Logo Bệnh viện Nhân dân 115
16/08/2017 23:57

Bệnh thận mạn: Không phải dấu chấm hết mà là mở đầu cuộc sống mới đầy thử thách

Sáng ngày 16/8, Bệnh viện Nhân dân 115 tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ bệnh nhân thận lần thứ 3 năm 2017 với chủ đề “Bệnh thận mạn - Viêm gan C và bệnh thận mạn”.
Tham gia buổi sinh hoạt có gần 100 thành viên, là người thân, bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị tại bệnh viện.

Trước khi bắt đầu buổi sinh hoạt câu lạc bộ, BS.CK2 Tạ Phương Dung - Trưởng khoa Nội thận - Miễn dịch ghép Bệnh viện Nhân dân 115 khiến cả khán phòng xúc động khi mở phần biểu diễn của cặp nghệ sĩ khuyết tật Xiaowei Zhai (mất một cẳng chân) và Lima (mất một cánh tay) với khúc ba lê “Hand in Hand”.

BS Dung hy vọng khi xem màn biểu diễn này sẽ tiếp thêm một phần sức mạnh cho những bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện rằng bệnh thận mạn tuy không thể hồi phục lại hoàn toàn như ban đầu nhưng không phải là dấu chấm hết, hãy sống lạc quan hơn để đồng hành cùng bác sĩ trên con đường chiến đấu với bệnh tật, tạo nên điều kỳ diệu.

Thắp sáng hy vọng ghép thận cho bệnh nhân viêm gan C mạn

Theo BS Dung, không phải lao, HIV/AIDS, sốt rét… mà viêm gan do virus mới là “sát thủ” hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên toàn thế giới. Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm gan là do sử dụng nhiều rượu, bia, hút thuốc và do sự tấn công của các loại virus A, B, C, D và E.

Trong đó, ung thư gan là ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam, có mối liên hệ chặt chẽ với nhiễm virus viêm gan B (HBV) và virus viêm gan C (HCV). Tuy nhiên, đa số bệnh nhân khi phát hiện ung thư đều rất trễ. Theo thống kê tại khoa u gan Bệnh viện Chợ Rẫy từ năm 2010 - 2014 có 15.371 người mới phát hiện ung thư gan, hơn 43% bệnh nhân đã quá chỉ định điều trị. Trong đó, có đến 80.52% liên quan đến nhiễm virus viêm gan. Cụ thể nhiễm virus viêm gan B chiếm 54.81%, viêm gan C chiếm 23.34%.

Không chỉ là người bác sĩ khám chữa bệnh, chăm sóc, chia sẻ kiến thức mà tại buổi sinh hoạt, BS.CK2 Tạ Phương Dung - Trưởng khoa Nội thận - Miễn dịch ghép Bệnh viện Nhân dân 115 còn là người bạn đồng hành chia sẻ những câu danh ngôn hay, triết lý sống lạc quan cho bệnh nhân

Virus viêm gan C lây truyền qua đường máu và tình dục, không lây truyền qua nước bọt hoặc sữa mẹ. Những người có nguy cơ cao nhiễm HCV là người đã từng hoặc đang chích ma túy, người mắc HIV có tần suất đi kèm với HCV cao, người bệnh ưa chảy máu từng được truyền yếu tố đông máu trước năm 1987, người từng thẩm phân máu, người được truyền máu hoặc ghép tạng trước năm 1992, con của người mẹ có HCV dương tính, nhân viên y tế từng phơi nhiễm với kim tiêm của người HCV dương tính, bạn tình của người nhiễm HCV. Đặc biệt, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh viêm gan C mạn của các bệnh nhân suy thận khá cao vì phần lớn bệnh nhân phải làm nhiều thủ thuật xâm lấn và lọc máu chu kỳ.

Viêm gan C mạn khi có tổn thương gan, xơ gan ... sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống và quá trình điều trị suy thận của bệnh nhân. Một số bệnh nhân có nhu cầu và điều kiện ghép thận nhưng không thực hiện được vì phải chờ đợi điều trị khỏi viêm gan C.

Vì thế, việc điều trị viêm gan C mạn tính càng sớm càng tốt giúp cải thiện tỷ lệ sống còn và tỷ lệ tiến triển HCC cho bệnh nhân. Trước đây, việc điều trị viêm gan C mạn cho bệnh nhân suy thận gặp rất nhiều khó khăn do chi phí điều trị cao, có ít thuốc để lựa chọn, nhiều tác dụng phụ và hiệu quả đáp ứng bền vững với HCV thấp.

Mặc dù vài năm gần đây trên thế giới đã tìm ra nhiều loại thuốc mới có hiệu quả tốt trong điều trị viêm gan C như Sofosbuvir/Ledipasvir... nhưng hầu hết đều có chống chỉ định với bệnh nhân suy thận nặng. Sofosbuvir là thuốc chuyển hóa qua gan và thải trừ qua thận nên không thể dùng cho các bệnh nhân suy thận nặng.

Tuy nhiên, hiện nay đã có thuốc Elbasvir và Grazoprevir được sử dụng điều trị viêm gan C đạt hiệu quả cao. Hai thuốc này có ưu điểm điều trị viêm gan C mạn kiểu gen 1 và 4 có xơ gan thời gian 12 tuần, điều trị được cho bệnh nhân suy thận nặng bị viêm gan C mạn kiểu gen 1 và 4 và ít tác dụng phụ, dung nạp tốt, ít tương tác với các thuốc dùng kèm.

BS Dung còn đưa ra các minh chứng thực tế tại khoa Nội thận - Miễn dịch ghép từ đầu năm đến nay đã ghép thành công cho 3 bệnh nhân sau khi điều trị viêm gan C.

Những điều cần biết về ghép thận

Trên thế giới, do nguy cơ từ các bệnh không lây như đái tháo đường, huyết áp, béo phì… và chế độ ăn mặn ngày càng tăng đã kéo theo tỷ lệ bệnh nhân suy thận mạn tăng nhanh. Điển hình như tại Mỹ, cứ 7 người trưởng thành thì có 1 người mắc căn bệnh này.

Còn ở Việt Nam, tuy chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng ty lệ mắc bệnh thận không hề nhỏ hơn các nước trong khu vực. Các biến chứng từ đái tháo đường, cao huyết áp hay các bệnh như viêm cầu thận, hội chứng thận hư, tiểu đạm hoặc các bệnh sỏi niệu … không được kiểm soát và điều trị tốt đã đưa con số bệnh nhân suy thận mạn ở nước ta luôn tăng mỗi năm.

Có 5 mức độ suy thận và khi đến mức độ 5, người bệnh phải được chỉ định điều trị thay thế thận, như: chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng, ghép thận. Trong đó ghép thận là phương pháp điều trị lý tưởng nhất vì một quả thận ghép có thể đảm đương hoàn toàn chức năng của hai thận đã bị tổn thương.

Nguồn thận để ghép có thể từ người sống cho thận cùng huyết thống, không huyết thống hoặc từ người đã bị chết não. Người chết não là tình trạng não chết nhưng tim còn đập, mất chức năng não bộ và không thể hồi phục như hôn mê sâu, không thể tự thở khi ngưng máy thở, mất dòng chảy của máu trong não khi siêu âm mạch máu… Việc nhận thận hiến từ người chết não cần sự cho phép của gia đình và người bệnh có lấy được thận để ghép hay không là do những hội đồng chuyên môn của bệnh viện sẽ quyết định.


Tham gia buổi sinh hoạt có gần 100 thành viên, là người thân, bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị tại bệnh viện

"Những bệnh nhân có chỉ định ghép thận phải trong tình trạng toàn thân tương đối tốt, huyết áp được kiểm soát ổn định, tình trạng mạch máu vùng chậu bình thường, tiên lượng sống trên 5 năm, được gia đình và xã hội hỗ trợ hiệu quả, có khả năng kinh tế vì chi phí ghép thận nằm trong khoảng 300-400 triệu đồng, tùy từng đối tượng mà BHYT có mức chi trả khác nhau, từ khoảng 50 - 100%. Không có chỉ định ghép thận cho những người bị ung thư, đang bị nhiễm khuẩn cấp, có bệnh hệ thống như lupus ban đỏ.

Khi đã đủ điều kiện ban đầu và xác nhận có chỉ định ghép thận, người bệnh và gia đình sẽ được tư vấn về nhiều vấn đề liên quan, khám chuyên khoa và làm các xét nghiệm: huyết học, sinh hóa (chức năng gan, thận, mỡ máu, đạm máu, PTH, TSH, FT4, đường máu, BhA1C), bệnh nhiễm (viêm gan B, C, HIV, giang mai, lao…), xét nghiệm nước tiểu, các dấu ấn ung thư (nếu cần), HLA, kháng thể kháng HLA, X-Quang tim phổi, điện tâm đồ, siêu âm, nội soi tiêu hóa…" - BS Dung cho biết.

Nếu xác định đủ tiêu chuẩn sẽ được vào danh sách chờ ghép sau khi có đơn xin ghép thận có xác nhận của địa phương. Lưu ý là người bệnh cần được đánh giá tình trạng tim mạch và virus học thường xuyên, nếu bệnh nhân chờ quá lâu mà chưa có thận để ghép, một số xét nghiệm có thể phải làm lại. Ngoài ra, trong quá trình chờ ghép bệnh nhân có vấn đề cần nằm viện điều trị thì sẽ ra khỏi danh sách chờ tạm thời, không phải cứ đăng ký trước là được ghép trước.

Theo BS Dung, bệnh nhân và người thân luôn phải trong trạng thái sẵn sàng vì có thể được gọi vào bệnh viện bất cứ lúc nào vì thận hiến từ người chết não phải ghép trong vòng 48 tiếng, không được quá 60 tiếng. Và đặc biệt, nguyên tắc người cho không biết thông tin về người nhận và người nhận cũng không biết nguồn từ người cho là ai.

Cuối cùng, sau khi đã được các bác sĩ Thận thông qua có thể ghép từ người hiến chết não, bệnh nhân sẽ được thông qua hội đồng ghép tạng bệnh viện để tiến hành ghép.

Những phần quà nhỏ được gói cẩn thận trao tặng cho người bệnh và thân nhân có câu trả lời đúng, qua đó BS Dung mong muốn mọi người sẽ ghi nhớ kiến thức về bệnh lâu hơn

Đan xen trong buổi sinh hoạt, BS Dung còn đưa ra những câu đố kiến thức hoặc nếu có câu hỏi hay sẽ được trao những món quà nhỏ xinh để tạo không khí ấm áp, vui tươi. Nhờ đó, buổi sinh hoạt sôi nổi hơn hẳn, không chỉ là trao đổi giữa bác sĩ với bệnh nhân mà còn là những chia sẻ thân tình của những người bệnh, thân nhân khi đã có khoảng thời gian dài gắn bó.

Được BS Dung nhắc đến trước hội trường với hình tượng người đàn ông chịu khó, thương vợ, ông Phạm Văn Lân (68 tuổi, ngụ tại TPHCM) bộc bạch “Tôi đi nuôi vợ 25 năm nay, từ khi bà ấy bị tiểu đường đến bây giờ đang chờ ghép thận tại bệnh viện. Dù gặp không ít khó khăn nhưng vợ chồng tôi vẫn luôn bảo nhau nếu ngày mai chết thì hôm nay vẫn cứ cười. Cuộc sống là phải có niềm vui nên lạc quan mà bước tới. Con người như chiếc áo, cũ rách thì phải thay nên tôi nghĩ nếu có điều kiện cứ nên ghép thận”. Sau lời chia sẻ chân tình, ông cũng nhân cơ hội gửi thắc mắc “Một người có thể ghép thận bao nhiêu lần?” mong được bác sĩ giải đáp.

Không quên gửi lời cảm ơn đến “vị khán giả” đã nói trúng tâm ý, BS Dung nhắn nhủ mọi người trong hội trường nên có thái độ tích cực, quyết tâm trong việc điều trị và nghiêm túc tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ sẽ góp phần “làm chủ” được sự tiến triển của bệnh.

Ngoài ra, trả lời thắc mắc của ông Lân, BS Dung cho biết: “Một người có thể được ghép thận lần 2 nếu lần đầu thất bại hoặc sau nhiều năm thận đã được ghép trước đó bắt đầu suy trở lại. Tại BV Nhân dân 115 đã có những trường hợp thực hiện ghép thận lần 2 sau 6 năm và lâu nhất là 15 năm. Thậm chí trên thế giới đã có người được ghép thận lần thứ 3”.

Câu hỏi về viêm gan C của ông Đỗ Thanh Long (SN 1971, ngụ tại Long An) cũng là thắc mắc chung của nhiều người tham gia buổi sinh hoạt

Trả lời cho câu hỏi “Mua thuốc điều trị viêm gan C ở đâu?” của ông Đỗ Thanh Long (SN 1971, ngụ tại Long An) với “thâm niên” chạy thận 20 năm, BS Dung cho biết: “Chuyện đầu tiên là cần đi khám bác sĩ để làm xét nghiệm chuyên sâu, từ đó sẽ có hướng điều trị thích hợp. Như tôi đã nói ở trên, phác đồ điều trị hiện tại rất đơn giản và ít tác dụng phụ, tỉ lệ thành công khá cao. Thời gian điều trị kéo dài khoảng 3 tháng với chi phí khoảng 70-140 triệu đồng và hiện tại BHYT chưa chi trả cho việc điều trị này. Mọi người cần lưu ý là không nên tự ý mua hàng xách tay về sử dụng”.

Khép lại buổi sinh hoạt, BS Dung đưa ra lời khuyên những người có nguy cơ cao, lớn tuổi nên có chế độ ăn giảm đạm (không phải kiêng tuyệt đối), giảm muối, uống đủ nước, tập thể dục đều đặn, không rượu bia, thuốc lá. Ngoài ra, người bị tiểu đường, tăng huyết áp, tiểu đạm hoặc các bệnh sỏi niệu… nên đi khám định kỳ để được theo dõi và phát hiện sớm bệnh thận mạn. Đặc biệt, khi đã suy thận thì không nên tự ý uống thuốc bắc, thuốc nam.

Theo Phương Nguyên

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080