Logo Bệnh viện Nhân dân 115
25/03/2021 10:50

Tháo gỡ tất tần tật thắc mắc về hiện tượng đồng vận do liệt dây thần kinh số 7

Tại sao liệt dây thần kinh số 7 thường để lại di chứng đồng vận? Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn? Biểu hiện đồng vận có thể tái phát?,... tất cả đã được BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn giải đáp ngay dưới đây. Mời quý bạn đọc cùng theo dõi!

1. Phương pháp điều trị di chứng đồng vận?

Tôi đã bị liệt dây thần kinh số VII, sau 2 tháng điều trị bằng thuốc chống virus zona và châm cứu thì các cơ mặt đã cử động được. Tuy nhiên liền sau đó tôi bị di chứng đồng vận với các biểu hiện như sau: mắt to mắt nhỏ đặc biệt khi cười, chu môi, phồng má; khóe miệng bị kéo lên khi nhăn trán, nhắm mắt; cảm thấy bị co cơ mặt, ù tai đặc biệt khi trời lạnh hoặc mệt mỏi... Xin hỏi bác sĩ có phương pháp nào để điều trị di chứng này ạ?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn:

Trường hợp của bạn đúng với hiện tượng đồng vận đang xảy ra. Nguyên nhân của bạn là do virus. Virus ăn các dây thần kinh, làm tổn thương dây thần kinh. Sau khi điều trị hết virus thì các dây thần kinh bắt đầu hồi phục. Tuy nhiên, các dây thần kinh sẽ mọc ra lộn xộn. Khi đó, người bệnh rất khó chịu vì bị co thắt mặt.

Nếu như bạn đã tập vật lý trị liệu mà không hết thì nên điều trị nội khoa bằng chích botox. Trường hợp vẫn không có tiến triển thì phải phẫu thuật. Khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ xem sợi thần kinh nào đang bị co thắt và sẽ thả một sợi thần kinh dẫn đến co thắt như vậy. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, trả lại những chức năng của mặt.

2. Tại sao bị liệt dây thần kinh số 7 thường để lại di chứng đồng vận?

Xin bác sĩ giải thích vì sao những người bị liệt dây thần kinh số 7 dài ngày (dù đã khỏi liệt hay chưa) thì đều gặp di chứng đồng vận?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn:

Liệt dây thần kinh số 7 có 2 trường hợp: liệt hoàn toàn, không hồi phục và liệt hoàn toàn, hồi phục.

Liệt hoàn toàn sau đó hồi phục thì sẽ xuất hiện hiện tượng đồng vận. Đồng vận ở đây là do thần kinh mọc lạc chỗ. Những trường hợp như vậy điều trị rất khó. Nếu như điều trị nội khoa không được thì phải phẫu thuật.

3. Mổ chữa di chứng đồng vận diễn ra như thế nào?

Xin bác sĩ giải thích rõ hơn về cơ chế mổ để chữa di chứng đồng vận: Việc mổ này dựa trên cơ chế nào? Xin bác sĩ mô tả rõ hơn về vị trí mổ, thời gian thực hiện ca mổ? Quá trình này sẽ diễn ra một lần hay nhiều lần? Mong bác sĩ chia sẻ trường hợp bệnh nhân đã thực hiện điều trị thành công.

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn:

Nếu như điều trị nội khoa bằng thuốc, tập vật lý trị liệu không khỏi thì mới phẫu thuật. Tập vật lý trị liệu đúng cách vô cùng quan trọng để hồi phục liệt dây thần kinh số 7.

Nếu như liệt dây thần kinh do u tuyến mang tai thì điều trị tuyến mang tai, hay u não thì điều trị não, do virus thì phải chống virus.

Đường mổ đa phần là giấu sẹo, đi từ tai xuống cằm.

Quá trình mổ vô cùng phức tạp. Khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ bóc tách dây thần kinh số 7. Tuy nhiên dây số 7 rất nhiều nhánh, và nhiều biến thể. Chúng ta thường nói ở vùng mặt có 5 nhánh nhưng lại có hiện tượng đan chéo giữa các nhánh với nhau. Nếu như lỡ cắt nhầm dây sẽ gây ra liệt, nếu cắt quá nhiều cũng gây liệt.

Trong quá trình làm, bác sĩ sử dụng máy kích thích điện liên tục, để biết được dây đó có cần thiết hay không, nhằm đạt được sự an toàn cho người bệnh.

Bác sĩ sẽ cắt chọn những dây thần kinh như vậy để đạt được những chức năng về giảm bớt sự co rút, và chức năng thẩm mỹ.

Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật, người bệnh phải luyện tập theo 1 chương trình đã được hướng dẫn. Tùy vào mỗi người bệnh thì sẽ có cách thức tập luyện khác nhau.

Thường bệnh nhân phải mổ 2 lần. Lần đầu sẽ đạt được một số chức năng, lần 2 sẽ phục hồi lại những vấn đề chưa hoàn chỉnh ở lần đầu.


BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn - Phó khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân 115


4. Cách chữa sẹo sau phẫu thuật di chứng đồng vận?

Tôi được biết việc này sẽ để lại sẹo, vậy vết sẹo thường nằm ở đâu, với sự dài ngắn ra sao? Vết sẹo này có thể được xử lý bằng các phương pháp thẩm mỹ hiện nay không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn:

Trong cuộc sống, nếu được cái này sẽ mất cái kia. Cụ thể, khi điều trị bệnh bạn phải chấp nhận việc phẫu thuật. Người phẫu thuật viên được ví như “kí tên” của mình trên người bệnh và họ tôn trọng “chữ kí” đó. Khi bác sĩ phẫu thuật rạch đường da, dù có làm tốt cỡ nào thì “chữ kí” vẫn còn trên cơ thể bệnh nhân. Do đó, bạn cũng không nên quá lo lắng vì đường sẹo đa phần sẽ được giấu ở phía dưới.

Đa phần sẹo sẽ mờ đi theo năm tháng, không để lại di chứng quá nặng nề. Những trường hợp sẹo lồi do cơ địa có thể chích thuốc hoặc massage để làm mờ sẹo.

5. Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn?

Mức độ thành công của ca mổ phụ thuộc vào các yếu tố nào? Liệu bệnh nhân có thể hy vọng khỏi hoàn toàn di chứng đồng vận hay chỉ khắc phục được một phần? Như trong ví dụ điển hình về các biểu hiện của đồng vận:

- Mắt to mắt nhỏ đặc biệt khi cười, chu môi, phồng má;

- Khóe miệng bị kéo lên khi nhăn trán, nhắm mắt;

- Cảm thấy bị co cơ mặt, ù tai đặc biệt khi trời lạnh hoặc mệt mỏi ...

Bệnh nhân có thể kỳ vọng khắc phục được vấn đề gì ạ?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn:

Đa phần những trường hợp liệt dây thần kinh số 7 mà hồi phục dẫn tới hiện tượng đồng vận thì vấn đề là do thần kinh mọc lạc chỗ. Sau khi dây thần kinh hồi phục thì vấn đề cần quan tâm là cơ đã hư hay chưa và có bị xơ dính hay không. Khi phẫu thuật, đa số người bệnh mong muốn phục hồi hoàn toàn khuôn mặt của mình.

Tuy nhiên, bạn không nên kỳ vọng quá về vấn đề phẫu thuật. Phẫu thuật đạt được chức năng khi bệnh nhân đang bị hiện tượng co rút mạnh giữa mắt, miệng, cổ, trán. Khi phẫu thuật sẽ cắt chọn lọc các dây giữa các nhánh liên kết.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân chu miệng, mắt sẽ không co lại nhiều nữa, hoặc khi nhắm mắt, miệng sẽ bớt bị co kéo. Khi đó, mắt mở to hơn, chu miệng thoải mái hơn. Về mắt, nếu như điều trị sớm trong thời gian đầu thì có thể trở lại bình thường.

Về môi, nếu như cơ bị teo, thoái hóa, hoặc bị xơ dính thì không thể trở lại như ban đầu được. Trường hợp cơ vẫn còn tốt thì sau phẫu thuật miệng dần dần nở ra.

Một số trường hợp tế bào cơ hoạt động tốt, thì sau phẫu thuật miệng đạt được chức năng cười, chu môi gần như ban đầu.

Mức độ hồi phục sau phẫu thuật tùy thuộc vào từng người bệnh, quá trình điều trị của người bệnh trước phẫu thuật, các cơ có bị thoái hóa, vị xơ dính hay không. Một số bạn trẻ khi phẫu thuật mong muốn đem lại chức năng thẩm mỹ. Tuy nhiên, các bạn cần xét nghiệm kỹ xem các cơ có còn hoạt động tốt hay không và điều trị nội khóa trước. Nếu không đạt được kết quả mong muốn thì hãy phẫu thuật.

Đây là điều trị bệnh lý, không phải phẫu thuật thẩm mỹ nên chỉ đưa lại những chức năng cần thiết.

6. Độ tuổi và sức khỏe có ảnh hưởng đến mổ chữa đồng vận?

Để được thực hiện ca mổ chữa đồng vận, bệnh nhân có cần thỏa mãn các điều kiện gì? (về độ tuổi, sức khỏe, thời gian bị bệnh, mức độ bệnh...). Trong group có bệnh nhân 6 tuổi, bị liệt 7 từ khi 1 tuổi và chưa khỏi hoàn toàn, vậy đã đủ tuổi thực hiện phẫu thuật chưa?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn:

Vấn đề tuổi tác, sức khỏe, các bệnh lý kèm theo luôn ảnh hưởng đến cuộc phẫu thuật. Nếu như sức khỏe không cho phép, hoặc có các bệnh lý nặng thì sẽ không được phẫu thuật.

Hiện tại, tôi chưa làm ca phẫu thuật nào cho người trẻ, đa phần là người lớn tuổi.

Trên thế giới, có một số bác sĩ cũng phẫu thuật cho các em nhỏ. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, người ta ưu tiên điều trị nội khoa và vật lý trị liệu, ít khi phẫu thuật.

Tôi có tham khảo một số đồng nghiệp làm về đồng vận trên thế giới, thì đa phần họ điều trị bảo tồn nhiều hơn.

Ví dụ, có một số bạn đang ở đỉnh cao nghề nghiệp, đột ngột bị liệt mặt, khiến bạn rất buồn. Trước đó, bạn đang bị u não nhưng điều trị chưa dứt mà muốn điều trị liệt mặt thì tôi khuyên bạn nên điều trị bệnh nền trước. Vì có những trường hợp điều trị liệt dây thần kinh số 7 xong, chuyển sang điều trị u não thì tiếp tục bị liệt lại dây thần kinh số 7. Khi đó, người bệnh lại rơi vào tình trạng trầm cảm.

Vì vậy, tốt nhất là nên điều trị bệnh lý ác tính, nguy hiểm trước rồi hãy điều trị liệt dây thần kinh số 7.

Mong muốn của người bệnh là trở lại cuộc sống bình thường, tuy nhiên phải chấp nhận cái bất thường để thấy được cái bình thường. Về phẫu thuật liệt mặt nếu bạn có các yếu tố cần thiết thì có muộn vẫn phẫu thuật được.

7. Đã cấy chỉ có được phẫu thuật?

Bệnh nhân đã cấy chỉ một hoặc nhiều lần có thể thực hiện phẫu thuật không?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn:

Có thể phẫu thuật được, tuy nhiên sẽ có những khó khăn.

Khó khăn ở đây là khi cấy chỉ sẽ gây hiện tượng viêm, xơ dính vùng xung quanh. Khi bị viêm khiến việc bóc tách dây thần kinh cực kì khó khăn.




8. Biểu hiện đồng vận có thể tái phát sau phẫu thuật?

Sau khi mổ các biểu hiện đồng vận có thể tái phát không? Bệnh nhân sau mổ nên thực hiện chế độ kiêng cữ, tập luyện như thế nào?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn:

Đồng vận vẫn có thể tái phát. Tuy nhiên, tái phát không phải vì những dây thần kinh đã cắt. Vì khi cắt đã buộc nó lại, nó không thể phát triển ra nữa. Tuy nhiên, ở gốc vẫn mọc ra những dây thần kinh và đi tới vùng đã cắt nhiều hơn.

Khi điều trị đồng vận chỉ điều trị ở ngọn, chứ không điều trị ở gốc. Sau một thời gian, ở gốc vẫn mọc ra những dây thần kinh và đi theo nhiều hướng khác nhau. Ở giai đoạn này, bệnh nhân cần phải tập luyện tích cực hơn. Hiện tượng động vận sau khi phẫu thuật sẽ không hết hoàn toàn nhưng sẽ đỡ hơn rất nhiều.

Khoảng gần 100 ca mà tôi đã phẫu thuật thì phản hồi của bệnh nhân rất tốt.

Phẫu thuật và phục hồi chức năng luôn đi kèm với nhau. Sau phẫu thuật, bệnh nhân bắt đầu tập luyện bằng massage. Tùy vào mỗi điểm phẫu thuật mà có cách massage khác nhau. Các cơ đang bị xơ dính từ từ được giãn ra vì dây thần kinh cung cấp vào đó không còn nhiều nữa.

9. Những rủi ro xảy ra sau khi phẫu thuật?

Xin bác sĩ chia sẻ về những rủi ro của ca mổ (nếu có).

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn:

Rủi ro khi phẫu thuật thì luôn luôn có, nhưng rủi ro ở mức độ nào, có chấp nhận được hay không. Tuy nhiên, sau phẫu thuật liệt dây thần kinh số 7, điều mà người bệnh hay than phiền là mất cảm giác vùng má. Một số trường hợp có hiện tượng yếu cơ hơn nhưng từ từ nó sẽ trở lại bình thường.

Một số trường hợp sẽ có sẹo lồi ở vết mổ, tuy nhiên rất ít gặp. Trường hợp gây biến chứng nặng nhất là cắt quá nhiều dây thần kinh, gây tình trạng liệt

10. Phương pháp khác chữa đồng vận

Hiện nay ngoài phẫu thuật ra còn có những phương pháp nào hiệu quả trong việc chữa đồng vận?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn:

Ngoài phẫu thuật ra thì ở giai đoạn đầu chúng ta có thể tập vật lý trị liệu và chích botox. Tuy nhiên chích botox trong khoảng 6 tháng thì hiện tượng liệt có thể sẽ quay trở lại.

Liệt mặt đồng vận có 2 thể loại:

- Thể loại đầu gọi là hiện tượng co thắt mạch đồng vận, xảy ra khi não bị tổn thương, mạch máu và thần kinh chèn ép vào nhau, khi mạch máu đập gây co thắt toàn bộ mạch.

- Thứ hai liệt thần kinh 7 hồi phục gây co thắt mạch.

Giữa mạch máu và thần kinh của chúng ta dính với nhau, nghĩa là mạch máu đập thì thần kinh đập; khi có một điều gì đó ví dụ: nếu bệnh nhân căng thẳng thì cơ mặt sẽ quéo lại rất khó chịu. Thường trong một số trường hợp chích botox bệnh nhân sẽ bớt nhưng đa phần nên giải quyết nguyên nhân bằng cách phẫu thuật.

Trường hợp thứ hai là liệt dây thần kinh số 7 sau hồi phục dẫn tới hiện tượng đồng vận. Ngoài vấn đề co thắt mạch đồng vận, người bệnh còn gặp phải các hiện tượng như giật mạch liên tục, đây là hiên tượng tăng sinh mạch máu sau khi tập vật lý trị liệu, vấn đề này cần phải mổ để giải phóng nó ra, tách mạch máu nuôi thần kinh và dây thần kinh.

Ngoài phẫu thuật thì tập vật lý trị liệu là ưu tiên hàng đầu. Sau khi điều trị các bệnh lý nền, tập vật lý trị liệu, nếu có hiện tượng đồng vận thì chích botox trước nếu không bớt sau đó mới phẫu thuật.

11. Lời khuyên dành cho các bệnh nhân đồng vận

Từ khi tôi bị liệt 7, mọi người thường khuyên tôi hãy lạc quan lên. Nhưng thật trớ trêu khi thứ bị ảnh hưởng và nhắc nhở cho bạn về căn bệnh lại chính là nụ cười! BS có thể đưa ra lời khuyên dành cho các bệnh nhân đồng vận?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn:

Làm việc rất nhiều với bệnh nhân liệt, tôi phần nào hiểu được tâm lý người bệnh khi đang bình thường, đột ngột bị liệt. Trong đạo Phật, người ta gọi là vô thường.

Đầu tiên, mình phải chấp nhận những vấn đề hiện tại, khó nhất là chấp nhận về tư tưởng. Câu nói cửa miệng của nhiều người luôn là chấp nhận đi, làm gì đó đi. Tuy nhiên, tâm lý của người liệt rất khó khăn.

Có nhiều bạn tuy phải thức dậy với khuôn mặt rất khác nhưng họ vẫn cố gắng làm việc bình thường. Thế nhưng dẫu biết rằng chúng ta đang sống cho bản thân nhưng đôi khi lại bị tác động bởi ngoại cảnh rất nhiều. Bạn có công nhận với tôi khi nói, cười người ta hay nhìn vào khiếm khuyết của mình. Thật sự khâm phục khi có nhiều bạn bị liệt mặt nhưng vẫn không mổ; họ cho rằng cuộc đời như vậy là tốt lắm rồi.

Tuy nhiên, dù nói gì đi chăng nữa tâm lý vẫn luôn là điều khó khăn để vượt qua. Ai cũng muốn tập buông nhưng ai cũng thích nắm giữ lại.

Chúng ta nên tìm những công việc yêu thích, những việc tươi vui trong cuộc sống để làm. Hoặc, chúng ta nên đi thăm khám hết tất cả những nơi mà bạn tin tưởng. Còn vấn đề liệt mặt thì bạn phải chấp nhận, dù có phục hồi cỡ nào thì vẫn bị liệt.

Việc chấp nhận ở đây là chấp nhận ở trạng thái con người mới. Nếu như mình luôn nghĩ về vấn đề của mình, luôn sợ người khác nhìn vào khiếm khuyết thì sẽ rất đau khổ.

Bạn phải cảm thấy hạnh phúc vì so với những người liệt mặt toàn bộ thì bạn chỉ bị liệt một phần. Quy luật cuộc sống là khi bạn 40 tuổi thì tuổi 20 của bạn đã chết rồi, không thể nào níu kéo được thanh xuân.

Nếu bạn chấp nhận điều đó thì bạn sẽ hạnh phúc hơn, nếu bạn cố níu kéo thì bạn sẽ càng đau khổ. Hạnh phúc là khi bạn nhìn vào cái mà mình đang có, chứ không phải nhìn vào cái bạn đã mất!

12. Cách đặt lịch khám BS Nguyễn Cao Viễn

Chi phí thực hiện ca mổ. Để đặt lịch mổ với bác sĩ Viễn, bệnh nhân cần đặt lịch trước bao lâu và có thể thực hiện ở các bệnh viện nào? Liệu có lựa chọn nào thuận tiện cho các bệnh nhân không ở tại TPHCM?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn:

Chi phí mổ không cao, đa phần tôi sẽ mổ giúp cho các bạn về vấn đề bảo hiểm y tế. Tuy nhiên về lịch hẹn mổ bạn có thể đến đăng ký khám ở Bệnh viện Nhân dân 115 nhưng tôi nghĩ bạn nên contact (liên hệ) trước bởi lịch mổ của tôi tương đối đông. Mảng “liệt” không phải là khó nhưng ít người theo bởi thời gian phục hồi lâu nên các bạn phẫu thuật viên cũng hơi nản.

Để đào tạo một BS chấn thương chỉnh hình thì khá nhanh khoảng 1-2 năm là có thể làm được. Tuy nhiên, để đào tạo một BS vi phẫu tạo hình, vi phẫu thần kinh thì cần một thời gian khá lâu, chính vì vậy số lượng các BS theo không nhiều.

Đôi khi vì quá xa nên sau khi mổ BS ít khi nào có cơ hội được trao đổi với bệnh nhân để biết được tình trạng thế nào, ca mổ thành công bao nhiêu phần trăm. Bệnh nhân là người thầy quan trọng nhất để giúp các BS có thêm kinh nghiệm. Nhiều bệnh nhân lâu quá không đến khám tôi buộc phải gọi cho họ.

- Thứ nhất để xem lại kết quả phẫu thuật thế nào.

- Thứ hai để bệnh nhân cung cấp thêm cho mình những kinh nghiệm, kiến thức rất quan trọng mà sách vở không có.

Nếu một bệnh nhân có thể đi từ Hà Nội (miền Bắc) vào TPHCM để điều trị thì nghĩa là họ có điều kiện, còn với những người khó khăn họ không thể đi được thì phải làm sao? Tôi hy vọng, mong muốn quá trình đào tạo có thể mở rộng đến với nhiều BS ở nhiều vùng/ miền khác nhau để khi bệnh nhân cần thì có thể giúp họ.

Nếu ở xa thì các bạn có thể liên hệ đến Bệnh viện Nhân dân 115 trước khi đến (thường là vào thứ sáu). Chỉ sợ nếu các bạn đến mà không hẹn lịch trước thì có thể gây khó khăn cho các bạn, nhất là nếu các bạn đi xa. Các bạn hoàn toàn có thể gọi điện, liên kết qua zalo, messenger, … để liên hệ tôi sẵn sàng tiếp nhận.



Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.com

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080