Logo Bệnh viện Nhân dân 115
04/12/2017 18:21

Nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và những mong đợi tiếp theo của người dân thành phố

Sáng 3/12/2017 đã diễn ra chương trình “Lắng nghe và trao đổi” do HĐND Thành phố tổ chức dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP, với chuyên đề Bảo hiểm y tế và chất lượng khám chữa bệnh.
Bên cạnh ghi nhận những nỗ lực của ngành y tế trong thời gian qua, cử tri thành phố mong muốn ngành y tế thành phố tập trung triển khai những vấn đề ưu tiên sau: (1) nhân rộng mô hình “Phòng khám đa khoa vệ tinh của bệnh viện quận đặt tại trạm y tế”, (2) tăng cường nhân lực bác sĩ cho trạm y tế, (3) cải thiện cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế cho trạm y tế và có đủ cơ số thuốc khi đến khám bệnh tại trạm y tế.

Năm 2017, các cơ sở KCB trên địa bàn thành phố tiếp tục thu hút số lượng lớn người dân thành phố và các tỉnh đến khám chữa bệnh, 9 tháng đầu năm đã vượt con số 25 triệu lượt (tăng 12%), số lượt khám BHYT hơn 11,2 triệu lượt (tăng 15,3%). Tỉ lệ người bệnh có BHYT đến khám tại các bệnh viện ngày càng tăng, nhất là ở khối các bệnh viện quận, huyện: trung bình là 82% (khối các BV thành phố: 33,5%). Trong thời gian qua, ngành y tế TP triển khai đồng thời 2 nhóm hoạt động chính để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh: (1) Các hoạt động nâng cao năng lực KCB, (2) Các hoạt động nâng cao chất lượng KCB và chất lượng phục vụ người bệnh, hướng đến sự hài long của người bệnh. Có thể nói trong thời gian qua: tất cả BV của TP đều chuyển động theo hướng tích cực lấy người bệnh làm trung tâm.

Về hoạt động nâng cao năng lực khám chữa bệnh

1) Thành phố đã quan tâm đầu tư xây mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các BV: người dân TP và cả đội ngũ CBYT TP rất vui và tự hào khi mà lần đầu tiên TP có thêm 2 BV chuyên khoa quy mô 1.000 giường đạt chuẩn QT, đó là BV Nhi đồng thành phố đã chính thức hoạt động từ tháng 2/2017, và BV Ung bướu cơ sở 2 sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2018. Bên cạnh đó, nhiều dự án xây mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các BV hiện hữu đã và đang được triển khai như: BV huyện Củ Chi, BV huyện Bình Chánh, BV huyện Cần Giờ, BV quận Gò Vấp, BV quận Bình Thạnh, BV quận Tân Phú, BV quận Bình Tân, BV quận 1, 7, 8, 11, 12,… ; đến các BV ĐKKV cửa ngỏ: ĐKKV Hóc Môn, ĐKKV Củ Chi, ĐKKV Thủ Đức; cho đến các BV chuyên khoa, đa khoa tuyến cuối của thành phố như: BV Từ Dũ, BV Hùng Vương, BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2, BV Nhân dân 115, BV Nhân dân Gia Định… Đặc biệt, vừa qua UBND TP đã quyết định quỹ kết dư KCB BHYT trong năm 2015 để đầu tư các trang thiết bị y tế cho các BV quận, huyện và Trạm y tế nhằm góp phần nâng cao năng lực KCB cho y tế cơ sở.

2) Ngành Y tế đã ban hành kế hoạch định hướng phát triển các kỹ thuật chuyên sâu cho các BV đầu ngành của thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu KCB không chỉ cho người dân thành phố mà cả khu vực phía Nam. Hiện nay, nhiều kỹ thuật điều trị chuyên sâu ngang tầm các nước trong khu vực đã được triển khai thành công tại các BV của thành phố, như: PT Robot của BV Bình Dân; kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đạt chuẩn quốc tế của BV Từ Dũ, Hùng Vương; kỹ thuật chuyên sâu về tim mạch, ung bướu của BV UB, BV Nhân Dân 115, Nhân Dân Gia Định; kỹ thuật ghép tế bào gốc trong điều trị ung thư máu của BV Huyết học – Truyền máu; phẫu thuật tim bẩm sinh của BV Nhi đồng 1,2,… Điều đáng mừng đó là: hầu hết các KT chuyên sâu có chi phí lớn đều được BHXH chi trả theo quy định nếu người bệnh có tham gia BHYT.

3) Nâng cao năng lực KCB của BV quận, huyện:  hiện nay, khối BV quận/huyện của thành phố đã có những thay đổi rõ nét theo chiều hướng tích cực cả về chuyên môn kỹ thuật lẫn chất lượng phục vụ, tạo niềm tin và thu hút người dân đến KCB. Bên cạnh những BV quận đã có số lượt khám rất cao trên 3.000 BN/ngày như: BV quận Thủ Đức, BV quận Tân Phú, BV quận Bình Tân, BV quận 2, BV quận Bình Thạnh, thì gần đây là các BV quận/huyện khác cũng đã tạo niềm tin và thu hút rất đông người dân đến KCB với số lượt khám tăng từ 10-70% so với cùng kỳ như: BV huyện Củ Chi, BV huyện Bình Chánh, BV huyện Nhà Bè, BV quận 1, BV quận 5, BV quận 9, BV quận 11, BV quận 12, BV quận Gò Vấp.

4) Nâng cao năng lực KCB cho trạm y tế: bên cạnh tổ chức tập huấn cho các BS đang công tác tại TYT về phác đồ điều trị, cấp cứu sản khoa, nhi khoa,… SYT đã triển khai thành công thí điểm mô hình “Phòng khám đa khoa vệ tinh của BV quận/huyện đặt tại trạm y tế” tại quận Thủ Đức, quận Tân Phú với số lượt KCB tại các TYT này tăng lên từ 5 - 10 lần so với trước đây. Mới đây, UBND TP đã cho thí điểm mô hình xã hội hoá công tác KCB tại TYT tại quận 3.

5) Về phát triển y học gia đình, hiện TP đã có 236 phòng khám BSGĐ, đã lập hồ sơ quản lý sức khoẻ cho 81.765 người bệnh. Đây chỉ là khởi đầu cho lộ trình dài tiến đến mục tiêu cuối cùng là quản lý sức khoẻ của từng người dân trên địa bàn thành phố.

6) Nâng cao năng lực cấp cứu ngoài BV: hiện nay, mạng lưới các trạm cấp cứu vệ tinh 115 với 25 trạm bao phủ khắp địa bàn thành phố, kết hợp với triển khai “Quy trình báo động đỏ trong cấp cứu người bệnh” của ngành y tế TP, nhờ đó đã tăng khả năng cứu sống nhiều trường hợp người bệnh trong tình trạng rất nguy kịch.

7) Xây dựng phác đồ điều trị: hiện nay, tất cả các cơ sở KCB từ TYT, PKĐK cho đến BV đều đã có phác đồ điều trị, đây là cơ sở khoa học và pháp lý cho hoạt động KCB của các cơ sở y tế.

Về hoạt động nâng cao chất lượng phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người bệnh

Nhóm hoạt động 1: SYT đã đưa ra 5 mục tiêu chất lượng cụ thể cho tất cả BV và các cơ sở KCB phấn đấu không ngừng nâng cao chất lượng KCB, 5 mt đó là: (1) An toàn hơn, (2) Hiệu quả hơn, (3) Nhanh hơn, (4) Chi phí điều trị hợp lý hơn, (5) Người bệnh hài lòng hơn. Căn cứ vào 5 mục tiêu chất lượng này, cho đến thời điểm hiện nay, SYT đã xây dựng, ban hành và phổ biến đến tất cả BV 21 bộ khuyến cáo chuyên đề về QLCLBV để triển khai thực hiện nhằm đảm bảo nguyên tắc lấy người bệnh làm trung tâm, hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Hàng năm, SYT tổ chức nhiều khoá tập huấn về QLCLBV, và đẩy mạnh hoạt động giám sát chuyên đề về chất lượng BV đối với tất cả BV công lập và ngoài công lập.

Nhóm hoạt động 2: SYT triển khai đánh giá chất lượng BV theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam của BYT, ngoài ra, SYT đã chủ động xây dựng tiêu chí chất lượng PKĐK và tổ chức đánh giá chất lượng tất cả PKĐK. Kết quả đánh giá chất lượng công khai cho người dân biết để chọn lựa khi có nhu cầu KCB. Năm 2016, lần đầu tiên trong cả nước, SYT đã tổ chức bình chọn giải thưởng chất lượng BV nhằm giới thiệu cho người dân biết và nhân rộng những cách làm hay hướng về người bệnh của các BV.

Nhóm hoạt động 3: Ngành y tế TP thể hiện tinh thần cầu thị khi triển khai hệ thống ki-ốt khảo sát ý kiến không hài lòng của người bệnh. Với hệ thống ki-ốt này, sau khi khám bệnh, nếu cảm thấy không hài lòng ở khâu nào của quy trình KCB của BV, người bệnh chỉ cần chạm vào màn hình, ngay lập tức thông tin phản ánh sẽ được chuyển ngay đến BGĐ các BV và SYT. Hoạt động này thật sự đã tạo sự chuyển biến tích cực của các bệnh viện khi tiếp nhận những ý kiến không hài lòng của người bệnh, rất nhiều hoạt động cải tiến chất lượng phục vụ của bệnh viện đã được triển khai xuất phát từ kết quả khảo sát này.

Nhóm hoạt động 4: Một hoạt động quan trọng khác mà SYT tiếp tục thúc đẩy các BV và các cơ sở y tế phải quan tâm đầu tư và phát triển, đó là đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quy trình KCB tại các BV hướng đến xây dựng khoa khám bệnh thông minh, bệnh viện thông minh.

Sở Y tế TPHCM & BHXH TP thống nhất và ban hành Quy chế phối hợp hoạt động trong thực hiện chính sách pháp luật về BHYT trên địa bàn TPHCM (theo QĐ số 4618/QĐ-SYT ngày 8/10/2015), nhằm hướng đến 4 mục đích sau: (1) Nhằm đảm bảo chất lượng phục vụ người bệnh và sử dụng quỹ BHYT hợp lý, an toàn và hiệu quả; (2) Đảm bảo tính thống nhất, thực hiện đúng chức năng của SYT và BHXH theo quy định pháp luật; (3) Nâng cao chất lượng KCB, nhất là y tế cơ sở đảm bảo quyền và lợi ích của BN BHYT; (4) Thực hiện CCTTHC đảm bảo thuận lợi cho bệnh nhân BHYT và cơ sở KCB.). SYT đã thành lập Tổ công tác chuyên trách về KCB BHYT nhằm chủ động nắm bắt những vướng mắc của các cơ sở trong hoạt động KCB BHYT. Nhìn chung, SYT và BHXH TP có sự phối hợp tốt, khi có vướng mắc liên quan đến hoạt động KCB BHYT của các cơ sở y tế, nhất là liên quan đến thanh toán chi phí KCB BHYT cho các cơ sở y tế: SYT & BHXH TP ngồi lại để có giải pháp phù hợp theo quy định, nếu vượt quá thẩm quyền, kiến nghị lên BYT và BHXH VN.

3 vấn đề mà SYT yêu cầu BHXH TP quan tâm và đẩy nhanh tiến độ : (1) Ký hợp đồng KCB BHYT với trạm y tế và các cơ sở KCB tư nhân đã được SYT thẩm định đủ điều kiện KCB BHYT nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân đến các cơ sở y tế gần nhất khi có nhu cầu KCB, (2) Bổ sung các KT điều trị mới đã được SYT thẩm định vào danh mục kỹ thuật được BHYT chi trả, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người bệnh tham gia BHYT, (3) Về lâu dài, BYT và BHXH VN cần tính đến quỹ BHYT sẽ chi trả cho những kỹ thuật, những dịch vụ y tế hiện nay được xem không phải là điều trị, như: chế độ dinh dưỡng cho người bệnh, hỗ trợ sinh sản.

Hành động tiếp theo nhằm không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của Ngành Y tế Thành phố đáp ứng mong đợi của người dân:

Lắng nghe những mong muốn chính đáng của cử tri thành phố, phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tiếp theo, ngành Y tế TP tập trung những hoạt động chăm lo sức khoẻ người dân thành phố và các tỉnh khu vực phía Nam như sau:

(1) Bên cạnh tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cơ sở KCB nhằm đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về KCB nói chung và KCB BHYT nói riêng, ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nâng cao chất lượng KCB và chất lượng phục vụ người bệnh, lấy ý kiến không hài ong của người bệnh làm điểm xuất phát cho chương trình quản lý chất lượng bệnh viện.

(2) Tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình hành động nâng cao năng lực y tế cơ sở, đặc biệt là năng lực KCB ban đầu tại các TYT. Triển khai thực hiện có hiệu quả “Gói dịch vụ y tế cơ bản” vừa được Bộ Y tế ban hành TT số 39/2017/TT-BYT trong hoạt động khám chữa bệnh tại TYT do BHYT chi trả, theo đó: (a) Danh mục thuốc và danh mục kỹ thuật tại TYT được mở rộng: 76 kỹ thuật khám, chữa bệnh và 241 loại thuốc trong gói dịch vụ y tế cơ bản sẽ được BHYT chi trả; (b) Triển khai luân phiên BS của Trung tâm Y tế và BV quận, huyện xuống các trạm y tế bảo đảm mỗi trạm có 2 bác sĩ bên cạnh đầu tư trang thiết bị cho BV tuyến huyện và trạm y tế từ quỹ kết dư của BHYT, các hoạt động này không dàn trải, ưu tiên đối với các TYT ở các huyện ngoại thành và các quận cận nội thành có vị trí không gần bệnh viện.

(3) Phát huy hiệu quả của mô hình thí điểm “Phòng khám đa khoa vệ tinh của BV quận/huyện đặt tại TYT”: mỗi quận, huyện ở xa trung tâm thành phố chọn 1 đến 2 trạm y tế ở những địa bàn đông dân và xa bệnh viện.

(4) Tiếp tục nâng cao năng lực KCB bao phủ mô hình bệnh tật của người dân trên địa bàn tại các bệnh viện quận/huyện, hình thành trung tâm y tế chuyên sâu tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa đầu ngành của thành phố,

(5) Xây dựng kế hoạch và lộ trình triển khai quản lý sức khoẻ người dân trên địa bàn, chuyển đổi hoạt động KCB tại TYT theo nguyên lý y học gia đình. Đây là hướng đi bền vững trong chăm sóc sức khoẻ theo hướng “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Theo Sở Y tế TPHCM

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080