Logo Bệnh viện Nhân dân 115
20/03/2018 16:06

Giả đột quỵ

Giả đột quỵ (Stroke mimic) được định nghĩa là các trường hợp bệnh nhân (BN) nhập viện với các triệu chứng của đột quỵ trong thời gian vàng. Tuy nhiên, phim chụp MRI (sau 24 giờ điều trị rtPA) không ghi nhận các tổn thương thiếu máu não cấp.
TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, BV Nhân Dân 115

Tiết kiệm thời gian “Time is Brain” là thách thức lớn nhất đối với các BS đột quỵ trong giai đoạn tối cấp. Làm sao để thời gian từ lúc bệnh nhân nhập viện đến lúc được tiêm rtPA (Door-to-Needle time) luôn <60 phút (các trung tâm đột quỵ hàng đầu trên thế giới thường luôn dưới 15 phút, tại BV Nhân Dân 115 hiện nay là 42 phút).

Với thời gian khám rất nhanh trong vòng vài phút, kèm với hình ảnh CT scan não bình thường trong rất nhiều trường hợp do thời điểm chụp chỉ sau 1-2 giờ sau khi khởi phát, việc chẩn đoán lầm đột quỵ với “Stroke mimic” rất dễ xảy ra.

Ngay tại trung tâm đột quỵ Memphis, Hoa Kỳ tỷ lệ “Stroke mimic” được ghi nhận với tỷ lệ 14.5% trong tổng số các trường hợp sử dụng rtPA (75/516). Tỷ lệ xuất huyết não liên quan đến rtPA trong nhóm này là 0.5%, và không ghi nhận trường hợp nào bị tử vong.

Khá nhiều đồng nghiệp vì sợ “Stroke mimic” đã đưa MRI vào trong quy trình thay cho CT scan. Mặc dù MRI luôn được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán đột quỵ với độ đặc hiệu lên đến 98-100%, tuy vậy RẤT RẤT ít trung tâm đột quỵ trên thế giới đưa MRI vào quy trình điều trị đột quỵ cấp thường quy.

Ngoài lý do mất thêm thời gian vàng (ít nhất 30-45 phút) và khó đảm bảo chất lượng nếu BN không hợp tác, người ta ghi nhận độ nhạy của MRI trong chẩn đoán đột quỵ cấp (trong 3 giờ đầu) khoảng 90%. Điều này có nghĩa, sẽ có 10% BN đột quỵ THẬT SỰ, nhưng MRI não lại bình thường (điều này thường xảy ra đối với các trường hợp nhồi máu lổ khuyết, đặc biệt ở vùng hố sau). Do vậy, khi chọn MRI, các đồng nghiệp sẽ đối mặt với các trường hợp sau:

- Bỏ qua giải pháp rtpa trong 10% các BN đột quỵ THẬT SỰ, nhưng có kết quả MRI não bình thường.

- Làm giảm khả năng phục hồi tốt và tăng ít nhất 10% nguy cơ tử vong do mất thời gian vàng.

- Khi BN có tổn thương nhồi máu não cấp phù hợp, tuy nhiên, nếu MRI ghi nhận nhiều ổ “Micro-bleed” (là yếu tố tiên lượng nguy cơ xuất huyết, nhưng không là chống chỉ định), các đồng nghiệp có đủ “dũng khí” để chỉ định rtPA không?

Như vậy, ngay cả nếu quy trình MRI được rút ngắn, việc lựa chọn giải pháp này vẫn không được xem là lý tưởng vì còn nhiều câu hỏi khác chưa được trả lời qua y học chứng cứ. Khi chúng ta chưa có quy trình hoàn hảo tuyệt đối (mà làm gì có cái gì hoàn hảo 100% nhỉ ?), CT-CTA (và có thể CT Perfusion) hiện nay là quy trình chuẩn mực cho các trung tâm đột quỵ.

Cá nhân, tôi cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp “Stroke mimic”, và may mắn, đều không xảy ra các biến chứng đáng tiếc.

TS.BS Nguyễn Huy Thắng
Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não - BV Nhân Dân 115
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080