Logo Bệnh viện Nhân dân 115
19/06/2018 15:34

Quản lý tối ưu đái tháo đường típ 2 ngoại trú với liệu pháp insulin

“Quản lý tối ưu đái tháo đường típ 2 ngoại trú với liệu pháp insulin” là nội dung của chương trình đào tạo y khoa liên tục với chuyên đề điều trị đái tháo đường típ 2 bằng insulin tại BV Nhân Dân 115.

BS.CK2 Chu Thị Thanh Phương - phụ trách khoa Nội tiết, BV Nhân Dân 115 phát biểu khai giảng buổi tập huấn

Mở đầu buổi tập huấn, ThS.BS Trần Thế Trung - bộ môn Nội tiết, Đại học Y dược TPHCM trình bày đại cương về insulin trong điều trị đái tháo đường.

Insulin được khám phá năm 1921, ứng dụng trong điều trị từ 1922. Việc sản xuất insulin giai đoạn đầu là chiết xuất từ tụy động vật, hiện nay dựa trên công nghệ tái tổ hợp gen, người ta sản xuất insulin người và sau này là insulin analog.

Insulin người đã dần thay thế insulin động vật từ những năm 1970. Hiện nay insulin analog đang dần thay thế insulin người nhờ đa dạng tác dụng, phù hợp nhu cầu sinh lý.

ThS.BS Trần Thế Trung - bộ môn Nội tiết, Đại học Y dược TPHCM

BS Trung đưa ra những những hạn chế của insulin không phải analog trước đây: đặc tính của các insulin tiêm dưới da chưa đạt lý tưởng; insulin người tác dụng ngắn (cần tiêm trước ăn 30 phút, hấp thu chậm, không hợp sinh lý bữa ăn, thời gian tác dụng kéo dài đến 8 giờ, tăng nguy cơ hạ đường huyết trước bữa ăn kế và hạ đường huyết về đêm).

Isulin tác dụng trung bình (NPH) thường dùng tiêm dưới da trước lúc đi ngủ (có chỉ định tác dụng vào lúc nửa đêm, dễ gây cơn hạ đường huyết, sau đó tăng đường huyết vào lúc sáng; thời gian tác dụng không đủ 24 giờ); sự hấp thu kém ổn định: dao động nhiều giữa các lần tiêm; cần trộn lắc đều trước khi tiêm nên có thể dẫn đến biến cố ngoài ý cho dung dịch chưa trộn đều.

Sau đó, BS Trung diễn giải về sự ra đời insulin analog, cấu trúc và tác dụng của insulin analog (có đặc tính tác dụng nhanh- ngắn hoặc chậm- kéo dài), đặc điểm các insulin hiện nay…

Những thách thức hiện tại là insulin chỉ dùng được đường tiêm (bất tiện), tác dụng chưa hoàn toàn sinh lý, cung cấp insulin không thay đổi kịp so với nhu cầu và đường huyết. Do đó, xu hướng tương lai là cải thiện hấp thu và tác dụng insulin tiêm dưới da, thay đổi đường dùng insulin (tìm kiếm đường dùng khác: đường uống, hấp thu qua niêm mạc miệng, đường khí dung, hấp thu qua da không dùng kim: bơm áp lực cao), phát triển tụy nhân tạo: tích hợp insulin vào máy bơm insulin và máy theo dõi đường huyết liên tục…

Tiếp theo, ThS.BS Võ Tuấn Khoa trình bày chủ đề: “Sử dụng insulin cho đái tháo đường típ 2”. BS Tuấn Khoa đưa ra thông tin tổng quan về vai trò insulin trong đái tháo đường, các khái niệm cơ bản liên quan điều trị insulin, các phác đồ điều trị insulin hiện nay.

ThS.BS Võ Tuấn Khoa - khoa Nội tiết, BV Nhân Dân 115

BS Tuấn Khoa khuyến cáo cần cân nhắc điều trị khởi trị sớm với insulin ở đái tháo đường típ 2, chú ý hiện tượng tăng đường huyết buổi sáng bất thường (phân biệt hiện tượng Dawn do không đủ insulin và hiện tượng Somoigy do quá thừa insulin) và nhấn mạnh vai trò của việc hướng dẫn cho bệnh nhân nhận biết và xử trí ban đầu hạ đường huyết.

Cuối phần trình bày của mình, BS Tuấn Khoa đúc kết: insulin là thuốc kiểm soát đường huyết hiệu quả nhất mà hầu hết bệnh nhân đái tháo đường đều cần thiết; khởi trị sớm với insulin có vai trò quan trọng trong kiểm soát đái tháo đường; việc lựa chọn phác đồ và chỉnh liều insulin là tùy thuộc vào từng bệnh nhân đái tháo đường.

Chủ đề thứ ba của buổi tập huấn: “Hướng dẫn cách tiêm insulin trong thực hành lâm sàng” do BS.CK2 Nguyễn Thị Bội Ngọc - khoa Nội tiết, BV Nhân Dân 115 trình bày, gồm 2 phần: các rào cản thường gặp trên lâm sàng và hướng dẫn kỹ thuật tiêm insulin.

BS Bội Ngọc cho biết, rào cản ở phía bệnh nhân là họ nghĩ rằng tiêm insulin là bệnh nặng, sợ tiêm, sợ đau, phải nhờ tiêm tốn tiền, tiêm insulin không thuận tiện cho sinh hoạt đi lại, sợ hạ đường huyết, lo ngại người khác dị nghị, khó khăn trong bảo quản (không có tủ lạnh).

Về phía bác sĩ cũng có một số rào cản nhu: bệnh nhân từ chối tiêm, bệnh nhân đổi bác sĩ điều trị, không có đủ thời gian tư vấn cho bệnh nhân, sợ tác dụng phụ (hạ đường huyết, tăng cân)…

Nguyễn Thị Bội Ngọc - khoa Nội tiết, BV Nhân Dân 115

BS Bội Ngọc đưa ra các giải pháp: tư vấn cho bệnh nhân về liệu pháp insulin, khởi trị đơn giản, sử dụng phương tiện tiêm mới (bút tiêm), nên có đội ngũ điều dưỡng hỗ trợ hướng dẫn, có tài liệu hướng dẫn cho bệnh nhân.

Ở phần hướng dẫn tiêm insulin, BS Bội Ngọc đề cập đến các vấn đề: kiểm tra insulin, bảo quản insulin, dụng cụ tiêm insulin… Lưu ý về vị trí tiêm insulin: hấp thu insulin thay đổi tùy vùng tiêm: bụng > cánh tay > đùi > mông, không nên tiêm lặp lại tại một vị trí trong vùng tiêm, cách thay đổi vị trí tiêm thế nào…

BS Bội Ngọc cũng đưa ra tình huống nếu tiêm vào cơ thì sẽ xảy ra điều gì, làm sao đảm bảo luôn tiêm vào mô dưới da. Người thực hiện tiêm insulin cũng cần biết về biến chứng của insulin, loạn dưỡng mỡ nơi tiêm, những lỗi kỹ thuật thực tế thường gặp ở Việt Nam…

Cuối phần trình bày của mình, BS Bội Ngọc kết luận: rào cản sử dụng insulin có thể gặp ở cả bác sĩ và bệnh nhân, tuy nhiên, nếu biết cách vượt qua rào cản và tiêm insulin đúng kỹ thuật sẽ mang lại lợi ích cho bệnh nhân rất nhiều.

Kim Quy

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080