Logo Bệnh viện Nhân dân 115
26/01/2021 10:06

TTƯT.PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng: Nên làm gì khi có túi phình động mạch não chưa vỡ?

TTƯT.PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam chia sẻ bài viết “Túi phình động mạch não chưa vỡ” đưa ra những điều cân nhắc khi quyết định xử trí túi phình nhỏ, đặc biệt là túi phình có kích thước <7mm: có nên can thiệp hay không, không can thiệp thì sẽ thế nào?

Tuần qua, một bệnh nhân trẻ xin được khám, vì tình cờ phát hiện có một túi phình nhỏ # 5mm tại động mạch cảnh trong. Vẻ mặt cậu khá lo lắng, có lẽ vì đã được giải thích cần thiết can thiệp ngay, để loại bỏ túi phình cách đây vài ngày.

Vậy chúng ta nên làm gì, nếu một ngày đẹp trời nào đó, đột nhiên biết mình đang có một túi phình nhỏ ở động mạch não?



Thầy thuốc ưu tú.PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não - Bệnh viện Nhân dân 115


Phình động mạch não thường gặp hay hiếm gặp?

Thật ra, túi phình động mạch não khá thường gặp, ước tính khoảng 2-3% trong dân số, và có thể cao hơn trên dân số lớn tuổi. Như vậy, ở Việt Nam chúng ta, ước tính có khoảng 2-3 triệu “bom nổ chậm” trong dân số 100 triệu.

Mặc dù vậy, tỷ lệ xuất huyết màng não hiện nay chỉ vào khoảng 6-10 ca/ 100.000 dân. Điều đó có nghĩa, hơn 3000 trường hợp có túi phình động mạch não, mới có một trường hợp gây vỡ!

Phình động mạch não nếu không can thiệp thì sẽ thế nào?

Sẽ ra sao nếu chúng ta không làm gì?

Chắc hẳn sẽ có người hét vào mặt bác sĩ khi được nghe: “Ông/Bà không cần phải làm gì thêm, chỉ cần chờ đợi ngày… vỡ !!!”. Nhưng điều này có vẻ lại rất hợp lý trong nhiều trường hợp.

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ vỡ túi phình như: tuổi, tăng huyết áp, hút thuốc lá, yếu tố gia đình đã có người bị vỡ túi phình… Tuy vậy, kích thước túi phình được xem là yếu tố quan trọng nhất, và có tính quyết định trong việc xử trí.

“The International Study of Unruptured Intracranial Aneurysms (ISUIA) study” được xem là nghiên cứu lớn nhất cho đến nay về túi phình động mạch não chưa vỡ. Nghiên cứu ISUIA bao gồm 1692 bệnh nhân có túi phình với kích thước từ 2mm trở lên, trong số đó, 1077 bệnh nhân mang túi phình chưa vỡ.

Nhìn vào bảng tóm tắt phía dưới, chúng ta có thể thấy nguy cơ vỡ của túi phình có kích thước <7mm là cực kỳ thấp0% trong 5 năm, với túi phình nằm ở các vị trí tuần hoàn trước. Nguy cơ vỡ của túi phình động mạch thông sau cao hơn, 1,5% trong 5 năm (0.3%/ năm). Tuy vậy, nguy cơ vỡ sẽ tăng lên nếu kích thước túi phình trong khoảng 7-12mm, và đặc biệt khi lớn hơn 12mm.





Vậy sẽ ra sao nếu chúng ta quyết định làm gì đó?

Giải pháp đối với các túi phình động mạch não chưa vỡ

Có 3 giải pháp đối với các túi phình động mạch não chưa vỡ:

1. Phẫu thuật kẹp túi phình: Có 2 nghiên cứu phân tích gộp, đánh giá kết quả phẫu thuật kẹp túi phình chưa vỡ. Kết quả cho thấy, tỷ lệ tàn phế là 4,1% và 10,9%; tỷ lệ tử vong lần lượt là 1% và 2,9%. Nguy cơ tử vong có thể hơn 20% với túi phình tuần hoàn sau hoặc túi phình kích thước lớn.

2. Can thiệp bít túi phình: dựa trên các phân tích gộp, tỷ lệ kết quả không tốt ở nhóm điều trị can thiệp 3-4%; tỷ lệ tử vong 1-2%. Trong nghiên cứu ISUIA, tỷ lệ tử vong ở nhóm can thiệp là 3,1%. Nguy cơ tử vong cũng sẽ cao hơn, với túi phình tuần hoàn sau hoặc túi phình kích thước lớn.

3. Điều trị bảo tồn bao gồm việc kiểm soát huyết áp, tránh thuốc lá, bia rượu. Điều quan trọng, cần theo dõi túi phình bằng các kỹ thuật hình ảnh mạch máu không xâm lấn (MRA hoặc CTA) sau 6 tháng, hoặc 1 năm để đánh giá việc gia tăng kích thước. Cần lưu ý, chỉ nên chọn 1 kỹ thuật hình ảnh học để theo dõi (nếu đã chon MRA lần đầu, thì nên lập lại MRA sau đó) nhằm tránh sai số giữa 2 kỹ thuật. Đây là lựa chọn hợp lý cho túi phình chưa vỡ có kích thước <7mm.

Khi nào chúng ta nên xử trí xâm lấn túi phình chưa vỡ (bằng phẫu thuật hoặc can thiệp nội mạch)?

1. Chắc chắn, các túi phình có kích thước lớn > 12mm nên được xử trí sớm, đặc biệt khi bệnh nhân trẻ và có tiền sử gia đình.

2. Các túi phình kích thước từ 7-12 mm nên thận trọng vì hiện nay chưa có chứng cứ cho thấy lợi ích của việc can thiệp so với điều trị bảo tồn trên đối tượng này. Theo cá nhân, nhóm bệnh nhân này nên được theo dõi kích thước mỗi 6 tháng. Việc quyết định sẽ tùy thuộc vào những yếu tố đi kèm như: tuổi, tiền sử gia đình, vị trí ở động mạch thông sau, kích thước gia tăng…

Ai sẽ cần tầm soát túi phình động mạch não chưa vỡ?

Với xuất độ 2-3% trong dân số, việc đột nhiên phát hiện túi phình là điều hoàn toàn có thể và xử trí đa số là điều trị bảo tồn, do vậy, chắc chắn sẽ không có chuyện tầm soát ở mọi đối tượng. Khuyến cáo chỉ nên tầm soát ở các đối tượng có nguy cơ cao như: gia đình có người thân vỡ túi phình và bệnh nhân thận đa nang.

Có chống chỉ định thuốc kháng kết tập tiểu cầu và kháng đông trên bệnh nhân có túi phình chưa vỡ?

Hiện nay không có chứng cứ cho thấy việc sử dụng thuốc kháng kết tập tiểu cầu và kháng đông làm tăng nguy cơ vỡ túi phình, do vậy, không nên loại bỏ các nhóm thuốc này khi bệnh nhân có chỉ định (ví dụ, kháng đông vẫn nên được chỉ định nếu bệnh nhân có rung nhĩ).

Nên làm gì khi có túi phình động mạch não <7mm?

Bạn nên làm gì khi có túi phình <7mm, ở vị trí tuần hoàn trước và gặp một bác sĩ đề nghị nên loại bỏ túi phình sớm để tránh nguy cơ vỡ?

Để trả lời câu hỏi này bạn nên cân nhắc chuyện lời hay lỗ vốn: nguy cơ vỡ túi phình <7mm, ở vị trí tuần hoàn trước là 0%/ 5 năm, so với nguy cơ tử vong liên quan đến can thiệp 1-2% (có thể xảy ra ngay lập tức!, chưa tính đến nguy cơ tàn phế).



Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.com


TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080