Logo Bệnh viện Nhân dân 115
01/01/2018 07:13

Tập luyện cho bệnh nhân rối loạn ngôn ngữ sau đột quỵ não - Aphasia

Bệnh nhân đột quỵ hoàn toàn có thể phục hồi được ngôn ngữ và khả năng giao tiếp sau khi xảy ra tai biến mạch não nếu luyện tập kiên trì với sự hỗ trợ tích cực của chuyên viên ngôn ngữ trị liệu, người thân, bạn bè.
Di chứng sau đột quỵ não ngoài những hậu quả về vận động, thì một tỷ lệ khá lớn có kèm theo rối loạn về ngôn ngữ (chiếm khoảng 40% số trường hợp).

Rối loạn ngôn ngữ do đột quỵ não thường được phân ra làm 4 thể dựa vào vị trí tổn thương của não:

- Tổn thương vùng sinh ra ngôn ngữ (tổn thương vùng Broca): Người bệnh có biểu hiện không nói được hoặc nói được một vài từ, nói nhát gừng, không tìm được từ để nói, mức độ nhẹ thì nói được nhưng không lưu loát, lặp lại câu nói của người khác hoặc của mình vừa nói kém. Mặc dù bệnh nhân hiểu được những gì mình muốn nói, hiểu được những gì mọi người xung quanh nói với mình (còn gọi là tổn thương biểu đạt ngôn ngữ). Đây là loại tổn thương hay gặp nhất.

- Tổn thương vùng hiểu ngôn ngữ (vùng Wernick): Người bệnh nói được, nói lưu loát nhưng câu nói thường vô nghĩa, lặp lại câu nói của người khác kém. Bệnh nhân không hiểu hoặc hiểu rất ít những gì người xung quanh nói với mình (còn gọi là tổn thương tiếp nhận ngôn ngữ).

- Tổn thương vùng dẫn truyền: Là tổn thương đường dẫn truyền giữa 2 vùng trên. Biểu hiện nói lưu loát, thông hiểu tốt, lặp lại kém.

- Tổn thương toàn thể: Là tổn thương toàn bộ các vùng trên với biểu hiện nói không lưu loát hoặc không nói được, hiểu biết kém, lập lại tiếng nói kém.

Tập luyện: Nếu như tập luyện kiên trì, đúng cách thì bệnh nhân hoàn toàn có thể hồi phục được và phục hồi tốt nhất trong thể tổn thương vùng sinh ra tiếng nói - Broca.

Tuy vùng não điều khiển ngôn ngữ bị tổn thương, nhưng tập luyện sẽ giúp tái tổ chức lại não, phát huy tối đa khả năng bù trừ của các vùng khác cho vùng não đã bị tổn thương.

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng - phụ trách khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng hướng dẫn một bệnh nhân tập luyện sau đột quỵ

Sau đây là một vài bài tập cho tổn thương ngôn ngữ thể sinh ra ngôn ngữ (rối loạn ngôn ngữ biểu đạt):

- Nên tập nói ngay những từ và câu đơn giản phục vụ sinh hoạt hàng ngày như: Uống nước, ăn cơm, ăn phở, rửa mặt, đi tiểu, có, không... Điều này rất quan trọng để bệnh nhân có thể yêu cầu được ngay những nhu cầu tối thiểu hàng ngày và cũng để giảm bớt tình trạng bức xúc, thất vọng của bệnh nhân rối loạn ngôn ngữ sau đột quỵ

- Khuyến khích tập nói tự nhiên: Một số từ bệnh nhân có thể nói được một cách tự nhiên như đếm số, bảng chữ cái, ngày tháng…

- Tập nói tên một số đồ vật xung quanh như: Bàn, ghế, sách, quạt, máy tính…và màu sắc các đồ vật đó.

- Nếu bệnh nhân có thể, khuyến khích hát một số bài hát yêu thích, kể cả hát karaoke

- Tìm một số từ đối nghĩa: Người thân của bệnh nhân có thể đưa ra một số từ để bệnh nhân tìm từ đối nghĩa. Ví dụ: Đối nghĩa với “nóng”, bệnh nhân có thể nói được “lạnh”; hoặc một số từ khác như: trên - dưới; lên - xuống; ngày - đêm; xa - gần…

- Mô tả một vật, người: Người thân bệnh nhân giúp mô tả một vật để người bệnh tìm tên phù hợp. Ví dụ: Cái gì dùng để cắt vải, cắt giấy - bệnh nhân có thể tìm được từ là “cái kéo”; Cái gì dùng để viết - “cái bút”; Hình gì không có góc - “hình tròn” hoặc hình cầu”; Ai là người dạy học trò - “cô giáo” hoặc “thầy giáo”; Ai làm việc trong nhà máy - “công nhân” “kỹ sư”; Ai làm việc trong bệnh viện - “y tá”, “bác sĩ’…

- Mô tả một số đồ vật và liệt kê theo danh mục: Ví dụ: Kể tên một số loài trái cây, kể tên một số loài vật, một số loài hoa, ngày hôm qua ăn những món gì… khuyến khích bệnh nhân kể được càng nhiều càng tốt. Ngược lại: Kể tên một số loại như cam, xoài, mít… bệnh nhân có thể nói được: trái cây.

- Đọc: Cho bệnh nhân đọc một số từ, từ ngắn đến dài dần: Ví dụ: Cam, bưởi - Chôm chôm, sầu riêng - Ăn trái cây tốt cho sức khỏe; Tập - đạp xe - đi bộ - tập dưỡng sinh - tập giúp vui, khỏe, đẹp - nên tập luyện hàng ngày; Tập nói - tập nói liên tục - tập nói kiên trì hàng ngày - Tập nói kiên trì hàng ngày sẽ nói được bình thường…
Sau đó có thể đọc báo, sách…

- Mô tả hình ảnh (nên đưa ra hình ảnh bệnh nhân ưa thích và hiểu biết thông tin về nó): Đưa cho bệnh nhân một bức ảnh hoặc tranh, bảo bệnh nhân mô tả đơn giản. Ví dụ: Đưa bức ảnh con của bệnh nhân rồi định hướng mô tả như: đây là ai, mấy tuổi, con thứ mấy, học lớp mấy, học trường nào…

Một số điểm chú ý khi tập luyện:

- Không tạo cho bệnh nhân có cảm giác mình là một đứa trẻ.

- Nên thay đổi cách tập và vị trí tập để tránh sự nhàm chán.

- Không nên tập quá nhiều vào cùng một lúc mà chia ra nhiều lần trong ngày để tránh mệt mỏi, quá sức của bệnh nhân.
- Tập từ dễ đến khó dần.

- Luôn luôn cổ vũ, động viên, khuyến khích bệnh nhân tập. Không được để bệnh nhân chán nản, thất vọng. Chán nản, thất vọng thì điều trị sẽ thất bại.

- Tạo ra môi trường vui vẻ

- Có thể nhiều thành viên tham gia tập cho bệnh nhân

- Khi tập cố gắng cho bệnh nhân nói to nhất có thể.

- Tập càng sớm càng có lợi.

Chúng ta hoàn toàn có thể phục hồi được ngôn ngữ và khả năng giao tiếp sau khi xảy ra tai biến mạch não. Chỉ cần chúng ta kiên trì, liên tục, không chịu nhường bước trước khó khăn, càng thành công hơn với sự hỗ trợ tích cực của chuyên viên ngôn ngữ trị liệu, người thân, bạn bè.

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng
Phụ trách khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng
Bệnh viện Nhân dân 115

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080