Mới đây nhất, đầu giờ chiều nay 23/4, một nhóm 8 học sinh lớp 6 ở Thanh Hóa rủ nhau ra biển tắm khiến 4 em bị nước cuốn ra biển, 1 em được lực lượng chức năng tìm thấy đã tử vong, 3 em hiện đang mất tích. Theo lực lượng chức năng, cơ hội sống sót của 3 em còn lại gần như không còn.
Thống kê của Bộ LĐ-TBXH cho thấy, mỗi năm, Việt Nam có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tỷ lệ trẻ em đuối nước tại Việt Nam hiện nay cao nhất Đông Nam Á và cao gấp 10 lần so với các nước đang phát triển.
Trong số đó, 53% trường hợp chết đuối xảy ra khi trẻ em chơi gần ao, suối, sông, hồ, kênh, mương… mà không có sự giám sát, bảo vệ của người lớn.
Vào mỗi dịp học sinh nghỉ hè, tỷ lệ đuối nước của trẻ em thường gia tăng.
- Ở khu vực nông thôn, tai nạn đuối nước cao gấp gần 4 lần so với khu vực thành thị. Xảy ra chủ yếu tại cộng đồng, chiếm 77,6% (ao, sông, suối hồ biển, ngã xuống hố ga, hố xây dựng); 15,8% tại gia đình và 6,6% tại nơi khác.
- Các chuyên gia của Chương trình Phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam cảnh báo, đuối nước có thể xảy ra với bất cứ người nào, kể cả người bơi thành thạo. Nếu không được cấp cứu kịp thời, xử lý đúng cách, nạn nhân có thể tổn thương nặng nề tim, phổi, thần kinh, thậm chí ngừng tim, ngừng thở, thậm chí là tử vong.
Với người khi đi tắm biển, cần tìm hiểu và trang bị các kỹ năng thoát hiểm khi bị dòng chảy cuốn trôi ra xa bờ.
- Nhận biết dòng chảy xa bờ bằng cách: Mặt nước nơi có dòng chảy xa bờ thường lặng, ít sóng nên dễ làm cho bạn hiểu lầm đó là nơi an toàn. Khi bạn bơi vào dòng chảy xa bờ, ngay lập tức nó kéo người biết bơi ra xa bờ làm cho người biết bơi kiệt sức khi cố bơi ngược dòng chảy xa bờ, rồi chết đuối. Bên cạnh đó, sự hoảng loạn khiến người bơi không còn khả năng phán đoán chính xác.
- Hết sức bình tĩnh, bơi thả trôi tự do theo dòng chảy xa bờ để tiết kiệm sức, không bơi ngược vào bờ.
- Tìm thời cơ, bơi
lách qua dòng chảy xa bờ từ hai phía. Sau khi thoát khỏi dòng chảy xa bờ, tìm
cách bơi ngược lại vào bờ.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM