Logo Bệnh viện Nhân dân 115
24/09/2018 17:04

Khuyến cáo tăng cường hiệu quả hoạt động của phòng Quản lý chất lượng của các bệnh viện

Sở Y tế TPHCM vừa ban hành bộ khuyến cáo thứ 22 về đẩy mạnh hoạt động quản lý chất lượng tại các bệnh viện với chuyên đề “Khuyến cáo tăng cường hiệu quả hoạt động của phòng Quản lý chất lượng bệnh viện” (24/9/2018).
Căn cứ vào những quy định của Bộ Y tế, căn cứ vào thực tế hoạt động của các Phòng/Tổ quản lý chất lượng (QLCL) của các bệnh viện trên địa bàn thành phố, những mô hình hoạt động hiệu quả của các bệnh viện và hướng đến hội nhập quốc tế, Hội đồng QLCL khám chữa bệnh Sở Y tế đã biên soạn Bộ khuyến cáo chuyên đề nhằm định hướng cho các bệnh viện triển khai hiệu quả hoạt động của Phòng/Tổ QLCL.

Bộ khuyến cáo chuyên đề thứ 22 - “Khuyến cáo tăng cường hiệu quả hoạt động của phòng Quản lý chất lượng bệnh viện”- bao gồm 15 khuyến cáo cụ thể, trong đó có các khuyến cáo liên quan đến trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện trong việc quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho Phòng/Tổ QLCL hoạt động, nội dung chính của khuyến cáo là triển khai các hoạt động trọng tâm mà các Phòng/Tổ QLCL chịu trách nhiệm chính hoặc phối hợp các phòng, ban thực hiện.

Nội dung cụ thể của khuyến cáo:

Khuyến cáo tăng cường hiệu quả hoạt động của phòng Quản lý chất lượng bệnh viện (*)


1) Quan tâm và tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho phòng Quản lý chất lượng (QLCL), chú trọng phát triển nguồn nhân lực chuyên trách và điều phối sự phối hợp nhịp nhàng giữa các phòng chức năng có liên quan đến hoạt động quản lý chất lượng bệnh viện là trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện. Xuất phát từ yêu cầu thực tế của bệnh viện và của Ngành Y tế, lãnh đạo bệnh viện định hướng và phê duyệt kế hoạch hoạt động hàng năm của phòng QLCL.

2) Tăng cường phối kết hợp, tránh chồng chéo giữa các phòng chức năng của bệnh viện liên quan đến hoạt động nâng cao chất lượng bệnh viện trên cơ sở lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động của bệnh viện. Trong đó, phòng Kế hoạch tổng hợp chịu trách nhiệm chính trong cải tiến chất lượng chuyên môn kỹ thuật, phòng Điều dưỡng chịu trách nhiệm chính trong cải tiến chất lượng chăm sóc người bệnh, phòng QLCL chịu trách nhiệm chính trong cải tiến chất lượng phục vụ người bệnh.

3) Căn cứ vào kế hoạch cải tiến chất lượng bệnh viện hàng năm và những hoạt động trọng tâm do phòng QLCL phụ trách, bổ sung nhân lực đáp ứng yêu cầu công việc. Khuyến khích đa dạng hoá loại hình nhân lực của phòng QLCL, bao gồm: bác sĩ, điều dưỡng, cử nhân y tế công cộng, và các loại hình khác tuỳ thuộc yêu cầu công việc. Nhân lực chuyên trách thuộc phòng QLCL cần được trang bị những kiến thức về quản lý bệnh viện, về phương pháp cải tiến chất lượng. Phòng QLCL được trang bị các phương tiện làm việc phù hợp, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng hệ thống nhắc, giám sát trực tuyến các chỉ số chất lượng, đo lường các chỉ số chất lượng dựa trên cơ sở dữ liệu khám, chữa bệnh.

4) Căn cứ vào định hướng của Ngành Y tế, kết quả đánh giá chất lượng bệnh viện, kết quả giám sát và khảo sát các hoạt động liên quan đến chất lượng bệnh viện, phòng QLCL với vai trò là thường trực của Hội đồng QLCL bệnh viện phối hợp các ban chuyên trách của Hội đồng xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm về nâng cao chất lượng bệnh viện; trình Hội đồng QLCL bệnh viện góp ý và thông qua; Giám đốc bệnh viện ban hành và triển khai thực hiện trong toàn bệnh viện. Định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý, báo cáo kết quả hoạt động theo kế hoạch và những vấn đề mới phát sinh liên quan đến chất lượng khám, chữa bệnh và chất lượng phục vụ người bệnh, đề xuất các giải pháp và triển khai thực hiện.

5) Phối hợp các phòng chức năng có liên quan, xây dựng và triển khai thực hiện bộ chỉ số đo lường chất lượng bệnh viện về năng lực chuyên môn, an toàn người bệnh, hiệu suất, hiệu quả, hướng đến nhân viên, hướng đến người bệnh theo yêu cầu của Bộ Y tế (16 chỉ số). Khuyến khích phát triển thêm các chỉ số đo lường chất lượng bệnh viện tương ứng với mô hình bệnh tật và các chuyên khoa của bệnh viện. Kết quả đánh giá các chỉ số đo lường chất lượng bệnh viện là một căn cứ để xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng bệnh viện hàng năm.

6) Chủ động nắm bắt những bức xúc, than phiền, không hài lòng của người bệnh thông qua các hoạt động hòm thư góp ý, đường dây nóng, khảo sát hài lòng người bệnh, ki-ốt khảo sát ý kiến người bệnh tại khoa khám bệnh, phản ánh qua báo đài,… Phối hợp các khoa, phòng có liên quan, chủ động xác minh và tìm nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục, triển khai thực hiện, đánh giá kết quả can thiệp và công khai cho nhân viên bệnh viện biết.

7) Định kỳ theo kế hoạch, tiến hành khảo sát trải nghiệm của người bệnh sau thời gian điều trị nội trú tại tất cả các khoa trong bệnh viện. Phân tích và so sánh sự khác biệt về trải nghiệm của người bệnh giữa các khoa của bệnh viện và giữa bệnh viện với bệnh viện khác, và công khai cho nhân viên bệnh viện biết. Chủ động nắm bắt những trải nghiệm theo chiều hướng tích cực để phát huy, và những trải nghiệm theo chiều hướng tiêu cực để tìm nguyên nhân và có giải pháp khắc phục.

8) Định kỳ hàng năm, sử dụng bộ câu hỏi HSOPSC-VN 2015 do Sở Y tế ban hành để khảo sát văn hoá an toàn người bệnh của bệnh viện, căn cứ vào kết quả khảo sát để biết những tồn tại trong suy nghĩ, nhận thức và hành động của nhân viên các khoa, phòng của bệnh viện liên quan đến hoạt động an toàn người bệnh. Phân tích, so sánh sự khác biệt về văn hoá an toàn người bệnh giữa các khoa, phòng, và sự khác biệt giữa các năm, công khai cho nhân viên bệnh viện biết để phát huy những ưu điểm và tìm nguyên nhân, đề xuất các giải pháp khắc phục những tồn tại và triển khai thực hiện.

9) Áp dụng phân loại sự cố y khoa theo mức độ nguy hại cho bệnh nhân theo bảng phân loại của Tổ chức Y tế thế giới, triển khai hiệu quả hệ thống thu thập, báo cáo sự cố y khoa bắt buộc và tự nguyện; tạo dựng một môi trường tích cực, khuyến khích và động viên nhân viên chủ động nhận diện và báo cáo sự cố tự nguyện; phối hợp các phòng có liên quan, tổ chức nhóm giám sát chủ động, hàng tuần trực tiếp đến giám sát tại các khoa lâm sàng nhằm phát hiện các lỗi tiềm ẩn, tai biến nhẹ chưa được báo cáo; phân tích nguyên nhân gốc rễ của các sự cố; đề xuất giải pháp và triển khai thực hiện.

10) Căn cứ vào kết quả giám sát, kết quả khảo sát về các hoạt động liên quan đến chất lượng khám, chữa bệnh và chất lượng phục vụ người bệnh của bệnh viện, phòng QLCL có kế hoạch làm việc trực tiếp với những khoa, phòng có liên quan. Nội dung làm việc: phản hồi những tồn tại liên quan trực tiếp đến khoa, phòng; cùng khoa, phòng phân tích nguyên nhân; lắng nghe ý kiến và kiến nghị của nhân viên khoa, phòng; đề xuất lãnh đạo bệnh viện có giải pháp hỗ trợ thích hợp.

11) Chịu trách nhiệm làm đầu mối, phối hợp các phòng chức năng có liên quan phấn đấu thực hiện các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam liên quan đến chất lượng bệnh viện, bao gồm: Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam, Tiêu chuẩn thực hành tốt nhà thuốc (GPP), Quy chuẩn an toàn bức xạ ion hoá, Quy chuẩn về nước thải y tế, Tiêu chuẩn thiết kế bệnh viện, Tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001)…

12) Căn cứ kết quả đánh giá chất lượng bệnh viện hàng năm, phối hợp các phòng chức năng có liên quan, xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp để khắc phục những tiêu chí chất lượng bệnh viện còn ở mức 1, hoàn thiện và nâng mức đạt đối với những tiêu chí đã đạt ở mức 3. Phấn đấu đạt và duy trì điểm trung bình đánh giá chất lượng bệnh viện hàng năm từ 3,5 điểm trở lên, không còn tiêu chí ở mức 1.

13) Căn cứ vào các bộ khuyến cáo chuyên đề về tăng cường triển khai hoạt động quản lý chất lượng bệnh viện do Hội đồng QLCL khám, chữa bệnh của Sở Y tế ban hành và tình hình thực tế tại bệnh viện, tổ chức phổ biến, hướng dẫn, triển khai thực hiện đến tất cả các khoa, phòng trong bệnh viện. Định kỳ, đánh giá kết quả thực hiện và sơ kết rút kinh nghiệm.

14) Khuyến khích đăng ký các đề tài tham gia bình chọn giải thưởng chất lượng bệnh viện do Sở Y tế, Bộ Y tế, các tổ chức quốc tế về chất lượng bệnh viện tổ chức; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và sáng kiến cải tiến chuyên đề về cải tiến chất lượng khám, chữa bệnh và cải tiến chất lượng phục vụ người bệnh; và tăng cường tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau về hoạt động của phòng QLCL và Hội đồng QLCL bệnh viện.

15) Khuyến khích nghiên cứu, tiếp cận, phấn đấu thực hiện và đăng ký được công nhận các tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến chất lượng bệnh viện, bao gồm: Tiêu chuẩn quy định các yêu cầu về năng lực và chất lượng đối với các phòng xét nghiệm (ISO 15189); Tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và an toàn người bệnh (JCI); và các tiêu chuẩn quốc tế thuộc các chuyên khoa khác nhau như: ngân hàng máu, ngân hàng sữa mẹ, hỗ trợ sinh sản,...

(*): Phòng Quản lý chất lượng hoặc tổ Quản lý chất lượng

Theo Sở Y tế TPHCM
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080