Logo Bệnh viện Nhân dân 115
23/07/2020 15:30

Dị vật đường thở bỏ quên

Dị vật đường thở là một tai nạn sinh hoạt thường gặp, có thể gây tử vong hay di chứng nặng nề ở trẻ em và cả người lớn. Nguy cơ biến chứng và tổn thương phổi tăng lên theo thời gian mà dị vật chưa được lấy ra, nên quan trọng là phải chẩn đoán càng sớm càng tốt.

Ca lâm sàng:

Người bệnh nam, 65 tuổi nhập viện ngày 17/6/2020 với triệu chứng chính ngoài đường hô hấp: đau lưng khoảng 1 tuần, tuy nhiên người bệnh có đi kèm triệu chứng đau ngực âm ỉ sau xương ức, sốt nhẹ.

Người bệnh được chụp phim X Quang phổi ghi nhận cơ hoành trái kéo cao, trung thất kéo sang trái theo dõi xẹp thuỳ dưới phổi trái. Người bệnh được chụp CT scan ngực ghi nhận xẹp đông đặc phân thuỳ trên của thuỳ dưới bên trái theo dõi dị vật.

        CT scan ngực của người bệnh ghi nhận xẹp đông đặc phân thuỳ trên của thuỳ dưới bên trái theo dõi dị vật

Hỏi lại tiền sử của người bệnh thì không rõ các dấu hiệu của hội chứng xâm nhập, chỉ ghi nhận khoảng 1 năm nay hay sốt, ho thỉnh thoảng tức ngực được chẩn đoán và điều trị viêm phổi ở tuyến trước nhưng không hết. Sau đó bệnh nhân được chẩn đoán lao phổi và điều trị lao phổi 9 tháng tại tuyến trước nhưng triệu chứng lâm sàng không cải thiện.

Người bệnh được tiến hành nội soi phế quản phát hiện dị vật là hạt sapoche ở phế quản phân thuỳ trên của thuỳ dưới bên trái, có mô hạt tăng sinh và nhiều dịch tiết đục vàng xung quanh.


N
ội soi phế quản phát hiện dị vật là hạt sapoche ở phế quản phân thuỳ trên của thuỳ dưới bên trái và tiến hành gắp ra


Hạt sapoche sau khi được gắp ra khỏi phế quản của người bệnh

Bàn luận

Dị vật đường thở (DVĐT) là một tai nạn sinh hoạt thường gặp và có thể gây tử vong hay di chứng nặng nề ở trẻ em, nhất là ở trẻ dưới 4 tuổi. Tai nạn cũng có thể xảy ra ở người lớn với tần suất thấp hơn.

Nguy cơ xảy ra biến chứng và tổn thương phổi sẽ tăng lên với thời gian DVĐT được lấy ra nên điều quan trọng là cần được chẩn đoán càng sớm càng tốt. Các biến chứng khi phát hiện muộn có thể là viêm phổi, giãn phế quản và xẹp phổi.

Các triệu chứng có thể thay đổi đáng kể tùy theo vị trí của dị vật trong đường hô hấp. Khi dị vật bị kẹt lại ở thanh quản hay khí quản, người bệnh có biểu hiện suy hô hấp hay thở rít. Tuy nhiên, phần lớn trường hợp, dị vật đi xuống phế quản và các dấu hiệu lâm sàng thay đổi hơn nhiều. Chẩn đoán DVĐT phế quản do đó sẽ khó khăn hơn do ít hay không có triệu chứng.

Chìa khóa chẩn đoán lâm sàng là hội chứng xâm nhập. Tuy nhiên, hội chứng này có thể không có ở 12-25% trường hợp DVĐT. Ở giai đoạn cấp, dấu hiệu lâm sàng thường gặp nhất là khò khè, âm phế bào giảm hay mất khu trú, co kéo cơ hô hấp phụ. Ở giai đoạn trễ hơn, khi không phát hiện được hội chứng xâm nhập, người bệnh thường có bệnh sử viêm phổi tái phát ở cùng một vị trí.

80-96% DVĐT không cản quang nên thường không thấy dị vật trên Xquang ngực chuẩn. Tỷ lệ Xquang ngực bình thường trong y văn là từ 12%-30%.Vì vậy, Xquang ngực bình thường cũng không cho phép loại trừ chẩn đoán DVĐT. Các dấu hiệu gián tiếp có thể thấy: khí phế thủng một bên, đông đặc phổi, xẹp phổi.

CT scan ngực trong phát hiện DVĐT phế quản là gần 100% với độ đặc hiệu 66-100%.

Nội soi phế quản ống mềm: ngày nay được xem là đóng vai trò chủ yếu trong chẩn đoán DVĐT do có độ nhạy cảm và độ đặc hiệu rất cao. Nội soi phế quản vừa đ xác định chẩn đoán và vừa cho mục đích điều trị lấy dị vật ra.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Trần Anh Tuấn (2017), Dị vật đường thở bỏ quên ở trẻ em: từ thực tế lâm sàng đến giá trị của các phương pháp thăm dò chẩn đoán, http://www.hoihohaptphcm.org/chuyen-de/nhi-khoa/.

2. Baharloo F, Veyckemans F, Francis C, Biettlot M-P, Rodenstein DO. Tracheobronchial foreign bodies: pre- sentation and management in children and adults. Chest 1999; 115: 1357-1362.

3. Lan RS. Non-asphyxiating tracheobronchial foreign bodies in adults. Eur Respir J 1994; 7: 510-514.

4. Prakash UBS, Cortese DA. Tracheobronchial foreign bodies. In: Prakash UBS, ed. Bronchoscopy. New Y ork, Raven Press, 1994; 253-277.

5. Mehta AC, Rafanan AL. Extraction of airway foreign body in adults. J Bronchol 2001; 8: 123-132.



BS CKI Lê Thị Xuân Mai

Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhân dân 115

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080