Logo Bệnh viện Nhân dân 115
18/04/2018 08:54

Dinh dưỡng - Yếu tố giúp bệnh nhân thận mạn đi “đường dài”

BS.CK1 Nguyễn Thị Bích Huyên - Khoa Nội thận - Miễn dịch ghép - BV Nhân dân 115 nhấn mạnh: Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp bảo tồn chức năng thận, kéo dài thời gian vào chạy thận, hạn chế biến chứng của bệnh thận mãn.
Nội dung được BS Huyên chia sẻ tại buổi sinh hoạt chuyên môn CLB Bệnh nhân thận - BV Nhân dân 115 tháng 4 năm 2018.

BS.CK1 Nguyễn Thị Bích Huyên chia sẻ những lưu ý về chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân thận mạn

Không phải tự nhiên bệnh nhân thận mạn luôn được khuyến cáo cần lưu tâm đến việc ăn uống như thế nào. Dinh dưỡng ở bệnh nhân thận mạn là một trong những yếu tố then chốt nhất trong việc quyết định “đi tiếp” hay “đầu hàng” trong cuộc chiến chống lại những biến chứng của thận mạn.


Nguyên nhân suy dinh dưỡng ở bệnh nhân thận mạn là do: Ăn vào không đủ (chán ăn, nôn ói, kiêng khem, hạn chế quá nhiều protein...), do rối loạn chuyển hóa, toan chuyển hóa, nhiễm độc urê, hội chứng viêm, rối loạn hormon như tăng cortisol, giảm hoạt tính insulin, giảm erythropoietin, bệnh đường tiêu hóa.

Bệnh nhân thận mạn được khuyên giảm đạm. Tuy nhiên, giảm ở đối tượng nào, nên ăn bao nhiêu thì gần như “sai bét”. Người Việt ít có thói quen ăn thịt và bò nuôi ở Việt Nam chủ yếu ăn bằng cỏ không đảm bảo chất lượng nên lượng đạm thấp. Vì thế, nếu ăn ít thì có thể ăn tới 200g thịt bò. Chế độ ăn giảm đạm chỉ áp dụng cho bệnh nhân suy thận giai đoạn nặng, nghĩa là đã tiến hành lọc máu. Ở bệnh nhân suy thận nhẹ, cần làm điều ngược lại, tăng lượng đạm hơn so với người bình thường.




Đừng quên thải bớt kali, phospho khi chế biến thực phẩm. Bằng cách nào? Hãy nhớ những nguyên tắc: cắt nhỏ, ngâm thực phẩm trong nước, nấu hai ba lần bỏ nước và chỉ ăn xác thực phẩm.

Về chế độ dinh dưỡng, người suy thận không nên ăn quá nhiều thức ăn giàu canxi, đạm như: nghêu, sò, tôm, cua... Đừng ăn mặn! Khi ăn nhiều muối có nghĩa thận sẽ phải hoạt động nhiều hơn. Người bệnh thận chỉ nên ăn từ 2-4g muối/ ngày và giảm lượng đạm tiêu thụ tùy thuộc vào mức độ suy thận.

Để đảm bảo người bệnh đủ nước, cần đảm bảo cân bằng nước vào và nước ra. Lượng nước trong ngày cung cấp cho cơ thể được tính như sau: Lượng nước uống mỗi ngày = thể tích nước tiểu + thể tích dịch mất bất thường (sốt, nôn, tiêu chảy) + 300 - 500 ml (tùy theo mùa).

Chúng ta nên tránh những loại trái cây nhiều kali như xoài, chuối, cam, bí đỏ, bắp nướng, bưởi, cá da trơn (cá trích, cá thu, cá hồi); thức ăn từ sữa (bánh sữa, các loại nước sốt, sữa chua, các loại nước uống có sữa); phô mai cứng; tạng - gan, thận...

Các thực phẩm được phép ăn: dưa leo, bầu, bí, su hào, cà rốt, khoai tây, cải bắp, rau diếp, quả lê, nghệ, cà chua, cam, dâu, dưa hấu, táo, mơ, đào, xoài, đu đủ, dứa, các loại chất béo (như dầu thực vật, mỡ, bơ), đường, mật ong, mật mía. Nên sử dụng các chất bột chứa ít đạm như khoai lang, khoai sọ, khoai tây, miến dong, bột sắn dây.

Nguyên tắc VÀNG bảo vệ thận

- Uống đủ nước, khoảng 2 lít/ngày

- Tập thể dục đúng mức và thường xuyên

- Kiểm soát tốt đường huyết trên bệnh nhân đái tháo đường

- Kiểm soát tốt huyết áp trên bệnh nhân tăng huyết áp

- Tránh dư cân hoặc béo phì

- Bỏ hút thuốc lá

- Không tự ý dùng thuốc ngoài chỉ định của thầy thuốc

- Kiểm tra chức năng thận nếu bạn là đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh thận (đái tháo đường, tăng huyết áp, gia đình có người bệnh thận)


Lê Bình

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080