Logo Bệnh viện Nhân dân 115
01/08/2024 13:56

Phẫu thuật điều trị đứt gân gót cấp bằng kỹ thuật ít xâm lấn dưới hướng dẫn của siêu âm

Khi bị đứt gân gót, người bệnh có thể có cảm giác đau dữ dội, đột ngột ở vùng gân gót đứt và nghe tiếng “bốp", khó khăn hoặc không thể đứng nhón gót chân, sưng và bầm tím ở vùng gót chân, thậm chí có thể sờ thấy khoảng trống nơi gân bị đứt.

1-    1. Đại cương

Gân gót (Achilles tendon) là gân lớn nhất và mạnh nhất trong cơ thể con người, nối kết cơ bắp chân (cơ bụng chân và cơ dép) với xương gót. Nó chịu trách nhiệm cho việc duỗi bàn chân, liên quan mật thiết đến hoạt động di chuyển của chúng ta. Nguồn cung cấp dinh dưỡng nuôi gân gót rất hạn chế, chủ yếu đến từ những mạch máu xung quanh và màng gân. Chấn thương đứt gân gót xảy ra phổ biến nhất ở người lớn ở khoảng tuổi từ 30-50 tuổi.


Giải phẫu gân gót

2. Triệu chứng

Khi bị đứt gân gót, người bệnh có thể có cảm giác đau dữ dội, đột ngột ở vùng gân gót đứt và nghe tiếng “bốp", khó khăn hoặc không thể đứng nhón gót chân, sưng và bầm tím ở vùng gót chân, thậm chí có thể sờ thấy khoảng trống nơi gân bị đứt.


Hình ảnh gân gót bị đứt

3 - Cơ chế chấn thương đứt gân gót

Người bệnh thường bị đứt gân gót do vận động mạnh và đột ngột như nhảy, chạy hoặc thay đổi hướng tức thì khi vận động, có thể do chấn thương trực tiếp hoặc gián tiếp vào vùng gót chân.

Ngoài ra, còn có các yếu tố nguy cơ khác khiến người bệnh dễ bị đứt gân gót hơn những người khác bao gồm: tuổi tác, các hoạt động thể thao cường độ cao, hoặc việc sử dụng thuốc corticoid thời gian dài...

4 - Chẩn đoán

Thông thường đứt gân gót có thể chẩn đoán dễ dàng thông qua việc khám lâm sàng, bác sĩ có thể phát hiện khoảng trống mất liên tục hoặc sưng, đau ở vùng gân gót đứt, cùng với nghiệm pháp Thompson dương tính. Bên cạnh đó các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm giúp xác định mức độ tổn thương và vị trí đứt gân hay MRI sẽ được sử dụng trong các trường hợp có tổn thương phức tạp kết hợp để đánh giá chi tiết hơn.

5 - Khuyết điểm mổ mở truyền thống

Phương pháp mổ mở truyền thống dù hiệu quả nhưng vẫn tồn tại những hạn chế, người bệnh sẽ mang sẹo mổ lớn, thẩm mỹ kém với nguy cơ nhiễm trùng cao hơn, thời gian nằm viện và thời gian hồi phục kéo dài, đau sau mổ nhiều hơn.


Hình ảnh vết mổ của phương pháp mổ mở truyền thống

6 - Phẫu thuật đứt gân gót cấp bằng kỹ thuật khâu kín dưới hướng dẫn siêu âm:

Hiện nay Khoa Điều trị theo yêu cầu - Y học thể thao, Bệnh viện Nhân dân 115 áp dụng kỹ thuật mới:”Khâu nối gân gót đứt bằng kỹ thuật ít xâm lấn dưới hướng dẫn của siêu âm”. Theo BS.CKII Trn Văn Dương, Trưởng khoa thì trong kỹ thuật này các phẫu thuật viên sẽ dùng các lỗ rạch da nhỏ với sự hỗ trợ của máy siêu âm để khâu nối gân đứt, giúp cho người bệnh có sẹo mổ rất nhỏ, đỡ đau sau mổ, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng, ít tàn phá mô mềm giúp phục hồi nhanh để đưa người bệnh trở về với cuộc sống lao động và làm việc bình thường như trước khi bị chấn thương.


Hình ảnh gân gót bị đứt trên siêu âm trước phẫu thuật (bên trái) và sau phẫu thuật (bên phải) khi đã nối sát hai đầu gân đứt với nhau.

Phương pháp này giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm thiểu biến chứng cho người bệnh, đặc biệt là trong các trường hợp đứt gân gót cấp tính.


Hình ảnh bệnh nhân trước mổ (bên trái, được đánh dấu vị trí gân gót bị đứt và vị trí luồn kim dưới hướng dẫn của siêu âm) và sau mổ (bên phải) cho thấy kết quả đường mổ ít xâm lấn gần như không thấy sẹo.

7 - Tập phục hồi chức năng:

Sau mổ bệnh nhân sẽ được bất động chi tổn thương bằng nẹp bột hoặc nẹp vải để bảo vệ gân gót đứt đã khâu nối. Thời gian bất động thường từ 2 - 4 tuần và trong thời gian này người bệnh sẽ được tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn, giúp cho phục hồi và trở lại cuộc sống lao động và làm việc như trước khi bị chấn thương nhanh nhất.

BS.CKII Trần Văn Dương - BS Trần Vũ Đăng Khánh

Khoa Điều trị theo yêu cầu - Y học thể thao

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080