Logo Bệnh viện Nhân dân 115
19/12/2017 18:14

Hạ đường huyết, sơ cứu thế nào?

Ngày 19/12, BS Nguyễn Thị Kim Thy khoa Nội tiết - Bệnh viện Nhân Dân 115 chia sẻ với bệnh nhân tiểu đường về: thử đường huyết đúng cách, hạ đường huyết sơ cứu thế nào...

“Tự theo dõi đường huyết và chăm sóc tại nhà” là chủ đề cuối cùng trong chuỗi chương trình “Sinh hoạt nhóm và tư vấn trực tiếp cùng bệnh nhân đái tháo đường” tại Bệnh viện Nhân Dân 115 với mục đích để bệnh nhân có thêm kiến thức tự theo dõi và chăm sóc bệnh tại nhà tốt hơn.

Theo BS Kim Thy, việc thử đường huyết (ĐH) là cách đốt nhất để đánh giá đáp ứng của cơ thể đối với thức ăn, tập thể dục, sau khi uống thuốc điều trị tiểu đường, khi bị stress, bệnh lý và để biết mức ĐH của mình là bao nhiêu. Qua đó, bệnh nhân có thể tự mình xem lại cách chăm sóc cơ thể và điều chỉnh bữa ăn, cường độ tập thể dục, tăng, giảm liều thuốc hạ ĐH và xác định ĐH thấp hay cao và có cách xử trí, cấp cứu kịp thời.

BS Kim Thy cho biết, theo Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến cáo thì bệnh nhân tiểu đường type 1, nên thử ĐH thường xuyên, ít nhất 3 lần mỗi ngày để đạt mục tiêu điều trị.

Còn đối với bệnh tiểu đường type 2, nên thử ĐH buổi sáng khi đói, trước bữa ăn trưa, trước bữa ăn chiều, thử ĐH 2 giờ sau ăn. Và cũng nên thử ĐH trước lúc đi ngủ hoặc trong đêm, lúc 2-3 giờ sáng, khi nghi ngờ có hạ ĐH (vào ban đêm, bệnh nhân có biểu hiện lơ mơ, vã mồ hôi, khi người nhà phát hiện ra thì bệnh nhân mê man lúc 2-3 giờ sáng).

Bên cạnh đó, các tình huống khác cần thử ĐH là khi nghi ngờ ĐH quá cao hoặc quá thấp, khi thay đổi thuốc điều trị mới, chế độ ăn, hoặc có chương trình luyện tập thể dục mới, khi uống rượu bia hay đi du lịch, trước khi lái xe hoặc làm công việc có cường độ tập trung cao. Đặc biệt, đối với phụ nữ có thai phải thử ĐH thường xuyên để theo dõi lượng đường trong máu.

Buổi sinh hoạt nhóm cuối cùng trong chuỗi chương trình “Sinh hoạt nhóm và tư vấn trực tiếp cùng bệnh nhân đái tháo đường”
Buổi sinh hoạt cuối trong chuỗi chương trình “Sinh hoạt nhóm và tư vấn trực tiếp cùng bệnh nhân đái tháo đường” Bệnh viện Nhân Dân 115

Để đảm bảo an toàn, BS Kim Thy dặn dò kĩ lưỡng các bệnh nhân tiểu đường về các bước trước khi thử ĐH:

- Phải rửa tay sạch với xà phòng, nước ấm và để khô hoàn toàn.

- Nhẹ nhàng xoa bóp các đầu ngón tay, sau đó để bàn tay hướng xuống dọc thân để máu lưu thông đến các đầu ngón.

- Sát trùng và chờ khô ngón tay trước khi lấy giọt máu.

- Đâm kim với độ sâu vừa đủ và bóp nhẹ nhàng để có giọt máu tròn trịa khi nhỏ lên que thử.

Hiện tại có rất nhiều loại máy thử ĐH khác nhau, nhưng khi mua bệnh nhân cần để ý, cái que thử ĐH phải thông dụng để những lần sau khi hộp que này hết thì có thể mua được hộp que khác 1 cách dễ dàng hơn, chứ không nên ham rẻ mà mua những máy chỉ có một hộp que sau đó mua không có nữa. Cho nên, trước khi mua máy bệnh nhân phải hỏi kĩ nơi đó rằng hộp que có được nhập về thường xuyên không để có thể mua và sử dụng liên tục. 

Kết quả thử ĐH sai khi: Cho không đủ máu vào que thử, tay không sạch, que thử hết hạn sử dụng, máy không được định chuẩn nên cho thông số không đúng.

Mức ĐH bình thường khoảng từ 70-140 mg/dl, dưới 70 mg/dl là ĐH đã bị tụt và tăng ĐH khi trên 180 mg/dl. Tuy nhiên, sẽ có những thay đổi đối với từng bệnh nhân phụ thuộc vào tuổi tác, cơ địa có thể mức ĐH sẽ khác nhau. Cho nên, bệnh nhân phải trao đổi với BS điều trị của mình để được tư vấn chính xác hơn. 

BS
BS Nguyễn Thị Kim Thy - Khoa Nội tiết- Bệnh viện Nhân Dân 115

Vậy cách chăm sóc hạ đường huyết (hạ ĐH) tại nhà là như thế nào?

Theo BS Kim Thy, phải nhận biết nguyên nhân, dấu hiệu cảnh báo và xử trí hạ ĐH, luôn luôn có đường dự trữ trong túi xách, trong người và trao đổi với BS khi thay đổi lối sống, sinh hoạt ăn uống hàng ngày.

Nguyên nhân hạ ĐH là: Bữa ăn quá ít chất bột đường (carbohydrate), ăn không đúng giờ, bữa ăn trễ, bỏ bữa ăn, dùng thuốc không đúng cách (insulin, thuốc viên hạ ĐH) tập thể dục quá mức, cơ thể đang bị bệnh, uống rượu khi bụng đói.

Triệu chứng khi hạ ĐH: Đói bụng, mệt mỏi, lo lắng, run rẩy, vã mồ hôi, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, mất tập trung, mờ mắt, co giật, nói sảng, lơ mơ, hôn mê.

Tại buổi sinh hoạt trước của chương trình, BS Mai Trọng Trí cũng đã nói về cách xử trí khi hạ ĐH và để bệnh nhân nắm chắc hơn, ghi nhớ hơn thì trong buổi sinh hoạt cuối cùng này BS Kim Thy cũng cũng nhắc lại 1 cách chi tiết.

Thử đường huyết ngay tại nhà khi có các triệu chứng hạ ĐH, nếu đường huyết thấp: Ăn hoặc uống 10 - 20 gram carbohydrate (2 mcf đường cát, 2 mcf mật ong, mứt, 150ml Coca cola…). Sau 15-20p, thử lại đường huyết lần thứ 2. Nếu lượng đường trong máu vẫn còn thấp khi thử máu lần 2, lặp lại lần 2 thực phẩm nêu trên.

Nếu lượng đường trong máu khi thử máu lần 2 bình thường thì hơn 1 giờ sau sẽ ăn bữa ăn tiếp theo nhẹ, nhỏ với carbohydrate và protein. Ví dụ như một lát bánh mì với bơ đậu phộng hoặc 6 cái bánh quy.

Theo BS Kim Thy, các thực phẩm nên dùng khi hạ ĐH như: 1 ly sữa không béo, 4 muỗng cà phê đường cát, 1 muỗng canh mật ong hoặc xi-rô,1/3 lon nước ngọt, 2 muỗng canh nho khô, 1/2 chén nước ép trái cây, 3 cái bánh lạt, 6 cái bánh mặn, viên đường glucose (Glyset, Precose) hoặc gel.

Cách để phòng ngừa hạ ĐH là: Bệnh nhân tiểu đường phải ăn đúng giờ, không bỏ bữa ăn hay ăn trễ, hoặc ăn quá ít. Uống thuốc, tiêm Insulin đúng qui định, luôn mang theo carbohydrates khi uống rượu, hãy thêm carbohydrate (2 bánh quy, một chiếc bánh sandwich…) khi tập thể dục vừa hoặc nặng và thường xuyên kiểm tra huyết theo hướng dẫn.

Qua phần chia sẻ của BS Kim Thy, nhiều bệnh nhân cũng nêu ra những thắc mắc của mình để được BS giải đáp.

"Tôi hay để tình trạng tụt đường huyết liên tục do cứ làm việc và quên ăn nên ĐH hay tụt và việc đó lặp đi lặp lại nhiều lần thì có hại gì cho cơ thể không?"

BS Kim Thy trả lời bệnh nhân: Khi đường huyết quá thấp, hoặc quá cao thì sẽ bị biến chứng sớm và thường các biến chứng của tiểu đường là biến chứng mắt, tim mạch, thận, tai biến mạch máu não, tắc các mạch máu ở chân. Khi đường huyết quá thấp bệnh nhân sẽ bị hôn mê và chết tế bào não. Cho nên tình trạng tụt ĐH thường xuyên sẽ rất nguy hiểm.

Một bệnh nhân khác hỏi bác sĩ: "ĐH tôi không ổn định, lúc tăng, lúc giảm, nếu hôm nay tôi ăn ít chất bột đường và ăn rau nhiều thì tôi có thể giảm bớt thuốc đi được không vì sợ bị tụt đường?"

Theo BS Kim Thy, chế độ ăn và tập thể dục của bệnh nhân phải cố định để BS điều trị căn chỉnh thuốc theo chế độ ăn đó thì đường mới ổn được và bệnh nhân không nên tự ý tăng giảm liều thuốc.

Bệnh nhân hỏi BS Kim Thi về kết quả xét nghiệm máu của mình
Bệnh nhân hỏi BS Kim Thi về kết quả xét nghiệm máu của mình

Kết thúc buổi sinh hoạt, bà Kim Liên một bệnh nhân tham gia trong buổi sinh hoạt chia sẻ, “Tôi mới phát hiện ra mình bị tiểu đường
type 1 cách đây 2 tháng và khi đến khám tại BV tôi được biết đến CLB dành cho những bệnh nhân tiểu đường như thế này, tôi đăng kí tham gia ngay và thấy rất bổ ích. Qua buổi sinh hoạt, tôi  biết được chế độ ăn như thế nào thì tốt, làm sao để tránh hạ ĐH hay cách sử dụng thuốc hợp lý hơn”.

Nguyễn Chúc
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080