trạng khác thì cần nhập viện ngay, không được trì hoãn.

 

Tài liệu tham khảo

1. Committee on Standards and Practice Parameters, Apfelbaum JL, Connis RT, et al. Practice advisory for preanesthesia evaluation: an updated report by the American Society of Anesthesiologists Task Force on Preanesthesia Evaluation. Anesthesiology 2012; 116:522.

2. Cohen MM, Duncan PG, Tate RB. Does anesthesia contribute to operative mortality? JAMA 1988; 260:2859.

3. Makary MA, Segev DL, Pronovost PJ, et al. Frailty as a predictor of surgical outcomes in older patients. J Am Coll Surg 2010; 210:901.

4. Kim SW, Han HS, Jung HW, et al. Multidimensional frailty score for the prediction of postoperative mortality risk. JAMA Surg 2014; 149:633.

5. Bagnall NM, Faiz O, Darzi A, Athanasiou T. What is the utility of preoperative frailty assessment for risk stratification in cardiac surgery? Interact Cardiovasc Thorac Surg 2013; 17:398.

                                               

Bs. CKII Lưu Kính Khương – Bs. Nguyễn Hoàng Phúc

- Khoa Gây mê hồi sức ngoại, Bệnh viện Nhân dân 115

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080