Logo Bệnh viện Nhân dân 115
14/09/2018 17:12

Dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho trẻ em tại các nước phát triển

Nếu như bác sĩ thực hành tổng quát (GP) là nguồn nhân lực chính cho hoạt động chăm sóc ban đầu ở người lớn, thì ngay tại các nước Châu Âu, nếu chỉ dựa vào nguồn nhân lực này thì không thể đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ trẻ em.
Tại hầu hết các nước có hệ thống y tế phát triển, bác sĩ chuyên khoa Nhi là nguồn nhân lực không thể thiếu khi triển khai chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho trẻ em. Một thách thức không nhỏ khác bên cạnh nhu cầu chăm sóc các bệnh lý phổ biến ở trẻ em, đó là chăm sóc và quản lý các bệnh mạn tính khá đặc thù ở trẻ em khác với bệnh mạn tính ở người lớn.

Dưới đây là tóm lược những thách thức đối với hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho trẻ em tại các nước Châu Âu, qua chuyên đề “Primary Care for Children” của Giáo sư Matthew Thompson, Đại học Washington - Mỹ và các cộng sự được đăng tải trên Tạp chí EuroHealth, 2014.

Thách thức nguồn nhân lực và chuẩn hoá chương trình đào tạo năng lực chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho trẻ em

Dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho trẻ em được triển khai theo những cách khác nhau giữa các nước có hệ thống y tế phát triển trên thế giới, và cũng không hoàn toàn giống nhau giữa các vùng trong cùng một quốc gia. Các mô hình khác nhau này một phần vì do lịch sử phát triển và văn hóa khác nhau giữa các quốc gia, nhưng nhu cầu đánh giá khách quan về chất lượng chăm sóc giữa các hệ thống chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho trẻ em giữa các nước là rất cần thiết, góp phần cải thiện hơn nữa đối với loại hình dịch vụ này. Rất cần các chỉ số khách quan tốt hơn để đo lường chất lượng chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho trẻ em, và cần nhiều nghiên cứu hơn để đánh giá và so sánh loại hình này giữa các hệ thống y tế các nước với nhau. Có như vậy, các nhà hoạch định chính sách mới có thể đưa ra quyết định sáng suốt trong tìm kiếm hoặc điều chỉnh mô hình tốt nhất.

Nguồn nhân lực tham gia hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho trẻ em còn khó khăn hơn so với người lớn. Tại Châu Âu, nguồn lực chính bao gồm các bác sĩ thực hành tổng quát (GP) và/hoặc các bác sĩ chuyên khoa Nhi, điều dưỡng chuyên khoa Nhi hoặc điều dưỡng tổng quát, hoặc kết hợp nhiều loại hình nhân viên y tế khác. Để có thể tham gia chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho trẻ em, các bác sĩ GP và ngay cả bác sĩ chuyên khoa Nhi phải trải qua nhiều loại hình đào tạo khác nhau, với thời lượng khác nhau. Hiện nay, chưa đủ chứng cứ khoa học về một chương trình đào tạo nào là tốt nhất cho các bác sĩ tham gia chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho trẻ em. Chương trình đào tạo thực hành chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho trẻ em đòi hỏi phải phù hợp cho tất cả các nhóm tuổi khác nhau và phù hợp với mô hình bệnh tật theo từng địa phương khác nhau. Một khó khăn khác thường gặp đó là đào tạo thực hành thường phải dựa vào bệnh viện nên ít liên quan đến thực hành chăm sóc ban đầu cho trẻ em trong môi trường cộng đồng.

Thực tế, ở một số nước có thể không có yêu cầu các bác sĩ GP phải được đào tạo bổ sung năng lực thực hành về Nhi khoa cộng đồng. Chỉ có 6 trong 27 quốc gia ở Châu Âu được khảo sát xem đào tạo Nhi khoa như là một phần của chương trình đào tạo bắt buộc sau đại học cho các bác sĩ GP. Mặt khác, các bác sĩ chuyên khoa Nhi thường được đào tạo thực hành chủ yếu là trong môi trường bệnh viện, do đó có thể không phù hợp khi thực hành chăm sóc trẻ em trong môi trường chăm sóc ban đầu ở ngoài cộng đồng.

Chuẩn hoá chương trình đào tạo cả về thời gian, nội dung và hình thức đào tạo cho các bác sĩ GP và cả các bác sĩ chuyên khoa Nhi để có đủ năng lực thực hành khi tham gia chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho trẻ em hiện nay vẫn là một thách thức và ưu tiên đối với hệ thống y tế các nước Châu Âu.

Thách thức về các vấn đề sức khoẻ ở trẻ em cần được chăm sóc và quản lý tại các cơ sở y tế chăm sóc sức khoẻ ban đầu:

1) Các vấn đề và bệnh lý thường gặp trong chăm sóc ban đầu cho trẻ em:

Nhiễm trùng cấp tính vẫn là nguyên nhân phổ biến nhất làm cha mẹ đưa con đến khám tại các cơ sở chăm sóc sức khoẻ ban đầu, đặc biệt là nhóm bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp và nhiễm trùng tai-mũi-họng, tiếp theo là các bệnh mạn tính như hen suyễn và chàm. Ngoài ra, chủng ngừa, kiểm tra phát triển sức khoẻ trẻ em và các dịch vụ thông thường khác cũng phổ biến.

Tại nhiều quốc gia ở Châu Âu, nhu cầu  sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu cho trẻ em trong những thập kỷ gần đây đã gia tăng rõ rệt, kể cả các trường hợp cấp cứu và giới thiệu nhập viện để điều trị cũng gia tăng. Tại Anh, nhập viện cấp cứu ở trẻ em trong năm 1999 - 2010 tăng 28%, phần lớn là các bệnh lý nhiễm trùng cấp tính. Điều này có vẻ nghịch lý vì những cải thiện đáng kể về y tế công cộng như chủng ngừa và dinh dưỡng, nếu xét về tổng thể thì các bệnh lây nhiễm bệnh phải ít gặp hơn và ít nghiêm trọng hơn.

2) Các vấn đề cấp cứu trẻ em tại các cơ sở chăm sóc sức khoẻ ban đầu:

Phổ biến nhất là các bệnh cấp tính nhưng ở mức độ nhẹ và các loại chấn thương thường gặp cần được sơ cấp cứu tại các cơ sở chăm sóc ban đầu. Một đặc điểm khá giống nhau ở nhiều nước đó là các vấn đề sức khoẻ khá khẩn cấp ở trẻ em thường xảy ra ở những thời điểm ngoài giờ làm việc, hoặc vào ban đêm hoặc ngày nghỉ cuối tuần.

Thực tế, còn có nhiều lý do khác cho sự cần thiết của việc triển khai các dịch vụ sơ cấp cứu cho trẻ em tại các cơ sở chăm sóc ban đầu như: nhu cầu của phụ huynh, do yêu cầu cân bằng giữa công việc và cuộc sống của nhân viên y tế tại các bệnh viện, và cả áp lực xã hội. Tại Châu Âu, đã có nhiều mô hình khác nhau nhằm đáp ứng các nhu cầu này, đồng thời phải đáp ứng cả những yêu cầu về tính liên tục của việc chăm sóc, chất lượng chăm sóc và chi phí.

Hiện nay, đã có sự dịch chuyển từ mô hình “cá nhân chăm sóc” theo truyền thống, nơi bác sĩ GP hoặc bác sĩ nhi khoa của trẻ có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc theo hẹn, sang các mô hình hợp tác theo “nhóm chăm sóc” làm việc ngoài giờ, tập trung ở cùng một vị trí; cung cấp nhiều loại dịch vụ như: dịch vụ tư vấn qua điện thoại, phòng sơ cấp cứu, và các trung tâm chăm sóc lưu bệnh.

3) Các vấn đề về chăm sóc các bệnh lý mạn tính ở trẻ em tại các cơ sở chăm sóc ban đầu:

Có sự khác biệt rõ rệt giữa các bệnh lý mạn tính ở trẻ em so với người lớn, và có thể khẳng định chăm sóc sức khoẻ ban đầu là môi trường chăm sóc lý tưởng để phòng ngừa, phát hiện sớm và quản lý liên tục trẻ em mắc các bệnh mạn tính. Có 4 nhóm bệnh lý mạn tính ở trẻ em cần được chăm sóc bởi các chuyên khoa khác nhau trong các điều kiện khác nhau:

- Nhóm thứ nhất, trẻ em mắc các bệnh mạn tính phổ biến như hen suyễn hoặc bệnh chàm ngoài da hoàn toàn có thể được chăm sóc và quản lý tại các cơ sở chăm sóc ban đầu với sự tham vấn thường xuyên của các bác sĩ chuyên khoa.

- Nhóm thứ hai, trẻ em bị các bệnh mạn tính ít gặp hơn, như bệnh động kinh hoặc tiểu đường loại 1, thì cần các bác sĩ chuyên khoa đảm trách.

- Nhóm thứ ba, trẻ em mắc những bệnh mạn tính phức tạp và mắc nhiều loại bệnh, như bại não nặng, đòi hỏi phải được chăm sóc bởi các chuyên gia khác nhau và chuyên gia xã hội học.

- Nhóm thứ tư, trẻ em có nguy cơ mắc bệnh các bệnh mạn tính, như tăng huyết áp, béo phì hoặc đường huyết thấp,… nhưng chưa gây ra bệnh, rất cần sự quan tâm và can thiệp sớm tại cộng đồng, đòi hỏi đảm bảo đủ nguồn lực được dành riêng cho đối tượng này.

Thực tế, chăm sóc và quản lý các bệnh mạn tính ở trẻ em theo các nhóm trên chưa được đáp ứng tốt vì nhiều lý do: (1) Do tác động của các vấn đề cấp tính trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho trẻ em đã gây sự chú ý ngay lập tức và sử dụng phần lớn các nguồn lực; (2) Kỹ năng và kinh nghiệm cho nguồn nhân lực y tế tham gia chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho trẻ em đối với các bệnh lý mạn tính còn hạn chế; (3) Chưa nỗ lực thiết kế các mô hình chăm sóc bệnh mạn tính ở trẻ em; và (4) Sự phối hợp chưa tốt giữa chăm sóc ban đầu và chăm sóc tại bệnh viện. Do đó, việc mở rộng phạm vi chăm sóc sức khoẻ ban đầu trong quản lý các bệnh mạn tính ở trẻ em còn gặp nhiều khó khăn và thách thức.

4) Các vấn đề về cung ứng các dịch vụ phòng bệnh ở trẻ em tại các cơ sở chăm sóc sức khoẻ ban đầu:

Một trong những chức năng chính của chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho trẻ em là cung cấp các dịch vụ phòng ngừa, trong đó phổ biến nhất là chủng ngừa theo các chương trình tiêm chủng, bao gồm cả kiểm tra và nhắc chủng ngừa theo theo lịch, và các hoạt động truyền thông sức khỏe và giám sát tích cực.

Khảo sát tại 29 quốc gia châu Âu cho thấy số lần khám sức khỏe trung bình trong một năm của trẻ em khoẻ mạnh là 14,7 lần, thay đổi từ 5 đến 30,6 lần. Việc có tận dụng những lần khám sức khoẻ để tầm soát và truyền thông giáo dục sức khoẻ cho những trẻ có nguy cơ cao còn tuỳ thuộc vào nhân lực y tế tại nơi khám, loại hình của các cơ sở y tế.

Có sự đồng thuận cao cho rằng phần lớn các dịch vụ phòng ngừa nên được tổ chức tại các cơ sở y tế gần dân,  gần nơi cha mẹ của trẻ cư trú, đồng nghĩa là một phần của dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Bên cạnh chủng ngừa, cần kết hợp với phòng ngừa các vấn đề sức khỏe có xu hướng ngày càng tăng nhanh ở trẻ em và thanh thiếu niên như béo phì, bệnh liên quan đến lối sống và sức khoẻ tinh thần của trẻ.

Yêu cầu về cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho trẻ em tại các nước phát triển trong thời gian tiếp theo:

1) Kết nối các cơ sở y tế trong cung ứng các loại hình cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ trẻ em: đẩy mạnh phối kết hợp giữa các loại hình chăm sóc sức khoẻ trẻ em giữa chăm sóc ban đầu với các dịch vụ xã hội trong cộng đồng; giữa chăm sóc ban đầu với chăm sóc chuyên khoa.

2) Giảm chi phí, hoặc ít nhất là giảm thiểu tỷ lệ gia tăng chi phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em; giảm đầu tư vào các hoạt động còn không hiệu quả hoặc đã lỗi thời; và giảm chuyển viện hoặc giới thiệu nhập viện khi chưa thật sự cần thiết.

3) Cân bằng nguồn nhân lực y tế tham gia hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho trẻ em giữa bác sĩ chuyên khoa Nhi, bác sĩ thực hành tổng quát GP, điều dưỡng và các loại hình nhân viên khác.

4) Cân bằng sự lựa chọn cho các loại hình và vị trí của các cơ sở y tế cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, với sự sẵn có nhân viên y tế, chi phí dịch vụ hợp lý, đáp ứng sự mong đợi của cha mẹ và trẻ em.

5) Nghiên cứu đánh giá các mô hình chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho trẻ em hiện tại và nghiên cứu triển khai các mô hình mới.

Theo Sở Y tế TPHCM
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080