Logo Bệnh viện Nhân dân 115
19/11/2019 14:46

Hưởng ứng Ngày đái tháo đường thế giới 14/11: Gia đình phải làm gì để đồng hành cùng người bệnh?

ThS.BS Võ Tuấn Khoa - khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhân dân 115 có buổi chia sẻ với bạn đọc AloBacsi về vấn đề “Gia đình phải làm gì để đồng hành cùng người bệnh?” nhân Ngày đái tháo đường thế giới 14/11.

ThS.BS Võ Tuấn Khoa - khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhân dân 115

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

Hiện nay có khoảng 40-50% bệnh nhân đái tháo đường (tiểu đường) kiểm soát đường huyết đạt mục tiêu. Theo BS, tại sao tỷ lệ này lại khiêm tốn như vậy ạ? Bệnh nhân thường gặp khó khăn gì khi kiểm soát đường huyết?

Tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường có thể kiểm soát được đường huyết từ 40 - 50%, đây là một thực tế. Như chúng ta đã biết, đái tháo đường là tình trạng mức glucose tăng cao trong máu thường xuyên và lâu dài dẫn đến các biến chứng trầm trọng và đôi khi gây tử vong cho người bệnh. Việc kiểm soát đường huyết đạt mục tiêu là một trong các vấn đề cốt lõi trong điều trị đái tháo đường.

Mặc dù ngày nay chúng ta có nhiều thuốc đái tháo đường mới ra đời để chống lại bệnh đái tháo đường nhưng một điều đáng buồn là tỷ lệ người bệnh đạt mục tiêu kiểm soát đường huyết còn khá khiêm tốn.

Tỷ lệ này ở những nước phát triển cũng không nhiều. Tuy nhiên, một số nghiên cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115, được thực hiện vào năm 2010, tỷ lệ không kiểm soát đường huyết của bệnh viện khoảng 40%.

Theo tôi, có 3 nguyên nhân chính có thể giải thích vì sao lại có tỷ lệ kiểm soát đường huyết đạt mục tiêu khiêm tốn như vậy:

- Nguyên nhân liên quan đến bản chất bệnh đái tháo đường type 2: đái tháo đường bản chất là bệnh diễn tiến theo thời gian do vậy việc mất kiểm soát đường huyết là một trong các diễn tiến không thể tránh khỏi, và là một thuộc tính của bệnh này. Do vậy người bệnh không nên chủ quan với bệnh của mình, đồng thời không nên sử dụng cùng một toa thuốc cho khoảng thời gian dài.

- Nguyên nhân liên quan y bác sĩ: tỷ lệ đái tháo đường tăng nhanh trong những năm gần đây (có 3.5 triệu người mắc tại VN, thống kê năm 2015), tốc độ tăng nhanh chóng, 200% cho mỗi năm. Như vậy góp phần gia tăng áp lực cho ngành y tế trong khám và chăm sóc bệnh đái tháo đường.

Bác sĩ bận rộn hơn, áp lực hơn nên đôi khi không đủ thời gian để xem xét điều chỉnh thuốc khi không đạt mục tiêu kiểm soát đường huyết mà lẽ ra phải làm như vậy. Tình trạng này cũng được ghi nhận tại các quốc gia phát triển, gọi là sự trì trệ lâm sàng (inertia) tức bác sĩ không đủ thời gian để thay đổi toa thuốc.

- Nguyên nhân liên quan người bệnh: phần lớn người bệnh không đạt mục tiêu điều trị có thể liên quan đến một số rào cản như người bệnh thiếu kiến thức về bệnh, nhất là dinh dưỡng và tập luyện thể lực, dùng thuốc như thế nào. Ngoài ra, việc tuân thủ điều trị không được kiểm soát chặt chẽ. Do vậy, cuộc chiến chống lại bệnh đái tháo đường vẫn còn khó khăn.

Người nhà nên trang bị những thông tin, kiến thức gì để có thể đồng hành với người bệnh tiểu đường, giúp họ kiểm soát đường huyết?

Đái tháo đường đã trở thành đại dịch trên toàn thế giới với số mắc ước tính 425 triệu người (2017). Và dự báo đến năm 2045 có khoảng 625 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Chủ đề ngày đái tháo đường thế giới năm 2019 là “Gia đình và đái tháo đường” với ý nghĩa đề cao vai trò của người thân trong cuộc chiến chống lại bệnh đái tháo đường. Để đồng hành cùng với người bệnh đái tháo đường, người nhà cần:

- Tăng nhận thức về bệnh đái tháo đường thông qua việc tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ đái tháo đường cùng với người bệnh.

- Tham gia hỗ trợ quá trình điều trị như đưa người nhà đi khám bệnh để cùng nghe bác sĩ tư vấn. Có thể giúp cho người bệnh trong việc điều trị như chích insulin, thử đường huyết…

Người nhà có thể cùng tập thể dục, giúp người bệnh ít có cơ hội bỏ cuộc, chuyên cần tập luyện hơn, cảm thấy phấn chấn vui vẻ hơn.

“Nếu muốn đi thật nhanh, bạn hãy đi một mình. Nhưng muốn đi thật xa, hãy đi cùng với nhau” lời khuyên của tỷ phú Warren Buffett (Mỹ).