Logo Bệnh viện Nhân dân 115
23/12/2018 12:18

Đặt máy tạo nhịp tạm thời cấp cứu bệnh nhân viêm cơ tim cấp

Rối loạn nhịp là một trong những biến chứng thường gặp của viêm cơ tim cấp. Đặc biệt, các rối loạn nhịp chậm như block nhĩ thất độ III cần can thiệp kịp thời. Thủ thuật đặt máy tạo nhịp tạm thời là một phương pháp điều trị cấp cứu hữu hiệu trong trường hợp này.
Lâu nay, chị T.B.L. (29 tuổi, ở Bà Rịa-Vũng Tàu) vốn khỏe mạnh bình thường. Nhưng khoảng 2 ngày trước nhập viện, chị L. thấy sốt, mệt, nhức mỏi toàn thân, đau ngực vùng trước tim trái, không lan, kèm khó thở tăng dần.

Khi đau ngực dữ dội, khó thở nhiều, chị L. đi khám ở bệnh viện tuyến dưới, được đo điện tâm đồ, ghi nhận: block nhĩ thất độ III nên được chuyển đến Bệnh viện Nhân Dân 115.

Tại đây, bác sĩ ghi nhận chị L. tỉnh táo, đau ngực trái nhiều, khó thở nên phải nằm đầu cao 45 độ. Nhịp tim chậm 40 lần/ phút, huyết áp 90/60 mmHg, nghe T1, T2 rõ không âm thổi, phổi không ran, bụng mềm ấn không điểm đau.

Các cận lâm sàng nổi bật:

1.Điện tâm đồ ghi nhận block nhĩ thất độ III ( tần số nhĩ 120 lần/ phút, tần số thất 40 lần/ phút)


2. Men tim Troponin I-hs được làm ngay lập tức tại thời điểm nhập khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân 115 và cho kết quả > 50000 pg/mL (ngưỡng 15.6 pg/ml).

3. Siêu âm tim ghi nhận: buồng tim không dày dãn. Chức năng tâm thu thất trái giảm với EF # 40%. Ghi nhận giảm động đáy giữa thành bên và toàn bộ thành dưới. Không tổn thương van tim, không tăng áp động mạch phổi.

4. Chụp mạch vành: bình thường

5. Kết quả MRI tim: Thất trái có thể tích và chức năng tâm thu trong giới hạn bình thường. Giảm động vùng giữa mỏm của thành dưới, vùng đáy thành dưới bên và thành trước. Trên hình T2STIR có biểu hiện tăng tín hiệu cơ tim so với cơ xương lân cận (tỉ lệ tín hiệu cơ tim/ cơ xương > 2).

Kèm theo, có hình ảnh tăng tín hiệu muộn trên hình LGE dạng mid-wall ở vùng đáy và mỏm thành trước, dạng patchy và mid-wall ở vùng đáy giữa thành dưới, thành dưới bên và vùng đáy + mỏm thành trước bên, phân bố ở lớp dưới thượng mạc lan đến giữa thành - bảo tồn vùng dưới nội mạc.

Ghi nhận có tăng tín hiệu dạng patchy nhỏ trên vách liên thất. Tổng hợp các dấu hiệu này thỏa mãn tiêu chuẩn chẩn đoán viêm cơ tim cấp.

Hình T2STIR: Tăng tín hiệu mô cơ tim so với cơ vân lân cận

Hình ảnh tăng tín hiệu muộn trên hình LGE

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm cơ tim cấp biến chứng block nhĩ thất độ III. Bệnh nhân được đặt máy tạo nhịp tạm thời trong lòng mạch.

Hình ảnh Xquang sau đặt máy tạo nhịp

Điện tâm đồ sau đặt máy tạo nhịp

Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân hết đau ngực, tự thở khí phòng. Nhịp tim trở về nhịp xoang, huyết áp ổn định. Bệnh nhân được rút dây điện cực tạm thời.

Điện tâm đồ ghi nhận hồi phục nhịp xoang.

Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân ổn định và xuất viện.

Đây là một trường hợp viêm cơ tim cấp biến chứng block nhĩ thất độ III với biểu hiện lâm sàng là đau ngực cấp tính cần được chẩn đoán phân biệt nhồi máu cơ tim cấp. Tại thời điểm cấp cứu, bệnh nhân đã được chụp mạch vành và loại trừ ngay hội chứng vành cấp.

Với qui mô của Bệnh viện Nhân dân 115, khối tim mạch được xây dựng với đầy đủ các khoa Tim mạch can thiệp - Tim mạch tổng quát - Nhịp tim học - Phẫu thuật tim - Hồi sức tim mạch, sẵn sàng phối hợp trong điều trị các bệnh lý tim mạch. Vì thế bệnh nhân đã được hội chẩn kịp thời để điều trị theo chuyên khoa rối loạn nhịp.

Theo y văn, rối loạn nhịp là một trong những biến chứng thường gặp của viêm cơ tim cấp. Đặc biệt, các rối loạn nhịp chậm như block nhĩ thất độ III cần can thiệp kịp thời. Thủ thuật đặt máy tạo nhịp tạm thời là một phương pháp điều trị cấp cứu hữu hiệu, giúp duy trì huyết động ổn định của bệnh nhân trong quá trình theo dõi sự hồi phục của bệnh.

Bác sĩ Lê Thị Lan Hương
- Khoa Nhịp tim học, Bệnh viện Nhân dân 115

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080