Logo Bệnh viện Nhân dân 115
22/06/2018 14:46

10 vấn đề về liên quan đến sức khoẻ người cao tuổi trên toàn cầu

Ngày nay, mọi người có thể mong đợi sống vào những năm sáu mươi tuổi và hơn thế nữa. Một cuộc sống dài hơn không chỉ cho những người lớn tuổi và gia đình của họ, mà còn cho cả xã hội nói chung.
Những năm tiếp theo của người cao tuổi cung cấp cơ hội theo đuổi các hoạt động mới như giáo dục thêm hoặc đam mê lâu dài đã bị lãng quên, tiếp tục đóng góp có giá trị cho gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, mức độ của những cơ hội này phụ thuộc rất nhiều vào một yếu tố: sức khỏe.

Dưới đây là 10 vấn đề liên quan đến sức khoẻ người cao tuổi được TCYTTG nêu ra:

1) Dân số thế giới đang lão hóa nhanh chóng

Số người từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng từ 900 triệu trong năm 2015 lên 2 tỷ người vào năm 2050 (từ 12% lên 22% tổng dân số toàn cầu). Sự lão hóa dân số đang diễn ra nhanh hơn trong quá khứ. Pháp phải mất gần 150 năm để thích nghi với sự thay đổi tỷ lệ dân số trên 60 tuổi từ 10% đến 20%, các quốc gia khác như Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ có hơn 20 năm để thực hiện sự thích ứng này.



2) Rất ít bằng chứng cho thấy những người lớn tuổi ngày nay có sức khỏe tốt hơn thế hệ bố mẹ họ

Tỷ lệ người cao tuổi ở các nước có thu nhập cao cần sự giúp đỡ của người khác để thực hiện các hoạt động cơ bản như ăn uống, tắm rửa có khuynh hướng giảm nhẹ trong 30 năm qua. Tuy nhiên, có rất ít sự thay đổi về tần suất người lớn tuổi bị giới hạn chức năng ít nghiêm trọng hơn trong thời gian qua.



3) Tình trạng sức khỏe phổ biến nhất ở người cao tuổi là bệnh không lây nhiễm

Người cao tuổi ở các nước thu nhập thấp và trung bình mang gánh nặng bệnh tật lớn hơn những người ở các nước thu nhập cao. Bệnh lý gây tử vong phổ biến nhất của người cao tuổi là bệnh tim, đột quỵ và bệnh phổi mãn tính. Nguyên nhân phổ biến nhất của giảm chức năng là suy giảm cảm giác (đặc biệt ở các nước thu nhập thấp và trung bình), đau lưng và cổ, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (đặc biệt ở các nước thu nhập thấp và trung bình), rối loạn trầm cảm, té ngã, bệnh tiểu đường, mất trí nhớ và viêm xương khớp.



4) Khi nói đến sức khỏe, không có người cao tuổi 'điển hình'

Sự lão hóa sinh học chỉ liên quan lỏng lẻo với độ tuổi trong nhiều năm. Một số người ở độ tuổi 80 vẫn có thể có thể chất và tinh thần tương tự như thanh niên ở độ tuổi 20. Nhưng cũng có những người cao tuổi khác bị suy giảm khả năng thể chất và tinh thần ở nhiều độ tuổi trẻ hơn.



5) Tình trạng sức khỏe ở người cao tuổi không phải do ngẫu nhiên

Mặc dù một số biến thể trong sức khỏe của người cao tuổi phản ánh di truyền thừa kế của họ, phần lớn là do môi trường thể chất và môi trường xã hội, những môi trường này đã ảnh hưởng đến cơ hội và hành vi về sức khoẻ của họ. Quan trọng hơn, những yếu tố này bắt đầu ảnh hưởng đến quá trình lão hóa từ thời thơ ấu. Điều này có nghĩa là một người lớn tuổi đã trải qua môi trường bất lợi thì vừa có nhiều khả năng bị mắc bệnh nhiều hơn và vừa ít có khả năng tiếp cận với các dịch vụ và sự chăm sóc sức khoẻ khi cần.



6) Ngày nay, tại một số nước trên thế giới, chủ nghĩa phân biệt tuổi tác (Ageism) có thể phổ biến hơn cả chủ nghĩa phân biệt giới tính (Sexism) hoặc phân biệt chủng tộc (Racism)

Chủ nghĩa phân biệt tuổi tác, phân biệt đối xử với một người trên cơ sở tuổi tác của họ, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với người già và xã hội nói chung. Chủ nghĩa phân biệt tuổi tác có thể biểu hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, bao gồm thái độ thành kiến, thực hành phân biệt đối xử hoặc chính sách duy trì niềm tin vào tuổi tác. Điều này có thể cản trở phát triển chính sách, và nó có thể làm giảm đáng kể chất lượng chăm sóc xã hội và chăm sức khỏe cho người cao tuổi.

7) Hành động toàn diện vì sức khỏe cộng đồng đòi hỏi những thay đổi cơ bản trong cách chúng ta nghĩ về lão hóa và sức khỏe

Sức khỏe ở tuổi già không nên được xác định bởi sự vắng mặt của bệnh tật. Lão hóa nhưng khỏe mạnh có thể đạt được ở mọi người cao tuổi, cho phép những người cao tuổi tiếp tục làm những việc quan trọng đối với họ. Trong khi chi tiêu cho chăm sóc y tế và chăm sóc xã hội cho người cao tuổi thường được xem là chi phí cho xã hội, cần được hiểu là đầu tư để giúp người cao tuổi tiếp tục đóng góp tích cực cho xã hội.



8) Hệ thống y tế cần sắp xếp lại để đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi

Hầu hết các hệ thống y tế trên thế giới chưa sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi, là những người thường bị nhiều tình trạng mạn tính hoặc các hội chứng lão khoa. Các hệ thống y tế phải có khả năng lấy người cao tuổi làm trung tâm và chăm sóc tích hợp, và tập trung vào duy trì năng lực ở mọi độ tuổi.



9) Tất cả các nước đều cần một hệ thống tích hợp cho chăm sóc người cao tuổi

Đối với một số quốc gia, điều này có nghĩa là xây dựng mới một hệ thống gần như chưa có gì. Một số nước khác phải xem xét lại hệ thống chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi: từ mạng lưới đảm bảo an toàn cơ bản cho người dễ bị tổn thương nhất, hướng đến một hệ thống rộng lớn hơn, giúp tối đa hóa khả năng hoạt động của người cao tuổi và duy trì tính tự chủ và giá trị của họ. Số lượng người cao tuổi cần hỗ trợ cho các hoạt động sinh hoạt hàng ngày ở các nước đang phát triển được dự báo tăng gấp 4 lần vào năm 2050.



10) “Người cao tuổi khỏe mạnh” liên quan đến tất cả các lĩnh vực của các ngành khác nhau

Như các chương trình hành động liên ngành bao gồm việc thiết lập các chính sách và chương trình về nhà ở; phương tiện đi lại; thúc đẩy chính sách đa dạng về độ tuổi trong môi trường làm việc; và bảo vệ người già khỏi đói nghèo thông qua các chương trình bảo trợ xã hội, đồng thời cũng đòi hỏi nhận thức tốt hơn về các vấn đề và xu hướng liên quan đến tuổi tác.


Theo Sở Y tế TPHCM
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080