Logo Bệnh viện Nhân dân 115
18/11/2022 10:10

Các dấu hiệu nhận biết bệnh đậu mùa khỉ

Giai đoạn ủ bệnh: từ 6 đến 13 ngày, (dao động từ 5 đến 21 ngày). Người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm.

Nguồn gốc của bệnh đậu mùa khỉ

Virus đậu mùa khỉ cùng họ với virus đậu mùa nhưng không nguy hiểm bằng và thường gây ra những triệu chứng không quá nghiêm trọng. Vào năm 1958, các nhà khoa học đã phát hiện được chủng bệnh của đậu mùa khỉ lần đầu tiên. Xác định ban đầu được cho là virus bắt gặp trên những con khỉ bị nhốt dùng để nghiên cứu tại Đan Mạch, sau đó đến năm 1970 ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên tại châu Phi và bùng phát thành dịch. Từ đó, bệnh đậu mùa khỉ trở thành căn bệnh đặc hữu tại nhiều quốc gia châu Phi.


Ảnh: Nguồn Intertnet

Trong thời gian gần đây, đậu mùa khỉ đã lan ra diện rộng tại nhiều quốc gia khác trên thế giới. Ngoài Châu Phi, các quốc gia châu Âu chính là nơi ghi nhận số ca nhiễm đậu mùa khỉ cao nhất. Một số quốc gia đã công bố ca nhiễm bệnh bao gồm Anh, Thụy Sĩ, Bỉ, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Italia, Pháp, … hay một số quốc gia ở vùng châu Mỹ, Châu Á..

Các giai đoạn bệnh

Giai đoạn ủ bệnh: từ 6 đến 13 ngày, (dao động từ 5 đến 21 ngày). Người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm.

Giai đoạn khởi phát: từ 1 đến 5 ngày với các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Kèm theo người bệnh có thể có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Virus có thể lây sang người khác từ giai đoạn này.

Giai đoạn toàn phát: đặc trưng bởi sự xuất hiện của các ban trên da, thường gặp sau sốt từ 1 đến 3 ngày, với tính chất sau:

Vị trí: phát ban có xu hướng ly tâm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Ban cũng có thể gặp ở miệng, mắt, cơ quan sinh dục.

Tiến triển ban: tuần tự từ rát (tổn thương có nền phẳng) đến sẩn (tổn thương cứng hơi nhô cao) đến mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch trong) đến mụn mủ (tổn thương chứa đầy dịch vàng) đến đóng vảy khô đến bong tróc và có thể để lại sẹo.

 Kích thước tổn thương da: trung bình từ 0,5 - 1cm.

Số lượng tổn thương da trên một người có thể từ vài nốt cho đến dày đặc. Trường hợp nghiêm trọng các tổn thương có thể liên kết với nhau thành các mảng tổn thương da lớn.

Giai đoạn hồi phục: các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng lâm sàng, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Các thể lâm sàng

Thể không triệu chứng: người nhiễm virus đậu mùa khỉ không có bất kể triệu chứng lâm sàng nào.

Thể nhẹ: các triệu chứng thường hết sau 2 đến 4 tuần mà không cần bất kỳ biện pháp điều trị đặc hiệu nào.

Thể nặng: thường gặp trên nhóm đối tượng nguy cơ cao (phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch,…), có thể dẫn tới tử vong, thường từ tuần thứ 2 của bệnh.

Nhiễm khuẩn da: người bệnh có sốt kéo dài, dịch nốt phỏng đục hoặc nốt phỏng bị vỡ chảy dịch đục.

Viêm phổi: người bệnh có các triệu chứng như ho, tức ngực, khó thở.

Viêm não: ý thức suy giảm, co giật, lú lẫn, hôn mê.

Nhiễm khuẩn huyết: sốt kéo dài, tổn thương các cơ quan phủ tạng.

Ca bệnh nghi ngờ

Là ca bệnh có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ sau

Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh cụ thể, thông qua tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh;

Có tiền sử đi du lịch đến các quốc gia có lưu hành bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng;

Có bệnh cảnh lâm sàng nghi bệnh đậu mùa khỉ.

Ca bệnh xác định

Có kết quả xét nghiệm sinh học phân tử dương tính với vi rút đậu mùa khỉ.


Ảnh: Nguồn Internet

Đường lây truyền của bệnh đậu mùa khỉ 

Ăn phải thịt động vật đã bị nhiễm virus đậu mùa khỉ. 

Bị động vật nhiễm bệnh cào, cắn. 

Lây qua đường giọt bắn khi tiếp xúc gần với người bệnh trong thời gian dài. 

Sử dụng chung đồ với người bị nhiễm bệnh. 

Các tổ chức y tế vẫn đang nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ này. Theo tổ chức WHO có 3 đặc điểm bất thường phổ biến được tìm thấy ở các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ.

Bệnh nhân chưa đi đến khu vực được xác định có số ca mắc đậu mùa khỉ cao

Bệnh có nguy cơ khi thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục

Sự lây lan của dịch bệnh rất âm thầm và chỉ trong một khoảng thời gian

CDC Hoa Kỳ đã ra khuyến cáo cho người dân nên tránh tiếp xúc với những người xuất hiện phát ban hoặc trông giống với triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ, nên tránh quan hệ tình dục với nhiều bạn tình để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo. Cũng theo CDC, bệnh đậu mùa khỉ có thể lây qua đường tiếp xúc hoặc giọt bắn nhưng đòi hỏi cần tiếp xúc ở một cự ly gần và có sự tương tác trong thời gian dài. Người dân có thể dựa vào yếu tố này để đề phòng nguy cơ lây lan cho bản thân mình và người thân xung quanh.

Làm gì khi nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ

Cách giảm thiểu tình hình của dịch bệnh đậu mùa khỉ đang được áp dụng chủ yếu là dùng biện pháp cách ly và vệ sinh nơi ở, nhà cửa sạch sẽ. Bên cạnh đó, giới chuyên môn cũng đã nghiên cứu, nhận định rằng người xuất hiện dấu hiệu đậu mùa khỉ sẽ giảm nhẹ triệu chứng trong vòng từ 2 - 4 tuần, cơ thể dần bắt đầu tự khỏi bệnh. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn không may bị nhiễm bệnh thì cần thăm khám và dùng thuốc kháng virus theo chỉ định của bác sĩ để mang lại hiệu quả trị bệnh. 

Ngoài ra, dịch bệnh đậu mùa khỉ không phải là một biến chủng mới nên đã có một số loại vắc xin đã được đưa vào để đăng ký. Nhằm mục đích để phục vụ cho quá trình tiêm chủng cần được thực hiện trong một số trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, WHO không khuyến cáo khi dùng vắc xin để tiêm đại trà cho mọi người dân. Nhưng với một số đối tượng có thể được tiến hành tiêm vắc xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới đề xuất như sau:

- Đối tượng đã tiếp xúc với người bị nhiễm dịch đậu mùa khỉ.

- Những người có nhiệm vụ hỗ trợ cho người bệnh mắc đậu mùa khỉ để phòng ngừa nguy cơ lây bệnh sang họ gồm có nhân viên y tế, người làm việc tại các phòng xét nghiệm.

Tiêm chủng phòng đậu mùa khỉ có điểm đặc biệt là ngoài tiêm phòng trước thì vắc xin cũng có thể được tiêm cho người bệnh ngay sau khi tiếp xúc với virus vì thời gian ủ bệnh khá dài. Cũng theo CDC Hoa Kỳ, vắc xin đậu mùa khỉ cần được tiêm trong vòng 4 ngày kể từ bắt đầu có dấu hiệu đậu mùa khỉ để phòng ngừa tốt nhất cho sự tiến triển của bệnh xảy ra.

Việc xuất hiện dấu hiệu đậu mùa khỉ ban đầu có thể ít gây tổn thương cho da của người bệnh. Tuy nhiên, nếu phát hiện kịp thời và có những biện pháp phòng tránh theo chỉ định từ Bộ Y tế cũng như Tổ chức Y tế Thế giới WHO sẽ giúp cho người dân bảo đảm sức khỏe cho bản thân, gia đình và cả cộng đồng. 

Cách phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ

Thông thường, bệnh nhân sẽ khỏi bệnh trong khoảng 2 tuần và không để lại những di chứng về sức khỏe nhưng cũng có những trường hợp đột ngột chuyển biến nặng và gặp phải những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng da, nhiễm trùng mắt, viêm phổi,… thậm chí tử vong. Do đó, không nên chủ quan mà mỗi người cần tìm hiểu và có ý thức phòng tránh căn bệnh này. 

Tổ chức Y tế thế giới không khuyến khích tiêm đại trà loại vắc xin đậu mùa có sẵn. Phương pháp tốt nhất để kiểm soát dịch bệnh vẫn là giám sát, cách ly phòng ngừa lây nhiễm và chăm sóc hiệu quả, kịp thời cho người bệnh. 

Một số trường hợp có nguy cơ phơi nhiễm cao vẫn nên tiêm vắc xin đậu mùa chẳng hạn như người thường xuyên chăm sóc bệnh nhân, nhân viên y tế,… Vắc xin có tác dụng trong vòng 4 ngày kể từ khi tiếp xúc lần đầu tiên với virus. 

Thực hiện cách ly để phòng ngừa lây lan dịch bệnh: Những trường hợp bị bệnh hoặc triệu chứng nghi ngờ bệnh, từng phơi nhiễm với virus cần được cách ly càng sớm càng tốt để tránh lây nhiễm cho người khác. Người bệnh cần lưu ý dùng riêng nhà vệ sinh. Nếu buộc phải tiếp xúc với người khác thì cần che tổn thương da và đeo khẩu trang y tế. 

Không nên dùng chung đồ với bệnh nhân. 

Sau khi tiếp xúc với người bệnh cần vệ sinh tay bằng dung dịch sát khuẩn và đồng thời liên tục vệ sinh các vật dụng trong nhà, các bề mặt để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. 

Đảm bảo ăn chín, uống sôi. Không nên ăn đồ tái sống để phòng tránh virus đậu mùa khỉ. 

Không tiếp xúc với những loại động vật bị bệnh, động vật đã chết và động vật nghi ngờ nhiễm virus. 

Đối với những đối tượng đi từ vùng dịch về cần được giám sát và theo dõi chặt chẽ để tránh lây nhiễm bệnh cho cộng đồng. 

Những cơ sở Y tế có thể đến khám khi ngi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ

Trường hợp nghi ngờ: đi đến Bệnh viện đa khoa công lập hoặc tư nhân kể cả các bệnh viện Bộ, ngành để được khám sàng lọc, khai thác yếu tố dịch tễ.

Trường hợp có thể: Cách ly bệnh nhân tại khu cách ly của bệnh viện hoặc hướng dẫn bệnh nhân cách ly tại nhà. Trong trường hợp các bệnh viện không đủ điều kiện cách ly hoặc bệnh trở nặng có thể chuyển cách ly tại BV tuyến trên.

Phân tuyến điều trị

Tại y tế xã/phường, quận/huyện: ca bệnh không triệu chứng, ca bệnh nhẹ có các triệu chứng thông thường của bệnh.

Tuyến tỉnh, trung ương: ca bệnh nặng hoặc có nguy cơ trở nặng (trẻ sơ sinh, người bị suy giảm miễn dịch, người cao tuổi, bệnh nền, phụ nữ mang thai); ca bệnh có biến chứng nặng.

Các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh cần theo dõi, xem xét chuyển tuyến điều trị:

- Giảm thị lực

- Giảm ý thức, hôn mê, co giật

- Suy hô hấp

- Chảy máu, giảm số lượng nước tiểu

- Các dấu hiệu của nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn.


 BSCKI. Tăng Khánh Hưng 

 Khoa Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Nhân dân 115

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080