Logo Bệnh viện Nhân dân 115
22/03/2019 17:18

Nhồi máu cơ tim cấp do… bị ong đốt

Ong đốt là một tai nạn thường gặp ở những vùng nông thôn nhất là vào mùa hè. Biến chứng thường gặp nhất là sưng, đau và phù nề nơi vết đốt. Còn biến chứng nhồi máu cơ tim thì hiếm gặp nhưng là bệnh cảnh cấp tính, tỷ lệ tử vong cao, diễn tiến phức tạp.
 Trường hợp sau đây của bệnh nhân N.T.T.B là một trường hợp biến chứng nhồi máu cơ tim cấp do bị ong đốt.
Bệnh nhân N.T.T.B, 61 tuổi, ở tỉnh Bình Thuận nhập viện Bệnh viện Nhân dân 115 vì đau ngực.
Bệnh sử như sau: Cách nhập viện 1 ngày, sau khi bị một con ong (không rõ loại) đốt vào ngón 1 bàn tay phải. Bệnh nhân bị đau bắt đầu từ ngón tay, bàn tay lan đến cánh tay phải và toàn bộ vùng ngực khoảng 5 giờ sau khi bị ong đốt. Bệnh nhân tự mua thuốc uống không rõ loại, sau đó khoảng 6 giờ xuất hiện triệu chứng khó thở khi nằm đầu thấp nên nhập viện một bệnh viện địa phương. Tại đây bệnh nhân được chẩn đoán: Theo dõi hội chứng mạch vành cấp ST chênh lên và được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115, nhập khoa Tim mạch Tổng quát để tiếp tục theo dõi và điều trị.
Tiền căn của bệnh nhân:
- Bệnh nhân không có tiền căn bệnh lý tim mạch.
- Bệnh nhân không yếu tố nguy cơ tim mạch.
- PARA 2002, sinh thường, không tai biến sản khoa, mãn kinh từ năm 54 tuổi.
- Gia đình: không có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch sớm.
Bệnh nhân vào viện với tình trạng đau ngực nhiều kèm khó thở, tri giác tỉnh táo, các dấu hiệu sinh tồn:
- Mạch: 105 l/ph
- Huyết áp: 120/80 mmHg
- Nhiệt độ: 37 độ C
- Nhịp thở: 20 l/ph
- SpO2: 94%
Bệnh nhân có khó thở nhẹ, da niêm hồng, không phù, không sờ thấy hạch ngoại vi.
Ngón 1 bàn tay phải sưng nhẹ, không đỏ, không ngứa.
Lồng ngực bệnh nhân cân đối, ran ẩm 2 đáy phổi.
Khám tim mạch: mỏm tim ở liên sườn V giao đường trung đòn trái, tiếng tim đều, rõ, nhịp tim 105 l/ph, không âm thổi, tĩnh mạch cổ nổi 300 ở tư thế nằm, mạch ngoại vi sờ rõ.
Các cận lâm sàng:
RBC: 4.26 M/uL – HgB: 13.0 g/dL – WBC: 10.97 K/uL – PLT: 246 K/uL.
Glucose: 8.15mmol/L – Ure: 4.80 mmol/L – Creatinin: 58.8 mmol/L.
eGFR/MDRD: 90.23 mL/min/1.73.
Na+: 141 mmol/L – K+: 4.04 mmol/L – AST: 5.769 ukat/L – ALT: 1.778 ukat/L.
Troponin I (hs): giờ thứ 17 của bệnh 1605.4 pg/ml, giờ thứ 24 của bệnh: 43651.7 pg/ml.


X-quang tim phổi thẳng: Lồng ngực cân đối, thành ngực dày trung bình, không ghi nhận tụ dịch lớn trong thành ngực, xương sườn hình dạng bình thường, không ghi nhận nứt gãy, thâm nhiễm rải rác hai rốn phổi, bóng tim to.

Điện tâm đồ (thời điểm nhập viện): QS từ V1 đến V5, ST chênh lên lan tỏa V1-V9, DI, AVL .

Siêu âm tim: Dãn thất trái, chức năng tâm thu thất trái giảm: EF = 25 %, chỉ còn phần đáy của thành trước bên còn co bóp được, các thành còn lại giảm động nặng đến vô động, hở van hai lá 3/4, không tăng áp động mạch phổi PAPs=27mmHg, không tràn dịch màng ngoài tim.
Bệnh nhân được chẩn đoán: Nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên vùng trước rộng giờ 22, killip II sau ong đốt.
Các bác sĩ khoa Tim mạch Tổng quát đã điều trị tích cực và theo dõi sát tình trạng bệnh nhân:
Ngày 1: Tình trạng bệnh nhân lúc nhập viện còn đau ngực dữ dội, khó thở, có tình trạng suy tim cấp (nhịp tim nhanh 105 lần/phút), X quang theo dõi tình trạng OAP, phổi ran ẩm 2 phế trường được xử trí theo phác đồ nhồi máu cơ tim cấp với: Glycerin trinitrat, lovenox, furosemid, spifucaplus, crestor, plavix, aspirin, paracetamol, sau khoảng 60 phút bệnh nhân giảm khó thở, giảm đau ngực.
Ngày 2: Bệnh nhân giảm khó thở, không còn đau ngực, HA: 100/60mmHg, mạch: 89 lần/phút, tim đều, phổi không ran, ngưng glycerin trinitrat, ngưng furosemid tĩnh mạch.
Ngày 3,4,5,6,7: Bệnh nhân không đau ngực, không khó thở, nằm đầu thấp, tĩnh mạch cổ xẹp, sinh hiệu ổn định, tim đều, phổi không ran, bụng mềm.
Bệnh nhân được xuất viện vào ngày thứ 7.
Bàn luận:
Sau khi tham khảo y văn chúng tôi thấy có một số trường hợp trên thế giới khởi phát nhồi máu cơ tim sau ong đốt được ghi nhận : Nhồi máu cơ tim sau ong đốt: “Kounis syndrome” được tác giả Kounis và Zavar mô tả vào năm 1991 và được ghi nhận nhiều trường hợp trên thế giới bao gồm 3 type:
Type 1: Co thắt động mạch vành trên những bệnh nhân không có bệnh lý mạch vành. .
Type 2: Co thắt động mạch vành trên những bệnh nhân có bệnh lý mạch vành, xói mòn hoặc vỡ mảng xơ vữa.
Type 3: Trong đó bao gồm các bệnh nhân bị huyết khối trong stent động mạch vành.
Đây là một trường hợp bệnh nhân nữ, lớn tuổi (61 tuổi) không có tiền sử bệnh tim mạch trước đây, cũng như không có yếu tố nguy cơ tim mạch, vào viện trong bệnh cảnh nhồi máu cơ tim cấp vùng trước rộng sau khi bị ong đốt. Chúng tôi nghĩ đến khả năng nhồi máu cơ tim cấp type 2 do cơ chế co thắt động mạch vành trên bệnh nhân có mạch vành tiềm ẩn. Tuy nhiên cũng không loại trừ được cơ chế nhồi máu cơ tim do type 1.
Theo Bác sĩ Châu Minh Thông – khoa Tim mạch Tổng quát (bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân) thì:
Ong đốt là một tai nạn thường gặp ở những vùng nông thôn và thường gặp nhất vào mùa hè. Biến chứng thường gặp nhất là sưng, đau và phù nề nơi vết đốt, các biến chứng nặng hơn như: suy thận cấp, tán huyết, tiểu Myoglobin do tiêu cơ vân, suy đa cơ quan.
Trong khi đó nhồi máu cơ tim là một biến chứng hiếm gặp nhưng là bệnh cảnh cấp tính, tỷ lệ tử vong cao, diễn tiến phức tạp. Bệnh thường xảy ra phần lớn ở các bệnh nhân lớn tuổi có nguy cơ tim mạch cao, nhiều bệnh lý nền tim mạch. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp xảy ra nhồi máu cơ tim bị ong đốt ở bệnh nhân trẻ, nguy cơ tim mạch rất thấp được ghi nhận.
Vì vậy, đối với các trường hợp sau khi bị ong đốt, triệu chứng đau ngực ở bệnh nhân cần được xem xét cẩn thận, thực hiện các phương pháp cận lâm sàng cần thiết để loại trừ nhồi máu cơ tim.

Bác sĩ Châu Minh Thông
Khoa Tim mạch Tổng quát, Bệnh viện Nhân dân 115

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080