Logo Bệnh viện Nhân dân 115
05/03/2020 10:32

Một số điều cần biết về suy tim

Suy tim là một tình trạng trong đó tim không đủ khả năng tiếp nhận máu về tim (suy tim tâm trương) hoặc không thể bơm đủ máu đến các cơ quan khác nhau trong cơ thể (suy tim tâm thu).

Tim có bốn buồng. Hai buồng ở phía trên được gọi là tâm nhĩ trái và tâm nhĩ phải. Hai buồng ở phía dưới được gọi là tâm thất phải và tâm thất trái. Phân cách giữa các buồng tim bên phải và bên trái là một vách cơ. Thất trái là buồng tim có kích thước lớn nhất và mạnh nhất trong bốn buồng tim.

Tim hoạt động như một cái bơm với hai hệ thống bơm riêng biệt trong cùng một quả tim: một bên phải và một ở bên trái. Bình thường tim co bóp nhịp nhàng với tần số vào khoảng 60 đến 80 lần mỗi phút trong suốt cuộc đời.

NGUYÊN NHÂN GÂY SUY TIM

Có một số nguyên nhân gây suy tim:

- Bệnh lý mạch vành.

- Bệnh tim do tăng huyết áp.

- Bệnh van tim.

- Bệnh cơ tim:

+ Bệnh cơ tim dãn nở.

+ Bệnh cơ tim phì đại.

+ Bệnh cơ tim hạn chế.

- Bệnh tim bẩm sinh.

- Suy tim cung lượng cao.

- Thiếu máu mạn.

- Luồng thông động tĩnh mạch.

- Cường giáp.

- Suy tim do nhịp nhanh.

- Bệnh màng ngoài tim: viêm màng ngoài tim co thắt…

 TRIỆU CHỨNG THƯỜNG GẶP Ở BỆNH NHÂN SUY TIM

- Mệt hoặc khó thở khi gắng sức.

- Khó thở khi nằm đầu thấp – khó thở phải ngồi.

- Ho khi gắng sức hoặc khi nằm đầu thấp.

- Cơn khó thở kịch phát về đêm.

- Phù chân: bệnh nhân có thể bị phù ở bàn chân và cẳng chân.

- Một số triệu chứng khác: đau bụng và chướng hơi, hồi hộp, ngất, tiểu đêm và thiểu niệu…

 PHÂN ĐỘ SUY TIM

Có 4 mức độ suy tim theo phân loại của hội tim mạch New York (NYHA):

- Độ I: Không hạn chế vận động của bệnh nhân. Vận động thể lực thông thường không gây mệt, khó thở hay hồi hộp.

- Độ II: Hạn chế nhẹ vận động thể lực của bệnh nhân. Bệnh nhân khỏe khi nghỉ ngơi, vận động thể lực thông thường dẫn đến mệt, hồi hộp, khó thở hay đau ngực.

- Độ III: Hạn chế nhiều vận động thể lực của bệnh nhân. Mặc dù bệnh nhân khỏe khi nghỉ ngơi nhưng chỉ cần vận động nhẹ đã có triệu chứng cơ năng.

- Độ IV: Không thể thực hiện bất cứ vận động thể lực nào mà không thấy khó chịu. Triệu chứng cơ năng của suy tim xảy ra ngay khi nghỉ ngơi, chỉ một vận động thể lực nhẹ cũng làm triệu chứng cơ năng gia tăng.

 ĐIỀU TRỊ SUY TIM

Có ba phương pháp điều trị suy tim cơ bản:

- Các biện pháp điều trị không dùng thuốc: bao gồm những biện pháp thay đổi trong lối sống, chế độ ăn uống, tập luyện thể dục và nghỉ ngơi.

- Điều trị bằng thuốc.

- Điều trị bằng thủ thuật và phẫu thuật.

 CÁC LOẠI THỨC ĂN, THỨC UỐNG CẦN LƯU Ý Ở BỆNH NHÂN SUY TIM

- Hạn chế muối: không được dùng quá 2 gam muối/ngày (chưa đến 1 muỗng cà phê muối).

- Hạn chế chất béo và cholesterol (thịt có màu đỏ, sữa, lòng đỏ trứng…).

- Hạn chế nước, rượu và bia (uống không quá 1 ly bia hoặc 1 ly rượu vang mỗi ngày, nếu suy tim nặng thì phải bỏ rượu bia).

- Nên dùng các thực phẩm có chứa nhiều kali, magnesium vì chúng rất cần cho hoạt động của tế bào cơ tim và vì bệnh nhân thường bị giảm kali do dùng thuốc lợi tiểu.


Các thực phẩm chứa nhiều kali (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).


* Các thực phẩm có chứa nhiều kali:

+ Trái cây khô: nho khô, mơ khô, mận khô, chà là khô…

+ Trái cây tươi: chuối, dâu tây, dưa hấu, cam…

+ Rau quả tươi: cà chua, nấm, đậu hà lan, đậu nành, củ cải đường, rau sống…

+ Rau quả khô: các loại đậu khô như đậu nành, đậu hà lan khô…


ThS. BS Trương Phan Thu Loan

Khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhân dân 115


TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080