Tổn thương dây chằng khớp cổ chân có thể gặp ở mọi lứa tuổi, một số báo cáo của Mỹ thống kê ước tính rằng có khoảng 25.000 người gặp phải chấn thương vùng khớp cổ chân từ nhẹ đến nặng mỗi ngày.
Chấn thương khớp cổ chân có thể gặp phải khi vận động sinh hoạt bình thường hằng ngày, hoặc có thể xảy ra ở tất cả các môn thể thao cần sự di chuyển, bật nhảy hay có tính chất đối kháng …
Khi mới bị chấn thương khớp cổ chân nếu được điều trị đúng cách sẽ khỏi hoàn toàn một cách nhanh chóng, ngược lại sẽ rất ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như khó khăn để chữa dứt điểm về sau.Các mức độ tổn thương vùng khớp cổ chân:
* Bong gân nhẹ (độ I): đau vừa, sưng tại chỗ, vẫn đi lại được. Thời gian lành hoàn toàn khoảng 4-6 tuần.
* Bong gân trung bình (độ II): có thể nghe tiếng rách nhỏ khi bị chấn thương. Cổ chân sưng to và đau nhiều làm đi lại khó khăn. Vài ngày sau có thể có dấu bầm tím ngoài da. Bệnh vẫn phục hồi nhưng lâu hơn, khoảng 4-8 tuần.
* Bong gân nặng (độ III): dây chằng bị đứt hoàn toàn, cổ chân sưng và rất đau. Cổ chân bị “lỏng lẻo” khá rõ, đi lại hay vận động mạnh khó khăn và đau. Mức độ này cần được điều trị tích cực mới mong phục hồi hoàn toàn.Chỉ định mổ tái tạo dây chằng khớp cổ chân sẽ giúp cho bệnh nhân hồi phục tốt chức năng vận động của khớp cổ chân.
Khoa Điều trị theo yêu cầu - Y Học Thể Thao Bệnh viện Nhân Dân 115 đã thực hiện phẫu thuật thành công rất nhiều trường hợp đứt dây chằng khớp cổ chân, trong đó bệnh nhân sẽ được tư vấn rõ ràng về chấn thương của mình, phương pháp điều trị, cũng như quá trình tập phục hồi sau mổ.
Phẫu thuật tái tạo dây chằng khớp cổ chân là một phẫu thuật rất khó, từ lựa chọn mảnh ghép để làm dây chằng, đến lựa chọn vật liệu để cố định mảnh ghép cho thật chắc chắn, đòi hỏi người bác sĩ phải có nhiều kinh nghiệm khi mổ cho bệnh nhân.
Hình MRI đứt dây chằng khớp cổ chân bên phải của một bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115