Logo Bệnh viện Nhân dân 115
30/06/2018 19:04

Rung nhĩ - chọn lựa kháng đông nào?

Buổi sinh hoạt CLB bệnh nhân của khoa Tim mạch tổng quát chia sẻ những điều cần biết về rung nhĩ như: rung nhĩ là gì, ai có nguy cơ bị rung nhĩ, triệu chứng của rung nhĩ, chọn lựa thuốc kháng đông thế nào…
Buổi sinh hoạt CLB bệnh nhân của khoa Tim mạch tổng quát trong tháng 6 đề cập tới bệnh rung nhĩ, do BS.CK1 Dương Hiệp Hồ trình bày.


Để mọi người hiểu rung nhĩ là gì, trước hết, BS Hiệp Hồ nói về cấu tạo của trái tim:

Trái tim của bạn là một khối cơ rỗng, cơ tim co bóp được là nhờ các xung động điện kích thích đều đặn được phát ra từ chính quả tim. Quả tim có bốn buồng. Hai buồng ở trên là tâm nhĩ. Tâm nhĩ phải nhận máu trở về từ các cơ quan trong cơ thể; tâm nhĩ trái nhận máu từ phổi.

Hai tâm thất nằm dưới tâm nhĩ, nhận máu từ các tâm nhĩ tương ứng. Tâm thất phải đưa máu lên phổi để máu trao đổi ôxy. Tâm thất trái bơm máu giàu ôxy (sau khi được tâm thất phải bơm qua phổi để hấp thụ khí ôxy và thải khí cacbonic) đi đến các cơ quan trong cơ thể.



Nút xoang là nút chủ nhịp của quả tim. Nó là một tập hợp các tế bào cơ tim biệt hóa đặc biệt nằm ở phía trên tâm nhĩ phải, sát với nơi đổ vào của tĩnh mạch chủ trên. Bình thường nút xoang có khả năng đều đặn phát ra các xung động điện. Những xung động này sau đó được dẫn truyền đến các tế bào cơ tim lân cận và theo hệ thống dẫn truyền lan đi, chỉ huy quả tim co bóp nhịp nhàng.

Thông thường mỗi một chu kỳ co bóp của tim, xung động điện lan toả ra tâm nhĩ trước làm cho tâm nhĩ đang chứa đầy máu co lại, tống máu từ tâm nhĩ xuống tâm thất. Sau đó xung động điện lại đi theo một hệ thống dẫn truyền tới tâm thất làm cho hai tâm thất co bóp cùng một lúc.

Khi tâm thất phải co, máu được đẩy lên phổi. Khi tâm thất trái co, máu đi đến các cơ quan trong cơ thể. Vì thế khi tim co bóp đều đặn, máu được đưa nhịp nhàng đi đến khắp các cơ quan của cơ thể bạn.

Những xung động điện này chỉ huy tim của bạn đập đều đặn suốt ngày đêm trong cả cuộc đời. Bình thường, tim đập khoảng 60 - 100 lần/phút khi nghỉ và nhanh hơn khi gắng sức.

Nếu quá trình hình thành và lan truyền xung điện của tim hoạt động không bình thường, sẽ dẫn đến co bóp của tim sẽ bị rối loạn. Khi xung động không xuất phát từ nút xoang mà thay vào đó xuất phát từ nhiều vị trí khác nhau trong hai buồng tâm nhĩ sẽ dẫn đến kích thích cơ nhĩ liên tục hoạt động ở trạng thái rung rung chứ không co bóp đồng bộ và nhịp nhàng. Tình trạng bệnh lý này được ta gọi là rung nhĩ.



Trong rung nhĩ, xung động điện hình thành rất nhanh (thường > 400 lần/phút) và không đều. Hai buồng tâm nhĩ không còn co bóp nhịp nhàng mà “rung lên” nên bơm máu không hiệu quả.

Ngoài việc làm rối loạn co bóp cơ ở nhĩ, nếu tất cả những xung động này đều được truyền xuống tâm thất thì cũng sẽ gây hiện tượng tương tự ở nhĩ, làm cho tim không bơm được máu ra khỏi tim, có thể gây tụt huyết áp đột ngột thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng trên thực tế, những xung động này bị chặn một phần khi truyền qua nút nhĩ thất để xuống 2 tâm thất (nằm trong hệ thống dẫn truyền).

Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều xung động của rung nhĩ vẫn đi qua được để xuống tới tâm thất và làm cho tâm thất đập nhanh và không đều dù vẫn còn chậm hơn tần số nhịp xung trên tầng nhĩ (thường <160 lần/phút).

Thế nào là rung nhĩ

Bình thường nút xoang có khả năng đều đặn phát ra các xung động điện. Những xung động này sau đó được dẫn truyền đến các tế bào cơ tim lân cận và theo hệ thống dẫn truyền lan đi, chỉ huy quả tim co bóp nhịp nhàng

Khi xung động không xuất phát từ nút xoang mà thay vào đó xuất phát từ nhiều vị trí khác nhau trong hai buồng tâm nhĩ sẽ dẫn đến kích thích cơ nhĩ liên tục hoạt động ở trạng thái rung rung chứ không co bóp đồng bộ và nhịp nhàng.


Yếu tố nguy cơ chính của rung nhĩ

- Tuổi trên 60

- Tăng huyết áp

- Bệnh động mạch vành

- Suy tim

- Bệnh lý van tim

- Tiền sử phẫu thuật tim mở

- Ngừng thở khi ngủ

- Bệnh lý tuyến giáp

- Đái tháo đường

- Bệnh phổi mạn tính

- Lạm dụng rượu/sử dụng chất kích thích

- Nhiễm trùng/bệnh lý nội ngoại khoa nặng


Triệu chứng của rung nhĩ

Người bị rung nhĩ có thể không có triệu chứng gì, một số khác lại thấy rất khó chịu. Nếu bạn bị rung nhĩ, bạn có thể có cảm giác như tim đập rất nhanh (đánh trống ngực), khó thở, cảm giác hụt hơi. Choáng váng, vã mồ hôi và đau ngực cũng có thể xảy ra, đặc biệt khi tần số thất rất nhanh.

Khi rung nhĩ không được điều trị và tim thường xuyên phải đập rất nhanh, sẽ làm tim giãn ra và tống máu không hiệu quả. Đây là một nguyên nhân gây ra suy tim sung huyết. Nó có thể gây khó thở, cảm giác mệt mỏi, giảm khả năng hoạt động thể lực và phù.

Chẩn đoán rung nhĩ

- Chẩn đoán bằng điện tâm đồ - đây là một xét nghiệm thường quy.

- Có thể được phát hiện nhờ các thiết bị di động theo dõi nhịp tim trong khoảng thời gian dài như Holter điện tâm đồ.

- Điều trị rung nhĩ cần được bắt đầu ngay khi xác định được chẩn đoán.

Mục tiêu điều trị rung nhĩ

- Dự phòng biến chứng: BS tính nguy cơ thuyên tắc →chỉ định dùng thuốc chống đông máu.

- Chuyển về nhịp xoang bình thường hay kiểm soát nhịp đập của tâm thất:

+ Rung nhĩ cấp tính: có thể chuyển về nhịp bình thường nhờ thuốc, sốc điện.

+ Rung nhĩ mạn tính: kiểm soát nhịp thất ở trong giới hạn bình thường, bằng các thuốc có tác dụng ngăn chặn các xung động điện từ nhĩ xuống tâm thất.


Rung nhĩ và nguy cơ đột quỵ

Khi bị rung nhĩ, tâm nhĩ đập quá nhanh (chỉ rung rung chứ không co bóp thành từng nhát), nên bơm máu không hiệu quả. Khi máu bị ứ trệ lại trong các buồng nhĩ này dễ có khuynh hướng tạo thành cục máu đông.

Nếu cục máu đông vỡ ra, trôi theo dòng máu và đi đến não có thể làm tắc động mạch não gây ra đột quỵ. Các bệnh nhân bị rung nhĩ có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 5 lần so với những người không mắc rối loạn nhịp này.

Tuy đột quỵ không phải sẽ xảy ra ở tất cả các bệnh nhân rung nhĩ nhưng nguy cơ sẽ càng tăng cao hơn nếu bạn trên 65 tuổi.


CHỈ ĐỊNH KHÁNG ĐÔNG NHƯ THẾ NÀO?

Căn cứ điều trị dựa trên nguy cơ thuyên tắc của bệnh nhân, nguy cơ chảy máu, tình trạng và điều kiện bệnh nhân

- Thuốc chống đông còn gọi là thuốc làm loãng máu ngăn chặn quá trình hình thành cục máu đông.

- Thuốc chống đông đã được chứng minh làm giảm có ý nghĩa nguy cơ nhồi máu não.

- Thuốc chống đông có nguy cơ chảy máu

Các loại thuốc chống đông

- Thuốc kháng Vitamin K

- Thuốc kháng đông mới (ức chế trực tiếp Thrombin, thuốc ức chế yếu tố Xa)

Mỗi loại thuốc chống đông đều có những lợi ích và nguy cơ khác nhau:

- Thuốc kháng vitamin K

Ưu điểm:

+ Có thể sử dụng các thuốc đối kháng để đưa quá trình đông máu về bình thường.

+ Giá thành thấp nhất

Nhược điểm:

+ Nhiều loại rau xanh chứa nhiều vitamin K sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc kháng vitamin K.

+ Một số thuốc khác cũng có sự tương tác làm giảm hiệu quả của thuốc kháng vitamin K.

+ Kiểm tra đông máu định kỳ

+ Xét nghiệm PT- INR cần duy trì từ 2.0- 3.0.

Những hạn chế và thách thức của kháng vitamin K:

- 50% bệnh nhân sẽ ngưng thuốc trong 3 năm: thường do xuất huyết nhẹ

- Ngưng thuốc có thể do thất bại trong kiểm soát nồng độ INR hoặc tương tác thuốc

- Ngưng thuốc và không bắt đầu dùng lại là vấn đề thường gặp


Lưu ý khi uống thuốc chống đông

- Thuốc kháng đông mới

Ưu điểm:

+ Dễ sử dụng hơn trên lâm sàng, ít tương tác với các thuốc, chế độ ăn so với thuốc kháng vitamin K.

+ Không phải đi kiểm tra máu định kỳ.

+ Nguy cơ gây xuất huyết não thấp hơn thuốc kháng vitamin K.

+ Liều cố định

+ Tác dụng nhanh.

Nhược điểm:

+ Thuốc đối kháng đã có nhưng chưa vào Việt Nam

+ Giá thành cao

+ Không dùng trong rung nhĩ do bệnh van tim



Cuối phần trình bày, BS.CK1 Dương Hiệp Hồ đưa ra những lưu ý khi sử dụng thuốc chống đông:

- Có chế độ ăn uống lành mạnh: ít muối và hạn chế chất béo bão hòa có trong thực phẩm chế biến sẵn, bánh ngọt, mỡ động vật; ăn nhiều trái cây tươi, rau xanh và hạt ngũ cốc như đậu tương, đậu xanh, đậu đỏ, lạc, vừng…

- Tập thể dục hàng ngày và tăng cường hoạt động thể chất.

- Bỏ thuốc lá và tránh xa môi trường khói thuốc.

- Duy trì cân nặng hợp lý: do béo phì thừa cân làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim.

- Kiểm soát tốt huyết áp và mức cholesterol bằng thuốc, chế độ ăn và lối sống.

- Uống rượu vừa phải: Đối với người lớn khỏe mạnh, phụ nữ và người trên 65 tuổi chỉ nên dùng tối đa một ly rượu nhỏ một ngày; ở nam giới tối đa là hai ly.

- Theo dõi và khám bệnh định kỳ để phát hiện sớm và kịp thời khi tình trạng bệnh nặng hơn.

Kim Quy

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080