Logo Bệnh viện Nhân dân 115
21/10/2020 16:15

Tinh dịch đồ tiết lộ những gì về sức khỏe nam giới?

Khi nào cần kiểm tra chất lượng của tinh trùng? Làm những xét nghiệm gì để biết sức khỏe sinh sản nam giới?... Lời giải đáp cho các thắc mắc này đã có trong chương trình giao lưu trực tuyến với ThS.BS Trần Thanh Phong - Phó Trưởng khoa Ngoại Niệu - Ghép thận - Bệnh viện Nhân dân 115.

1. Khi nào cần làm xét nghiệm tinh dịch đồ?

Thưa BS, tinh trùng là vấn đề mật thiết của các quý anh, quý ông. Để kiểm tra chất lượng của tinh trùng, hiện nay chúng ta có những xét nghiệm nào ạ?

ThS.BS Trần Thanh Phong trả lời: Tinh dịch đồ (hay còn gọi là tinh trùng đồ) là xét nghiệm nền tảng dùng để đánh giá chất lượng tinh dịch ở nam giới. Bên cạnh đó, còn có những xét nghiệm chuyên sâu hơn như xét nghiệm để đánh giá nội tiết tố, nhiễm sắc thể, khả năng sinh ra tinh trùng, sinh thiết tinh hoàn,…

Trong những trường hợp nào thì nam giới có chỉ định làm xét nghiệm tinh dịch đồ, thưa BS?

ThS.BS Trần Thanh Phong trả lời: Thông thường, bác sĩ đề nghị làm tinh dịch đồ khi người bệnh có nhu cầu sinh con nhưng lại không có con như ý muốn, tạm gọi là vô sinh. Để khảo sát người bệnh có thật sự vô sinh hay không thì tinh dịch đồ là một trong những xét nghiệm nền tảng đầu tiên, qua đó giúp bác sĩ đánh giá, tìm hiểu nguyên nhân tại sao người bệnh chậm có con.



2. Chuẩn bị gì trước khi xét nghiệm tinh dịch đồ?

Trước khi xét nghiệm tinh dịch đồ, bệnh nhân cần chuẩn bị ra sao, cách thức lấy mẫu như thế nào ạ?

ThS.BS Trần Thanh Phong trả lời: Tinh dịch đồ rất hay thay đổi, thậm chí trên một người nếu làm xét nghiệm ở những lần khác nhau kết quả có thể sẽ khác nhau. Để tinh trùng đồ đạt kết quả tốt nhất thì cần các yếu tố như: không bị ảnh hưởng bởi những sai lệch do yếu tố môi trường, kĩ thuật lấy mẫu, máy kĩ thuật của phòng xét nghiệm,…

Đồng thời, trước khi làm xét nghiệm tinh dịch đồ bệnh nhân cần có những chuẩn bị như sau:

- Kiêng quan hệ ít nhất từ 5 -7 ngày. Nếu người bệnh kiêng quá sớm số lượng tinh trùng sẽ bị ít đi, nếu kiêng quá nhiều số lượng và hình thái tinh trùng cũng sẽ bị thay đổi dẫn đến việc kết quả không chính xác. Thời gian gần đây Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có một số đề xuất khi thực hiện xét nghiệm tinh dịch đồ chỉ cần kiêng quan hệ 1 ngày, tuy nhiên theo truyền thống bác sĩ vẫn sẽ khuyên người bệnh nên kiêng từ 5 - 7 ngày.

- Không nên ăn, uống một số thực phẩm có ảnh hưởng đến tinh trùng như rượu, bia, thuốc lá, một số thuốc có thể làm thay đổi độ di động, PH của tinh trùng như thuốc trụ sinh,…

- Vệ sinh sạch sẽ cơ quan sinh dục.

Thông thường, tốt nhất bệnh nhân sẽ lấy mẫu tại cơ sở y tế (phòng khám, bệnh viện).

Cách thức lấy mẫu xét nghiệm là bệnh nhân dùng tay để xuất tinh (thủ dâm), cần xuất hết trọn vẹn lượng tinh trùng, qua đó giúp các bác sĩ đánh giá số lượng, thể tích tinh dịch (tinh trùng) được tốt hơn.

3. Lấy mẫu làm xét nghiệm tinh dịch đồ ở nhà như thế nào?

Nếu đã cố gắng nhưng bệnh nhân không thể xuất tinh tại bệnh viện và muốn lấy mẫu tại nhà, trường hợp này cần làm gì để đảm bảo chất lượng mẫu thử, thưa BS?

ThS.BS Trần Thanh Phong trả lời: Một số trường hợp bệnh nhân không thể xuất tinh bằng phương pháp thủ dâm tại cơ sở y tế thì vẫn có thể sử dụng phương pháp khác tại nhà (nhưng thường điều này không khuyến cáo thường xuyên). Khi lấy mẫu tại nhà bệnh nhân cần lưu ý:

- Hạn chế sử dụng bao cao su (BCS) thông thường. Cần sử dụng BCS đặc biệt, trong BCS này không chất bôi trơn, không chất tiêu diệt tinh trùng vì nếu có sẽ làm ảnh hưởng, thay đổi độ pH, nồng độ của tinh dịch, hạn chế sự di động của tinh trùng, làm giảm số lượng tinh trùng.

- Không lấy mẫu bằng phương pháp quan hệ gián đoạn: Khi bệnh nhân quan hệ cùng bạn tình sẽ dễ bị lây nhiễm, nhiễm trùng; dễ bị ảnh hưởng bởi axit âm đạo, tế bào biểu bì, biểu mô của âm đạo người bạn tình,… dẫn đến kết quả bị sai lệch.

- Sau khi lấy mẫu cần đưa ngay đến bệnh viện, phòng xét nghiệm trong vòng 60 phút không nên để quá lâu. Tốt nhất nên giữ ở mức 20 - 30 độ C, không nên để quá lạnh, vì tinh trùng sẽ bị đông đặc, vón cục hoặc thay đổi nhiều vấn đề khác.

4. Để khảo sát sức khỏe sinh sản của nam giới, cần làm các xét nghiệm gì?

Tinh dịch đồ tiết lộ những gì về sức khỏe của nam giới? Để đánh giá đầy đủ sức khỏe sinh sản của nam giới, ngoài tinh dịch đồ còn cần thêm những thông tin nào nữa ạ?

ThS.BS Trần Thanh Phong trả lời: Sau 12 tháng quan hệ tích cực, không sử dụng bất kì phương thức tránh thai nào mà bệnh nhân vẫn không có con theo phương pháp tự nhiên thì cần đến các cơ sở y tế để kiểm tra và sẽ được xét nghiệm tinh dịch đồ.

Qua kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ có thể cung cấp cho chúng ta:

- Độ nhớt, độ li giải của tinh dịch, ví dụ: tinh dịch quá lỏng hoặc quá đặc cần phải xem xét.

- Độ pH: pH lí tưởng và thông thường của tinh dịch đồ là 7,2 - 8.

- Thể tích tinh dịch: Theo mức bình thường tinh trùng phải đạt trên 1.5 ml/ lần phóng tinh.

- Mật độ tinh trùng trong 1ml: Tối thiểu trong 1 ml phải có 15 triệu con tinh trùng, nếu ít hơn nghĩa là bệnh nhân bị thiếu tinh trùng.

- Số lượng tinh trùng: Nhân lên theo số lượng lần xuất tinh (1ml phải có 15 triệu con).

- Hình thái tinh trùng: Nếu tinh trùng có bất thường ở phần đầu hoặc đuôi thì sẽ ảnh hưởng đến sự di động, khả năng bám dính vào trứng, khả năng thụ tinh.

- Tính di động của tinh trùng: Khả năng tinh trùng bơi hoặc di chuyển về phía trước. Tinh trùng có con di chuyển nhanh, có con di chuyển chậm hoặc một vài con bị bất động; trong trường hợp bất động không thể xác định được tinh trùng này còn sống hay đã chết. Vì thế chúng ta có chỉ số tiếp theo đó là số lượng tinh trùng sống; thông thường tỉ số tinh trùng sống chỉ cần trên 4 % trong tổng số 15 triệu con/ml là bạn đã có khả năng thụ tinh.

Qua những thông số trên kết hợp với các triệu chứng lâm sàng các bác sĩ sẽ kết luận bệnh nhân đang gặp vấn đề gì từ đó có hướng giải quyết phù hợp.

Giả sử, số lượng tinh trùng quá ít có thể do bị bế tắc đường ra hoặc bản thân tinh hoàn không thể sản xuất được; khi đó chúng ta sử dụng các phương pháp như:

- Về hình ảnh học để khảo sát đường ra của tinh trùng có bị bế tắc hay không.

- Xét nghiệm sinh thiết tinh hoàn: kiểm tra xem tinh hoàn có khả năng sinh tinh hay không.

- Xét nghiệm nội tiết tố: xem trục hạ đồi tuyến yên (tuyến sinh dục) có khiếm khuyết nào về hormone sinh dục kích thích sự phát triển của tinh trùng hay không.

Để đánh giá sức khỏe sinh sản của nam giới ngoài việc xét nghiệm tinh dịch đồ còn có:

- Khảo sát về nội tiết tố, đặc biệt hormone của vùng hạ đồi, tuyến yên hoặc các bệnh như suy thận mạn, các bệnh về nội tiết, tuyến giáp có thể làm thay đổi khả năng sinh sản của nam giới.

- Đánh giá di truyền học (sinh học phân tử): khảo sát sinh học phân tử để xem người bệnh có những đột biến gì về gen, nhiễm sắc thể (NST) hay không. Thông thường là những biến đổi trên NST Y bởi đây là NST giới tính truyền tiếp cho người con. Khi NST Y đột biến, nó có khả năng làm cho tinh trùng bị khiếm khuyết và không có khả năng thụ tinh với trứng dẫn đến tình trạng người bệnh vô sinh.

- Xét nghiệm về hình ảnh học, ví dụ chụp và tìm chỗ tắc trên đường ống dẫn tinh; siêu âm tuyến tiền liệt, túi tinh để kiểm tra xem có bị bế tắc, nang tuyến tiền liệt hay túi tinh bị căng phồng trong trường hợp bế tắc đường ra,… hoặc có thể chụp CT-scan để kiểm tra những bệnh kèm theo gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

- Sinh thiết tinh hoàn: Sử dụng lấy mẫu mô tinh hoàn đọc dưới kính hiển vi để chẩn đoán mô tinh hoàn có khả năng sinh tinh hay không. Bên cạnh đó chúng ta có thể đánh giá được các yếu tố khác như ung thư của tinh hoàn.

Nhiều bạn đọc thắc mắc về kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ, nhờ BS giải thích độ pH nói lên điều gì ạ, nó có ảnh hưởng gì tới tinh trùng?

Tinh dịch bình thường có độ pH từ 7,2 - 8. Khi tinh dịch có điều gì bất thường nó sẽ thay đổi độ pH:

- pH quá axit (dưới 7,2): thông thường đây là biểu hiện của tình trạng tinh trùng bị bế tắc đường ra; hoặc sử dụng thuốc làm thay đổi độ pH. Nếu tinh dịch đồ pH dưới 7, nghĩa là có tính axit sẽ làm giảm cơ hội thụ thai và còn là dấu hiệu của sự tắc nghẽn trong túi tinh. Như vậy, để tạo thuận lợi cho sự tồn tại của tinh trùng trong cơ quan sinh dục nữ, tinh dịch phải có độ pH cao hơn dịch âm đạo. Theo đó, pH của tinh dịch phải có tính hơi kiềm để trung hòa lại. Chính cơ chế này của tinh dịch sẽ giúp bảo vệ tinh trùng sống sót cho đến khi gặp được trứng.

- Tinh dịch đồ độ pH trên 8, nghĩa là có tính kiềm, có thể làm suy yếu khả năng vận động của tinh trùng và cũng là dấu hiệu của sự nhiễm trùng, khi đó khả năng thụ tinh cũng rất thấp.

Và vì sao có cả chỉ số bạch cầu, nó có ý nghĩa gì, thưa BS?
ThS.BS Trần Thanh Phong trả lời: Bạch cầu trong cơ thể là biểu hiện của miễn dịch tự nhiên. Khi bạn có triệu chứng nhiễm trùng, bạch cầu sẽ xuất hiện để tiêu diệt. Trong tinh dịch bình thường thường không có bạch cầu hoặc có rất ít (dưới 1 triệu). Trường hợp trong tinh dịch có nhiều bạch cầu đây thì là biểu hiện của việc nhiễm khuẩn, nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc sinh dục.

Trong các chỉ số: mật độ, tổng số, tỷ lệ sống, hình dáng… nếu thấp quá so với chuẩn tham khảo thì chỉ số nào có thể cải thiện bằng điều trị và dinh dưỡng? Còn chỉ số nào bắt buộc “trời cho sao để vậy”?

ThS.BS Trần Thanh Phong trả lời: Tất cả các thông số của tinh dịch đồ như: độ di động, hình thái, độ pH,… đều có thể cải thiện nhờ vào việc thay đổi lối sống, sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng. Nếu nam giới ăn uống không khoa học, sử dụng thuốc, chất kích thích,… đều ảnh hưởng đến tinh dịch đồ, làm thay đổi số lượng tinh trùng, giảm thể tích của tinh dịch và thay đổi cả pH, hình thái,…

Những điều chúng ta không thể thay đổi ở người bệnh như: đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể của gen, biến đổi về di truyền. Những trường hợp này là do NST nên dù nam giới có thay đổi lối sống như ăn uống, sinh hoạt thì cũng không thể thay đổi và không thể có con của chính mình. Hoặc nam giới bị bế tắc ống dẫn tinh, nếu chỉ thay đối lối sống, chế độ ăn uống,… cũng không thể thay đổi được trừ khi chúng ta có những phương pháp cải thiện như khai thông ống dẫn,…

5. Không có tinh trùng, bao nhiêu cơ hội được làm cha?

Sóng xung kích có giúp cải thiện chất lượng tinh trùng không, thưa BS?

ThS.BS Trần Thanh Phong trả lời: Thời gian gần đây sóng xung kích được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có việc giúp cải thiện chức năng cương dương ở nam giới (điều trị rối loạn cương) hoặc một số trường hợp khác trong các bệnh lí đau ở vùng chậu.

Sóng xung kích khi sử dụng sẽ kích thích vào tinh hoàn làm thay đổi cấu trúc mạch máu; cụ thể là kích thích tăng sinh mạch máu trong tinh hoàn làm tăng tưới máu nhiều hơn, góp phần làm thay đổi chuyển hóa của tinh hoàn. Tuy nhiên, để khẳng định sóng xung kích có làm thay đổi chất lượng tinh trùng hay không, có lẽ chúng ta cần phải thực hiện những nghiên cứu số lượng lớn và thuyết phục hơn để khẳng định vai trò của nó trong việc cải thiện tinh trùng.

Nếu một bệnh nhân không có tinh trùng trong tinh dịch, có phải đồng nghĩa với vô sinh không? Ngày nay có phương pháp nào giúp người đó vẫn có cơ hội có con của chính mình?

ThS.BS Trần Thanh Phong trả lời: Nếu sau khi làm xét nghiệm tinh dịch đồ, bác sĩ phát hiện không tinh trùng thì bệnh nhân có khả năng:

Tình huống 1: tinh trùng bị tắc đường ra. Thông thường, tinh trùng vẫn được sản xuất tinh hoàn và theo ống dẫn để xuống chứa trong túi tinh, khi nào cần sẽ xuất ra. Nhưng trên “đoạn đường” đó, nó có thể tắc ở bất kì chỗ nào do viêm nhiễm, chèn ép hoặc do dị tật nên không thể xuất ra được. Khi đó, nếu chúng ta có thể giúp bệnh nhân giải quyết được tình trạng tinh trùng bị “bế tắc” thì người bệnh sẽ có con.

Tình huống 2: tinh hoàn không sản xuất tinh trùng. Ở tình huống này chúng ta cần khảo sát lí do tại sao tinh hoàn không sản xuất tinh trùng, nếu:

- Do những thay đổi của nội tiết tố: khi đó có thể bổ sung nội tiết tố giúp tinh hoàn sản xuất ra tinh trùng.

- Do tinh hoàn không thể sản xuất được tinh trùng (có thể bị bất sản) hoặc liên quan đến miễn dịch (ví dụ bệnh nhân bị quai bị do những tế bào sinh tinh bị tấn công bởi hệ thống miễn dịch). Trong những trường hợp không thể trích được tinh trùng để hỗ trợ sinh sản mà phải cần thụ tinh trong ống nghiệm thì người bệnh sẽ không thể có con bằng chính tinh trùng của mình.

Thiên chức làm cha, mẹ là điều vô cùng thiêng liêng và ai cũng đều muốn, nhưng nếu chúng ta không may mắn để có con theo đường tự nhiên thì ngày nay khoa học kĩ thuật phát triển sẽ có nhiều phương pháp hỗ trợ sinh sản.

Chẳng hạn, nếu nam giới có tinh dịch bình thường nhưng lại không có con (do nhiều nguyên nhân, có thể do vô căn, kháng thể kháng tinh trùng) thì với những trường hợp này cần thụ tinh nhân tạo bằng cách:

- Phương pháp thứ nhất, bơm tinh trùng trực tiếp vào buồng tử cung của người nữ. Khi trứng rụng xuống tử cung của người nữ, lúc này bơm trực tiếp tinh trùng vào tử cung, khi đó tinh trùng với trứng kết hợp lại tạo thành hợp tử và phát triển lên thành một cá thể.

- Phương pháp thứ 2: Nếu tinh trùng không thể xâm nhập vô trứng để tạo thành hợp tử, do nhiều nguyên nhân như nửa trên đầu của tinh trùng thiếu men acrosome để phá hủy vỏ trứng chui vào, hay nói cách khác trùng này không có khả năng xuyên thấu qua trứng để thụ tinh. Lúc này cần lấy tinh trùng bơm trực tiếp vào bào tương của trứng. Thực hiện chiết xuất lấy tinh trùng của người cha và trứng của người mẹ, cần sử dụng những phương tiện dụng cụ rất đặc biệt để chiết tách ra và bơm tinh trùng vô trong bào tương của trứng để 2 bộ NST này hòa hợp lại với nhau tạo thành hợp tử.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều phương pháp khác có thể hỗ trợ các gia đình trong việc có con, mang tiếng cười trẻ thơ đến mái ấm.

Xin cảm ơn BS!


Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.com



TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080