Logo Bệnh viện Nhân dân 115
17/06/2017 17:41

Thông tin người bệnh cần biết về PET-CT

Máy ghi hình PET-CT cho nhiều lợi điểm trong chẩn đoán và theo dõi điều trị các loại bệnh như ung thư, bệnh thần kinh và tim mạch.
1. PET-CT là gì?

- Máy ghi hình PET-CT (Positron Emission Tomography and Computed Tomography) là một hệ thống chẩn đoán hình ảnh kỹ thuật cao, đầy tiềm năng cho nhiều lợi điểm trong chẩn đoán và theo dõi điều trị các loại bệnh như ung thư, bệnh thần kinh và tim mạch.

- PET-CT cung cấp nhiều thông tin chi tiết về quá trình chuyển hóa và hình ảnh giải phẫu của những thương tổn trong cùng một lần ghi hình không gây san chấn cho cơ thể bạn và cho phép bác sĩ thấy được những diễn tiến bệnh lý bên trong cơ thể.

- Mức độ chính xác trong chẩn đoán, thuận lợi trong theo dõi và tiên lượng bệnh, PET-CT tiếp tục đạt sự chấp nhận rộng rãi hơn so với các phương pháp ghi hình khác trong lĩnh vực y khoa.

2. PET-CT hoạt động như thế nào?

- Máy ghi hình PET-CT là sự kết hợp giữa máy cắt lớp phát xạ positron (PET) cho hình ảnh chuyên hóa phân tử và máy cắt lớp điện toán (CT) cho hình ảnh cấu trúc cơ thể.

- Đơn giản, bạn sẽ được tiêm một lượng nhỏ thuốc tương tự glucose gọi là FDG qua đường tĩnh mạch. Sau đó, máy PET sẽ ghi nhận lại những tín hiệu về sự phân bố của thuốc FDG trong cơ thể. Ngay trước khi ghi hình PET, bạn sẽ được ghi hình CT có hoặc không dùng thuốc cản quang để cung cấp thêm hình ảnh giải phẫu cơ thể. Cuối cùng hệ thống vi tính sẽ kết hợp hình ảnh chuyển hóa từ máy PET với hình ảnh cấu trúc giải phẫu từ máy CT, để xác định chính xác vị trí và tính chất của các thương tổn trong cơ thể bạn.

3. PET-CT giúp ích gì cho bạn?

- Bởi vì PET-CT cung cấp cả thông tin về chuyển hóa và giải phẫu các thương tổn trong cùng một lần ghi hình, nên bác sĩ của bạn có thể nói chính xác vị trí và tình trạng chức năng của bệnh lý. Kết quả ghi hình cũng có thể giúp tiên lượng hiệu quả điều trị và góp phần chọn lựa phương pháp điều trị tốt nhất cho từng bệnh lý.

- Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong cuộc chiến chống lại ung thư là chẩn đoán bệnh ung thư còn trong giai đoạn sớm, để có thể chữa khỏi. Với hình ảnh PET-CT, các bác sĩ sẽ có thêm những thông tin cần thiết và chính xác góp phần chẩn đoán bệnh sớm hơn, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra các phác đồ điều trị hợp lý hơn.

4. PET-CT phát hiện bệnh gì?

- PET-CT cung cấp cho bác sĩ những thông tin về chức năng, chuyển hóa và giải phẫu trong cơ thể bạn. Những lĩnh vực mà PET-CT cho nhiều lợi điểm là trong ung bướu, thần kinh và tim mạch.

- Ung bướu (ung thư): là ứng dụng nhiều mà PET-CT có thể cung cấp nhiều thông tin thiết yếu, mà có thể giúp cho bác sĩ có những chiến lược điều trị thích hợp và thỉnh thoảng còn giúp tránh những trường hợp phẫu thuật không cần thiết. PET cho những thông tin đánh giá một khối u có thể là ác tính hay không, mức độ lan rộng của ung thư, có di căn vào các cơ quan khác hay không, theo dõi sự tái phát của ung thư, theo dõi hiệu quả của thuốc hóa trị và xạ trị, cũng như tiên liệu kết quả điều trị khi mới hóa trị 1-2 chu kỳ. PET-CT đã làm thay đổi các quyết định điều trị trong 20-40% trường hợp.

- Thần kinh: PET-CT có thể giúp định vị vùng não gây nên cơn động kinh (co giật) để quyết định có nên phẫu thuật không. PET-CT còn hữu ích trong chẩn đoán bệnh sa sút trí tuệ như bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ trán thái dương, sa sút trí tuệ thể Lewy, bệnh Parkinson, bệnh Huntington.

- Tim mạch: PET-CT cung cấp mức độ chính xác cao nhất trong các phương pháp không gây san chấn trong chẩn đoán bệnh động mạch vành, đo lường dự trữ tưới máu của cơ tim, mức độ rộng của thương tổn cơ tim và mức độ sống còn của cơ tim.

5. Lợi ích của PET-CT trong ung bướu?

- Phân biệt khối u lành tính hay ác tính.

- Chẩn đoán bệnh còn trong giai đoạn sớm.

- Phân chia giai đoạn chính xác của bệnh.

- Đánh giá kết quả của hóa trị và xạ trị.

- Giúp bác sĩ quyết định mức độ của phẫu thuật và/ hoặc tránh một số phẫu thuật không cần thiết.

- Phát hiện các khối u di căn xa.

- Phân biệt mô sẹo do điều trị lành hay thương tổn còn lại, hoặc mô tái phát do ung thư.

- Phương pháp chẩn đoán này không gây sang chấn và an toàn.

- Cho thông tin chẩn đoán chi tiết mà các phương pháp chẩn đoán khác chưa đáp ứng.

- Rút ngắn thời gian chẩn đoán xác định.

- PET-CT có thể trả lời những câu hỏi như sau:

+ Khối u ở đâu?

+ Khối u lành tính hay ác tính?

+ Ung thư có lan tràn không?

+ Tình trạng bệnh của tôi tiến triển thế nào?

+ Kết quả điều trị cho tôi thế nào?

+ Thuốc này có hiệu quả không?

+ Tôi có bị tái phát hay di căn không?

6. Thuốc FDG dùng trong ghi hình PET-CT?

- FDG là một dung dịch đường được đánh dấu bởi một lượng nhỏ đồng vị phóng xạ, được tiêm vào trong cơ thể của bạn vào ngày ghi hình. Sau 45-60 phút, FDG phân bố rộng khắp trong cơ thể bạn. Các tế bào ung thư do hoạt động chuyển hóa nhiều, nên sẽ hấp thu nhiều FDG và được phát hiện qua việc ghi hình PET-CT.

- Ngoài ra, vài cơ quan như tim và não bình thường sử dụng đường làm năng lượng nhiều hơn các cơ quan khác. Việc ghi hình PET-CT sẽ xác định nhu cầu sử dụng đường trong các cơ quan đó, để có thể đánh giá vùng cơ tim còn sống hay không và vùng não chuyển hóa glucose bất thường gây động kinh hoặc gây sa sút tinh thần.

7. Những điều cần lưu ý trước khi ghi hình PET-CT

- Không nên ăn tối thiểu 4 giờ trước khi ghi hình.

- Uống 0,5-1 lít nước trong vòng 2 giờ trước khi ghi hình. Bạn nên uống nhiều nước. Nhưng không được uống nước có màu, có hương vị. Tốt nhất bạn chỉ uống nước lọc.

- Bạn có thể dùng các thuốc đã kê đơn như bình thường.

- Nếu bạn bị tiểu đường và dùng thuốc Metformin (Glucophage) thì nên ngưng thuốc Metformin 48 giờ dưới sự theo dõi của bác sĩ  trước khi ghi hình PET-CT.

- Mặc áo quần rộng thoáng, không có dây kéo hoặc các nút khuy kim loại.

- Có thể đeo máy trợ thính, mắt kiếng, răng giả, nhưng nên để những tư trang có giá trị ở nhà.

- Bạn sẽ được yêu cầu tháo bỏ các vật dụng kim loại mang theo trên mình trước khi ghi hình.

- Không nên tập luyện cơ bắp quá mức 24 giờ trước khi ghi hình như chạy bộ, chạy xe đạp, cưỡi ngựa hay đến các phòng tập thể dục.

- Hãy báo cho bác sĩ:

- Nếu bạn có thai, nghi ngờ có thai hoặc đang cho con bú.

- Nếu bạn bị tiểu đường.

- Các thuốc bạn đang dùng.

- Các tình trạng dị ứng đặc biệt là dị ứng với thuốc cản quang.

- Khả năng chịu đựng của bạn, có thể nằm lâu 20 phút trên bàn ghi hình hay không.

 8. Thông tin cho người bệnh tiểu đường có chỉ định ghi hình PET-CT

- Nồng độ đường huyết của bạn từ 70 đến 150 mg% sẽ thích hợp cho việc ghi hình PET-CT có chất lượng.

- Bạn có thể ăn, uống bình thường và dùng thuốc trị tiểu đường Insulin hoặc các thuốc trị đường huyết khác vào ngày hôm trước khi thực hiện PET-CT.

- Ngưng thuốc Metformin (Glucophage) 48 giờ trước khi ghi hình PET-CT dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

- Bạn sẽ được ưu tiên thực hiện PET-CT sớm trong ngày. Sau khi thực hiện PET-CT xong, bạn sẽ được ăn và dùng thuốc trị tiểu đường như trước đây theo hướng dẫn của bác sĩ.

- Bạn có thể uống những thuốc điều trị bệnh khác theo chỉ định của bác sĩ.

- Thông tin cho bác sĩ các triệu chứng bất thường trong thời gian ngưng tạm thời thuốc trị tiểu đường.


TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080