Logo Bệnh viện Nhân dân 115
25/07/2019 08:04

Nhồi máu cơ tim cấp ở người trẻ tuổi

Vừa qua Bệnh viện Nhân dân 115 đã chụp mạch vành và can thiệp đặt stent thành công cho một bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp. Điều đáng nói là bệnh nhân này còn trẻ và hoàn toàn chưa có bệnh lý mạn tính trước đây.

Nhồi máu cơ tim (NMCT) là một biến cố tim mạch cấp tính nguy hiểm. Bệnh lý này thường gặp trên các đối tượng trung niên, nam giới, có thói quen hút thuốc lá, lối sống tĩnh tại và tiền căn tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu. Tuy nhiên, theo các quan sát gần đây, tuổi trung bình của các bệnh nhân (BN) NMCT đang dần trẻ hóa. Đã có không ít các trường hợp mắc bệnh khi tuổi đời chưa đến 30. Tình huống lâm sàng sau đây của chúng tôi về bệnh nhân H.V.L là một ví dụ điển hình cho nhận định này.

Đây là một BN nam, 25 tuổi (sinh năm 1994) và hoàn toàn chưa có bệnh lý mạn tính, tiền căn gia đình không ghi nhận gì nổi bật. BN mới hồi hương sau khoảng 5 năm đi lao động tại Châu Âu. Trong thời gian này, do thời tiết lạnh, BN thường xuyên hút thuốc lá, xấp xỉ 1 gói (20 điếu)/ngày.

BN nhập viện trong bệnh cảnh mới xảy ra trong ba ngày nay đau nhức toàn thân, khó thở hai thì phải nằm đầu cao, sốt nhẹ, ho đàm đục lượng ít và nổi bật là đau vùng ngực trái liên tục, mức độ trung bình đến nặng.

Các dấu hiệu thăm khám lúc nhập viện:

- BN tỉnh, vẻ mệt đừ, cân nặng 64 kg, chiều cao 1.70 m " BMI 22 kg/m2.

- Mạch 76 lần/phút, Huyết áp 120/70 mmHg, T 37oC, SpO2 95% (thở oxy cannula 2 lit/phút).

- Da niêm hồng, chi ấm, tĩnh mạch cổ không nổi, không phù ngoại biên.

- Tim đều, nhanh, phổi thô, bụng mềm.

Các kết quả cận lâm sàng ban đầu:

- Troponin I (pg/mL): 446.4(lúc nhập viện) " > 50000.0 (sau 24 giờ).

- Điện tâm đồ lúc nhập viện cho thấy: Nhịp xoang đều 80 lần/phút, ngoại tâm thu thất thưa, ST chênh lên, T âm trên chuyển đạo aVL.

Hình 1: Điện tâm đồ lúc nhập viện của bệnh nhân

- Điện tâm đồ sau nhập viện 3 giờ: Nhịp xoang đều 90 lần/phút, ST trên aVL giảm chênh, T giảm âm.

Hình 2: Điện tâm đồ sau nhập viện 3 giờ của bệnh nhân

- Tổng phân tích tế bào máu: Bạch cầu 21.8 K/uL (Neu 87 %).

- Tryglycerid 0.99 mmol/L, LDL-C 2.95 mmol/L, HDL-C 1.17 mmol/L.

- Các xét nghiệm chức năng gan, thận, điện giải đều trong giới hạn bình thường.

Vì men tim tăng quá cao trên một BN còn trẻ tuổi, chẩn đoán đầu tiên nghĩ đến là viêm cơ tim cấp thay vì NMCT cấp. Lý giải cho điều này là do các yếu tố nguy cơ của bệnh lý mạch vành trên BN này rất nghèo nàn ngoại trừ hút thuốc lá; đồng thời, BN còn có biểu hiện giống hội chứng nhiễm siêu vi cấp.

Tuy nhiên, các chi tiết không phù hợp là điện tim không có hình ảnh gợi ý của viêm cơ tim trong khi men tim đang tăng động học và có rối loạn vận động vùng trên siêu âm tuân theo vùng chi phối của động mạch vành với giảm động nặng toàn bộ thành bên và thành dưới, kèm theo có hở van hai lá 1.5/4, EF 45%, LVDd 55mm, PAPs 20 mmHg.
Vì vậy, chẩn đoán được hướng đến nhiều nhất lúc này là NMCT cấp ST chênh lên vùng bên cao Killip 2 và chẩn đoán phân biệt là viêm cơ tim. Chỉ định chụp mạch vành nhanh chóng được hội chẩn và tiến hành ngay sau đó.

Sự quyết định thay đổi chẩn đoán sơ bộ được ủng hộ khi kết quả chụp mạch vành là nhánh mũ tắc hoàn toàn từ LCX1, các nhánh khác cũng có tổn thương nhưng không đáng kể (thân chung thâm nhiễm, LAD thâm nhiễm, hẹp 70% nhánh chéo 1 và RCA hẹp 40% từ RCA2).

Chính vì vậy, BN được can thiệp thành công một stent mạch vành có phủ thuốc trên LCX1 cùng liệu trình điều trị chuẩn của NMCT, bao gồm enoxaparin, kháng kết tập tiểu cầu kép, ức chế men chuyển và statin liều cao.


Hình 3: Hình ảnh chụp mạch vành trước khi đặt stent cho thấy nhánh mũ tắc hoàn toàn từ LCX1(chú thích bằng mũi tên đỏ).


Hình 4: Hình ảnh chụp mạch vành sau khi BN được đặt 1 stent trên LCX1 và tái lưu thông tốt (chú thích bằng mũi tên xanh).

Triệu chứng đau ngực của BN thuyên giảm ngay sau khi được can thiệp. Ngoài ra, BN tươi tỉnh hơn, bớt khó thở, ăn uống khá hơn và cử động được nhẹ nhàng trên giường. Xét nghiệm troponin giảm dần. Siêu âm tim kiểm tra thấy sức co bóp các thành cơ tim có cải thiện. Sau 5 ngày, BN được ra viện kèm lời dặn uống thuốc mỗi ngày theo toa và khám hằng tháng tại chuyên khoa tim mạch.
Như vậy, đây là một bài học lâm sàng đáng lưu ý về NMCT cấp ở người trẻ và đòi hỏi thái độ tích cực tái lưu thông mạch vành sớm. Bên cạnh đó, cần chủ động tìm kiếm các nguyên nhân gây ra NMCT trên nhóm đối tượng này để giảm thiểu khả năng tái phát, gây suy tim về sau. Các nguyên nhân thường được ghi nhận chủ yếu do thói quen sống có hút thuốc lá, thừa cân – béo phì, có hội chứng chuyển hóa, rối loạn đông máu hơn là các yếu tố kinh điển như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu.
Ngoài ra, tình huống BN trên còn là hồi chuông cảnh báo cho cộng đồng về nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch ở các đối tượng vốn dĩ đang ở độ tuổi còn trẻ và sung sức. Chính vì thế, xây dựng lối sống lành mạnh cùng chế độ dinh dưỡng hợp lý, thường xuyên khám kiểm tra, xét nghiệm định kì cũng như không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia là những điều cần thiết để có một sức khỏe tốt.

Bác sĩ điều trị và tác giả bài viết: BS. Ngô Võ Ngọc Hương

- Khoa Tim mạch tổng quát, Bệnh viện Nhân dân 115

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080