Logo Bệnh viện Nhân dân 115
10/01/2020 16:35

Tai biến và biến chứng của gây tê

Cả hai hình thức gây tê và gây mê đều là biện pháp vô cảm nhằm đảm bảo người bệnh không cảm thấy đau khi phẫu thuật. So với gây mê, gây tê có một số ưu điểm hơn, tuy nhiên cũng cần lưu ý các biến chứng có thể gặp của biện pháp này.

I. Gây tê là gì?

Gây tê là việc bác sĩ sử dụng thuốc tê để ức chế cảm giác đau ở vùng phẫu thuật. Người bệnh hoàn toàn tỉnh táo trong quá trình thực hiện phẫu thuật.

Phương pháp gây tê được lựa chọn để thực hiện những cuộc mổ ngắn (thường dưới 2 giờ) và vùng phẫu thuật vùng vai, tay, chân và vùng bẹn. Tuy nhiên, việc lựa chọn gây mê hay gây tê còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác.

II. Các hình thức gây tê

Có hai hình thức gây tê:

- Gây tê trục thần kinh trung ương: bao gồm tê tủy sống và tê ngoài màng cứng. Bác sĩ sẽ tiêm thuốc tê vào cột sống, người bệnh sẽ mất hết cảm giác từ khoảng ngang rốn trở xuống chân.

- Gây tê vùng: Tùy theo vị trí phẫu thuật mà bác sĩ sẽ tiêm thuốc tê phong bế cảm giác của riêng vùng phẫu thuật.


Ảnh minh họa: Gây tê ngoài màng cứng. Nguồn: Internet

III. Lợi ích của gây tê

Cả hai hình thức gây tê và gây mê đều đảm bảo người bệnh không cảm thấy đau khi phẫu thuật. Tuy nhiên, so với gây mê, gây tê có một số ưu điểm:

- Hạn chế các biến chứng và tác dụng phụ của gây mê toàn thân: Hầu hết các thuốc mê đều có tác động bất lợi lên hệ thống tim mạch và hô hấp. Mặt khác, việc đặt nội khí quản có thể dẫn đến nhiều tai biến, đặc biệt đối với các người bệnh bị hen phế quản hay bệnh phổi mạn, đặt và rút nội khí quản có thể thúc đẩy cơn co thắt.

- Người bệnh tỉnh táo lúc làm phẫu thuật: điều này tạo thuận lợi cho việc theo dõi tình trạng người bệnh trong mổ, người bệnh có thể than phiền về các dấu hiệu bất thường trong cơ thể. Qua đó, nhân viên y tế có thể xử trí kịp thời.

- Giúp giảm đau sau mổ: Đối với gây mê, ngay sau khi tỉnh dậy người bệnh sẽ bắt đầu cảm thấy đau và khó chịu. Còn đối với gây tê, tác dụng giảm đau của thuốc tê có thể kéo dài thêm nhiều giờ, nhiều ngày (đối với tê ngoài màng cứng) sau phẫu thuật.

IV. Các vấn đề thường gặp sau gây tê tủy sống

Biến chứng về thần kinh

- Liệt, tổn thương thần kinh: Đây là biến chứng rất hiếm gặp. Có nhiều nguyên nhân gây ra tổn thương thần kinh sau gây tê như: do kim gây tê/catheter, do chèn ép, máu tụ ngoài màng cứng, thiếu máu nuôi thần kinh, hay độc tính của thuốc tê lên dây thần kinh. Thông thường bên cạnh mất cảm giác đau người bệnh cũng sẽ liệt vận động vùng được gây tê. Tuy nhiên, vận động và cảm giác sẽ hồi phục sau khi hết tác dụng của thuốc tê (khoảng 4 – 6 giờ). Nếu các triệu chứng này kéo dài cần báo ngay cho nhân viên y tế.

- Hội chứng chùm đuôi ngựa: Thường có triệu chứng đau thắt lưng, tê quanh hậu môn và tiêu tiểu mất tự chủ.

- Đau đầu: Đây là triệu chứng thường gặp sau gây tê tủy sống, thông thường triệu chứng sẽ tự khỏi trong vòng 7 ngày. Nếu triệu chứng gây khó chịu đáng kể có thể sử dụng các thuốc giảm đau. Trong trường hợp đau đầu không tự khỏi trong 7 ngày hoặc đau đầu dữ dội, cần đến ngay các cơ sở y tế để được hỗ trợ. Để ngăn ngừa đau đầu sau tê tủy sống, người bệnh cần nằm yên nghỉ ngơi trên giường trong 24 giờ sau gây tê và không ngóc đầu dậy.

Biến chứng về tim mạch:

- Hạ huyết áp: hạ huyết áp là triệu chứng thường gặp khi gây tê tủy sống, triệu chứng thường gặp đầu tiên là buồn nôn, nôn. Khi cảm thấy dấu hiệu này cần báo ngay cho nhân viên y tế biết.

- Nhịp chậm: Tùy thuộc vào mức độ, người bệnh sẽ được xử trí bằng các thuốc thích hợp.

Biến chứng về hô hấp: Khó thở và ngưng thở là biến chứng có thể gặp khi gây tê. Người bệnh sẽ được thở oxy trước, trong, sau thủ thuật và các biện pháp hỗ trợ hô hấp khác nếu cần.

Nhiễm trùng: Tiêm thuốc tê vào cột sống có thể gây viêm màng não mủ hay áp xe ngoài màng cứng. Tuy nhiên, biến chứng này hầu như không xảy ra do được phòng ngừa rất tốt bằng các biện pháp vô trùng trong lúc thực hiện thủ thuật.

Đau lưng: Sau khi thực hiện gây tê trục thần kinh trung ương, một số người bệnh cảm thấy đau lưng ở vị trí chích kim. Triệu chứng này có thể cải thiện bằng các thuốc giảm đau.

Bí tiểu: Thuốc tê có thể ức chế các rễ thần kinh điều hòa hoạt động bài tiết nước tiểu. Do đó, người bệnh thường cảm thấy bí tiểu sau mổ. Triệu chứng này có thể giải quyết bằng cách đặt thông tiểu (ống dẫn nước tiểu). Sau khi hết tác dụng của thuốc tê, bí tiểu có thể cải thiện.

Ngứa: Có thể gặp sau gây tê tủy sống nếu bác sĩ pha thêm morphin vào thuốc tê để làm tăng thời gian tác dụng. Dấu hiệu này thường tự cải thiện.

Run: Một số người bệnh bị run sau khi gây tê trục thần kinh trung ương, thường ít nghiêm trọng và tự khỏi.


V. Biến chứng của tê ngoài màng cứng

Điểm khác biệt cơ bản giữa tê ngoài màng cứng và tê tủy sống là tê ngoài màng cứng lưu lại 1 catheter ở khoang ngoài màng cứng. Qua đó, bác sĩ có thể cho thuốc tê liên tục để duy trì giảm đau cho người bệnh đến 3 ngày sau mổ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc người bệnh được cung cấp 1 lượng thuốc tê lớn hơn nhiều so với tê tủy sống. Vì vậy, catheter đặt ở sai vị trí có thể gây các biến chứng nghiêm trọng:

- Đặt vào mạch máu: có thể gây ngộ độc thuốc tê do lượng lớn thuốc được bơm trực tiếp vào máu.

- Đặt vào khoang dưới nhện (trong lòng ống sống): gây tê tủy cao, tê tủy toàn bộ.

Đây là các biến chứng ít gặp tuy nhiên rất nguy hiểm.

VI. Biến chứng của gây tê vùng

Hematoma: Có thể xuất hiện những khối tụ máu trong quá trình thực hiện thủ thuật. Các khối máu tụ này thường tự tiêu biến mà không cần can thiệp.

Tổn thương thần kinh: Biến chứng hiếm khi xảy ra. Việc áp dụng máy siêu âm, kích thích điện vào việc gây tê vùng làm giảm nguy cơ biến chứng tổn thương thần kinh đi rất nhiều.

Ngộ độc thuốc tê: Để đảm bảo đủ độ tê cho phẫu thuật, người bệnh sẽ được cung cấp 1 lượng lớn thuốc tê. Do đó người bệnh có nguy cơ ngộ độc thuốc tê. Tuy nhiên, biến chứng này rất ít gặp.

VII. Tóm lại

Gây tê là biện pháp vô cảm có nhiều ưu điểm và được ưa chuộng. Tuy nhiên có nhiều biến chứng và tác dụng phụ nhưng hầu hết có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời. Khi thực hiện các thủ thuật này, người bệnh cần hợp tác với bác sĩ, và nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường thì cần báo ngay cho bác sĩ để được điều trị thích hợp.

Tài liệu tham khảo

1. Richard M. Pino, MD, PhD, FCCM et al (2016). Handbook ofClinical AnesthesiaProcedures of theMassachusetts GeneralHospital 9th edition, Wolters Kluwer, Philadelphia.

2. Ronald d. MilleR, Md, MS et al (2015). Miller’s Anesthesia eight edition, Saunders, Philadelphia.

3. LEE A. FLEISHER, MD, FACC et al (2011). Regional Analgesia and Acute Pain Management, Saunders, Philadelphia.


BS. CKII Lưu Kính Khương

– Trưởng khoa Gây mê hồi sức ngoại, Bệnh viện Nhân dân 115


TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080