Logo Bệnh viện Nhân dân 115
23/05/2023 16:08

Ứng dụng theo dõi điện sinh lý trong phẫu thuật thần kinh

Phẫu thuật thần kinh, cột sống có thể gây yếu liệt chân, khiến người bệnh ngồi xe lăn. Phẫu thuật sọ não lại càng nguy hiểm hơn ngoài biến chứng tử vong có thể gây tổn thương một trong các giác quan như: điếc tai, mù mắt, mất khứu giác, vị giác…
Để tránh các biến chứng trong phẫu thuật thần kinh hiện nay thì ứng dụng hệ thống theo dõi điện sinh lý thần kinh đa phương thức trong phẫu thuật (IOM – Intraoperative Neurophysiologic Monitoring). IOM là một phương pháp giúp bảo vệ người bệnh khỏi tổn thương thần kinh, giảm những rủi ro về biến chứng trong phẫu thuật và cải thiện kết quả sau phẫu thuật nhờ khả năng kiểm soát hoàn toàn hệ thống thần kinh trung ương và ngoại biên trong suốt cuộc mổ. Trên thế giới theo dõi sinh lý thần kinh trong mổ được sử dụng rộng rãi tuy nhiên ở Việt Nam kỹ thuật này còn chưa được ứng dụng phổ biến nên không ít người bệnh phải gánh chịu hậu quả nặng nề của cuộc mổ mà không có theo dõi sinh lý thần kinh trong mổ.

Hình 1: Sơ đồ thiết lập các điện cực đa mô thức theo dõi điện sinh lý trong trên bệnh nhân trước mổ giúp theo dõi toàn bộ hệ thần kinh trong mổ

Ngày 04/04/2023, khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Nhân dân 115 với sự hổ trợ của TS.BS. Gulaev Evgeny, Viện thần kinh Ivanovo, Cộng Hòa Liên Bang Nga đã ứng dụng theo dõi điện sinh lý trong phẫu thuật điều trị thành công cho hai trường hợp.

Trường hợp 1: Người bệnh nữ, 62 tuổi, ở Bà Rịa Vũng Tàu bị co giật nửa mặt kéo dài suốt 8 năm, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, cuộc sống. Người bệnh đã điều trị bằng nhiều phương pháp nhưng không hiệu quả.

Tại Bệnh viện Nhân dân 115, người bệnh đã được phẫu thuật thành công bệnh lý co giật nửa mặt với sự hỗ trợ ứng dụng điện sinh lý trong mổ. Các bác sĩ đã sử dụng phương pháp này để đảm bảo an toàn cho các cấu trúc thần kinh và nâng cao hiệu quả của cuộc mổ. Ngay sau hồi tỉnh, người bệnh đã biến mất hoàn toàn co giật nửa mặt trái, theo dõi sau mổ không có biến chứng.



Hình 2: Hình ảnh mạch máu (đen) chèn ép lên bó thần kinh VII nguyên nhân gây co giật nửa mặt trái và thần kinh thính giác VII




Hình 3: Bác sĩ gắn các điện cực trước mổ, theo dõi đáp ứng điện cơ trong mổ, phòng ngừa biến chứng mất thính lực sau mổ.

Trường hợp 2: Người bệnh nam, 63 tuổi, ở Đồng Nai, cách đây 2 năm đã được mổ bắt vít cột sống điều trị hẹp ống sống đa tầng từ thắt lưng L3 đến xương cùng S1 tại tuyến trước. Vài tháng trước ngày nhập viện, người bệnh đau thắt lưng kèm tê buốt nhiều từ mặt trong đùi lan xuống hai chân, không đi lại nổi.

Xác định đây là trường hợp khó khi hình ảnh học CT và MRI của người bệnh cho thấy có tổn thương mới kế cận các tổn thương cũ đã được mổ trước đó, nguy cơ biến chứng cao. Các bác sĩ đã tiến hành mổ ứng dụng định vị thần kinh Neuronavigation Brain Lab kết hợp kích thích điện sinh lý trong mổ. Người bệnh ngay sau mổ đã cải thiện đáng kể cảm giác đau tê buốt 2 chân, có thể đi lại được và tiếp tục điều trị thêm vật lý trị liệu bổ sung.



Hình 4: Ứng dụng định vị trong mổ bằng hệ thống Neuronavigation BrainLab giúp xác định chính xác vị trí điều trị

TS.BS Nguyễn Văn Tuấn

Trưởng khoa Ngoại thần kinh –BVND115

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080